Văn hóa… chờ

02:23 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Năm, 2009

Thì quả đúng nước ta sính “văn hoá chờ” bên cạnh các văn hoá khác như: văn hoá ẩm thực, văn hoá lễ hội, riêng cái gọi là “văn hoá ăn cắp” hoa thì cũng không thể loại nó ra khỏi dòng văn hoá, vì nó chẳng diễn ra trong một văn hoá lễ hội hoành tráng là gì?

Chưa được đi Tây bao giờ mà chỉ nhìn thấy vào những buổi sáng, buổi chiều khi đứng chờ xe buýt ở trạm Bến Thành, nên tôi đã tận mục sở thị cái cách lên xe của người Tây. Họ nối đuôi nhau bình thản chờ đến lượt trong khi người nước chủ nhà ào vô, chen vai thích cánh xô đẩy để nắm được một cái gì đó, chìa được một bàn chân vào bậc xe và ... la oai oái, cự cãi vì bàn chân mình đút vào sau, ở dưới bị những bàn chân khác đạp lên. Đau thì phải cự cãi, có khi văng cả tiếng chửi thề ra! Văn hoá đâu chỉ có những cái hoành tráng, nó là những thứ tưởng là vụn vặt như vậy đấy, cái nhỏ nhất trên khuôn mặt phụ nữ nhưng lại là cái quan trọng nhất làm nên một khuôn mặt hễ nhìn là thấy... đáng yêu: Cái nốt ruồi duyên, cái đồng tiến trên đôi má lúm ... ai bảo nó không to hơn ngai vàng của một quân vương mê gái?

Nói tóm lại là văn hoá chờ sau nhiều năm sinh sôi nảy nở hiện đang lên đến cao trào, khi nó đã phổ biến như ngày nay thì chẳng cần đến hai cái ngoặc kép (“...”) làm gì. Toàn TP. HCM hiện có hàng trăm dự án dở dang, chưa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng với hàng chục ngàn nến đất, căn hộ chung cư. Điều này khiến người dân bị “treo” giấy chủ quyền, năm này đợi năm kia và cứ thế thực hành… văn hoá chờ! Và không chỉ có người dân có văn hoá này, một ông phó chủ tịch quận Bình Tân cho biết ông cũng là người có văn hoá chờ “các dự án đầu tư đều do thành phố giao đất nên chỉ có đơn vị giao đất mới có thẩm quyền xử lý vi phạm cụ thể là Sở TN - MT, quận chỉ có thể lập biên bản trình cấp trên” và ... chờ, nghĩa là quận cũng bị “treo”! Thế nên mọi người vẫn dài cổ ra chờ một sự phân công phân nhiệm hoặc một sự phối hợp, nhưng chờ đến bao giờ thì nên ngước nhìn lên Hòn Vọng Phu có rất nhiều ở nước ta !

Người nước ngoài thật “thiếu văn hoá chờ Việt Nam” nên không hiểu những truyện cổ tích nhan nhản ở xứ này. Khởi công năm 1999, QL 63 là đường huyết mạch nối hai tỉnh Cà Mau - Kiên Giang xong đã lâu nhưng xe không chạy được trên con đường "kiểng" dài 120km này vì một số cầu vào đường, cái thì chưa xong, cái còn nằm trên bản vẽ! Đường còn phải chờ nói chi người ta? Cầu đường là chuyện xin - cho bởi thế cần phải chờ, nhưng các doanh nghiệp mang tiền đến nộp thuế tức là mang nguồn lực đến, tức là sống và làm việc theo pháp luật thế mà cũng phải tốn rất nhiều thời gian chờ để ngân sách mở lòng nhận giùm, thì mới hiểu “văn hoá chờ” còn là một phạm trù triết lý bất khả tri, có nghĩa không hiểu nổi, hiểu chết liền!

Nói là nói vậy thôi, chứ có thành phố ta có những lĩnh vực mà văn hoá chờ rất thoáng, nhanh gọn và đầy những nụ cười. Toàn TP. HCM có 1.924 khu phố thì chỉ trong vài năm thực hiện, nay đã có hơn 1.000 khu phố, ấp đạt danh hiệu “Khu phố văn hoá”, hơn 600 đạt chuẩn tiên tiến, tính ra cứ 10 khu phố thì có 8 khu phố văn hoá. Vào những khu ổ chuột thì đáng lo, chứ vào nơi đạt chuẩn từ yên tâm thoải mái trong sinh hoạt. Có một khu phố văn hoá nọ, “nội hàm” thì được mô tả là đầy văn hoá, nhưng ngoài đường cứ tối tối là những con bướm đêm đứng đầy, có “bướm” còn đội nón bài thơ, áo dài trắng ôm cặp đứng thực hiện… văn hoá chờ. Hỏi “thế là sao?”. Đáp “Đấy là “ngoại binh” nơi khác đến, trong khu phố làm gì có ổ mại dâm, thế là đạt chuẩn rồi”.

Thì ra văn hoá chờ cũng là một thể thống nhất của những mặt dị biệt: chờ cái đồng bộ, chờ hết trống đánh xuôi kèn thổi ngược, chờ cho qua cơn đùn đẩy… và chờ kết thúc tính rầm rộ phong trào mà đi vào thực chất!

Chờ bao giờ cũng tốn thời gian nhưng chẳng có cửa hàng nào bán thời gian cả, nó là thứ miễn phí!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một căn bệnh xã hội cần được gọi đúng tên

    25/09/2010GS. Tương LaiCó những căn bệnh bệnh xã hội mà những tiến bộ của y học thế giới đã hứa hẹn những triển vọng có thuốc chữa khỏi. Căn bệnh xã hội về "chuộng cái giả mà sợ cái thật" thì không thể chờ đợi ở y học mà cứu cánh của nó lại là sự dũng cảm nhìn vào sự thật, nói đúng sự thật điều mà đồng chí Phạm Văn Đồng đã từng cảnh báo về "tình hình nguy kịch không thể coi thường... Cần thấy hết tình hình, rút ra kết luận nghiêm khắc với ý chí cách mạng tiến công"(báo Nhân Dân ngày 15.5.1999).
  • Thảng thốt với thời gian

    24/01/2009Tùy bút của Văn HàDù không nhiều hoa đào như - mọi năm nhưng xuân vẫn về trên từng góc phố Hà Nội. Xuân sang không chờ đợi ai cũng như tuổi đời đến không cần sự thừa nhận của con người. Xuân cứ bước lòng lõng giữa trời đất, qua ô cửa tò vò của con phố cổ ngắm nhìn mọi người ngơ ngác giữa trần gian.
  • Sự tăng tốc của thời gian

    02/08/2008Trong rất nhiều tập thơ xuất hiện gần đây có một tập thơ làm cho tôi chú ý. Chú ý bởi trông là lạ với cái bìa đơn giản có hình bàn tay giữa thiên hà; bởi bên trong được minh họa đẹp, hiện đại, lại đơn giản; bởi đây là tập thơ song ngữ đầu tiên trong nước và tác giả tự dịch sang tiếng Anh rất chuẩn…
  • Những mẩu chuyện về kẹt xe

    11/10/2007Lê HoàngBỗng nhiên từ vài tháng nay, nạn kẹt xe trong thành phố đột ngột bùng phát. Tất cả các con đường bỗng trở nên cứng như nêm vào những giờ thiên hạ phải đổ ra phố. Chuyện ấy dĩ nhiên gây ra rất nhiều bực dọc, rất nhiều phiền toái nhưng cũng gây ra không ít huyền thoại và sự khôi hài...
  • Thiếu tác phong công nghiệp

    23/09/2007Khái niệm “tác phong công nghiệp” dường như vẫn xa lạ với số đông người Việt. Sự chậm chạp và lề mề trong công việc vốn đã trở thành vết hằn ăn sâu vào máu thịt của từng người...
  • Nạn chờ... “cấp trên”

    13/12/2005Đ.Trung - M.CườngBạn đã bao giờ đến dự những cuộc họp, hội thảo, tổng kết, mít tinh... mà nhìn thấy Ban tổ chức đầy vẻ căng thẳng, lo âu? Không phải họ lo vì người đến dự ít mà lo vì chờ mãi mà cấp trên chưa thấy ló mặt. Hầu hết các “cuộc, cuộc” như vậy đều khiến những người tổ chức đau đầu: Nếu “Sếp” không đến thì coi như công toi...
  • xem toàn bộ