Việt Nam con đường đi tới thành công
Không có gì là khuôn mẫu cho tất cả các nước. Muốn đi lên, muốn hóa Hổ, Việt Nam phải có đường đi tiêng cho mình. Nhưng có một câu nói của ông Lý Quang Diệu khiến tôi nhớ mãi. Đó là ông đã chọn hai từ “niềm tin” để giải thích cho những lý do thành công của Singapore. Niềm tin của các nhà đầu tư ngoại quốc và cả những người dân trong nước…
Bài học từ những người đứng đầu
Khi bắt đầu thực hiện chùm bài viết về kinh tế vào dịp năm mới 2010 vừa sang, tôi tìm tới GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, người luôn luôn cho chúng tôi những lời khuyên hữu ích trong các vấn đề kinh tế. Thay cho câu trả lời về việc làm sao để Việt Nam có thể thực sự trở thành một con Hổ mới của châu Á – danh xưng lâu nay rất nhiều tổ chức nước ngoài nói tới – Giáo sư đưa cho tôi mượn cuốn sách “Bí quyết hóa Rồng” của nguyên Thủ tướng đầu tiên của một nước Singapore độc lập – Lý Quang Diệu, do NXB Trẻ ấn hành vào năm 2001.
Bài học của những người đi trước, những người đứng đầu luôn luôn là hữu ích. Bởi thế, tôi đã say sưa đọc và ngẫm nghĩ về những điều ông Lý Quang Diệu đã viết, về cách mà Singapore đã làm để có thể sinh tồn trong nội địa; xây dựng một xã hội công bằng, không bao cấp; nuôi dưỡng và thu hút nhân tài; xây dựng một Chính phủ trong sạch; thu phục các nghiệp đoàn…. và cả cách sử dụng ngôn ngữ.
“Chúng tôi có một nguyên lý chỉ đạo đơn giản cho sự sinh tồn, đó là đất nước Singapore phải cần lao hơn, được tổ chức tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Nếu chúng tôi chỉ ngang hàng với các nước láng giềng, không có lý do nào các doanh nghiệp phải xây dựng cơ sở tại đây”, ông Lý Quang Diệu đã viết như vậy và mạn phép NXB Trẻ khi trích dẫn tại đây.
Người Việt Nam chăm chỉ, thông minh và cần cù, nhưng cần phải có tính kỷ luật cao hơn nữa. Tôi đã có lần nghe nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói thế. Thiếu tính kỷ luật, thiếu một cách làm việc chuyên nghiệp, chuyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa dường như xa thêm một bước. Cái ý chí của người Singapore, phải chăng người Việt cũng nên có?
Và còn rất nhiều điều nữa, Việt Nam có thể học hỏi từ Singapore. Trong đó, có chuyện áp dụng chiến lược “thu hoạch sớm” để nuôi dưỡng và thu hút nhân tài, không chỉ nhân tài trong nước, mà cả nhân tài nước ngoài, với hy vọng một số người sẽ ở lại vì những cơ hội làm việc tốt hơn; thậm chí ngay cả khi họ trở về nước, thì vẫn có thể có ích cho những công ty của người Singapore ở nước ngoài.
Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nghìn năm qua, chân lý này vẫn ngời sáng ở đất Việt. Chỉ có điều, đôi lúc, chuyện trọng dụng nhân tài có lẽ vẫn thiếu một chữ công minh… Bởi thế, đây đó vẫn có những tấm bằng cử nhân bị xếp sâu dưới đáy hòm. Ngay cả tiến sĩ, kỹ sư… cũng chưa chắc lúc nào cũng được ngồi đúng chỗ. Đó là chưa kể, chuyện thừa thầy thiếu thợ vẫn được nhắc như là một trong những nghịch lý đau lòng…
Tất cả là xuất phát từ một nền giáo dục chưa phát triển đến đầu, đến đũa, chỉ bàn mỗi chuyện cải cách mà mấy chục năm qua chưa cho ra được câu trả lời cuối cùng. Đến nỗi, ngay trong những ngày đầu năm của một thập kỷ mới, nghĩa là thế kỷ XXI đã bước sang thập kỷ thứ hai, vậy mà vẫn còn những băn khoăn nên hay không nên chuyện thi tốt nghiệp trung học môn ngoại ngữ. Đành là ở miền núi, vùng xa, khi ngay cả thầy dạy ngoại ngữ cũng còn thiếu, thì khó có thể đòi hỏi học sinh nói tiếng Anh như tiếng… dân tộc, nhưng giờ đã là thời đại không thể thiếu thứ ngôn ngữ quốc tế đó, để hội nhập, để phát triển…
Nếu không có tiếng Anh, thứ tiếng đóng vai trò như ngôn ngữ làm việc, ngôn ngữ giao dịch, đàm phán và là ngôn ngữ của khoa học, kỹ thuật quốc tế, Singapore sẽ không có nhiều công ty đa quốc gia trên thế giới, người dân sẽ không tiếp cận với máy tính và Internet dễ dàng như vậy… Chẳng phải, nhiều người Việt trẻ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm tốt chỉ vì thiếu ngoại ngữ hay sao?
Không có gì là khuôn mẫu cho tất cả các nước. Muốn đi lên, muốn hóa Hổ, Việt Nam phải có đường đi riêng cho mình. Nhưng có một câu nói của ông Lý Quang Diệu khiến tôi nhớ mãi. Đó là ông đã chọn hai từ “niềm tin” để giải thích cho những lý do thành công của Singapore. Niềm tin của các nhà đầu tư ngoại quốc và cả những người dân trong nước.
Điều đó, vẫn hiển hiện ở Việt Nam. Tin vào khả năng tăng trưởng trung và dài hạn của Việt Nam là điều vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài nhắc tới. Sự có mặt của Intel, hay Samsung và rất nhiều nhà đầu tư khác… là lời khẳng định cho niềm tin đó.
Còn niềm tin của dân Việt? Chẳng phải, chúng ta đã và luôn có được điều đó từ thuở dựng nước và giữ nước hay sao?
Gần đây, người ta hay nhắc đến khái niệm sức mạnh mềm. Giáo sư Joseph Nye, cha đẻ của học thuyết này, người vừa có chuyến viếng thăm Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể dệt nên câu chuyện thành công của riêng mình bằng chính sức mạnh mềm đó.
Tại sao lại không chứ?
Làm giàu, ai bảo không khó?
Một buổi chiều cuối năm Kỷ Sửu, tôi được mời tham dự một buổi hội thảo, hay nói đúng hơn là những giờ dạy về cách làm giàu. Diễn giả chính là anh Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc của Thái Hà Books. Cái cách mà anh đặt vấn đề, ngay từ đầu đã khiến tôi bất ngờ, nói đúng hơn là tò mò.
Đó là vì anh khẳng định, chương trình chỉ dành cho những ai chưa có 1 triệu USD và mong muốn có 1 triệu USD. Nếu ai đó không có ước nguyện này, có thể đứng dậy và bước ra khỏi khán phòng.
Thú thực, tôi chỉ là một công chức bình thường, nên ước mơ có 1 triệu USD có lẽ quá xa vời. Nhưng vì tò mò, tôi vẫn tiếp tục ngồi nghe, nghe anh chia sẻ về sự khác nhau tư duy giữa người giàu và người nghèo; về lý do vì sao những đứa trẻ lúc bắt đầu sinh ra thì giống nhau, nhưng sau này lại có những cuộc sống hoàn toàn khác nhau, đứa giàu có, đứa nghèo khổ và đứa chấp nhận sống một cuộc sống bình thường…
Toàn những lời lẽ sáo rỗng ư? Có thể. Vì ngay cả ở nước Mỹ giàu có, cũng không phải ai cũng có 1 triệu USD trong tay. Nhưng cũng chẳng có gì sai, khi chúng ta ước mơ. Ai đó nói, nếu không có ước mơ, thì sẽ chẳng bao giờ có hiện thực trong tầm tay.
Làm giàu, ai bảo cũng không khó, chính là cách mà anh Hùng đã nói. Một người đã từng học đại học và sau đại học ở Liên Xô (cũ), từng đi tới gần 40 quốc gia và có hơn 10 năm làm Phó Tổng giám đốc ở FPT… thì chắc chắn có nhiều điều để chia sẻ.
Và anh đã nói rất thật thế này: Tôi muốn các em sinh viên thay đổi tư duy. Cần có tư duy đúng trong mọi phương diện, trên mọi lĩnh vực. Tư duy làm giàu. Tư duy thành công. Tư duy quản lý mới. Tư duy học và hành. Tư duy khởi nghiệp…
Và rằng, làm giàu không dễ. Nhưng làm giàu cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Cần phải làm giàu để giúp mình, giúp gia đình mình và giúp đất nước mình. Đất nước Việt Nam chúng ta sẽ trở nên giàu có khi có rất nhiều, rất nhiều doanh nhân, rất nhiều, rất nhiều người giàu.
Hôm đó, trong khán phòng của buổi học, tôi nhìn thấy toàn những gương mặt rất trẻ. Tất cả dường như đang rất háo hức với những kế hoạch của riêng mình. Và rồi, đột nhiên tôi nghĩ, muốn Việt Nam hóa Hổ, có lẽ phải trông chờ vào chính những con người đó.
Tại sao lại không chứ?
Giàu sang hay hạnh phúc?
Một câu hỏi hay. Ngay sau khi TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế Tp. HCM) đặt ra câu hỏi ấy, ngay lập tức rất nhiều ý kiến phản biện.
Chẳng hề sai nếu ai đó lựa chọn câu trả lời là giàu sang. Người Việt có câu, nghèo thì hèn. Đó là lý do để người ta lựa chọn sự giàu có.
Càng không bao giờ là sai, khi chúng ta chọn hạnh phúc. Bởi tiền bạc, nhiều khi không mua được hạnh phúc.
Câu chuyện bé gái 8 tuổi ở Trung Quốc ước cha bị ốm suốt đời có lẽ không chỉ là lời cảnh báo đối với mỗi gia đình ở đất nước “con Rồng đuôi dài” mà ngay cả đối với Việt Nam – vẫn đang trong hành trình tìm kiếm sự phát triển vượt bậc.
Công việc, guồng quay cơm áo khiến cha cô bé Yao Yao chỉ có thể thực sự ở nhà với bé vào những ngày nghỉ ốm. Và đó là lý do ước nguyện tưởng chừng rất kỳ quặc của cô bé được đưa ra vào những ngày đầu năm mới 2010 và ngay lập tức gây xôn xao cả đất nước Trung Hoa.
Đặt hai câu chuyện này bên cạnh nhau mới hiểu vì sao người ta đặt câu hỏi giàu sang hay hạnh phúc? Câu hỏi này giờ không chỉ bó hẹp trong một gia đình, mà có lẽ cần nhìn rộng hơn trong cả mô hình phát triển của một đất nước.
Tăng trưởng nóng, tăng trưởng theo số lượng có thể nguyên nhân gây rất nhiều hệ lụy đến nền kinh tế, và nhỏ hơn, là ở mỗi gia đình.
Từ năm 1972, Bhutan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã lần đầu tiên áp dụng chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia. Và giờ, sau hơn 30 năm đất nước nghèo khó này quan tâm tới chỉ số hạnh phúc, thế giới bắt đầu nhận ra rằng, phát triển không có nghĩa là hy sinh môi trường và hạnh phúc cộng đồng.
Gần đây, Chính phủ một số nước châu Âu cũng đã bắt đầu hướng tới mục tiêu làm sao để người dân hạnh phúc hơn, chứ không hẳn là tăng trưởng kinh tế…
Vậy câu trả lời cho Việt Nam là gì? Đất nước không thể nghèo, nhưng người dân cũng không thể thiếu đi sự hạnh phúc.
Tại sao lại không chứ?
Giật mình khi tờ lịch năm mới bắt đầu sang trang. Một thập niên mới đã bắt đầu. Và đó có thể là thập niên của Việt Nam hay không? Câu trả lời có lẽ nằm ở chính trong tay mỗi người dân đất Việt.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh