Việt Nam và 5 tầng mưu cầu hạnh phúc
Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp với GDP bình quân đầu người năm 2015, tính theo ngang bằng sức mua thì chạm mức 6.000 USD. Khả năng cao, con số này sẽ trong khoảng 10.000 - 15.000 USD trong 5-10 năm tới...
Hạnh phúc là được thỏa mãn những nhu cầu của bản thân, mà nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow chia thành 5 tầng từ thấp đến cao, gồm: nhu cầu cơ bản về sinh lý như được ăn no mặc ấm, nhu cầu an toàn, nhu cầu được giao lưu tình cảm, nhu cầu được quý trọng và nhu cầu tự thể hiện bản thân.
Nếu chia CON NGƯỜI thành hai phần thì hai tầng dưới cùng để thỏa mãn phần CON, và ba tầng còn lại để thỏa mãn phần NGƯỜI.
Mưu cầu hạnh phúc là một quyền cơ bản của con người. Ở Việt Nam, điều này đã được khẳng định ngay trong Tuyên ngôn Độc lậpnăm 1945.
Không may, đa phần người dân đã không thể có được đầy đủ quyền mưu cầu hạnh phúc ngay cả với hai tầng thấp nhất, trong ít nhất 4 thập kỷ. Bởi, làm sao có được chúng trong 30 năm khói lửa trước 1975?
Hy vọng về ấm no hạnh phúc đã bùng lên sau khi kết thúc chiến tranh. Trong lời chúc mừng xuân mới năm 1976, Tổng bí thư Lê Duẩn đã tuyên bố: “Trong vòng 10 năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một ti vi và một tủ lạnh”.
Tuy nhiên, sai lầm trong việc lựa chọn đường hướng phát triển kinh tế đã đẩy Việt Nam vào cuộc khủng hoảng toàn diện, như Đại hội Đảng từng thẳng thắn thừa nhận. Lúc đó, đa phần người dân vẫn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Nếu tính một năm chiến tranh tương đương với hai năm thụt lùi (không xây mà còn phá), cộng với 10 năm sai lầm, thì khi bắt đầu Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã tụt hậu ít nhất 70 năm so với các nước có mức phát triển tương tự vào giữa thập niên 1940.
Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi khoảng cách của Việt Nam với các nước xung quanh còn rất lớn.
Người dân bắt đầu được mưu cầu hạnh phúc ở những mức cơ bản nhất kể từ Đổi mới. Những kết quả ấn tượng như tăng trưởng GDP, giảm nghèo thuộc nhóm cao nhất thế giới sau ba thập kỷ đã giúp hầu hết các hộ gia đình Việt Nam có đủ cơm ăn, áo mặc...
Tuy vậy, khi hai tầng nhu cầu thấp nhất đã cơ bản được thỏa mãn, nhu cầu ở các tầng cao hơn bắt đầu gia tăng.
Nhu cầu có tiếng nói, tham gia vào các hoạt động xã hội của một bộ phận người dân (nhất là tầng lớp trung lưu) ở Việt Nam đang ngày một lớn hơn.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP.HCM. Ảnh: SGGP
Nhìn vào lịch sử phát triển của loài người, ở ngưỡng thu nhập bình quân đầu người tính theo ngang bằng sức mua từ 10-15 nghìn USD, các xã hội thường có sự chuyển biến đáng chú ý, do sự bùng nổ trong nhu cầu tham gia vào đời sống chính trị của người dân.
Hàn Quốc và Đài Loan là những trường hợp thành công, khi mà các quyết sách hợp lý được đưa ra để sự tham gia của người dân mang lại tác động tích cực cho quá trình phát triển. Những thể chế dân chủ bao trùm cả về kinh tế và chính trị được tạo ra, để đa phần người dân được mưu cầu hạnh phúc.
Ngược lại, Ai Cập đã không chuẩn bị và đón nhận sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong đời sống chính trị, dẫn đến biến động gây ra những hậu quả nặng nề.
Trong khu vực, có thể thấy Thái Lan đang ở ngã ba đường với những chuyển biến mạnh mẽ. Vị trí của Hoàng gia có khả năng sẽ giảm đi nhiều khi nhà vua hiện tại không còn tại vì. Khi đó, nước này sẽ đi về đâu tùy thuộc rất nhiều vào cách hành xử của quân đội - những người đang nắm vai trò quan trọng.
Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp với GDP bình quân đầu người năm 2015, tính theo ngang bằng sức mua thì chạm mức 6.000 USD.
Khả năng cao, con số này sẽ trong khoảng 10.000 - 15.000 USD trong 5-10 năm tới.
Do vậy, theo người viết, giờ đây nhiệm vụ của Nhà nước là đảm bảo quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân ở các tầng cao hơn, đảm bảo sự tham gia tốt hơn của các tầng lớp nhân dân vào đời sống chính trị nước nhà, để có lợi cho tiến trình phát triển.
Nguồn:BizLive
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh