Vòng đời
"Sinh - lão - bệnh - tử" đó là vòng đời, là cuộc sống. Lớp người tuổi chúng tôi, sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, những lúc gặp nhau, thường hay ôn lại những gì đã trải qua, hay bàn đến ý nghĩa của cuộc sống.
Nhớ lại cái thời thanh niên - lính, đôi khi bất giác tự hỏi sao mà khi đó sức lực mạnh mẽ tràn đầy thế, hoạt bát thế? Một đợt hành quân, đêm đầu đi bộ 60 km, các đêm sau, mỗi đêm đi bộ 40 km. Cả tuần đi, chân phồng rộp, tóe máu ngỡ không nhấc nổi, vậy mà vẫn cứ đi, đi suốt đêm. Những người tếu táo thời ấy bảo là đi bằng đầu. Đơn giản ngày ấy chúng tôi là thanh niên, có tất cả. Vâng, thanh niên. Tôi nghĩ, ở thời đại nào thanh niên chả là lực lượng mạnh mẽ, sôi nổi nhất. Trái tim họ luôn đập cùng nhịp với thời đại.
Bàn về thanh niên, một học giả nước ngoài nói: "Những người trẻ tuổi thích hợp với việc phát minh, phát hiện hơn là phán đoán". Có lý. Bởi vì phát minh, phát hiện là khả năng tìm ra cái mới, nhạy bén về cái mới. Phán đoán là phải dựa trên kinh nghiệm, sự từng trải.
Trong cuộc sống, phán đoán chính là bản năng tự vệ. Một người mà bị người khác lừa đến ba lần vẫn không tỉnh ngộ, thì người ấy chắc chắn sẽ không sống được yên ổn, sẽ gặp nhiều khốn đốn. ý nghĩa của cuộc sống của mỗi người là gì, chỉ có thông qua thực tiễn cuộc sống của mỗi người mà tìm câu giải đáp. Đối diện với cuộc đời là việc khó, phải có đủ dũng khí, phải có cái nhìn tôn trọng hiện thực. Bởi vì đường đời vừa xa, vừa dài, đáy những chông gai. Dường như toàn bộ hàm nghĩa cuộc sống chỉ có thể được đúc rút từ cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa chính và tà, giữa thật và giả, giữa trung thực và gian trá. Người xưa nói: "Không trải qua những khốn khó, dày vò của cuộc sống thì không thể biết được vị ngọt vị bùi của cuộc đời". Ngẫm ra thật là chí lý.
Tôi nhớ đến Xôcôlốp, nhân vật chính trong truyện ngắn "Số phận con người" của văn hào Nga là Sôlôkhốp, sau này được dựng thành phim, bị cuộc chiến quăng quật phải chịu đựng đến tận cùng những mất mát và đau khổ, nhưng đã vươn dậy từ một con người thường tình thành con người thánh thiện, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình ở đứa con nuôi Vanhia. Đó là một nghịch cảnh của chiến tranh. Và chúng ta đều biết, chiến tranh có nhiều nghịch cảnh. Những cuộc sống đầy biến động hôm nay không phải không có nhiều nghịch cảnh. Thế giới không phải bao giờ cũng tận thiện tận mỹ, cũng tốt đẹp tất cả. Mỗi khi rơi vào nghịch cảnh, chúng ta phải làm gì? Đó là điều đáng được lưu ý, đáng cần ngẫm nghĩ.
Sa vào nghịch cảnh, trong đau khổ tận cùng, tuyệt vọng, hèn nhát hay nuôi hy vọng và dũng cam đương đầu?
Con người từ cõi vô cùng vừa sinh ra đã phải đương đầu với bệnh tật, đói rét. Lớn lên phải đương đầu với cuộc sống, gây dựng để sống, để làm nên một cái gì đó có ý nghĩa (chứ không phải tồn tại), rồi lại trở về cái vô cùng. Đó là sự diễn giải vòng đời. Và như thế, vòng đời có ngắn có dài, có sáng có tối, có đẹp có xấu. Đó là "số mệnh" chăng? Tôi sống đã nửa đời người, vui buồn có, được mất có, nhưng nhìn chung, thành công thì ít, thất bại lại quá nhiều. Những lúc bế tắc như thế đổ thừa cho số mệnh, thì rất dễ buông xuôi, không còn chí khí phấn đấu. Ngẫm lại, chẳng qua đó chỉ là cách mình tự lừa mình, không hơn. Tôi thoạt đầu làm kĩ thuật rồi bước vào nghề báo chí, nghề viết, trau dồi mãi đến lúc trở thành một người lính già mới giác ngộ một điều, theo cái cách của mình, dù mọi người đã biết tỏng từ lâu: Càng khái quát thì càng cụ thể, thông qua cái cụ thể mà khái quát. Trong cuộc sống muôn mầu muôn vẻ cũng có nhiều cái trìu tượng, những cái trìu tượng ấy chính là “nhân" cuộc sống, là cái tâm của vòng đời quay không thay đổi. Chẳng hạn tình người, lòng nhân ái... Người không hiểu điều ấy sẽ dùng lý tưởng để giải thích cuộc sống, và sẽ thấy cuộc sống đầy bụi bặm, đen tối. Dùng cuộc sống để giải thích lý tưởng sẽ thấy mình có nhiều dũng khí, có nhiều niềm tin. Bởi vì lý tưởng chính là vàng của cuộc sống, phải là thợ giỏi, có con mắt tấm lòng mới đãi hàng núi cát để được một hạt vàng.
Tương lai của bạn nằm trong tay bạn. Cái vòng đời là con đường dài có nhiều trạm nghỉ. Đến mỗi trạm bạn có thể tu chỉnh, rẽ ngoặt, nhưng tuyệt nhiên không thể trở lui. Vòng đời cũng gần như là lịch sử, có qui luật và không qui luật, nghiêm ngắn và trớ trêu, khóc khóc cười cười. Đối xử với nó, có hai loại thái độ: hoài nghi và chấp nhận. Tôi thích loại người có tính "hoài nghi". Cố hoài nghi, Niutơn mới phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, Anhxtanh mới phát hiện ra thuyết tương đối hẹp và thuyết tương đối rộng. Hoài nghi chính là phẩm chất cao quý của con người, là chiếc thang nối tới chân lý.
Nhưng là hoài nghi trong niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.
Hugô nhà thơ Pháp đã nói rất hay: "Con người có vật chất mới tồn tại, con người có lý tưởng mới bàn được đến sống. Bạn muốn biết tồn tại và sống khác nhau như thế nào ư? Động vật thì tồn tại, còn con người thì sống".
Sống là lý giải. Sống là mỉm cười đối với hiện thực, là vượt qua chướng ngại hướng tới tương lai. Sống là đặt lên mình một chiếc cân đo lường thiện ác. Sống tức là biết giá trị của mình, biết mình có thể làm được gì và cần làm gì. Sống chính là lý trí.
Sinh - lão - bệnh - tử là một cách nói. Sống vẽ một vòng từ khởi đầu cho đến kết thúc làm nên vòng đời?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng