Lời quê
Hai chân sau đứng thẳng chung chiêng vùng ẩn số,
Hai chân trên nghều ngoào phôi chữ một khai nguyên
1. Vào buổi bình minh của lịch sử, khi khoa học tự nhiên còn sơ khai, trước sự chuyển động của dòng đời ngổn ngang trăm mối, các bộ óc của nhân loại, các nhà triết học đã cố gắng xây dựng những hệ thống kiến thức, tìm cách an bài mọi sự và cung cấp cho loài người những mô hình ổn định bao gồm mọi mặt sinh hoạt của xã hội. Đó là những tòa kiến trúc tổng thể vĩ đại nhằm minh giải nguồn gốc của vũ trụ cũng như quy định những thân phận rõ ràng cho từng thành phần trong cộng đồng.
Người ta dễ dàng coi đó là những chân lý hiển nhiên. Nhưng cuộc sống muôn màu muôn vẻ vẫn cảm thấy chật chội trong những cấu trúc vĩ đại đó. Vì thế nảy nòi một loại những triết gia "bụi" luôn đề ra những nghịch lý cốt để chứng minh tính thiếu sót cố hữu của mọi kiến trúc tổng thể.
Lâu đời và nổi tiếng nhất là “nghịch lý thằng Cuội”. Nghịch lý đó như sau:
“Tất cả dân đảo Crete đều cuội”
Các nhà triết học đã vò đầu bứt tai mãi mà không giải quyết ổn thỏa được nghịch lý này.
- Nếu tất cả dân đảo Crète đều nói dối, thì với tư cách là một người dân đảo Crète, anh cũng nói dối, lời nói của anh không đáng giá nửa xu.
Nếu anh nói thật, có nghĩa là dân đảo Crète không phải tất cả đều nói dối.
Hình như mọi sự rắc rối đều phát sinh từ hai thứ "tất cả".
2. Bước tiến bộ như vũ bão của khoa học tự nhiên, đánh dấu sự suy tàn của siêu hình học.
Khỉ Napoléon khen nhà thiên văn học Laplace: "Trong cuốn sách của ông tôi không hề thấy từ Thượng Đế xuất hiện dù chỉ một lần". Laplace điềm nhiên trả lời: "Tâu bệ hạ, Thượng Đế đã trở thành một khái niệm vô dụng". Sự xuất hiện của Newton cùng thuyết vạn vật hấp dẫn tuyệt mỹ của ông đã khiến nhà thơ mù người Anh Milton thốt lên:
“Và Newton xuất hiện, mọi sự đều sáng tỏ”.
Khoa học tự nhiên và quyết định luận của nó tưởng như đã có thể vĩnh viễn ngự trị tất cả thế giới.
Những thể nghiệm nghiêm ngặt và công phu tại các phòng thí nghiệm khiến các nhà khoa học tin rằng cuối cùng mình đã nắm được hiện thực và do đó có thể điều khiển được nó - như tiểu Thượng Đế thực sự.
Ngày hội đương đông vui rôm rả lại bỗng xuất hiện những khách không mời mà đến.
Niels Bohr ông tổ thứ nhất của ngành vật lý lượng tử quẳng ra một lời phát biểu hết sức "chối tai":
"Hiện tượng không phải là hiện thực, nó là hiện thực cộng với dụng cụ quan sát và người quan sát".
Chưa hết, ông còn bồi thêm một đòn trí mạng nữa thông qua lý thuyết bổ sung:
"Ánh sáng vừa là hạt vừa là sóng".
Vậy thì kết cục ánh sáng là gì?
Người bạn đồng hành của Bohr, Heisenberg bắn thẳng vào quyết định luận cổ điển bằng "nguyên lý bất định" và chứng minh rằng "chân lý thiêng liêng" kia không phải đúng ở mọi nơi mọi lúc, nó không hiệu lực trong thế giới các hạt. Nhà triết học người Áo Adomo kết luận một cách "tàn nhẫn": "Sự tất cả (latotalité) là điều phi chân lý".
Còn nhà tri thức học người Anh, Popper thì khẳng định không úp mở.
"Các lý thuyết khoa học thực nghiệm đều là giả thuyết".
Các nhà khoa học dù vĩ đại đến đâu cũng chỉ là một con người với thân phận hữu hạn của nó. Và trời đất thì vô cùng. Khoa học chỉ là một chuỗi "tiếp cận trường kỳ không có dấu chấm hết" .
3. Bất giác nhớ tới nhà thiền học Nhật Suzuki: "Một sự vật trở thành hài hước khi bị kéo ra khỏi khung cảnh hạn hẹp của nó để được đặt vào một khung cảnh khác rộng lớn hơn".
Và nhà văn lớn người Đức Herman Hesse:
"Sự nghiêm túc là một hiểu lầm xuất phát từ thời gian. Nó là kết quả của sự phóng đại giá trị thời gian. Trong vĩnh hằng thời gian không tồn tại. Vĩnh hằng là một khoảnh khắc vừa đủ cho một lời bông phèng".
4. Người ta thường có thói quen phân định rạch ròi:
a. Khoa học là thế giới của lý tính (logic)
b. Nghệ thuật là thế giới của tưởng tượng.
Đó là một sự phân định sai lầm và có hại.
Nhà khoa học không có tưởng tượng chỉ là một công chức khoa học thồ một khối kiến thức nặng nề trên lưng như "cái bướu của một anh gù" (chữ của Nietzsche).
Nhà nghệ thuật thiếu lý tính chỉ là một nghệ sĩ thứ phẩm mắc bệnh vĩ đại cũng cần chữa trị hoặc nên đổi nghề.
Heisenberg nhận xét:
"Khoa học và nghệ thuật trong quá trình nhiều thế kỷ, tạo thành một ngôn ngữ của con người qua đó chúng ta có thể đề cập đến những phần ẩn náu sâu kín nhất của hiện thực".
Và Poincaré, một trong những ông tổ của ngành toán xác suất:
"Điều cốt tử trong tinh thần toán học không phải tính logic mà mỹ học, sự sai không còn được coi như một khuyết điểm mà được coi như một yếu tố chức năng tham dự vào quá trình phát triển của trí tuệ".
Nó chính là gốc của phương pháp “thử và sai" trong khoa học.
5. Tưởng tượng cũng có nhiều cấp. Có tưởng tượng cao cấp và tưởng tượng hạ cấp. Phải học tập để nâng cao tưởng tượng. Khi trái táo rụng xuống đầu, kẻ dung tục tưởng tượng ngay ra một đĩa bánh táo ngon lành. Còn Newton tưởng tượng ra trọng lực và thuyết vạn vật hấp dẫn.
6. Theo Borgès, một trong những nhà văn kiệt xuất nhất thế kỷ XX, không ít người trở thành độc ác vì thiếu óc tưởng tượng. Và ông hết lời ca ngợi một người bạn đã có khả năng tưởng tượng ra 12 tôn giáo "để mọi người có thể mỗi tháng thay đổi tôn giáo một lần và những người sinh vào tháng giêng có thể có một tôn giáo khác với những người sinh vào tháng chạp".
7. Tôi không phủ nhận vai trò những dụng cụ tinh xảo, nhưng tôi có cảm giác về số người quá nhấn mạnh đến vai trò (quyết định) của chúng.
Người ta kể lại rằng khi hai vợ chồng nhà bác học Einstein được mời đến thăm một đài quan sát thiên văn nổi tiếng tại Hoa Kỳ, vị giám đốc có vẻ hơi tự đắc hỏi vợ nhà bác học.
"Bà thấy trang thiết bị ở đây thế nào?"
Vợ nhà bác học điềm nhiên trả lời:
"Hơi nhiều. Khi nghĩ ra thuyết tương đối ông nhà tôi chỉ có một cuốn sổ tay và một cây bút chì".
8. Chúng ta đương đứng trước một thiên niên kỷ mới đầy sôi động, hay nói như các báo "đầy triển vọng nhưng cũng đầy thách thức", nó đòi hỏi chúng ta phải có một óc tưởng tượng táo bạo. Và một lý tính sáng suốt để khỏi rơi vào tình trạng "chân chậm uống nước đục".
Nói như Prigorine, thời đại mới đòi hỏi một "cách nghe mới thi vị" trên cơ sở một sự liên minh "mở" rộng rãi giữa các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, triết học và văn học nghệ thuật cố gắng đối thoại một cách sáng tạo với cuộc sống.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005