Kém ý thức pháp luật vì... “quen” phản kháng ngoại xâm!
Lâu nay, viết về những thói hư tật xấu của người mình luôn là một ham thích, một khát khao của các bậc thức giả, nhất là sau khi có những sách đại loại như thế ở nước ngoài (ví dụ Người Trung Quốc xấu xí, Người Nhật xấu xí...). Loại sách tự nói xấu mình này đáp ứng một nhu cầu căn bản của người ta là muốn tự nhận thức, tự cật vấn, tự chiêm nghiệm bản thân mình, mà vẫn có thể cười được chứ chẳng nặng nề như những buổi họp kiểm điểm ở công sở... Song nói thì nhiều mà làm được thì rất ít (thói xấu đầu tiên của người mình chăng?). Nghe có lẽ là duy nhất, tự nhận đảm đương việc này là cụ Trần Quốc Vương thì đã sớm về chầu tiên tổ rồi. Bây giờ kiếm được người vừa thông kim bác cổ, vừa bạo gan, bạo miệng nữa thì rất khó. Xem ra, lối làm ăn theo kiểu hội thảo mỗi người nói một ý, rồi tập hợp tư liệu mỗi người viết một mảng thì khó làm được sách địa chí, khó nhận định được tính cách người mình!
Thế nên, nay nghe tin cuộc hội thảo về người Hà Nội văn minh thanh lịch vừa qua cũng nói về những thói hư tật xấu của người Thủ đô, thì tôi mừng lắm. Báo Tiên phong trích Tổng thuật các tham luận Hội thảo đưa ra 7 khuyết tật của người Hà Nội. Thử đọc mà giật mình về khuyết tật thứ 6: "Lịch sử hơn ngàn năm chống ách đô hộ nước ngoài tạo nền trong tính cách người Hà Nội một tinh thần phản kháng, chống lại những quy định và chính sách mà ngoại bang áp đặt, từ đó hình thành thói quen không tuân thủ pháp luật, coi trọng luật tục hơn luật pháp, chưa định hình một lối sống theo pháp luật".
Ờ đúng, người Hà Nội quả là chưa gương mẫu tuân thủ pháp luật (hàng hóa bày bừa ra vỉa hè, buôn bán như đánh du kích: người nọ cảnh giác công an cho người kia). Nhưng cái tệ đó ờ đâu mà chẳng thế, nào phải người Hà Nội mới mắc? Nếu nói người HN coi trọng luật tục hơn luật pháp thì chẳng hiểu gì bởi vì người quê mới tiêu biểu cho cái thói "phép vua thua lệ làng" chứ thị dân thì thời nào cũng hơn hẳn ở ý thức pháp luật (vả lại, không nên dùng từ luật tục, vì từ này thường dùng cho đồng bào dân tộc, ở đó thói quen (tục) mang tính cưỡng bức nhất định (luật), chứ không tự nguyện như hương ước). Nhưng thôi, những nhận xét trên dù sao cũng chẳng chết ai. Nhưng đến cái lập luận rằng thói quen thiếu ý thức tôn trọng pháp luật của người Hà Nội là hệ quả của tinh thần phản kháng chống ngoại xâm thì tùy tiện quá, "phản động" quá! Nói thể khác nào bao biện cho thằng con hỗn hào kia, sở dĩ nó đánh bố nó là vì nó mang thói quen đánh giặc về nhà? Vả lại, tinh thần phản kháng chống ngoại xâm thì cả nước đều có, nào cứ phải riêng Hà Nội, sao lại lấy cái phổ biển ấy để giải thích cho một cái riêng?
Chỉ đọc qua 7 khuyết tật của người Hà Nội cũng thấy những nhận xét này đầy "khuyết tật" rồi, ví dụ khuyết tật thợ 5 là "Trọng nếp nhà hơn ý thức cộng đồng". Thì khuyết tật thứ 7 lại là: "Coi nhẹ nền nếp và quan hệ gia đình"...
Xem ra có thể bổ sung khuyết tật thứ 8 của người Hà Nội (hay của trí thức nghiên cứu về Hà Nội) là đầu đuôi thiếu nhất quán!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt