"Cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh”
Thế giới và khu vực bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI với biết bao phức tạp, rối ren. Sau những năm tháng tưởng như hưng thịnh vào đầu những năm 2000, tới cuối thập kỷ bỗng bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy giảm kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất trong 80 năm. Cho tới nay, kinh tế thế giới vẫn chưa vực dậy được. Một loạt nước châu Âu tưởng như rất giàu sang bỗng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, thậm chí nước giàu nhất thế giới là Mỹ cũng thành "Chúa Chổm".
Sau sự lụn bại đó, kinh tế thế giới đang trải qua một cuộc đại phẫu: Từ cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tài chính-tiền tệ cho tới chính sách, cơ chế quản lý; sức mạnh các nền kinh tế và quan hệ kinh tế quốc tế đang được xếp sắp lại... Về chính trị-an ninh, thế giới đang chứng kiến hai cuộc chiến tranh nóng kéo dài ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, sự xáo động xã hội dữ dội ở Trung Đông, Bắc Phi, không ít cuộc khủng bố, xung đột, căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên, kể cả trên Biển Đông; sức mạnh các quốc gia và bàn cờ quốc tế đang chuyển dịch mạnh.
Những diễn biến dồn dập về cường độ, rộng lớn về phạm vi, sâu sắc về ý nghĩa nói trên cho thấy cục diện thế giới ẩn chứa rất nhiều nhân tố bất định đòi hỏi mọi quốc gia, trong đó có nước ta, phải tỉnh táo nắm bắt, chọn lựa chính xác cách hành xử thích hợp.
Nhìn nhân tình thế thái mới, có lẽ nên ôn lại và vận dụng thật tốt những bài học của nền ngoại giao Hồ Chí Minh để ứng phó với cái "vạn biến" đang diễn ra.
Trong hơn 65 năm qua kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã phải trải qua biết bao thử thách, biết bao thời khắc hiểm nguy: Nào là thù trong giặc ngoài khi nước Việt Nam độc lập còn trong trứng nước, nào là mấy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm liên tiếp và kéo dài, nào là tình thế bị bao vây cô lập hơn một chục năm trời. Thế nhưng nhân dân ta đã vượt qua được tất thảy, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động ngoại giao. Ngày nay, lực và thế của nước ta đã khác hẳn trước, há nào không xây dựng và bảo vệ thành công đất nước? Ôn cựu, trước hết là ôn lại và củng cố niềm tin; không có nó thì chẳng làm nên điều gì!
Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 nước đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bàn về vấn đề hòa bình trong khu vực, khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng đầu tiên, được tổ chức tại Hà Nội tháng 10-2010. Ảnh tư liệu
Niềm tin ở đây không phải là mù quáng mà dựa trên những bài học của quá khứ, sự nhận diện một cách khoa học, tỉnh táo hiện tại và đoán định tương lai.
Trên chặng đường nào cũng vậy, điều then chốt là xác định cho trúng và kiên trì cái "bất biến", hay nói một cách khác là cái lợi ích chính yếu của đất nước. Ngày nay, phải chăng cái "bất biến" đối với nước ta là "lợi ích kép": Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời duy trì sự ổn định chính trị-xã hội trong nước và môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung vào nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội. Hai vế đó gắn bó mật thiết với nhau, tác động qua lại và là tiền đề của nhau. Nói một cách hình tượng thì hai vế đó giống như hai cái cánh của một con chim; gẫy cánh nào chim cũng không bay nổi.
Đối với mọi quốc gia, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là nghĩa vụ thiêng liêng; không bảo vệ được chúng thì khỏi nói đến chuyện phát triển. Ngược lại, không nỗ lực tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất để phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia thì cũng không lấy đâu ra "thực lực" và không thể tạo dựng được "vị thế" cần thiết để bảo vệ đất nước. Do đó bất luận thế nào, về phần mình, chúng ta cần chủ động "ứng vạn biến" để bảo vệ trọn vẹn cả hai vế. Đương nhiên, làm được như vậy không dễ vì có những nhân tố không tùy thuộc vào bản thân chúng ta. Nhưng càng khó chúng ta càng cần huy động nguồn trí tuệ và sự khôn khéo vốn có của trường phái ngoại giao Việt Nam mà Bác Hồ là một biểu tượng sáng ngời.
Khéo gì thì khéo vẫn phải có thực lực cả về vật chất lẫn tinh thần, hữu hình lẫn vô hình. Chỉ có vậy mới vận dụng được bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc, trước hết nằm ở sức mạnh kinh tế và quốc phòng-an ninh. Để củng cố sức mạnh ấy, đương nhiên Nhà nước gánh trách nhiệm lớn song rất cần sự đồng lòng, nhất trí và sự đóng góp thiết thực của mỗi người chúng ta bằng những hành động cụ thể. Lòng yêu nước lúc này cần được thể hiện không chỉ bằng những lời nói mà trước hết trong những việc làm góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh.
Bên cạnh sức mạnh vật chất, dân tộc ta vốn có những sức mạnh vô hình, nhiều khi còn lớn hơn sức mạnh vật chất. Đó là sức mạnh chính nghĩa, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc. Vốn bị áp bức, đè nén, xâm lược, bao vây, nghèo nàn, nhân dân ta luôn theo đuổi những mục tiêu chính đáng: Quyền được sống trong điều kiện độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, được an hưởng hòa bình, có được cuộc sống ấm no hạnh phúc, có quan hệ hợp tác hữu nghị với mọi dân tộc trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi dựa trên luật pháp quốc tế. Tính chính nghĩa của những mục tiêu theo đuổi tạo nên sức mạnh tinh thần, quy tụ ý chí toàn dân tộc, đồng thời tranh thủ được sự đồng tình của mọi người có lương tri trên thế giới.
Tinh thần yêu nước cháy bỏng và khối đoàn kết dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm giữ nước, thường được thể hiện mạnh mẽ mỗi khi đất nước gặp khó khăn thử thách. Lúc này đây, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc cần được quy tụ vào việc bảo đảm cả hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi hành vi, cho dù xuất phát từ những động cơ rất trong sáng, nhưng vô hình trung tạo ra sự phân tâm hoặc bất ổn xã hội, gây trở ngại cho việc củng cố tiềm lực, triển khai chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa đều có thể làm cho sức mạnh dân tộc bị suy yếu, chỉ có lợi cho những người muốn thấy một nước Việt Nam yếu và chia rẽ. Đó là chưa kể một số kẻ mưu toan "đục nước béo cò", lợi dụng nhiệt huyết của các tầng lớp nhân dân để phục vụ cho những tính toán riêng của họ.
Nhân dân ta còn có một sức mạnh khác mà không phải dân tộc nào cũng có. Đó là mối cảm tình, sự tôn trọng của nhân dân thế giới do ý chí đấu tranh kiên cường, sự hy sinh lớn lao và những cống hiến quý báu vào sự nghiệp độc lập dân tộc trong quá khứ cũng như thái độ đầy trách nhiệm và những đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển hiện nay.
Hoạt động ngoại giao tích cực, chủ động, linh hoạt với tinh thần rộng mở và thái độ trách nhiệm cao, ra sức đóng góp cho sự nghiệp hòa bình, hợp tác phát triển chung của khu vực và thế giới, qua đó thu phục lòng người có thể tạo nên "sức mạnh mềm" có lợi cho việc củng cố thế và lực của đất nước. Thực tiễn lịch sử cho thấy, trong khi "lực" chưa mạnh đủ mức nhưng tạo được "thế" thuận lợi thì lực sẽ được nhân lên bội phần. Trước đây đã vậy, ngày nay không khác.
Trong hoàn cảnh hiện nay, sức mạnh thời đại thể hiện trong khát vọng của nhân dân thế giới về hòa bình và hợp tác để phát triển, về một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế bình đẳng, cùng có lợi dựa trên những chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Xu thế toàn cầu hóa tạo nên tính tùy thuộc lẫn nhau, lợi ích đan xen. Mọi quốc gia lớn nhỏ đều phải cân nhắc thiệt hơn trong sự hành xử của mình nếu đi ngược lại những chiều hướng đó.
Những ước nguyện chính đáng của nhân dân ta bắt gặp ý nguyện và xu thế chung của nhân loại tạo nên sức mạnh to lớn, giúp nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thử thách mới.
Kiên trì, nhất quán theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đi liền với chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa là một bài học lớn nữa đem lại thành công trên mặt trận ngoại giao. Thực tiễn mấy chục năm qua cho thấy, ta chỉ có thể thành công nếu kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, ra sức huy động sức mạnh và trí tuệ của bản thân đi đôi với việc nỗ lực tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế rộng rãi nhất có thể và thực thi một chính sách đối ngoại khôn khéo, tạo dựng thế đứng cơ động, linh hoạt, không để bị lợi dụng hoặc rơi vào thế cô lập.
Mặt khác, thực tiễn cũng cho thấy, mỗi quốc gia đều có lợi ích và tính toán riêng, do đó không phải một lần những vấn đề liên quan tới lợi ích của nước ta đã được đem ra xếp sắp, trao đổi trên bàn cờ quốc tế. Ngày nay, bài học này vẫn còn nguyên giá trị. Muốn tránh lặp lại tình trạng này, không có cách nào khác ngoài việc phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, kiên định, nhất quán theo đuổi đường lối độc lập tự chủ và chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa.
Các quốc gia tuy chia sẻ một số lợi ích chung song luôn có những lợi ích riêng, nhiều khi "vênh nhau", thậm chí trái chiều nhau, nên trong quan hệ quốc tế luôn diễn ra quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh nhưng không nhất thiết lúc nào cũng đưa tới xung đột quân sự. Quan hệ quốc tế của nước ta cũng không phải ngoại lệ. Vấn đề chỉ là xử lý thế nào cặp quan hệ đó cho có lợi nhất đối với đất nước. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, muốn vậy cần tìm mọi cách hạn chế tới mức tối đa những mâu thuẫn, xung khắc, đối đầu, song song với những cố gắng không mệt mỏi thúc đẩy sự hợp tác với mọi quốc gia trong khi vẫn tự chủ, không rơi vào thế phụ thuộc. Nếu xảy ra khác biệt, xung đột lợi ích thì con đường tốt nhất là thông qua đối thoại, thương lượng để giải quyết; vấn đề gì liên quan tới hai nước thì thông qua kênh song phương, vấn đề liên quan tới nhiều bên thì thông qua kênh đa phương, kể cả các tổ chức khu vực và toàn cầu. Điều này cũng phù hợp với xu thế đa phương trong thế giới ngày nay.
Mặt khác cần kiên trì, khôn khéo đấu tranh bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình, song cố tránh đi tới xung đột trực diện gây phương hại cho yêu cầu giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển và thế cơ động trong quan hệ quốc tế. Một nét đặc sắc không chỉ về ngoại giao mà cả trong truyền thống của dân tộc ta là tính nhân văn, luôn phân biệt rõ cái thiện, cái ác, luôn coi nhân dân các nước xâm lược nước ta là bạn, là đồng minh và rất xa lạ với những biểu hiện dân tộc hẹp hòi, kích động hằn thù mù quáng. Có thể nói, phương châm "thêm bạn bớt thù" của ông cha ta tiếp tục là một công cụ hữu hiệu trong quan hệ quốc tế ngày nay.
Nói tóm lại, tình hình càng phức tạp chúng ta càng cần phải vận dụng nhuần nhuyễn những truyền thống, những bài học lớn đã thu lượm được trong suốt chiều dài lịch sử từ ngày Nhà nước Việt Nam mới ra đời đến nay. Dũng khí cần song hành với mưu lược, nhiệt huyết cần đi đôi với sự tỉnh táo, có trái tim nóng chưa đủ mà cần có cái đầu lạnh.
Nguồn:Tuần Việt Nam
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá