Từ chuyện nước Đức nhìn về Tiên Lãng

03:47 CH @ Thứ Ba - 21 Tháng Hai, 2012
Không còn là vấn đề riêng của chính quyền Tiên Lãng vốn một khi vi phạm đã có pháp luật xử lý, mà liên quan tới toàn xã hội và thể chế. Liệu Tiên Lãng đã đủ gây sốc, làm bừng tỉnh cả xã hội lẫn chính quyền cả nước?

Từ chuyện nước Đức

Từ trước Tết Nhâm Thìn tới nay, ở ta sự kiện Tiên Lãng cưỡng chế gia đình anh Đoàn Văn Vươn bị dư luận lên án sôi sục chưa từng có, đang hừng hực từng ngày, chưa thể lường trước hồi kết, thì ở Đức một sự kiện chấn động tương tự: cuộc đấu tranh nóng bỏng tại Tiểu bang Niedersachsen đòi quyền ở lại cho một gia đình người Việt, sống ở xã Hoya, bị cưỡng chế về nước 3 tháng trước gây phẫn nộ dân chúng, bất bình chính trường, hội đoàn phản đối kịch liệt, sau 83 ngày đã kết thúc thắng lợi.

10 giờ 55 phút, ngày 31.1.2011, ông bà Nguyễn (45 tuổi), cùng 2 con (lên 9 và 6 tuổi) được đón trở lại Đức sinh sống, xuống sân bay Hannover - Langenhagen, Đức, trong vòng vây hơn ba chục người Đức, đại diện các tổ chức, cơ quan, trường học, hội đoàn, vì lương tri và lòng bác ái từng sát cánh tổ chức đấu tranh đòi quyền ở lại cho gia đình, cùng cô con gái đầu, 20 tuổi, tới đón, ôm hôn thắm thiết, dương biểu ngữ, tung bóng bay, tặng hoa, mừng mừng, tủi tủi, sôi động, phấn khích, như trong phim trường, trước hàng chục ống kính, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn, của các đài truyền hình, truyền thanh, báo chí. Khó ai cầm nổi nước mắt trước cảnh tái đoàn tụ của một gia đình 5 thành viên đã phải trải qua một thảm kịch tan đàn xẻ nghé bởi chính quyền tiểu bang, xảy ra 3 tháng trước lúc 3 giờ 15 phút sáng ngày 8.11.2011.

Vụ trục xuất hoàn toàn đúng quy trình pháp lý, như bất kỳ trường hợp xin tỵ nạn nào, chỉ thi hành, sau khi họ đã kiện ra toà án từ sơ thẩm tới phúc thẩm bị xử thua, đệ đơn lên Quốc hội khiếu nại bị từ chối, viện tới Ủy ban cứu xét các trường hợp đặc biệt, bị bác bỏ, nhưng trong trường hợp ông bà Nguyễn đã đánh vào lương tri, lòng nhân đạo, tính bao dung của mỗi con người trước nỗi khốn cùng của đồng loại.

Một làn sóng phẫn nộ chưa từng có xưa nay, nhắm vào Bộ trưởng Nội vụ được pháp luật quy định chịu trách nhiệm pháp lý đối với vụ trục xuất, dấy lên rộng khắp, phản đối vụ trục xuất gia đình ông bà Nguyễn đồng nghĩa với trục xuất chính người Đức ra khỏi quê hương bản quán họ...

Chỉ sau 3 ngày bị công luận nhất loạt phản đối, theo đề xuất của nhóm nghị sỹ đảng Linken, Quốc hội Tiểu bang cho mở phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, đòi phải đón gia đình ông bà Nguyễn trở lại, yêu cầu sửa đổi Luật Lưu trú từ thực tế này. Bộ trưởng giải trình, theo trình tự pháp lý, gia đình ông bà Nguyễn đã đệ đơn đến các toà án từ thấp lên cao, đến Quốc hội, đến Ủy ban cứu xét, tất cả đều bị bác bỏ; bộ ông với chức năng thực thi luật pháp, không thể làm khác.

Nhưng vụ trục xuất đã không còn nằm ở pháp luật mà ở tính người. Trước áp lực công luận, chính trường, gia tăng từng ngày, đến ngày thứ 3 tiếp theo, Bộ trưởng Nội vụ Schünemann phải nhượng bộ, tuyên bố đón gia đình ông bà Nguyễn trở lại Đức. Lúc này Schünemann mới tỏ ra thấm thía, lý giải quyết định mang tính người đó, trước công luận: "Bộ trưởng cũng có tim, không thể nhắm mắt trước nỗi khốn cùng của con người". Có nghĩa dù nhân danh nhà nước, đầy "quyền sinh, quyền sát", thì bộ trưởng vẫn là một con người, mang tính người, không thể thực thi nó bất chấp vận mệnh, cuộc sống con người. Nếu không, đó là một nhà nước không tim; lịch sử loài người đã từng chứng kiến như thế với nhà nước diệt chủng Đức Quốc xã hay Khơme đỏ.

Nhìn về Tiên Lãng

Hai vụ cưỡng chế gia đình ông Nguyễn ở Đức và ông Vươn ở Tiên lãng cùng xuất phát từ lệnh của quan chức chịu trách nhiệm hành chính cao nhất, cũng diễn ra sau một thời gian dài tranh chấp pháp lý, nhưng ở Đức do pháp luật bắt buộc, bằng biện pháp hành chính; dù không phải công dân họ, đối tượng vẫn được đảm bảo cuộc sống, hộ tống an toàn khi trục xuất, cấp từ vé máy bay tới bảo hiểm y tế, tiền chi tiêu dọc đường; và khi đón trở lại cũng vậy bảo đảm toàn bộ chi phí di chuyển, nơi ăn chốn ở, con cái học tập, nhu cầu sinh hoạt, làm việc bình thường cho cả gia đình, ổn định chỉ sau 1 tuần.

Trong khi đó, chính quyền Tiên Lãng cưỡng chế công dân mình bằng biện pháp vũ trang, huy động cả quân đội vốn sinh ra để chiến đấu chống xâm lược; không do pháp luật bắt buộc, mà theo lệnh người đứng đầu, nhằm thu hồi hoặc tịch thu, hoặc triệt tiêu toàn bộ những gì đối tượng đã làm ra hay đang sử dụng, bất biết liệu họ có thể tồn tại được hay không khi mất cả chốn nương thân, lẫn mọi phương tiện sinh hoạt. Liệu người đứng đầu chính quyền Tiên Lãng "cũng có tim" như Bộ trưởng Đức phát biểu ?


Niềm vui của gia đình ông Nguyễn khi trở lại nước Đức. Foto: ndr.de

Trong lúc Tiểu bang Niedersachsen từ các đảng phái, hội đoàn, tới chính quyền các cấp trực thuộc, từ nghị sỹ tiểu bang, tới nghị sỹ Liên bang ứng cử khu vực đó, đều lên tiếng phản đối người đứng đầu chính quyền họ, không cần Liên bang phải can thiệp, thì ở Tiên Lãng ngược lại, huy động toàn bộ công, dân, chính, đảng, ra sức bảo vệ sai phạm của mình; nếu cả nước không "đứng lên" phản đối, chính quyền trung ương không can thiệp, thì chính quyền Tiên Lãng chưa biết sẽ còn trượt tới đâu và đến mức nào với những công dân thấp cổ bé họng của họ?

Ở đây không còn là vấn đề riêng của chính quyền Tiên Lãng vốn một khi vi phạm đã có pháp luật xử lý, mà liên quan tới toàn xã hội và thể chế. Liệu Tiên Lãng đã đủ gây sốc, làm bừng tỉnh cả xã hội lẫn chính quyền cả nước?

Cơ chế nào đã biến một cấp nhà nước vốn được sinh ra chỉ do dân vì dân và của dân, bỗng trở nên không tim với chính công dân mình, tới mức không thể tự điều chỉnh- thuộc tính bắt buộc phải có của một nhà nước dân chủ, như chính quyền Đức sau vụ trục xuất ông bà Nguyễn. Hy vọng Hiến pháp sửa đổi tới sẽ đặt nền móng giải quyết nó.

Nhưng trong trường hợp vụ cưỡng chế gia đình ông Vươn có liên quan trực tiếp đến tư duy, chính sách và pháp luật đất đai ở ta, qua bao lần cải cách, vẫn không đoạn tuyệt được dấu ấn của nền kinh tế quản lý tập trung trước đây, vốn chỉ thích nghi với nền kinh tế đó - một nền kinh tế chỉ nhằm hoàn thành kế hoạch nhà nước, theo nguyên lý, tư liệu sản xuất, nhà máy, đất đai đều thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Chuyển sang nền kinh tế thị trường, một nền kinh tế theo đuổi mục đích lợi nhuận, làm giàu, mọi tư liệu sản xuất làm ra giá trị gia tăng đều được quyền sở hữu tư nhân, để phục vụ cho mục đó; nhưng riêng đất đai lại không, biến cấp quản lý nhà nước về đất đai trở thành chủ đất trên thực tế (với cá nhân trước kia gọi là địa chủ), gây nên bao hệ luỵ bất công và bất ổn xã hội, mà Tiên Lãng là bằng chứng của một giọt nước tràn ly.

Không thể bao biện cho quyền sở hữu nhà nước về đất đai bằng lập luận, đất đai coi như lãnh thổ thuộc sở hữu toàn dân, nên nhà nước phải quản lý để thu hồi, cấp, chia, phân bổ, phục vụ cho lợi ích chung. Phục vụ cho lợi ích chung đó, không một quốc gia hiện đại nào trên thế giới phải viện tới độc quyền sở hữu đất đai cả, nhưng khi bắt buộc cần, họ vẫn có thể quốc hữu hoá không chỉ đất mà cả tài sản cá nhân, thông qua đền bù có lợi cho chủ sở hữu, được điều chỉnh bằng hiến pháp và các văn bản lập pháp (chứ không phải lập quy) và do hệ thống toà án phán quyết nếu tranh chấp.

Đất đai dù hiểu như thế nào và đóng vai trò gì đi nữa, thì trong nền kinh tế thị trường cũng chỉ được coi là hàng hoá, định giá bằng tiền. Một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh không thể nào phân chia nổi đất đai hay tài sản sao cho công bằng, mà chỉ có thể phân chia đồng tiền. Nước Đức hiện đại hàng đầu thế giới, với trên 80 triệu dân cũng chỉ có 5.180.000 nhà riêng (năm 2008), số còn lại thuê nhà, nhưng nước họ không một ai không chỗ ở, hay thiếu điện nước, chữa bệnh, sinh hoạt phí tối thiểu, kể cả công dân nước ngoài cư trú ở họ, tất cả đều xuất phát từ nền tảng chính sách tài chính, tức là tiền, chứ không phải đất!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những vấn đề từ “sở hữu toàn dân”

    18/02/2012Vũ Quang ViệtTôi rất đồng ý với GS. Võ Tòng Xuân về việc đặt lại quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai, tài nguyên, và rừng biển (bài Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề đất đai – TBKTSG số ra ngày 9-2-2012). Đây là điều tôi cũng suy nghĩ từ lâu nay nhân dịp này xin trao đổi những suy nghĩ sơ lược dưới đây...
  • Bài học Đất đai

    13/02/2012TS. Luật Trần Đình HoànhTừ vụ Đoàn Văn Vươn chúng ta học được những gì sâu sắc hơn là kỷ luật
    vài viên chức liên hệ, chỉnh sửa giấy tờ giao đất, hủy bỏ lệnh cưỡng
    chế, đồng thời sửa đổi luật để đất giao cho nông dân được gia hạn tự
    động? Sửa sai các điều này như thế là tốt, nhưng nếu ta không học được
    bài học sâu sắc hơn thì thật là đáng tiếc, vì sẽ có những vụ Đoàn Văn
    Vươn khác trong tương lai...
  • Tổ chức xã hội dân sự - một di sản của Việt Nam

    11/02/2012Trần Trung Chínhkhông phải
    tìm kiếm các mô hình “tổ chức xã hội dân sự” ở những nơi văn minh xa
    xôi đến thế, vì nó đã từng có trên mảnh đất này, ngay trong những
    ngôi làng Việt – chốn cư trú hay đã xuất cư của 100% dân Việt. Nếu
    chúng ta muốn phân biệt cái ông Hưng gọi “di sản”, thì trong cái kho
    tàng ấy có “di sản của chế độ” và “di sản dân tộc”. Mà (hơi bị
    buồn), cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự” lại thuộc về “di sản dân
    tộc Việt”...
  • Bài học về tổ chức xã hội trên nền tảng luật pháp

    11/02/2012PGS. TS. Nguyễn Ngọc ĐiệnCó một hiện tượng dường như không bình thường phát sinh từ vụ cưỡng chế
    thu hồi đất ở Tiên Lãng: người có hành vi chống trả dẫn đến thương tích
    cho nhân viên công lực lại đang nhận được từ công luận sự cảm thông,
    chia sẻ, hơn là sự phê phán, trách móc...
  • Từ sự kiện Tiên Lãng, nhớ lại và suy ngẫm

    02/02/2012GS. Tương LaiGiờ đây, trước sự kiện Tiên Lãng vừa xảy ra mở đầu cho năm 2012 gây bức xúc trong dư luận, nhìn lại “Sự kiện Thái Bình” năm 1997 để suy ngẫm càng thấy rõ cái logic tất yếu của sự bùng nổ từ những nung nấu tiềm ẩn trong đời sống nông thôn và trong tâm trạng của người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng.
  • Ý kiến của luật sư Ngô Ngọc Trai về vụ Đoàn Văn Vươn

    31/01/2012Luật sư Ngô Ngọc TraiLà một luật sư đã tham gia giải quyết nhiều vụ việc thu hồi đất, tôi xin phân tích chỉ ra một số quy định bất cập trong hệ thống các quy định về thu hồi đất hiện nay. Bài viết nêu lên trách nhiệm của Bộ tài nguyên và môi trường trong việc soạn thảo các văn bản trình chính phủ ban hành, và trách nhiệm của UBND huyện Tiên Lãng trong việc thực thi các quy định chính sách về đất đai. Mục đích là mong muốn chúng ta cùng nhìn rõ thực tại khách quan và chỉ ra những thiếu khuyết nào đưa đến những tệ trạng đó...
  • Trái lòng dân thì hại nước

    31/01/2012Lê Quý HiềnPhát biểu của luật sư Lê Đức Tiết: Chưa ở đâu tôi thấy có hố ngăn cách giữa người dân (cả người liên quan và không liên quan đến vụ việc) với cán bộ chính quyền lớn như ở Tiên Lãng lần này...
  • Vài câu hỏi về vụ Đoàn Văn Vươn

    29/01/2012TS. Nguyễn Quang ANăm 2012 mở đầu bằng một vụ cưỡng chế thu hồi đất tai họa. Tại cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, bốn công an và hai bộ đội tham gia thi hành cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 đã bị mìn tự tạo và súng săn của những người bị thu hồi đất làm trọng thương...
  • Luật để cho ai?

    26/11/2011Nguyễn Vạn PhúNếu như nỗ lực đưa ra dự thảo Luật Nhà văn dẫn đến câu hỏi “Luật để làm gì?”
    thì những cố gắng loại bỏ dự thảo Luật Biểu tình của một đại biểu Quốc
    hội vào tuần trước đưa chúng ta đến với câu hỏi “Luật để cho ai?”
  • xem toàn bộ