Về "Rất nên quan tâm tới... lưu manh"
Mình đọc bài Rất nên quan tâm tới… lưu manh của bác Vương Trí Nhàn thấy vui vui. Bác Nhàn viết bài này vì việc giải thích sự biến nghĩa hai chữ đểu cảng và lưu manh họa sĩ Phan Cẩm Thượng ( ông này cũng giỏi):”Ngày xưa đi buôn, thường phải thuê người gánh hàng, một người gánh hai thúng gọi là Đểu, hai người gánh chung một thúng hoặc một kiện hàng gọi là Cáng. Dân gánh thuê Đểu Cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ buôn, nên chữ Đểu Cáng dần mang nghĩa xấu, cũng như chữ Lưu manh – người mù đi lang thang, đôi khi cũng trộm cắp, nên chữ này cũng mang nghĩa xấu”. Bác Nhàn nói lại với PCT về chữ lưu manh, manh không phải là mù, mà là “mắt không có con ngươi, tối tăm”. Hi hi thì cũng như nhau chắc, dân mình gọi mấy kẻ mắt không có tròng đều là mù tuốt.
Nhưng có vẻ như bác Nhàn thiên về nghĩa bóng cái sự ” mắt không có tròng” thì phải, bác tán chữ lưu manh từ câu thơ của Nguyễn Trãi: “Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập”-(Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp) rồi bảo chữ manh là ở nghĩa ấy, hạng lưu manh “ban đầu chỉ dân lang thang vô nghề nghiệp, sau chỉ kẻ “bất vụ chính nghĩa, vị phi tác đãi’, tức là kẻ không biết chính nghiã là gì, dám làm mọi việc phi pháp xấu xa.”
Bác viết:
“Lưu manh du đãng… ở ta đóng vai trò lớn trong các cuộc chiến tranh kể cả nội chiến lẫn chống ngoại xâm. Nhiều bộ sách cũ tôi đọc được có ghi những người theo Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận là du đãng, mà sau này Quang Trung mạnh cũng là nhờ tập hợp và phát huy sức mạnh đám người này.
Trong lịch sử Trung quốc, những Lưu Bang Hán Cao Tổ, Chu Nguyên Chương Minh Thái Tổ cũng mang đậm trong mình chất vô lại, du đãng, lưu manh. Đã có câu tổng kết trí thức chỉ làm đến tể tướng chỉ có lưu manh mới có thể làm vua.
Nhận xét ấy trong thời hiện đại được chứng nghiệm qua bộ đôi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.”
Chết chết chết, bác phạm thượng quá, hi hi. Rồi đây thế nào cũng có người cãi bác chết thôi.
Nhưng điều này sẽ không ai cãi bác vì nó đúng, không những đúng mà quá đúng: “Trong khi các tầng lớp nhà buôn và quan lại dùng tri thức tổ chức lại đời sống thì tầng lớp lưu manh cũng xuất hiện, thâm nhập vào các tầng lớp khác. Trong xã hội hiện đại, xu thế này chi phối sự hình thành nhân cách từ người lao động đến người có học, làm họ cũng trở nên lười biếng tầm thường tàn ác vô cảm …tức là lưu manh hóa họ. Mặc dù nhiều khi mượn áo trí thức để làm dáng nhưng trong thực tế bản chất của lưu manh là thâm thù căm ghét trí thức chân chính. Và họ căm thù trí tuệ nói chung. Ở tầng lớp lưu manh khóac áo trí thức, cái lõi là vô học, bao nhiêu cái có học bên ngoài chỉ là đắp điếm thêm.”
Đấy là điều bác Nhàn cảnh báo “rất nên quan tâm đến lưu manh”. Nếu cứ chủ quan khinh địch, cao ngạo coi thường, khinh nhờn chúng nó thì thế nào cũng có ngày bị chúng nó làm cho khốc hại. Đối với trí thức, không có gì nguy hiểm bằng lưu manh. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, trí thức ít ai chết vì hòn đạn mũi tên, toàn chết vì bọn lưu manh này thôi.
Hu hu cảm ơn bác Vương Trí Nhàn đã nhắc nhở.
Về bài “Rất nên quan tâm tới… lưu manh”
(Lê Thanh Dũng)
Bác Nhàn nói chỉ được cái…đúng, bọ Lập bình cũng rất hay. Cái ý đáng nói của chữ lưu manh là ở nghĩa sau này còn nghĩa gốc thì cũng mộc mạc đơn giản như chữ khốn nạn, đểu cáng mà Lê tôi đã có dịp viết trên báo KH&ĐS. Nhưng Bọ nhầm tí chút, chữ lưu manh có gốc gác chữ hán, manh trong thong manh (mắt trông lành lặn nhưng không nhìn thấy gì ) viết khác, còn chữ manh là dân vô nghề nghiệp viết khác. Tuy nhiên đó là chuyện nhỏ.
Ví với Mao Chu là quá hình ảnh, quá gọn gàng mà chuẩn. Nhân đây xin ngoặc thêm: Edga Snow, nếu không nhầm, là chính khách nổi tiếng, Mao coi là bạn của TQ, thuộc TQ như thuộc nước Mỹ, đã nói đại ý: Số phận đã gắn Mao Chu lại với nhau, Mao hay bày đặt nhiều chuyện, khuấy động cho mọi thứ lộn tùng phèo lên và Chu sẽ đi theo sau để làm cái việc dọn dẹp sắp xếp lại.
Cái qui tắc “Trí thức làm tể tướng lưu manh làm vua” cũng rất chuẩn. Vì trí thức còn nhiều ràng buộc, một câu nói ra cũng đắn đo đúng sai, làm gì cũng cần lý lẽ, cần nhân tình thế thái….Nhưng lưu manh trên răng dưới …dép, trong đầu chỉ có một thứ thôi, đó là tham vọng, thì liều. Một thí dụ có thật: Ai cũng biết dưa hấu vỏ thì xanh còn ruột có thể đỏ nhiều hay đỏ ít hoặc vàng, để trí thức viết ra lý thuyết về chuyện này có khi vài chục trang giấy, vài cuốn sách. Mao nói gọn: muốn biết đỏ hay vàng thì bổ ra. Trong cách mạng văn hóa một bà bán dưa được bầu là anh hùng học tập Mao tuyển, ảnh bà ta cùng hàng trăm quả dưa được bổ đôi đăng trên đăng bìa “Trung Quốc Họa Báo”. Xin nói thêm một ý: Vua nào cũng dùng trí thức, ca ngợi trí thức nhưng kẻ họ ghét nhất không ai khác, đó là trí thức. Chuyện này chả cứ thời nào, chả cứ đông hay tây, vua lưu manh là thế cả. Trong mắt loại vua này, trí thức là hay chọc ngoáy, hay ngứa mồm, có vấn đề không ai biết, định làm lén hoặc lơ đi hoặc cho chìm xuồng.. . thì đám trí thức hay ngứa ngáy lại bới ra, một “chủ trương” đưa ra đã được “đồng thuận cao” lại còn bàn ngang bàn lùi làm nát chuyện rách việc “mất định hướng”.
Bọ Lập nói: Đối với trí thức, không có gì nguy hiểm bằng lưu manh. Nói đi thì cũng xin nói lại: Đối với lưu manh, không có gì nguy hiểm bằng trí thức. Phải không hai bác?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý