'Xin đừng lãng quên những người làm thư viện'
'Tôi vẫn trăn trở và băn khoăn sao ngành thư viện của chúng ta hiện nay vẫn ít được quan tâm, nhất là thư viện trường học, trong khi tác dụng của thư viện với học sinh là không gì có thể so sánh được'...
Học sinh tham gia ngày hội đọc sách do SEDIDCO tổ chức - Ảnh: CẨM VÂN
Cô Trần Thị Mỹ Dung - nhân viên thư viện của Trường tiểu học Sơn Hạ 2, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, nỗi niềm.
Tốt nghiệp cao đẳng ngành thư viện Trường ĐH Nội vụ Hà Nội, cô Dung quyết định thi và học thư viện vì đam mê với sách.
"Tôi nhớ khi học tiểu học, mẹ đem về cuốn sách nào là đọc hết cuốn đó. Lên cấp II tôi tự mượn sách vào các buổi sinh hoạt Đội từ cô tổng phụ trách nhưng không có cơ hội được đọc nhiều. Bước sang cấp III trường có thư viện rất đẹp, nằm trên tầng 2 rộng lớn. Với tôi, đó là lần đầu tiên biết thế nào là thư viện" - cô Dung kể.
Tuy vậy, cô Dung cũng kể cô chưa được đọc cuốn sách nào trong thư viện vì lý do rất đơn giản là... không có tiền cược sách. Muốn mượn sách về nhà là phải cược 50.000 đồng và còn cả sợ cô thủ thư khó tính không hề cười với học sinh.
Sách được bảo quản trong thư viện nhưng không hướng dẫn học sinh cách tra cứu để mượn. Đây cũng là một trong những lý do khiến cô Dung quyết định đi học làm thư viện.
* Bước vào nghề cô cảm thấy như thế nào?
- Cô Trần Thị Mỹ Dung: Tôi đi làm từ tháng 9-2011 với mức lương hợp đồng 730.000 đồng, hiện giờ sau hơn 7 năm hợp đồng lương được 2.800.000 đồng/tháng. Tôi vẫn trăn trở và băn khoăn sao ngành thư viện của chúng ta hiện nay vẫn ít được quan tâm, nhất là thư viện trường học, trong khi tác dụng của thư viện với học sinh là không gì có thể so sánh được.
Mọi người chỉ nghĩ làm thư viện chỉ là một công việc an nhàn là giữ sách, xếp sách trong khi đây là nơi lưu giữ nhiều di sản của nhân loại. Ở huyện miền núi Sơn Hà, thư viện còn là chiếc cầu nối đưa thông tin đến các em học sinh, qua đó các em sẽ hoàn thiện hơn khả năng đọc, viết, phát triển khả năng ngôn ngữ cho học sinh dân tộc ít người.
* Là người trong nghề, đâu là điều cô cảm thấy đáng quan tâm nhất?
- Đó là đầu tư vào thư viện không đáng kể. Trong toàn huyện có 26 trường tiểu học và trung học nhưng cán bộ làm thư viện trường học chỉ có 6 người có chuyên ngành thư viện, còn lại là kiêm nhiệm. Chính vì kiêm nhiệm nên sinh ra nhiều bất cập và yếu kém.
Kiêm nhiệm nên không ổn định, khi xin được việc mới sẽ bỏ đi. Vì kiêm nhiệm nên không cần làm vẫn nhận đủ lương, khi kiểm tra không đạt chỉ đưa lý do: "Kiêm nhiệm không có chuyên ngành nên không thể làm tốt được". Kiêm nhiệm nên không có nhiệt huyết, không sáng tạo, chỉ mở ra rồi đóng lại theo lịch cho đúng kế hoạch.
Thực tế đã có nhiều lớp tập huấn nhưng tình hình chẳng khả quan lắm vì thực sự không đam mê nên không nhiệt huyết, người có nhiệt huyết thì đãi ngộ của ngành quá thấp lại tìm kiếm việc khác. Rồi lại tìm kiếm người mới hợp đồng, rồi tập huấn... Vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại.
* Được biết cô đã có rất nhiều sáng kiến để thu hút học sinh đến với sách, cô có thể "bật mí" một chút không?
- Văn hóa đọc ở các nước khác mình rất nhiều. Họ đọc sách bất kể chỗ nào, trên xe buýt, trên tàu điện, nhà ga... Đấy là thói quen, được hình thành khi học sinh còn nhỏ.
Một ví dụ như ở Trường Sơn Hạ 2. Học sinh đều học hai buổi, thời gian ra chơi chỉ có 30 phút nên trong khoảng thời gian đó không thể đọc được rồi. Vì thế các lớp có tiết đọc thư viện 1 tiết/tuần, xây dựng thư viện góc lớp, sách thì đưa ra kho mở phân loại theo mã màu để các em đến mượn về nhà đọc, các điểm trường lẻ thì cán bộ thư viện sẽ phân bổ sách về và thay đổi sách theo tháng.
Muốn kiểm tra học sinh mượn sách về nhà có đọc hay không, tôi kẹp trong sách một mẩu phiếu nhỏ, các em sẽ viết suy nghĩ của mình về cuốn sách em đã đọc, từ phiếu đó cuối tháng sẽ tổng hợp và trao quà cho học sinh nào đọc sách nhiều nhất. Phiếu các em viết sẽ được treo trang trọng trên bảng trưng bày, các em sẽ chăm đọc, chăm viết, thi đua nhau cuối tháng nhận quà của thư viện.
* Nếu chỉ chọn một điều tâm huyết nhất để nhắn gửi tới mọi người, cô có tâm sự gì?
- Tôi luôn nhớ lời cô trưởng khoa thời tôi còn đi học đã dạy: "Lợi nhuận của ngành thư viện là thu hút được càng nhiều bạn đọc". Tôi cũng luôn mong muốn tất cả các bạn đã chọn theo nghề thư viện hãy đặt hết tâm huyết của mình vào nghề, thổi hồn mình vào nghề, sáng tạo trong quản lý, linh hoạt trong phục vụ, cùng với thầy cô đưa sách đến tay học sinh.
Tôi cũng mong được xã hội quan tâm nhiều hơn nữa về thư viện, quan tâm đến đãi ngộ cho các nhân viên thư viện để không ai cảm thấy tủi thân khi chọn một nghề thầm lặng luôn đứng sau các thầy cô giáo trong trường.
Thủ thư nhiều lúc như bị lãng quên, chỉ nhớ khi có đoàn kiểm tra nào đó về trường thì mới xuất hiện để chỉnh lý, đi sắp xếp. Thư viện hiệu quả là thư viện hoạt động tích cực song song với kiến thức học sinh lĩnh hội được chứ không phải là danh tiếng của thư viện chuẩn, thư viện xuất sắc...
Kết hợp thư viện giới thiệu sách hay cho học sinh
Ông Lê Huy - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam (SEDIDCO) - cho biết hằng năm công ty phối hợp cùng các trường tiểu học tạo ra các sân chơi cho học sinh bằng chuỗi chương trình "Ngày hội đọc sách".
"Các chuỗi chương trình được phối hợp cùng thầy cô trong thư viện trường giới thiệu sách hay kết hợp với các trò chơi tạo sự hào hứng cho các em học sinh. SEDIDCO cũng tài trợ một số sách trong "Ngày hội đọc sách" để giúp các em có thêm sự lựa chọn khi đến với thư viện. Một số đầu sách có thể đưa vào thư viện các trường tiểu học: sách dành cho giáo viên, bộ sách Văn hóa giao thông, bộ sách Thực hành tâm lý học đường, bộ sách Bài tập phát triển năng lực học toán…" - ông Huy nói. (THÙY DUNG)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015