Bài thơ “Thần” và đôi điều hiệu đính
Bài thơ “Thần” (Nam quốc sơn hà) được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam và tác giả là Lý Thường Kiệt. Đây cũng là tác phẩm được biên tập trong sách giáo khoa, THCS và THPT (Cấp 2 và cấp 3), nhiều thế hệ học sinh đã học và làm bài luận. Nhưng trải qua nhiều năm tháng những cái sai, cái lệch của nó vẫn chưa được điều chỉnh kịp thời để trả lại nó nguyên vẹn những ý nghĩa lịch sử và văn học...
Bài viết này, tập hợp lại một số tư liệu khảo cứu từ đó phân tích bổ sung thêm góp phần nhìn nhận rõ hơn những giá trị đích thực của nó.
Về tác giả và xuất xứ: Từ trước, bài thơ được cho là sáng tác của Lý Thường Kiệt trong lần chống Tống tại phòng tuyến Như Nguyệt năm 1077. Tuy nhiên mới đây, trong cuốn sách Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 2006, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định bài thơ này ra đời từ thời Tiền Lê và cũng được sử dụng trong trận đánh chống quân Tống, nhưng là lần đầu vào năm 981.
Ly_thuong_Kiet_moi2-590x466Năm 981, nhân khi cha con vua Đinh Tiên Hoàng vừa bị hại, trong nước Đại Cồ Việt có nội loạn (Đinh Điền, Nguyễn Bặc nổi dậy chống Lê Hoàn), Nhà Tống phát quân xâm lược. Lê Hoàn đã sai người ngâm bài thơ trên để khích lệ tướng sĩ và uy hiếp tinh thần quân Tống. Trên thực tế, tư liệu để lại xác đáng hơn cả là sách Lĩnh Nam Chích quái, khoảng trang 72-74 có ghi: “Đêm ấy Đại Hành mộng thấy hai thần nhân cùng xông vào trại giặc mà đánh. Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to, gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng. Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”. Quân Tống nghe thơ, xéo đạp vào nhau mà chạy tan… Lê Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng công thần, truy phong cho hai vị thần nhân… sai dân phụng thờ… nay vẫn còn là phúc thần”.
Trên thực tế, bài thơ mang dấu ấn dân gian, rất có thể một văn sĩ nào đó thời Lê Hoàn đã sáng tác. Ở Thời kỳ “U linh” đó việc mượn thần để thị uy kẻ thù đạt hiệu quả vốn là điều hiển nhiên. Bởi vậy bài thơ ra đời chỉ gọi là bài thơ “Thần” chứ không phải là Nam quốc sơn hà. Có 2 dấu ấn trong nội tại bài thơ minh chứng cho điều này . Một là từ “Đế” gắn với việc Lê Hoàn lần đầu tiên trong lịch sử đại Việt xưng đế. Hai là câu kết của bài thơ, quan điểm thần thánh lẽ trời rất rõ ràng.
Các nhà nghiên cứu gần đây thống nhất quan điểm Nam quốc sơn hà là bài thơ thần, xuất hiện dưới thời Lê Đại Hành. Sử sách (Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt điện u linh...), đều chép Lý Thường Kiệt sai người vào đền thờ anh em Trương Hống, Trương Hát (tướng của Triệu Việt Vương) ngâm bài thơ này nhưng không nói rõ ông là tác giả. Và ở thời kỳ ấy, Lý Thường Kiệt không có động thái “Phong thần” nếu thần mách bảo. Vì sao? giản đơn là bài thơ “Thần”này đã có từ trước. Như vậy, các tác giả kết luận: Lý Thường Kiệt chỉ là người vận dụng bài thơ này để đuổi quân Tống.
Bản phiên âm Hán Việt:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.namnQSH
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Bản dịch thơ:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách Trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Một số câu từ cần được điều chỉnh lại.
Bài thơ “Thần” vừa là một văn bản lịch sử, vừa là một tác phẩm văn học. Hai yếu tố này gắn kết với nhau trong một tác phẩm. Nếu bỏ qua một số từ ngữ quan trọng thì bài thơ sẽ mất giá trị đi rất nhiều.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Dịch là “Sông núi nước nam vua Nam ở”.
Trong câu này có một chữ “Đế” đặc biệt quan trọng , nhưng đã bị người dịch bỏ mất và thay bằng từ “Vua” thành ra Nam đế hoá Vua Nam. Quan niệm đạo trời thời kỳ phong kiến cho rằng Trời (Ngọc đế) là chí tôn vô lượng cai quản toàn bộ vũ trụ. Bởi vậy, mỗi phần đất trần gian được giao cho con cái người chọn cai quản, những người ấy là Thiên tử (Con trời). Những Thiên tử này xưng Đế. đặc biệt ý tưởng này trở thành ý tưởng thống trị của giai cấp phong kiến Trung Hoa.
Năm 221 trước Công nguyên, Tần Vương Doanh Chính thống nhất các nước nhỏ, các dân tộc khác nhau trên một vùng rộng lớn tạo ra tiền đề để tạo thành nước Trung Quốc sau này. Vua Tần là Doanh Chính vốn đang xưng Vương không muốn dùng lại danh xưng Vương như vua nhà Chu, mà sau này sẽ được dùng làm tước phong tặng cho các công thần của mình (tước Vương). Để chứng tỏ đẳng cấp cao hơn của vua nhà Tần mới so với vua nhà Chu cũ, phân rõ tôn ti trên dưới với các vua cai trị các tiểu quốc cũ đã bị tiêu diệt, tỏ rõ thần quyền phong kiến chính danh với dân các nước đã bị chiếm đoạt, tiêu diệt, Tần Doanh Chính đã ghép chữ Hoàng là danh xưng của 3 vị vua thời Tam Hoàng và chữ Đế là danh xưng của 5 vị vua thời NGũ đế thời thượng cổ thành tước vị Hoàng đế, và trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nước Tần, tức là Tần Thuỷ Hoàng. Từ đó các vị vua Phong kiến chính thống ở Trung Quốc cũng dùng danh vị này, và tước Vương trở thành bậc thứ hai.
Như vậy bản dịch là Vua, thì vua Việt chỉ là “Vương” cùng đẳng cấp với bậc “Vương” ở Trung Quốc mà thôi và dưới trướng của “Hoàng đế”. Điều này trong Bình Ngô đại cáo cũng dịch chưa chuẩn :
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
( Nguyên thể : “ Mỗi bên xưng đế một phương”).
Cái thâm thuý của tác giả là gửi gắm niềm tự hào dân tộc, ý thức chủ quyền lãnh thổ văn hoá và nhà nước ở cả chữ “Đế”. Ở đây là sự ngang bằng cùng bậc. Từ “ Đế” được xướng lên với một niềm kiêu hãnh và ngập tràn sức mạnh tự tôn.
Về câu kết của bài thơ : Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Nghĩa : chúng bay sẽ tự chuốc lấy thất bại) Dịch : Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Về mặt âm hưởng của thời đại thần thánh trong logic với câu thứ 2 “ định phận tại thiên thư”, thì dịch như vậy là sai toàn câu. Lo gíc của bài thơ là nước Nam và chủ quyền đã được trời phân định, do vậy xâm lăng là trái đạo trời và vì vậy mà chuốc lấy bại vong. ý và tứ như vậy, nó lại được ngân lên trong đêm chiến tuyến với màu sắc kỳ bí “Thần bay lượn” và đọc bài thơ này, thì đối phương mới khiếp sợ thực sự. Vì chúng là đạo quân viễn chinh xâm lược trái phép trời. Theo đó mà sức mạnh “Tâm lý chiến” của bài thơ tăng lên bội phần giá trị xét theo phương diện không duy tâm.
Về mặt cấu trúc ngữ nghĩa của câu, dịch như vậy bị mất hẳn ý tứ mà tác giả dụng công. Ở đây, ngữ “Thủ bại hư” (Tự chuốc lấy thất bại) có động từ chủ động “Thủ”. Câu này ý nói tự mình làm mình thua vì trái luật trời. Nó khác biệt với chúng bay sẽ bị đánh tơi bời, trong đó ngữ động từ “Bị đánh tơi bời” có động từ bị đánh là động từ bị động. Nó mang hàm nghĩa chúng bay sẽ bị quân đại Việt đánh cho thất bại. Phân tích vậy để thấy 2 cách dịch tạo ra 2 chủ thể khác nhau. Một: Giặc chính là chủ thể làm nên sự thất bại và hai: Quân đại Việt chủ động làm giặc thất bại.
Từ những dẫn liệu và phân tích trên, có thể khẳng định công việc đi tìm tác giả Bài thơ “Thần” có lẽ sẽ không có đáp án, nhưng chắc chắn không phải của Lý Thường Kiệt. Nó ra đời vào thời đại của Lê Đại Hành. Về bản dịch, đã đến lúc các nhà Hán học cần có một bản dịch mới hoàn hảo hơn cho người đọc và người học; bởi đây là một văn bản lịch sử và văn học quý hiếm của dân tộc Việt Nam.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn