Về hay ở phải là kết quả thoả thuận tự nguyện
Cần có thời gian để thu hẹp, đi đến xoá bỏ sự chênh lệch về mức độ hấp dẫn của Việt Nam, như là một địa chỉ nghề nghiệp của trí thức trẻ, so với các nước tiên tiến.
Dự thảo quy chế quản lý du học sinh, do bộ Giáo dục và đào tạo soạn thảo và được công bố để lấy ý kiến rộng rãi, được xã hội tiếp nhận với rất nhiều phản ứng trái chiều. Một số người cho rằng nội dung quy chế là tích cực, đặc biệt về phương diện quản lý đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của du học sinh ở nước ngoài; số khác, hình như đông hơn nhiều, lại chỉ nhận thấy ở quy chế sự siết chặt đến gò bó và cả sự bất hợp lý trong việc giải quyết bài toán về sự cân xứng giữa quyền và nghĩa vụ công dân.
Có thể cảm thông với nỗi lo lắng của nhà chức trách công trước hiện tượng chảy máu chất xám từ việc mở cánh cửa du học cho giới trẻ. Tuy nhiên, bảo vệ nguồn chất xám bằng cách thiết lập chế độ quản lý du học sinh theo mô hình giám hộ đối với người chưa thành niên, như trong bản dự thảo quy chế ấy, thì không hay, nếu không muốn nói là trái với các nguyên tắc tôn trọng quyền chủ thể được thiết lập trong luật cơ bản.
Kinh nghiệm cho thấy chẳng nước nào giữ được tinh hoa của quốc gia bằng các biện pháp mang ý nghĩa trói buộc con người vào những bổn phận pháp lý. Mục tiêu sống của các cá thể, suy cho cùng, là thoả mãn các lợi ích của bản thân; theo sự thôi thúc của bản năng sống, cá thể luôn có xu hướng di chuyển đến nơi nào mà việc thoả mãn các lợi ích đó có thể được thực hiện trong những điều kiện thuận lợi nhất. Bởi vậy, tài năng chỉ có phát huy và từ đó nở rộ thành những hoa quả tươi đẹp trong môi trường làm việc thoáng đạt cả về vật chất và tinh thần. Nhiều du học sinh không về nước sau khi tốt nghiệp cũng từ sự lựa chọn nơi định cư để xây dựng sự nghiệp theo tiêu chí đó, sau khi so đo các điều kiện làm việc ở nước sở tại và ở nước nhà.
Cần có thời gian để thu hẹp, đi đến xoá bỏ sự chênh lệch về mức độ hấp dẫn của Việt Nam, như là một địa chỉ nghề nghiệp của trí thức trẻ, so với các nước tiên tiến. Trước mắt, cách tốt nhất để giữ người tài hẳn chỉ có thể là để họ xác lập nghĩa vụ hồi hương của mình trên căn bản tự nguyện, chứ không phải bằng cách áp dụng các quy phạm mệnh lệnh của luật pháp.
Rõ hơn, trước khi cho phép một thanh niên đi du học, nhà chức trách đặt trước mặt họ một bản hợp đồng, trong đó ghi rõ những cam kết mà người đi học phải chấp nhận, như: phải lấy được bằng cấp gì, sau khi học xong thì phải về làm việc tại đâu, trong thời gian bao lâu, nếu không về đúng hạn thì sẽ bị chế tài như thế nào,…
Chấp nhận các điều khoản của hợp đồng và ký vào đó với ý thức đầy đủ về việc mình làm, người đi học chẳng có gì để phàn nàn về những ràng buộc phát sinh. Đặc biệt, giao kết một hợp đồng như thế giúp người đi học biết mình sẽ làm gì, cho cơ quan nào, trong bao nhiêu năm, từ trước khi đi học. Quy định như trong bản dự thảo quy chế, việc hồi hương dễ trở thành nỗi ám ảnh, hơn là kích thích sự háo hức, đối với du học sinh.
Cách làm này còn cho phép nhà chức trách, trong trường hợp người đi học không tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình, tiến hành cưỡng chế thông qua vai trò của toà án, nghĩa là theo đúng cách thức người ta bắt buộc thi hành một nghĩa vụ pháp lý kết ước bình thường trong cuộc sống dân sự.
Cần nhấn mạnh rằng trong xã hội có tổ chức, ngoài nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ quân sự, tất cả các bổn phận của công dân đối với Nhà nước đều phải được bù trừ bằng những quyền lợi tương ứng. Theo logic mang tính nguyên tắc đó, thì chỉ khi nào cấp kinh phí, trực tiếp hay gián tiếp, cho du học sinh để trang trải chi phí học tập và ăn ở tại xứ người, Nhà nước mới có quyền đòi hỏi ở du học sinh các nghĩa vụ đối với mình. Nói cách khác, việc dùng hợp đồng để ràng buộc người đi học chỉ hợp lý trong các trường hợp đi học bằng ngân sách công.
Đưa cả người đi du học tự túc vào cùng một diện quản lý với người hưởng học bổng của Nhà nước, người soạn thảo quy chế dễ khiến người ta nghĩ rằng dường như nhận thức của người quản lý về chức năng xã hội của nhà chức trách công còn chưa theo kịp đà xã hội hoá nền giáo dục quốc dân.
Cần có thời gian để thu hẹp, đi đến xoá bỏ sự chênh lệch về mức độ hấp dẫn của Việt Nam, như là một địa chỉ nghề nghiệp của trí thức trẻ, so với các nước tiên tiến.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc