Nạn chờ... “cấp trên”
Thực tế thì việc chờ cấp trên đến dự hội thảo, tổng kết đang trở thành một vấn nạn không nhỏ hiện nay, bởi vì “sếp” thì có ít mà hội thảo, hội nghị, mít tinh, tổng kết lại quá nhiều, mà cuộc nào cũng phải mời cho kỳ được “sếp” tới dự.
ChờVIP (nhân vật quan trọng đặc biệt)
Cách đây một thời gian (giữa tháng 11/2005) tại khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội, Hãng xe máy Sufat, tổ chức giới thiệu một mẫu xe máy mới. Tất nhiên là họ tổ chức rất rầm rộ. Nhưng BTC thì cứ chạy như đèn cù, mồ hôi mồ kê chảy dài trên má, chỉ vì mỗi một việc: Không biết vị thứ trưởng Bộ X. có đến dự không. Mà đó là quan chức VIP được coi là không thể thiếu vì ông này phải lên phát biểu.
Khá nhiều khách tỏ vẻ rất bực bội vì nạn phải ngồi chờ vị quan chức kia và họ đã bỏ về khá nhiều dù buổi lễ chưa khai mạc. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ thì vị thứ trưởng kia cũng xuất hiện. BTC thở phào nhẹ nhõm. Phát biểu của ông thứ trưởng cũng chẳng có gì to tát, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những lời sáo rỗng, chung chung “chúc mừng, sẽ tạo điều kiện...” này nọ.
Một công ty chuyên về may mặc khá nổi tiếng cũng rơi vào tình trạng tương tự: BTC cứ hết đứng lại ngồi, rồi lại chạy ra ngoài cổng, gọi điện thoại cứ loạn lên để nghe ngóng thông tin xem vị lãnh đạo kia có đến được không?.
8 giờ, rồi 8h30 phút, BTC toát mồ hôi hột vì lo lắng thì bỗng nhiên đoàn xe của lãnh đạo xuất hiện. BTC mừng còn hơn bắt được vàng. Vị lãnh đạo cũng chỉ phát biểu ít phút rồi lại phải bận và rời khỏi cuộc tổng kết ngay, nhưng với BTC thế là quá thành công bởi chỉ cần có mặt của lãnh đạo là đủ.
Tại Khách sạn Mélia Hà Nội, trong một hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực cũng vừa mới tổ chức gần đây, nhiều vị khách cũng trong tình trạng không biết nên nằm hay nên ngồi vì cả hội nghị đều dài cổ chờ một lãnh đạo trên Bộ xuống. Trễ đến hơn nửa giờ thì cả hội nghị chưng hửng vì vị này do bận nên không thể xuống được. Cuối cùng thì hội nghị diễn ra như cơm nguội, tẻ ngắt vì... không có cấp trên xuống dự.
Hàng trăm vị khách mời trong một cuộc hội thảo của bậc tiểu học thuộc Bộ GD&ĐT, diễn ra tại khách sạn Bảo Sơn đã phải trải qua một cuộc chờ đợi dai dẳng. Theo lịch đã được ấn định, cuộc hội thảo sẽ bắt đầu vào 8h nhưng đến 8h15 vẫn chưa thấy ai chịu đứng vào cây micro ở bàn điều khiển hội thảo.
Khi tiếng của người dự hội thảo đã làm râm ran cả hội trường, đại diện của ban tổ chức mới chịu đứng lên lí giải rằng, phải chờ đợi Thứ trưởng của Bộ đến phát biểu khai mạc. Không hề có một tiết mục ca nhạc, không hề có một hình thức tiêu khiển nào để “câu giờ”, BTC chỉ còn biết để khách dài cổ ngóng đợi.
Phải đến 9h, vị lãnh đạo mới xuất hiện. Thực ra, vị lãnh đạo này đã phải chạy sô hội nghị, trước đó bà đã phải khai mạc một hội nghị khác cũng của ngành giáo dục, có nội dung về giáo viên, diễn ra tại khách sạn Kim Liên.
Thực tế, lời xin lỗi nhẹ nhàng của vị lãnh đạo không đủ để làm cho không khí hội thảo trở nên hứng khởi sau quãng thời gian gián đoạn quá lâu. Nếu làm một phép tính, những người dự hội thảo đã bị tước đi hàng trăm tiếng đồng hồ, cho dù có không biết bao việc đang chờ họ ở cơ quan.
Trên đây chỉ là một trong hàng trăm ví dụ về các cuộc họp, hội thảo mà phóng viên KH&DT chứng kiến.
Kịch bản hội nghị, tổng kết: lãnh đạo là nhất
Trong bất cứ giấy mời nào mà bạn nhận được đều có một “mô- típ” rất giống nhau: “Đón khách, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, giới thiệu lãnh đạo cấp trên, diễn ra hội nghị,tổng kết... rồi sau đó bao giờ cũng có phần: Lãnh đạo cấp trên phát biểu (hoặc chỉ đạo)”.
Khi đến hội nghị, khách đến dự đều nhận thấy là dãy bàn đầu tiên bao giờ cũng được phủ khăn trắng, trang trọng, trên có cắm hoa, nước rót, đó là bàn dành cho khách VIP. Đôi khi chẳng có mấy khách cấp trên dự nên dãy bàn này có khi gần như trống trơn. BTC cuối cùng đành “kính thưa” mấy vị be bé để thế vào. Hầu hết khách dự đều ngồi ngủ gật, thỉnh thoảng vỗ tay chiếu lệ và liếc đồng hồ chờ cho hết giờ.
Ngay cả phường, xã... cũng có kịch bản như vậy
Nạn chờ cấp trên đến dự hội nghị, tổng kết đã trở thành một nỗi ám ảnh hiện nay với rất nhiều người. Ngay cả ở cấp phường, xã, huyện, thị... thì các cuộc họp, tổng kết cũng rơi vào cái nạn chờ cấp trên.
Một phường của Quận Thanh Xuân, Hà Nội có một hội nghị về văn minh khối phố, nhưng cũng phải chờ đến gần nửa tiếng đồng hồ để đợi một vị phó phòng phụ trách văn xã của quận xuống dự và phát biểu.
Tại cuộc gặp gỡ mới đây để phát động quỹ học bổng giáo dục do Cty TH (Hà Nội) tổ chức nhân ngày 20/11 tại một phường của quận Ba Đình, khoảng hơn hai chục khách mời cứ lang thang hết góc này sang góc khác của hội trường vì BTC đang cố gắngchờ khách VIP.
Cuối cùng thì khách VIP không đến (do bận đột xuất), thế là BTC tiếp tục mời “quý khách” chờ thêm ít phút nữa (ít phút này cũng khoảng nửa tiếng). Cuối cùng thì lễ phát động diễn ra trong không khí buồn tẻ vì không có VIP nào ngồi dự.
Khu phố, thôn, làng, tổ chức cái gì bao giờ cũng cố mời được lãnh đạo xã,phường,tới dự. Phường thì cố gắng làm sao để lãnh đạo quận tới dự. Còn quận thì chờ lãnh đạo tỉnh, thành phố. Các cuộc của Bộ, ngành cũng đều như vậy. Cứ như thế dắt dây nhau.
Thực ra nhiều vị lãnh đạo cấp trên cũng không hề muốn tỏ ra quan trọng khi không đến hoặc đến trễ các cuộc hội họp, tổng kết, nhưng lãnh đạo thì ít mà hội họp, tổng kết thì quá nhiều làm sao mà đi cho xuể được.
Tâm sự của người phải chờ đợi
Tôi từng dự nhiều hội nghị, hội thảo và đã nhiều lần phải chờ đợi. Thực ra, chúng tôi đã phải sắp xếp thời gian, thậm chí phải huỷ công việc để đến dự hội nghị nên rất dễ “xúc cảm”. Ai cũng cảm giác khó chịu, nhàm chán và mất hứng thú... Nhưng người làm muộn cuộc họp là sếp ở trên nên cũng không dễ để góp ý trực tiếp. Theo tôi, chúng ta cứ bắt đầu vào thời gian đã ấn định. Nếu chúng ta thực hiện vài lần như vậy, có lẽ người lãnh đạo đến muộn sẽ phải điều chỉnh mình hoặc ít ra phải báo trước khoảng thời gian có thể xê dịch của mình.
Có không ít những cuộc họp tôi được tham dự đã phải dãn nở 15- 30 phút để chờ một vị lãnh đạo cấp trên nào đó. Nhà nước đang rất quan tâm đến chuyện họp hành, đến hiệu quả công việc... vậy thì tại sao chúng ta lại cứ thản nhiên lãng phí thời gian để chờ một người. Chúng ta nên chủ động bắt đầu công việc theo đúng thời gian ấn định và cắt cử người ghi lại các ý kiến các nội dung để báo cáo với sếp. Theo tôi, chỉ trong trường hợp còn nhiều những ý kiến trái chiều, chúng ta mới cần tới ý kiến cuối cùng của sếp.
Nếu phải chờ, có lẽ tôi sẽ... bỏ về. Nhưng điều tôi muốn nói nhất là căn bệnh sính mời lãnh đạo hiện nay: ai tổ chức hội nghị, hội thảo hay sự kiện cũng tìm cách mời vị lãnh đạo nọ, vị cấp trên kia để gia tăng phần long trọng. Đó chính là đầu mối của nhiều sự phức tạp. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh từng nhấn mạnh rằng:Các bộ ngành không đủ lãnh đạo để đi khai mạc, nhiều khi phải bổ sung thêm người lãnh đạo để làm việc này.Người lãnh đạo cứ đi hết hội nghị này tới hội nghị khác cũng chẳng còn thời gian cho quản lí điều hành công việc... Theo tôi, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, chúng ta có thể vận dụng để hạn chế việc đi lại, hạn chế việc đến muộn của các sếp. Chẳng hạn, vừa rồi Bộ trưởng Bộ GD- ĐT đã ngồi ở Hà Nội, khai mạc một hội nghị lớn của ngành diễn ra ở Hà Tĩnh, thông qua việc khai thác những tính năng của mạng Internet.
Với các cuộc họp, “hạnh phúc” là không phải chờ đợi. Ngồi chờ ở đó luôn làm người ta rơi vào cảm giác về sự vô vị, nếu không muốn nói là sự tra tấn. Đó là chưa kể đến sự lãng phí vật chất mà chúng ta hoàn toàn có thể tính được... ở đây cần nhìn nhận dưới hai khía cạnh: thứ nhất, lãnh đạo phải là người có ý thức cao hơn người khác, tại sao họ vẫn là nguyên nhân gây ra sự chờ đợi của cả trăm người; thứ hai, người Việt Nam lâu nay luôn bị phê bình là có thói quen bị động trong công việc, tại sao chúng ta không nỗ lực khắc phục, không quyết tâm vươn tới sự tự chủ trong công việc? Lãnh đạo hay muộn nhưng chúng ta đừng để mình bị cuốn theo sự muộn đó của họ. |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu