Trí thức là Thiện Tri Thức
Xưa nay, thường có sự nhầm lẫn giữa người sở đắc tri thức và người trí thức. Trong tình trạng hiện nay, với sự tồn tại “song đề văn hóa” như nhận định của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, việc nhận diện trí thức có vẻ khó khăn hơn. Trong cuộc trao đổi sau đây, ông đã làm sáng tỏ sự hiện diện của người trí thức trong một cách hiểu mới: trí thức là thiện tri thức.
PV: Ông đã từng luận về vai trò và trách nhiệm của kẻ sĩ, ít ra là một lần trong văn bia viết cho văn miếu Trấn Biên chẳng hạn. Vậy vai trò và trách nhiệm của trí thức đời nay như thế nào?
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (NNC – HNT): Nói đến người trí thức thì trước hết cần chú ý đến sự khác biệt giữa người trí thức và người sở đắc tri thức. Người trí thức, ngoài vốn tri thức sở đắc còn là thái độ sống đúng đắn; ngược lại, bất cứ ai dù sở đắc tri thức đến mức độ nào đi nữa mà không có thái độ sống đúng đắn, không tán thành và ủng hộ cái thiện, cái đúng, cái tiến bộ để đem lại lợi lạc quần sanh thì còn lâu mới là trí thức.
Mục tiêu của bất cứ nền giáo dục chân chính nào cũng là dạy cho người học biết làm người và biết làm việc – nói theo cách thông thường là tài đức. Tài đức là “hai trong một” của con người. Việc có tài mà thiếu đức là chuyện khập khễnh do tham dục, danh lợi mà tha hóa. “Tồn tại như thế nào?” là câu hỏi thường xuyên giúp chúng ta tu dưỡng. Phật dạy rằng: Trong mọi thắng lợi, chiến thắng bản thân là gian khó nhất và vinh quang nhất. Điều này có nghĩa trên đường mưu cầu các thắng lợi, kẻ thiện trí phải luôn “hồi đầu quy bản”, quay về với giá trị, ý nghĩa sống của mình – nhất là trong thời đại hạnh phúc bị đồng nhất với thành đạt. Nói cách khác, tình hình phổ biến là người ta căn cứ vào các giá trị hữu hạn của hiện thực/ thế gian để xem xét thế giới và bản thân mình ở những góc độ khác nhau nhưng vẫn cũng chỉ một tầng nấc. Do đó, cái thiếu chung nhất ở đây và bây giờ là cái nhìn bắt nguồn từ tuyệt đối để có được chiều kích phê phán thẳng đứng. Trí thức như vậy là thiện tri thức, nói theo quan niệm của nhà Phật: Thiện tri thức là chỉnh thể bi – trí (từ bi và trí tuệ).
PV: Trí thức, thiện tri thức là kết quả của nỗ lực tu dưỡng chủ quan?
NNC – HNT: Trong bài viết luận về Tài phẩm ở sách Kiến văn tiểu lục, khi đánh giá về năm kẻ sĩ hàng đầu triều Trần (thanh cao nhất là Chu Văn An, bậc thứ nhì: Đặng Tảo, Trương Đồ, Bùi Mộng Hoa, Trần Đình Thân), Lê Quý Đôn đã đánh giá: “ Đó là những người lòng dạ trong sáng, cương nghị, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như sĩ quân tử thời Tây Hán, những người tầm thường không thể theo kịp” và đã xác định cả điều kiện khách quan lẫn thái độ chủ quan của các trường hợp đó: “Sở dĩ có được những người như thế vì nhà Trần đối với sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên sĩ phu thời ấy có ý chí tự lập, hào hiệp, cao siêu vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất”.
Dẫn ra điều này tôi muốn lưu ý rằng, đã đành thái độ của trí thức là biểu hiện chủ quan, song cái sản phẩm trí thức đích thật cũng còn do môi trường khách quan của thời cuộc – cái được gọi là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Chẳng hạn cũng theo Lê Quý Đôn thì: “ Khoảng giữa thời Hồng Đức, khoa cử mở rộng, tuyển nhiều nhân tài, sĩ tử lập lối văn bóng bẩy, đẽo gọt từng câu, mong sao đỗ đạt để ra làm quan. Nay muốn tìm hạng người có khí tiết khảng khái ở thời này xem ra có phần hiếm hoi, thưa thớt”. Lại đến giai đoạn: “Từ năm Đoan Khánh (Lê Uy Mục/ 1505 – 1509) trở về sau, lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh một ngày một thịnh, người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường; trong chốn triều đình không thấy lời can gián, gặp khi có việc thì rụt rè, cẩu thả, thấy nguy nan thì sẵn sàng bán nước để bảo toàn thân mạng; ngay cả kẻ được gọi là danh nho cũng yên lòng nhận sủng vinh phi nghĩa, rồi thì nào thơ nào ca trao đổi, khoe khoang tâng bốc lẫn nhau. Tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không kể xiết”. Như vậy, Lê Quý Đôn một mặt cũng lưu tâm đến thói hư hỏng của đám khoa bảng/ quan lại và đồng thời ông cũng lưu ý đến tình cảnh “thiên hạ không có một nền đại chính” nên người ta “khó ở yên trong chỗ nhân nghĩa”. Theo tôi, điều đáng cảnh giác bây giờ là thái độ thực dụng hai mặt.
PV: Cái gọi là “thực dụng hai mặt” thực chất là gì, và hậu quả?
NNC – HNT: Thực chất của kiểu sống thực dụng hai mặt rốt cục là đồng nhất cái lợi vị kỷ (nói rộng ra là danh lợi của mình) với cái đúng, tức là không theo đuổi một giá trị nào. Nguy cơ là kiểu sống này đến một mức nào đó sự khôn ngoan, khôn khéo được thượng tôn thành kiểu sống “hợp lý” nhất trong xã hội. Ở đây, chúng ta không xuất phát từ cái nhìn hư vô về danh lợi mà lưu tâm đến sự cân bằng giữa nhu cầu và phương tiện, đặc biệt giữa nhu cầu danh lợi và những khát vọng về đạo đức, thẩm mỹ, và giải trí.
PV: Cái yêu cầu “cân bằng” là chuyện xưa nay cần thiết, hà cớ gì lại là “lưu ý hàng đầu” cho thời bây giờ như vậy?
NNC – HNT: Chúng ta sống trong thời điểm đã và đang xúc tiến công cuộc đổi mới. Ở đó, hệ giá trị cũ, do mâu thuẫn với việc bình thường hóa cuộc sống và phát triển, nên càng ngày càng bị thu hẹp chỗ đứng. Cái mới xuất hiện đây đó trong nhiều lĩnh vực, song hệ giá trị mới chưa thực sự có đủ điều kiện để hình thành. Thực trạng song đề (dilemma) văn xã này là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa tương đối về đạo đức sinh sôi nảy nở. Ở đó thái độ hư vô về niềm tin và pháp luật là những biểu hiện dễ thấy và không ít người phải chấp nhận một nhân cách nhị trùng trong mỗi thân phận.
PV: Trong cái xử cảnh bề bộn ấy, thì người thiện tri thức tác nghiệp như thế nào?
Đặc điểm nhân cách của giới trí thức là có khuynh hướng trừu tượng hóa, họ vượt lên trên sự đánh giá cố hữu hoặc chỉ gắn với một đặc điểm/ bản vị. Cái chính yếu ở họ là có tính xây dựng: sự nhiệt tình vì mục tiêu toàn năng (Lyotard). Sự tác nghiệp của giới này dưới cái nhìn xã hội học, có hai dạng: 1/ Trí thức giáo dục (còn gọi là “trí thức đảm trách văn hóa”) là tìm kiếm việc thõa mãn nhu cầu định hướng tinh thần – thông qua việc giải thích thế giới, cho cộng đồng; và 2/ Trí thức năng lực, còn gọi là “trí thức tổ chức kỹ thuật” (cả khoa học tự nhiên và xã hội) là đội ngũ mà mọi việc thông qua họ, tự nhiên và môi trường xã hội ít nhiều được thay đổi một cách có kế hoạch. Nói chung, sứ mệnh của họ là làm phong phú tri thức và phê phán tri thức. Đây là nhiệm vụ mà xã hội đòi hỏi ở họ và cũng được coi là quyền tự do kinh viện: Đặt ra mọi câu hỏi, nghi ngờ mọi điều đã được khẳng định và phủ chính những sai lầm. Trong xử cảnh bây giờ, theo tôi, người trí thức phải có khả năng tự xác định ranh giới tự do của mình và mặt khác, phải biết né tránh những gì có hại đến tính chính trực của mình. Trong quan hệ với ba định chế cột trụ xã hội (Nhà nước, thị trường, và các tổ chức xã hội dân sự) thì công khai, chân thực và tin cậy là nguyên tắc hành xử cơ bản.
PV: Dân gian thường nói rằng: “Có thực mới vực được đạo”. Cái “đạo” phải có điều kiện cực hạn nào đó?
NNC – HNT: Dân gian cũng dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm” thì sao?
Thế hệ chúng ta chẳng là đã từng được động viên: Ăn no rồi sẽ ăn ngon, mặc ấm rồi thì sẽ mặc đẹp… Thời khốn khó “đói ăn rau” thì thịt được coi là ăn ngon hơn rau, nhưng bây giờ xem ra rau lại được đổi ngôi và được coi là ngon và bổ. Nói cách khác, trong cái ăn để no tự nó cũng chứa yếu tố ngon – ngon theo phẩm chất nội tại của của nó và căn duyên chủ quan của người dùng nó. Trên thế giới, có nhiều tộc người vẽ mình, xăm mình để làm đẹp mà chẳng đoái hoài gì đến nhu cầu ấm. Cái khố nhỏ tí xíu kia cũng có hoa văn… đẹp cực kỳ chứ không phải chỉ là miếng vải để che ấm. Vậy thì đẹp và ấm chưa hẳn cái gì cần có trước. Ở đất nước Văn Lang, hồi mới sơ khai, theo lời tục truyền, cha Rồng xứ Lạc dạy dân vẽ mình theo hình giao long thủy quái cốt để thuồng luồng khỏi làm hại. Trong cách hiểu văn hóa, đó là vẻ đẹp thời thượng của tộc người nhận rắn làm vật tổ: họ vẽ/xăm mình là để đồng nhất mình với vật tổ, để khẳng định bản sắc – đối chiếu với các tộc thờ vật tổ khác và đương nhiên coi vật tổ của mình là số một.
Như vậy, “tồn tại như thế nào?” đã hiện hữu ngay trong “tồn tại”. Nói cách khác, trong no có ngon, trong ấm có đẹp. Đó là hai thuộc tính của một thực thể chứ không phải là hai quá trình của một tiến trình. Hãy dè chừng với sự tráo trở của loại tư duy tư biện kiểu này.
PV:Xin cám ơn ông về buổi trò chuyện này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý