Rất nên quan tâm tới... lưu manh

11:04 SA @ Chủ Nhật - 04 Tháng Ba, 2018

1. Trong bài Đường đi và ngườiđi -- Những khám phá thú vị về xã hội người Việt xưa in trên TT&VH số ra 18-12-2011 nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có viết :

“ Ngày xưa đi buôn, thường phải thuê người gánh hàng, một người gánh hai thúng gọi là Đểu, hai người gánh chung một thúng hoặc một kiện hàng gọi là Cáng. Dân gánh thuê Đểu Cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ buôn, nên chữ Đểu Cáng dần mang nghĩa xấu, cũng như chữ Lưu manh – người mù đi lang thang, đôi khi cũng trộm cắp, nên chữ này cũng mang nghĩa xấu”.

Tôi muốn bàn thêm với anh Thượng riêng về hai chữ lưu manh.
Chữ manh ở đây không phải người mù.
Trong chữ Hán cũng có một chữ manh viết bằng cách kết hợp chữ vongvới bộ mục, Đào Duy Anh dịch nghĩa là mắt không có con ngươi, tối tăm.


Nhưng trong từ ghép lưu manh thì sách vở xưa nay đều viết chữ manh khác, gồm chữ vong như trên và bộ thị thay cho bộ mục. Chữ manh nói về sau này thời cổ là chỉ chung là dân. Trong Bình Ngô đại cáocó câu:

Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập
Đào Duy Anh dịch là
Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp
Là dùng chữ manh ấy.

Từ chỗ ban đầu chỉ dân nói chung ( Hiện đại Hán ngữ từ điển giảng “cổ đại xưng bách tính”), sau chữ manh này chỉ dân không có nghề nghiệp. Nó cũng không mấy khi được dùng riêng mà thường dùng như một thành phần trong từ ghép lưu manh.

Anh Phan Cẩm Thượng cho rằng đểu cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ hàng nên có nghĩa xấu. Nghĩa xấu đó là gì? Từ điển Khai trí tiến đức 1931 ghi đểu cánglà hạng người hèn mạt vô hạnh. Như vậy là từ một thói xấu đã biến thành một bản chất. Nay đểu cáng thường dùng như một tính từ chỉ phẩm chất.

Hạng lưu manh cũng vậy. Các từ điển Hán -- Hán hiện đại thường ghi lưu manh ban đầu chỉ dân lang thang vô nghề nghiệp, sau chỉ kẻ “bất vụ chính nghĩa, vị phi tác đãi’, tức là kẻ không biết chính nghiã là gì, dám làm mọi việc phi pháp xấu xa.

Tra các từ điển Hán Anh, tôi thấy người ta thường dịch lưu manh thành rogue, gangster, hooligan, sau đó chuyển sang nghĩa rộng hơn, nó dùng để chỉ những quan niệm hành động phi đạo đức, liều lĩnh, bậy bạ, rộng hơn là những triết lý “vô thiên vô pháp”, cho phép người ta dùng mọi thủ đoạn cốt đạt được mục đích.

2. Hồi cuốn Văn minh vật chất của người Việt mới ra, tôi đã thấy cái tên sách hình như to quá so với thực chất. Lẽ ra nên gọi gọn lại, đại khái như Các đồ vật của người Việt thì mới đúng. Chứ còn vật chất là một khái niệm khái quát hơn nhiều. Ví dụ một dạng vật chất là năng lượng, hoặc các loại vật liệu -- ở đây đâu có nói tới.

Người Việt là một khái niệm có nghĩa rộng. Việc ở đây tác giả chỉ nói về người Việt ở đồng bằng Bắc bộ cần được xác định rõ ngay từ tên gọi tập sách.

Ngoài ra tôi còn băn khoăn về một chuyện khác. Trong một lần trả lời phỏng vấn, tác giả bảo muốn viết về những đồ vật xưa nếp sống xưa để các bạn trẻ có dịp trở về với cái hồn của dân tộc mà khỏi phải đọc sách vở kinh phật lão.

Tôi thì tôi nghĩ khác. Không gì thay thế sách vở được. Người nghiên cứu hôm nay không thể thỏa mãn với những hồi tưởng hồi ức xưa rồi dừng lại ở cái nếp sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng mà phải đi tới toàn bộ đời sống tinh thần của người xưa. Trong việc này, nhất thiết phải vận dụng tới sách vở từng có từ bao đời nay, kể cả sách của ông cha ta cũng như sách của nước ngoài. Đó là con đường mà các bạn trẻ không thể lảng tránh.

3. Dẫu sao tôi cũng cảm ơn nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Từ chỗ nghiên cứu nghệ thuật thuần túy, anh chuyển sang nghiên cứu cơ sở của nghệ thuật là xã hội.

Khi nghiên cứu về giao thông VN trong xã hội cũ, anh không chỉ nói tới đường đi mà còn nói tới người đi, vì thế mới có câu chuyện chúng ta trao đổi ở đây.

Tôi lại rất tán thành cái hướng mà anh theo là phân chia xã hội không theo thang bậc giai cấp chung chung nông dân—địa chủ phong kiến mà theo các tầng lớp hình thành trong xã hội như kẻ sĩ, nhà buôn, kẻ hạ lưu trộm cướp lưu manh.

Xin phép nói thực, tôi cũng đang muốn làm như vậy.

Phần góp chuyện của tôi:

Ngày nay chúng ta thường hay lý tưởng hóa chữ dân. Nhưng ở trang 87 của Từ điển từ nguyên tiếng Trung ( Nxb Hồng Đức H. 2008 ), tác giả Nguyễn Mạnh Linh ghi:

Để áp bức nô lệ làm việc và tránh tạo phản, bọn chủ nô thường bắt họ đeo gông tay gông chân hoặc dùng mũi khoan chọc mù mắt họ. Chữ dân trong Giáp cốt văn và Kim văn nghĩa gốc là chỉ nô lệ, nghĩa rộng chỉ kẻ bị thống trị trong đó bao gồm nô lệ và dân thường. Sau này phiếm chỉ bách tính quần chúng nhân dân.

Phải đi vào từ nguyên học lôi thôi như vậy vì nói tới người dân xưa là nói tới tình trạng lang thang vô nghệ nghiệp. Mà đó cũng là nguồn gốc tạo nên cách sống của họ. Họ chẳng coi cái gì là quan trọng. Họ dám làm những việc động trời bất chấp pháp luật. Nhờ thế, trong lịch sử các nước như Trung Quốc Việt Nam họ là nguồn gốc của những hỗn lọan mà ngày nay ta hay gộp vào và gọi chung là những cuộc nông dân khởi nghĩa.

Lưu manh du đãng… ở ta đóng vai trò lớn trong các cuộc chiến tranh kể cả nội chiến lẫn chống ngoại xâm. Nhiều bộ sách cũ tôi đọc được có ghi những người theo Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận là du đãng, mà sau này Quang Trung mạnh cũng là nhờ tập hợp và phát huy sức mạnh đám người này.


Trong lịch sử Trung quốc, những Lưu Bang Hán Cao Tổ, Chu Nguyên Chương Minh Thái Tổcũng mang đậm trong mình chất vô lại, du đãng, lưu manh. Đã có câu tổng kết trí thức chỉ làm đến tể tướng chỉ có lưu manh mới có thể làm vua.


Nhận xét ấy trong thời hiện đại được chứng nghiệm qua bộ đôi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.

Lịch sử cả Đông lẫn Tây vận động theo hướng xã hội khép kín trong các làng xóm thôn lạc thời cổ điển bị phá vỡ, con người tràn ra thành thị. Trong khi các tầng lớp nhà buôn và quan lại dùng tri thức tổ chức lại đời sống thì tầng lớp lưu manh cũng xuất hiện, và phát triển mạnh theo hướng thâm nhập vào các tầng lớp khác. Trong xã hội hiện đại, xu thế này chi phối sự hình thành nhân cách từ người lao động đến người có học, làm họ cũng trở nên lười biếng tầm thường tàn ác vô cảm …tức là lưu manh hóa họ. Mặc dù nhiều khi mượn áo trí thức để làm dáng nhưng trong thực tế bản chất của lưu manh là thâm thù căm ghét trí thức chân chính. Và họ căm thù trí tuệ nói chung. Ở tầng lớp lưu manh khóac áo trí thức, cái lõi là vô học, bao nhiêu cái có học bên ngoài chỉ là đắp điếm thêm.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói hư tật xấu của người Việt: không ham phiêu lưu, thêm bớt tùy tiện...

    19/12/2015Vương Trí NhànVô luận là vấn đề gì, kẻ sĩ nước ta đều thấy các thánh hiền Trung Quốc giải quyết sẵn cho mình rồi, cái công phu của mình chỉ là thuật lại để thực hành cho xứng đáng chứ không cần phải sửa chữa thêm bớt chút gì...
  • Thói hư tật xấu của người Việt : Quan lớn như hạ lưu, Ảo tưởng thoái hóa, trì trệ bất lực

    09/04/2015Vương Trí NhànNghĩ như những người quan cao chức lớn, cửa rộng nhà to, mũ áo đai cân, mày đay kim khánh mà gian tham xiểm nịnh, bất nghĩa vô lương hút máu hút mủ của dân thứ để nuôi béo vợ con...
  • Chuyện bên lề phim "Tể tướng Lưu gù"

    12/08/2011Nguyễn Khắc PhêPhim "Tể tướng Lưu gù" chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam hơn tháng nay đã thành "chuyện thường ngày" bàn tán khắp cả nước. Đó là nói phóng đại lên, dựa vào việc Đài truyền hình đã phủ sóng toàn quốc, chứ phim chiếu vào cái giờ mọi công việc trong ngày bắt đầu khởi động, không phải ai cũng xem được. Tôi cũng không xem đủ, chỉ nghe chuyện bên lề là nhiều. Mà chuyện trong phim, thiên hạ xem cả rồi, biết cả rồi. Chuyện bên lề mới vui, có khi lại lắm ý nghĩa, như phim "Tể tướng Lưu gù" chỉ là "chuyện ngoài chính sự" vậy thôi!