"Điều khiến Trung Quốc sợ và không ngờ tới"

08:34 CH @ Thứ Năm - 14 Tháng Bảy, 2011
“Sức mạnh của dân tộc và thời đại, cộng thêm sự khôn khéo, biết điều, sáng tạo, dám có đột phá trong đường lối chính sách đối ngoại chính là sự bảo vệ có hiệu quả nhất chủ quyền biển đảo của nước ta lúc này”, đó là lời chia sẻ của ông Dương Danh Dy - người từng có 10 năm làm công tác ngoại giao tại Trung Quốc với báo Giáo dục Việt Nam.

“Trung Quốc vừa đấm vừa xoa”

Một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang sử dụng luật chơi 2 mặt trong vấn đề Biển Đông. Chỉ vài ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về An ninh khu vực, tàu Bình Minh bị cắt cáp. Sau cuộc gặp bên lề với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh cam kết xử lý tranh chấp hòa bình và gìn giữ tình hữu nghị Trung – Việt, ba tàu bán vũ trang của nước này lại tấn công, cắt cáp tàu Viking 2. Trong cuộc gặp cấp cao Trung Việt, Trung Quốc tái khẳng định gìn giữ quan hệ láng giềng. Nhưng liền sau đó, Tướng Bành Quang Khiêm lại tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam bài học lớn hơn. Ông có bất ngờ về điều này không?

Ông Dương Danh Dy: Tôi hoàn toàn không bị bất ngờ.Vì như trước đây tôi đã nói nhiều lần, Trung Quốc luôn áp dụng chiêu bài “lúc đấm”, “lúc xoa”, có khi “vừa xoa, vừa đấm”. Như thời điểm này, Trung Quốc“ vừa xoa” bằng cách không hạ thủy tàu sân bay, mời 10 đặc phái viên Việt Nam và Ngoại trưởng Philippin sang Trung Quốc đàm phán… Nhưng ngay lập tức lại “đấm” ở chỗ: tuyên bố sẽ dạy Việt Nam một bài học… Đó là một thủ đoạn bất biến của Trung Quốc mà chúng ta cần phải cảnh giác.

Về sự kiện Trung Quốc tạm hoãn hạ thủy tàu sân bay, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, Trung Quốc đã có dấu hiệu của sự chùn bước, ông suy nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Dương Danh Dy: Trung Quốc hoãn hạ thủy là vì Việt Nam đã có thái độ phản đối cứng rắn và thế giới đang lên tiếng. Nếu cứ ngoan cố hạ thủy tàu không hạm thì không tránh khỏi sự phản đối, giận dữ của nhân dân thế giới.

Tuy nhiên, với quyết tâm và mộng bá quyền của Trung Quốc từ trước tới nay, chắc chắn họ sẽ vẫn tiếp tục làm tới cùng. Biển Đông đối với Trung Quốc không chỉ là địa bàn chiến lược mà còn có ý nghĩa sống còn. Đây không chỉ là nơi giàu có về tài nguyên khoáng sản, hải sản mà còn là con bài quan trọng để tác động, gây sức ép đối với Việt Nam, hòng biến Việt Nam thành quốc gia chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, sẵn sàng trở thành đồng minh khi Trung Quốc cần đến.

Chính vì vậy, tình hình Biển Đông từ nay đến trước Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (diễn ra vào mùa thu năm 2012) sẽ tiếp tục còn nhiều diễn biến phức tạp.

“Chống bá quyền của Trung Quốc chứ không bao giờ chống người dân Trung Quốc”

Trong thời gian ở Trung Quốc, có những câu chuyện nào khiến ông nhớ nhất về vấn đề chủ quyền, biển đảo và tình hữu nghị của nhân dân Trung Quốc dành cho Việt Nam?

Ông Dương Danh Dy: Tôi đã làm việc tại Trung Quốc 3 khóa: 1966 – 1970, 1977 – 1981 và 1993 – 1996. Trong đó hai khóa ở Bắc Kinh và một khóa ở Quảng Châu, chưa kể tới những chuyến đi ngắn hạn. Cũng có nhiều người đã ở Trung Quốc như tôi nhưng ít ai lại ở vào đúng ba thời điểm đặc biệt này.

Thời kỳ 66 – 70 là giai đoạn Trung Quốc viện trợ, giúp Việt Nam đánh Mỹ và cũng là thời kỳ Trung Quốc thực hiện cuộc Cách mạng Văn hóa nên tôi thấy được cả hai mặt. Một mặt là tình hữu nghị của Trung Quốc với Việt Nam, mặt khác là những mâu thuẫn nội tại của quốc gia này.

Dân Trung Quốc lúc đó mới ra khỏi nạn đói, mỗi người dân Trung Quốc chỉ được nhận 1 thước Trung Quốc, tức 33 cm vải để vá quần áo, thế mà họ đưa vải, đưa gạo, đưa xe đạp và vũ khí cho Việt Nam. Tôi đã từng làm việc và trực tiếp tiếp xúc với rất nhiều người Trung Quốc. Họ sẵn sàng đóng góp tiền ủng hộ Việt Nam, biến những lá thư gửi tiền tuyến thành những vở kịch ca ngợi chống Mỹ.

Thời kỳ thứ II, hai bên đối đầu căng thẳng nhưng cũng không ít người dân Trung Quốc phản đối chính sách của nhà cầm quyền.

Thời kỳ thứ III, Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ. Tôi làm Tổng lãnh sự quán ở Quảng Châu và kết bạn với rất nhiều người Trung Quốc. Họ đã chia sẻ và cảnh báo với tôi rất nhiều vấn đề về tài nguyên, kẹt xe, ô nhiễm… mà tới bây giờ nghiệm lại thấy đều đúng cả.

Như vậy, mặc dù có những thời điểm hòa hảo, có những thời điểm căng thẳng nhưng đông đảo người dân Trung Quốc đối với chúng ta vẫn là những người anh em tốt. Tôi không bao giờ quên những gương hy sinh của họ đối với Việt Nam. Chúng ta chống là chống sự bá quyền của một số người Trung Quốc chứ không bao giờ chống người dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, người dân Trung Quốc hiện nay còn rất “mù mờ” về vấn đề biển Đông?

Ông Dương Danh Dy: Đúng vậy. Gần đây, sự tuyên truyền của chúng ta trong nội bộ Trung Quốc còn kém nên thái độ của người Trung Quốc đối với ta không còn được như ngày xưa, thậm chí còn có những hiểu nhầm. Vì vậy, Việt Nam phải có đài phát tiếng Trung, trang web tiếng Trung để cho họ hiểu hơn về những vấn đề có liên quan tới hai quốc gia.

Tôi còn nhớ, năm 1993, khi tôi bắt một chiếc taxi tại Trung Quốc, người lái taxi có hỏi tôi rằng: “Ở Việt Nam đã hết đánh nhau chưa?”. Rõ ràng, họ chưa hiểu hết về đất nước chúng ta, trong tưởng tượng của họ, Việt Nam vẫn chỉ là một quốc gia luôn chìm trong chiến tranh và hết sức nghèo nàn.

Thưa ông, có một số lo ngại rằng, tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang lên tại Trung Quốc và Việt Nam sẽ là rào cản cho việc gìn giữ mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia?

Ông Dương Danh Dy: Đã nói đến dân tộc thì bao giờ cũng tỉnh táo. Có cá biệt số ít người Việt Nam cũng như Trung Quốc bị kích động, bị lợi dụng. Do không hiểu biết nên có những hành động bồng bột, quá khích… Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là cái nhất thời. Còn tinh thần dân tộc chân chính của Việt Nam cũng như Trung Quốc sẽ giúp cho 2 bên tìm ra được một giải pháp thỏa đáng.

Việt Nam là nước đã từng chịu Bắc thuộc 1000 năm, một số người Trung Quốc cho rằng, Việt Nam đã là một phần của Trung Quốc nhưng những người Trung Quốc chân chính vẫn công nhận chúng ta là một quốc gia độc lập. Mối quan hệ có lúc thăng lúc trầm nhưng rồi hai bên vẫn chung sống hòa bình và gắn kết với nhau.

Chỉ có điều, trong tình hình mới này, chúng ta cần có cách cư xử khôn khéo, phù hợp. Chúng ta vẫn giữ thái độ ôn hòa với họ, không phải vì tình hình căng thẳng tại Biển Đông hiện nay mà chúng ta tỏ ra bất chấp. Chúng ta vẫn hết sức tôn trọng những lợi ích chính đáng của họ. Còn những lợi ích không chính đáng, chúng ta kiên quyết chống tới cùng.

“Chưa bao giờ chúng ta có sự thuận lợi như hiện tại”

Đâu là giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược cho Việt Nam trước thái độ ngày càng hung hăng hơn của Trung Quốc?

Ông Dương Danh Dy: Thứ nhất, chúng ta phải cương quyết cho Trung Quốc thấy Việt Nam không bao giờ chấp nhận đường ranh giới “lưỡi bò” trên biển mà Trung Quốc vẽ trên bản đồ. Đồng thời, ta cũng phải để nhà cầm quyền Trung Quốc và đông đảo nhân dân Trung Quốc thấy rằng, đây là những yêu cầu tối thiểu, có lý có tình mà Việt Nam không thể thỏa hiệp, nhượng bộ.

Thứ hai, cần làm cho khối ASEAN nhất là những nước có liên quan trực tiếp tới Biển Đông thấy rõ cùng nhau tránh được âm mưu “chia để trị”, “bẻ gãy từng chiếc đũa” tiến tới thôn tính toàn bộ của Trung Quốc.

Thứ ba, cần phải công khai hóa vấn đề, quốc tế hóa vấn đề. Mức độ công khai, thời điểm công khai và vấn đề công khai cần được nghiên cứu nghiêm túc đạt được sự nhất trí cao và do một mối quản lý. Rõ ràng, khi chúng ta công khai sự kiện tàu Bình Minh và tàu Viking 2 bị cắt cáp, chúng ta đã tranh thủ được sự đồng thuận của đông đảo đồng bào trong, ngoài nước và dư luận quốc tế, tạo một sức ép đáng kể lên phía Trung Quốc.

Chúng ta cần quốc tế hóa vấn đề biển Đông bằng nhiều con đường, trong đó phải coi trọng diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Đây là một cách “chơi bài” trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu rộng hơn.

Thứ tư, xin nhấn mạnh một vấn đề mà ai cũng biết, đó là nhanh chóng tăng cường sức mạnh tổng hợp, tăng cường sự đoàn kết dân tộc. Chỉ khi nào nền kinh tế của chúng ta phát triển vững chắc, lớn mạnh, uy tín của Việt Nam tại khu vực và trên trường quốc tế mới ngày một tăng cường. Bên cạnh đó, chúng ta không chạy đua vũ trang song cần trang bị cho quân đội nhiều trang thiết bị hiện đại hơn để đảm bảo an ninh dân tộc.

Ngoài ra, như tôi đã nói, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền vào nội bộ Trung Quốc thông qua trang web chuyên về Biển Đông, trang web tiếng Trung Quốc để nói lên tiếng nói chính nghĩa của chúng ta với nhân dân Trung Quốc.

Sức mạnh của dân tộc và thời đại, cộng thêm sự khôn khéo, biết điều, sáng tạo, dám có đột phá trong đường lối chính sách đối ngoại chính là sự bảo vệ có hiệu quả nhất chủ quyền biển đảo của nước ta lúc này.



Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang lái mâu thuẫn với Việt Nam về trạng thái song phương, ngay trong bối cảnh có hàng loạt nỗ lực đa phương để kiềm chế xung đột. Cụ thể hơn là vẫn luôn nói rằng giữ quan hệ hữu hảo nhưng vẫn gia tăng tranh chấp, lấn ngày càng sâu vào vùng chủ quyền Việt Nam, để buộc Việt Nam phải vào thế tự vệ đơn phương khi Mỹ không kịp trở tay hoặc không thể can thiệp khi xung đột nhỏ lẻ. Ông đánh giá gì về nhận định này?

Ông Dương Danh Dy: Đúng vậy, Trung Quốc đang muốn tách Việt Nam ra khỏi Mỹ, ra khỏi ASEAN và các nước lớn. Bởi vì có một điểm rõ ràng, Việt Nam đang phải đối phó với một Trung Quốc rất mạnh nhưng chưa bao giờ chúng ta có sự thuận lợi như hiện tại. Các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật đều đồng tình và đứng về phía chúng ta. Điều này làm Trung Quốc “sợ”, Trung Quốc không ngờ tới.

Khi Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ, lập tức Mỹ quay trở lại họp với ASEAN. Ngoài ra, Philippines và Việt Nam đã mau chóng cổ vũ, động viên nhau để cùng giữ một thái độ kiên quyết, cứng rắn. Điều cốt lõi là cần phải cho người dân Việt Nam thấy, Trung Quốc là một nước mạnh, lắm mưu, nhiều kế nhưng không phải không có điểm yếu. Và chúng ta không hề phải lo sợ.

Lực lượng nghiên cứu Trung Quốc ở nước ta hiện nay không ít, nhưng phân tán, rời rạc, thiếu chuyên gia đầu đàn, thiếu chuyên gia giỏi cho từng lĩnh vực?

Ông Dương Danh Dy: Đó chính là một vấn đề tồn tại của ta lúc này. Lực lượng chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc hiện nay còn tản mạn, chưa tập trung. Chúng ta cần mau chóng tập hợp lại thành một bộ phận chuyên trách, làm nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Phải tuyển chọn người có tài, có đức, không phân biệt bằng cấp để đoàn kết lại vì mục tiêu chung. Làm sao nơi đó phải trở thành cái “túi khôn” giúp đỡ lãnh đạo Đảng và Nhà nước xử lý mọi việc liên quan.

Xin cảm ơn ông!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tư duy địa kinh tế - địa chính trị

    23/05/2016Nguyễn Trần BạtGần 30 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, khoảng thời gian đủ dài để một đất nước phát triển tới tầm cao mới về chất, nhưng Việt Nam vẫn không thể phát triển, trái lại vẫn mắc kẹt trong những tình thế kinh tế - chính trị bất lợi. Nguyên nhân của tình trạng này có phần rất lớn thuộc về trách nhiệm của công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh tế...
  • Thách thức Biển Đông và "chiếc nỏ thần" Việt Nam

    09/09/2014TS Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore)Để vượt qua thách thức nghiệt ngã hiện nay, Việt Nam cần hiểu rõ hơn Trung Quốc. Đây là một dân tộc có nền văn hóa lớn, lâu đời, với nhiều thành quả huy hoàng trong quá khứ nhưng đã bị kìm nén nặng nề trong hàng trăm năm qua do chính sách đóng cửa và não trạng mê muội...
  • Chúng ta và Trung Quốc đều cần hòa bình hơn chiến tranh

    07/05/2014Phỏng vấn nhà văn Tạ Duy AnhCuộc xâm lăng văn hoá của Trung Quốc vẫn liền mạch từ cả ngàn năm nay. Nhưng chúng ta có bị nô dịch không thì vấn đề đã rõ. Tuy nhiên, cho dù sức đề kháng mạnh đến đâu thì cũng không thể chủ quan. Vả lại cũng nên phân biệt rõ đâu là sự xâm lăng có chủ ý, đâu là ảnh hưởng mang tính toàn cầu hoá. Nếu là do toàn cầu hoá thì chống lại bằng cấm đoán là vô nghĩa...
  • “Trung Quốc sẽ nhận một bài học xác đáng”

    14/07/2011Huyền AnhĐó là nhận định của Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Lê Mã Lương, người nổi tiếng với câu nói "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù..." khi trao đổi với Báo GDVN về vấn đề biển đảo của dân tộc...
  • Còn bạn sẽ làm gì trong tình hình Biển Đông căng thẳng hiện nay?

    13/07/2011Giáo sư Carlyle A. Thayer- Nếu là một người Việt Nam ông sẽ làm gì lúc này?
    - Nếu là một người Việt Nam tôi sẽ bày tỏ sự lo ngại với chính phủ Việt Nam về nguy cơ về chủ quyền quốc gia do hành vi của Trung Quốc gây ra...
  • Biển Đông: Mặt Trận không tiếng súng

    09/07/2011Lê Hồng NhậtTrong chuỗi các tranh chấp về chủ quyền gần đây giữa Trung quốc với Việt Nam và Philippins ngay tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước này, khiến cho dư luận lo ngại nguy cơ chạy đua vũ trang, gây mất ổn định khu vực, và nêu ra sự cần thiết có cơ chế an ninh khu vực đủ hiệu quả để ngăn chặn nguy cơ này. Người viết bài này cho rằng, nguy cơ chạy đua vũ trang của các nước nhỏ trong vùng quanh Biển Đông sẽ không phải là xu thế chủ đạo...
  • Vấn đề trên biển Đông

    06/07/2011Hồn Việt“Vũ hoàng khai biên ý vị dĩ” (Hoàng đế nhà Hán mở rộng biên giới ý chưa thôi) có ý phê phán các hoàng đế Trung Hoa xâm lấn các nước chung quanh. Từ thời Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… nước Việt ta đều là đối tượng của các cuộc chiến tranh “khai biên”, xâm lược của họ. Lòng tham của các hoàng đế Trung hoa là vô hạn.
  • “Sự kiên định của chúng ta chính là cứu một tương lai tiêu cực của Trung Quốc”

    29/06/2011Nguyễn Phan KhiêmTrong lúc cả nước hướng về Biển Đông bao la của Tổ quốc, cùng nhau đóng góp sức lực, trí tuệ để bảo vệ chủ quyền dân tộc, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt xung quanh vấn đề nóng bỏng này…
  • xem toàn bộ