Vấn đề xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân
Hồ Chủ tịch khẳng định : "bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các Uỷ ban nhân dân bây giờ”. "Uỷ ban nhân dân là Uỷ ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”. Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch ngay từ những ngày đầu xây dựng nền Dân chủ Cộng hoà, Uỷ ban nhân dân các cấp từ thôn xã đến Chính phủ ở Trung ương đều nhận thức và hành động vì dân. Chính điều đó đã làm cho nhân dân coi : " Chính phủ đối với ta như người " anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào”*. Có được niềm tin nơi dân như thế nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã vượt qua thử thách "ngàn cân treo sợi tóc” ngay sau khi ra đời để cùng toàn dân giải phóng đất nước, thống nhất non sông, viết nên trang sử chói ngời của dân tộc. Thành quả vĩ đại đó khẳng định chân lý : có dân là có tất cả! " Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” thời nào, hoàn cảnh nào cũng luôn luôn đúng. Chính vì thế mà chúng ta gọi Uỷ ban các cấp là Uỷ ban nhân dân, lực lượng vũ trang là Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Gọi như thế là để khẳng định niềm tin tuyệt đối của Nhà nước ta vào sức mạnh nơi dân ta, sự trung thành tuyệt đối của lực lượng vũ trang với nhân dân và cũng là khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tuy nhiên, gọi như thế không có nghĩa là các Uỷ ban , các lực lượng, các cơ quan nghiễm nhiên là của dân, do dân, vì dân và được nhân dân tin yêu. Bản chất tốt đẹp đó phải được kiểm chứng từ thái độ, nhận thức và hành động của cán bộ từ địa phương đến Trung ương có thực sự là công bộc của dân hay không? Phẩm chất, đạo đức của mỗi người cán bộ dù ở cấp nào không bỗng dưng mà có, nó có được nhờ sự học tập, công tác, rèn luyện gian khổ trong cuộc sống. Nó đòi hỏi mỗi cán bộ phải ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trước dân, trước tập thể. Nếu cán bộ nhận thức và hành động như " quan cách mạng” thì chính quyền không còn là của dân, do dân và vì dân. Những cán bộ như thế sẽ làm cho " những Uỷ ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét”. Một chính quyền của dân, do dân và vì dân mà bị dân khinh, dân ghét thì còn đâu là sức mạnh, còn đâu đất để tồn tại?! Vậy mà vẫn có những cán bộ, những cơ quan không thực sự nhận thức sâu sắc vấn đề cốt tử trên. Nhìn từ Tiên Lãng chúng ta thấy cần xem xét một cách tổng thể vấn đề xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Về nhận thức, đến bây giờ mà bảo rằng nhận thức về Nhà nước của dân, do dân và vì dân của cán bộ và toàn xã hội chưa được quán triệt một cách sâu sắc có lẽ khó được thừa nhận. Nhưng thử đặt câu hỏi khác : nếu đã sâu sắc rồi thì chính quyền huyện Tiên Lãng có hành xử như vậy không? Ở đây chúng tôi không đi vào vụ việc cụ thể đúng sai vì đã có quá nhiều ý kiến về việc này. Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là người ít khi lên tiếng trước báo giới về các sự việc cụ thể cũng đã có ý kiến. Nhiều người đã nhắc lại sự kiện Thái Bình xảy ra cách đây hàng chục năm để cảnh báo về hậu quả khi chính quyền hành xử không đúng với bản chất chính quyền của dân, do dân và vì dân. Hiện giờ liệu trong cả nước có xã nào, huyện nào, địa phương nào còn tiềm ẩn bùng phát kiểu như Tiên Lãng không? Cái gốc của sự việc là ở đâu? Cái gốc không phải là đất đầm cá hay đất xây nhà, cũng không phải chỉ là chuyện đất đai mà còn là tình làng nghĩa xóm, còn là cái lý, cái tình ở đời, cái đạo lý làm người và hơn thế là sự nghiệp xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Vậy cái gốc rõ ràng là vấn đề nhận thức về bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân với mối quan hệ có tính sinh tử là : có được niềm tin của dân là có tất cả, mất niềm tin nơi dân là mất tất cả. Trong bài " Sao cho được lòng dân?” đăng trên báo Cứu Quốc số 65 ra ngày 12 tháng 10 năm 1945 , Hồ Chủ tịch viết thật dễ hiểu : " muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Có yêu dân hay không? Có đặt quyền lợi của dân trên hết thảy hay không? không ai hiểu rõ hơn là chính cán bộ huyện Tiên Lãng. Nhân đây chúng tôi muốn nói đến việc cưỡng chế đang diễn ra ở hầu hết các địa phương, và rất ít địa phương không có chuyện khiếu kiện về việc này! " Cưỡng chế” tức không có sự đồng thuận, hơn thế phải thị uy sức mạnh của chính quyền với người dân. Thật là việc cực chẳng đã. Câu hỏi đặt ra là : vì sao người dân trong chiến tranh sẵn sàng dỡ cả nhà mình ra làm đường cho xe qua mà không đòi hỏi nhà khác cũng phải dỡ? Vì sao nhiều nơi thoả thuận đền bù thiệt hại của dân được thực hiện tốt, không cần cưỡng chế? Ở những nơi phải cưỡng chế cán bộ đã nghe dân thấu đáo chưa? Cụ thể chưa? Đã dùng tiếng nói của dân vào việc đó chưa? ...Và có việc cán bộ đặt lợi ích của mình, của người nhà mình lên trên lợi ích của dân hay không? Nếu đã làm hết sức kỹ lưỡng và cán bộ chủ chốt thẳng thắn công bố công khai chịu trách nhiệm trước dân về việc phải cưỡng chế thì hãy tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên việc cưỡng chế tuyệt đối không dùng quân đội, hạn chế tối đa dùng lực lượng công an. Hình ảnh lực lượng vũ trang nhân dân " phải tỏ ra hùng mạnh” để thị uy trước dân là hình ảnh không được khuyến khích, nếu như không muốn nói là phản cảm. Thật đáng tiếc, ở Tiên Lãng những người tổ chức cưỡng chế đã không nhận thức vấn đề như thế. Nhận thức tầm vĩ mô có lẽ không thể không sớm sửa đổi Luật Đất đai, với cách đặt vấn đề : vì sao luật đúng mà khó thực thi trong cuộc sống đến thế? Luật của Nhà nước, của dân mà dân không thể thực hiện được? Với dân, mỗi cán bộ dù ở cấp nào cũng phải thấm nhuần lời dạy của Bác: "Mỗi cán bộ phải tạc vào trong đầu: dân là rất tốt”. Khi đã tạc vào trong đầu mình điều đó thì dù trong hoàn cảnh nào (kể cả người dân có sai) cán bộ cũng phải tìm cách xử lý đúng mức nhất với tư cách là công bộc của dân. Sự việc ở Tiên Lãng làm nhiều người đặt câu hỏi đại biểu của dân ở đâu? là hoàn toàn có lý. Đại biểu của dân nhiều khi phải "tránh mặt dân” là điều không đáng có nhưng vẫn đang tồn tại! Đã đến lúc phải làm cho mỗi khi có việc cần người dân có thói quen tìm đến đại biểu của mình, khi ấy chắc chuyện " chống người thi hành công vụ” ít xảy ra. Ở đâu có chuyện gì xảy ra với dân là có đại biểu của dân cũng là biểu hiện nhận thức đúng đắn về Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhận thức đúng đắn về vấn đề này phải thể hiện ngay trong khâu nhân sự và tổ chức bộ máy nhà nước từ cấp cơ sở. Nếu cán bộ được chọn từ những người yêu dân, có uy tín trước dân, có năng lực và tâm huyết thể hiện điều đó qua công tác chắc chắn chính quyền ấy phải được dân tin. Nhận thức đúng là cái gốc để hành động đúng.
Về cách làm, dù việc cưỡng chế có đúng pháp luật đi nữa thì để xảy ra việc người dân dùng súng ( dù là súng đạn hoa cải) bắn bộ đội, công an bị thương phải nhập viện trước Tết âm lịch cũng là một kết quả tồi. Thứ nhất, dồn người dân vào thế phải phạm pháp. Thứ hai, quản lý địa bàn trong đó có công dân tàng trữ vũ khí trái phép mà không biết. Thứ ba, coi cưỡng chế như một " trận đánh” mà sự chuẩn bị không kỹ lưỡng để xảy ra thương vong là một thất bại. Tuy nhiên thiệt hại lớn hơn cả, nghiêm trọng hơn cả là làm méo mó hình ảnh chính quyền của dân, do dân và vì dân mà cán bộ và nhân dân Tiên Lãng biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu mới xây dựng được trong bao năm qua. Bài học ở đây là chuyện không lớn nhưng cách làm không vì dân nên gây hậu quả lớn. Khi xảy ra sự việc bất như ý, cán bộ không lo cho dân, không vì chính quyền nhân dân mà chỉ lo tránh lỗi, đổ tội, trốn tránh trách nhiệm cá nhân, cung cấp thông tin không nhất quán thì sẽ làm tình hình thêm rối, sự việc thêm trầm trọng. Không thể làm một việc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân (cứ cho là chưa tốt) mà hành xử "cứ thu hồi trước, giao cho ai, tính sau”. Nhà của dân bị phá (cứ cho là không phải chính quyền phá) thì không vì thế mà đứng nhìn những phụ nữ, trẻ em đón Tết đói rét như thế! Phải chăng sự vô cảm đang tồn tại phổ biến trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên? Điều đó có làm người ta nhớ lại những vụ chặn tiền tết của người nghèo! Biển thủ cả tiền chống lụt bão! Rồi cán bộ chơi cờ bạc tỷ khi cả thế giới, cả nước đang lo về chuyện nợ công, đồng tiền mất giá, giá cả leo thang...
Hoá ra trên thực tế còn tồn tại những cán bộ nhẫn tâm đến như vậy, làm sao không mất niềm tin nơi dân?! Vụ việc ở Tiên Lãng, nếu là cán bộ có trách nhiệm, vì dân, vì tập thể, thẳng thắn, quyết tâm xử lý vụ việc có lẽ không tốn nhiều giấy mực thì giờ của cả xã hội như thế này. Thành phố Hải Phòng giải quyết dứt điểm đâu phải chờ đến Thủ tướng Chính phủ phải vào cuộc. Người dân kỳ vọng Thủ tướng giải quyết việc Tiên Lãng nhưng cũng chia sẻ với Thủ tướng và đặt câu hỏi : nếu huyện nào cũng để xảy ra việc ở một xã với một vài người dân, rồi Thủ tướng lại phải chủ trì giải quyết đúng sai, thì Thủ tướng còn sức đâu để giải quyết những vấn đề quốc nội, quốc tế trong một thời kỳ hết sức khó khăn như thế này? Nếu cách thức điều hành của các cơ quan công quyền theo kiểu đùn đẩy để xẩy ra sự cố, rồi đùn đẩy tiếp lên trên thì hiệu quả của bộ máy nhà nước sẽ ra sao? Cấp dưới trung thành với cấp trên có lẽ không phải là quà cáp hay những lời xu nịnh mà là sẵn sàng xả thân làm việc, chia sẻ gánh nặng cùng cấp trên hoàn thành nhiệm vụ dân giao phó. Cấp trên thông qua hiệu quả công việc để đánh giá cấp dưới, nhằm chọn lựa bồi dưỡng cán bộ cho Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ cũng có thể nhìn từ sự kiện Tiên Lãng. Khi sự việc xảy ra ai là người dũng cảm hy sinh cái tôi, không tính đến thiệt hơn, không đổ lỗi tranh công, chỉ một mục đích vì lợi ích của dân, vì tập thể, tự tin, trung thực với chính mình, không sợ khuyết điểm, càng không sợ hiểu lầm. Cán bộ ấy đáng dùng hơn là những người ậm ừ, né tránh, không sai cũng chẳng đúng, vô cảm, vô tích sự trước sự việc đang diễn ra bên cạnh mình.
Việc cưỡng chế không đúng sẽ làm méo mó
hình ảnh Nhà nước của dân, do dân, vì dân
Ảnh:T.L
Ở Liên Xô đã có chuyện người dân đứng nhìn chính quyền Xô – viết sụp đổ! Với Việt Nam không thể có chuyện nhân dân ngoảnh mặt làm ngơ trước công việc của chính quyền, nhưng để giữ mãi điều tốt đẹp đó việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân hơn lúc nào hết đang đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ to lớn, không ít khó khăn. Quốc hội chuẩn bị dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Toàn Đảng đang triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI. Tất cả phải với tinh thần có niềm tin nơi dân là có tất cả. Không có sức mạnh nào ngăn cản được sức mạnh của nhân dân ta xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và phồn vinh.
* Chính phủ là công bộc của dân. Báo Cứu Quốc số 46 ngày 19 – 9 – 1945
Nguồn:Đại đoàn kết
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý