Ai lo giữ mái nhà chung
SGTT.VN - Đối diện với cơn lũ hàng hoá Trung Quốc thời nay là một khó khăn toàn cầu, nhiều nước mạnh và giàu cũng phải chống đỡ chúng một cách khó khăn, song có thành trì nào mạnh mẽ hơn niềm tin của nhân dân?
Sữa vừa đắt vừa có nguy cơ nhiễm melamine, đồ chơi trẻ em, quần áo nhiễm độc hại sức khoẻ, đồ gỗ, kính xây dựng, thép chất lượng thấp đang muôn nẻo đổ về nước ta. Xuất đi 1 đồng, nhập về 5 đồng hàng hoá từ nước láng giềng phương Bắc, càng tăng thương mại, chúng ta càng tạo nhiều công ăn việc làm cho người nước ngoài. Ai lo sức khoẻ và bảo vệ quyền lợi người dân trước hàng ngoại nhập kém phẩm chất? Mái nhà chung, ai bây giờ lo giữ?
Của đau con xót, ai thiệt trước phải kêu trước. Các hãng sản xuất kính xây dựng trong nước dường như đã thành công bước đầu trong việc kêu gọi chính quyền nước ta thử sức với biện pháp tự vệ. Thì cũng thế, nếu các hãng sản xuất quần áo trong nước bị chèn ép bởi quần áo giá rẻ nước ngoài, họ phải đoàn kết thành một khối và kêu lên. Không thể chờ trời cứu, nếu cho rằng quần áo, vải vóc, phụ liệu dệt may ngoại nhập có chứa formaldehyde hại cho da, các hãng quần áo trong nước phải tự lo quyên tiền cho nghiên cứu và chủ động thuyết phục tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm ngăn hàng kém phẩm chất, bảo vệ sức khoẻ con người, mà cũng là bảo vệ hàng nội.
Cũng như thế, quan chức nào mà thạo về tiêu chuẩn đồ chơi trẻ em hơn chính những nhà sản xuất đồ chơi? Nếu doanh nghiệp không tự lo liên kết, không quyên tiền để nghiên cứu xây dựng chuẩn, có ở xứ nào quan viên nhà nước bỗng dưng sốt sắng lo thay doanh nghiệp. Ngăn cản hàng ngoại nhập kém phẩm chất một cách tốt nhất, kín đáo nhất, hợp pháp nhất thời nay chính là bằng các hàng rào kỹ thuật. Các hàng rào ấy phải do doanh nghiệp trong nước hợp sức nghiên cứu và đề xuất, kiên trì bền bỉ vận động chính quyền chấp nhận và thực hiện. Nếu giỏi kiếm tiền mà không thạo nghiên cứu, các hiệp hội doanh nghiệp có thể tài trợ để lập mới hoặc thuê các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học hay các nhà trường nghiên cứu giúp. Dưới sức ép và vận động tài chính từ khu vực doanh nghiệp, nghiên cứu và đề xuất ý tưởng từ các viện nghiên cứu, cộng với dư luận xã hội được truyền tải qua báo chí, các chính sách ngăn cản khôn khéo mới có thể hình thành.
Thụ động và chậm phản ứng với hàng ngoại nhập kém phẩm chất, độc hại là cái giá chúng ta phải trả cho tư duy xây dựng hiệp hội nặng tính hành chính từ trên xuống dưới; những hiệp hội bên cạnh nhà nước, dẫn đường và đôi khi nói thay nhà nước; cán bộ hiệp hội đôi khi hành xử tựa công chức, cũng ỷ lại, chờ chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện từ bên trên. Chậm phản ứng cũng còn là cái giá chúng ta phải trả cho sự thiếu các trung tâm phản biện và dự báo chính sách độc lập. Quan chức nhà nước không hiếm người thông minh và đầy sáng tạo; song trong một bộ máy quyền lực mang tính tuân thủ, dường như chấp hành phổ biến hơn cạnh tranh ý tưởng. Lợi ích gần bó viễn kiến xa xôi. Chính vì thế, một đạo luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành từ những năm 2006, song cho đến nay đụng đến đâu chúng ta vẫn thiếu chuẩn ở đó.
Hàng ngoại nhập kém phẩm chất đâu dễ tung hoành nếu người mua khó tính. Người dân nước ta hiền lành và quen thiếu thốn, thiếu tự tin khi từ chối và tẩy chay hàng ngoại nhập kém phẩm chất, không thể mong qua một đêm họ có thể trở thành người mua khó tính. Chỉ có điều ai chẳng lo cho sức khoẻ và mong cho con cháu được an lành; người Việt nào mà chẳng tiết kiệm, muốn sắm cái mình cần với chi phí hợp lý, thêm nữa người Việt nào mà chả dư lòng yêu nước, mến yêu hàng hoá Việt. Chính quyền, nếu muốn khéo léo giúp người mua Việt Nam từ dễ dãi trở thành người mua khó tính, cũng có thể nghĩ ra nhiều cách để làm.
Thụ động và chậm phản ứng với hàng ngoại nhập kém phẩm chất, độc hại là cái giá chúng ta phải trả cho tư duy xây dựng hiệp hội nặng tính hành chính, cho sự thiếu các trung tâm phản biện và dự báo chính sách độc lập. |
Nếu lãnh đạo ít ra ở cấp xã được bầu trực tiếp, nếu thành viên hội đồng nhân dân ở địa phương gắn bó tự nhiên hơn với cử tri, những người dân biểu ấy sẽ đeo bám và hối thúc chính quyền mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, trong thời của mở cửa và tự do thông tin, dù rằng sự trung thành của các quan chức chính trị cần được đề cao, thì đối với cấp chuyên viên tư vấn cần đề cao kỹ trị. Chỉ có một bộ máy chính quyền bị thách thức và soi xét liên tục bởi ý kiến nhân dân, mới mong biết cách phản ứng một cách khôn ngoan để bảo vệ nhân dân trước những nguy cơ lâu dài, mà cụ thể là của hàng ngoại nhập kém phẩm chất.
Bó hẹp bởi những lợi ích địa phương, thoả hiệp với những nhóm quyền lực đặng duy trì chức vụ của mình, trong cấu trúc quản trị quốc gia chúng ta thấy nổi lên hầu hết là lợi ích các tỉnh, các ngành mà thiếu vắng các thiết chế đại diện cho lợi ích toàn quốc gia. Lúi húi với những dan díu quyền lợi hẹp, ai sẽ lo cho mái nhà chung?
Giới doanh nhân dũng cảm, giới chức cầm quyền có liêm sỉ, giới trí thức có bản lĩnh độc lập, nếu từng ấy lực lượng góp phần dẫn dắt và trung thực phục vụ những người dân được mở mang tâm trí, chúng ta không lo thiếu người và nguồn lực để giữ mái nhà chung. Đối diện với những cơn lũ hàng hoá Trung Quốc thời nay là một khó khăn toàn cầu, nhiều nước mạnh và giàu cũng phải chống đỡ chúng một cách khó khăn, song có thành trì nào mạnh mẽ hơn niềm tin của nhân dân? Một cuộc cải cách dường như rất cần để giúp chính quyền nước ta vừa gần dân, vừa mạnh mẽ và hiệu năng hơn.
Nguồn:Sài Gòn Tiếp thị
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý