Tư tưởng giáo dục từ Hội hướng thiện Đền Ngọc Sơn đến Đông Kinh Nghĩa Thục
Cũng tại diễn đàn của Trung tâm Minh Triết, 5 năm trước đây, chúng tôi đã trình bày tham luận về Đông Kinh Nghĩa Thục như một hình mẫu về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân – một điều chúng ta loay hoay hai chục năm nay chưa làm nổi!
Nhà giáo Vũ Thế Khôi trình bày tham luận tại buổi tọa đàm 8/7/2017 nhân Kỷ niệm 110 năm Đông Kinh Nghĩa Thục
.
Các ông đồ Duy tân - Nghĩa thục một trăm năm trước đã làm được điều đó vì họ đã không đổi mới lớt phớt trên ngọn, cải tiến cải lùi tiểu tiết (như vụ cải chữ viết “tròn đầu” thành “cụt đầu”, rồi cải lui thành “tròn đầu” như cũ!; đang dạy đọc từ A “đổi mới” sang O, rồi lại sang E, chưa chừng sẽ sang I ?!), giảm thiểu chỗ này, gia tăng chỗ kia, khiến “càng cải càng rối” (Nguyên Ngọc). Các cụ đồ Nho học mang tiếng “hủ lậu” đã dám thay đổi hẳn cái gốc (căn bản là thế chứ!) của một nền giáo dục, tức cái tư duy cơ bản, nay gọi là triết lý giáo dục, chi phối toàn bộ hệ thống. Họ dứt khoát từ bỏ triết lý giáo dục tĩnh của Nho giáo đã chi phối nền giáo dục Viêt Nam hơn 800 năm( kể từ khi sáng lập Quốc Tử Giám năm 1076) nhằm duy trì tư tưởng trung quân và trật tự phong kiến; chuyển dứt khoát sang xây dựng triết lý giáo dục động. Các cụ quyết không tiếp tục đào luyện các thần dân-“bù nhìn” (chữ của chính các cụ!) câm lặng, nhất cử nhất động đều làm theo lệnh trên, mà gắng gỏi đào tạo ra những “quốc dân” dám nghĩ và “có thể động” trên cơ sở nhận thức “rõ cái lý tương quan giữa nước và dân, làm sao cho họ biết vị trí của họ trong xã hội ở chỗ nào, chức phận ra sao và làm thế nào để gây ý thức ái quốc, ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị tự lập” . Mục tiêu đó đương nhiên không thể thực hiện bằng nội dung cũ là mớ sách kinh điển tứ thư ngũ kinh, nên các cụ kiên quyết vứt bỏ những điều thiên kinh địa nghĩa hàng nghìn năm của chư vị thánh hiền trong Khổng môn, thay nó bằng “tân thư” với những khái niệm hoàn toàn mới như quốc thể, quốc dân, dân chủ, nghị viện, lập hiến, xã hội, đoàn thể, công nghĩa, công ích, khoa học thực nghiệpv.v… Nội dung mới lại tất đòi hỏi phương pháp giảng dạy mới nên các cụ vứt bỏ luôn cả cái phương pháp thụ động thầy thao thao đọc và bình sách kinh điển, trò cung kính lắng nghe và chép theo (mà than ôi! – nền giáo dục XHCN hiện nay của ta đã phục hồi!), “cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không phải nề hà, không cần thể cách gì hết” (Văn minh tân học sách). Các Nghĩa thục cùng các hội học, hội buôn, công ty, thương điếm … trong khắp nước đã thực thi cả trên học đường lẫn trong thực tế sản xuất - kinh doanh nhằm đào tạo lại những con người đã quen “tĩnh”, chỉ biết “tĩnh”, chỉ dám “tĩnh” thành những con người “có thể động” và sẵn sàng động quyết liệt khi có “biến cố”.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ảnh xưa)
.
Cội nguồn của tư tưởng giáo dục đó từ đâu? Các công trình nghiên cứu trong/ngoài nước về phong trào Duy tân - Nghĩa thục ở Việt Nam chỉ đề cập 2 tác nhân ngoại lai là phong trào duy tân thời Minh Trị ở Nhật Bản và luồng “tân thư” từ Trung Quốc. Tuy nhiên có câu nói nổi tiếng, đại ý: cách mạng không thể nhập khẩu như chở bọn Burbon ở nước ngoài về Paris trong những xe hòm furgon! Chính các nhà Nho duy tân ở ta cũng từng cảnh báo cái thói sùng ngoại và chuộng hình thức: “Nhất ghét là lấy xấu làm tốt, dốt làm thông, mượn cái văn minh của người mà trang sức bề ngoài, kỳ thực trăm việc chẳng ra gì, mà nhân cách ngày một hư, phong tục ngày một nát” (Ngô Đức Kế).
.
Sau 15 năm điền dã khảo sát và nghiên cứu đối chiếu các thư tịch, bia ký, gia phả các dòng họ liên quan, năm 2007 tại hội thảo quốc tế ở thành phố đại học Aix-en-Provence, miền nam nước Pháp, nhân 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng tôi đã công bố báo cáo khoa học xác định đền Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm giữa thủ đô Hà Nội xuất xứ không phải ngôi đền Tam giáo hay Tam thánh như nhiều người nghiên cứu về Hà Nội khẳng định, chỉ căn cứ hiện trạng tượng thờ mới hình thành từ đầu thế kỷ XX. Thực ra, danh thắng này vốn là một trung tâm văn hoá-giáo dục lớn nhất tại Hà thành trong thế kỷ XIX, do một tổ chức văn hoá-xã hội phi chính thống đầu tiên trong lịch sử Nho lâm đất Việt là Hướng Thiện hội do Tiến sĩ Vũ Tông Phan đứng đầu, sáng lập năm 1841, khánh thành xây dựng năm 1843, như khắc trên tấm bia hiện vẫn gắn trên tường hậu cung .
.
Nội dung cơ bản của báo cáo ở hội thảo quốc tế nói trên nhằm chứng minh quan điểm của chúng tôi, được coi là phát hiện mới trong việc nghiên cứu về phong trào Duy tân - Nghĩa thục , là: phong trào bùng phát mạnh mẽ ở đầu thế kỷ XX do có nội lực văn hoá-xã hội được xây dựng từ ngót trăm năm trước, vào đầu thế kỷ XIX, chứ không phải chỉ do hai tác nhân ngoại lai nói trên .
Đền Ngọc Sơn thời Pháp thuộc
Đền Ngọc Sơn thời Pháp thuộc
Đền Ngọc Sơn thời Pháp thuộc
.
Trong công trình tiếp theo về triết lý giáo dục Việt Nam , chúng tôi đã trình bày chi tiết về nội hàm của cái nội lực văn hoá-xã hội đó, đại lược là: tầng lớp ông đồ ở phường thôn Hà Nội từ đầu thế kỷ XIX, nhằm đáp ứng những nhu cầu chấn hưng văn hoá - giáo dục Hà Nội bị suy đồi nghiêm trọng sau hai chục năm nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, đã hình thành một trào lưu tư duy giáo dục phi chính thống, hoạt động có tổ chức và có chủ trương, khác với Nho học chính thống của triều Nguyễn vẫn duy trì Tống Nho, lại là Tống Nho phản động nhất dưới triều đại nhà Thanh mà triều Nguyễn ra sức khuôn theo. Có thể tạm gọi trào lưu này là TRIẾT LÍ GIÁO DỤC DÂN TỘC NHÂN BẢN HƯỚNG THIỆN. Những đường nét chính của triết lý giáo dục Việt Nam này là: hướng về cội nguồn dân tộc và văn hoá làng xã Việt, thông hiểu nghĩa lý nhân bản cổ truyền của đạo Nho nguyên thuỷ lấy chữ “Nhân” làm gốc, nhằm đào tạo những con người phương chính ngay trong làng xã mình, trung với dân và lo cho dân cả về mặt khai sáng lẫn trị sinh.
Có thể tóm lược tư duy giáo dục phi chính thống trong tầng lớp “Nho sĩ bình dân” (thuật ngữ của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện) và đối chiếu với tư tưởng giáo dục quan phương của triều Nguyễn trong bảng dưới đây để nêu bật những đóng góp mới của tầng lớp trí thức Nho học bình dân vào sự nghiệp xây dựng triết lý “giáo dục vị nhân sinh” (vì cuộc sống của con người) ở Việt Nam :
.
GIÁO DỤC NHO HỌC TRIỀU NGUYỄN (thế kỷ XIX).
Luồng tư tưởng giáo dục quan phương <--> Luồng tư tưởng giáo dục của
của triều đình của Nho sĩ bình dân
- Trung quân - “Trung với dân”*
- Học làm viên quan trung quân cần mẫn <--> “Học làm người” “phương chính”, “làm quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã”
- Thuộc kinh điển toát yếu của Tống nho <--> “Thông hiểu nghĩa lý sâu xa của đạo”, “tầm nguyên phỏng cổ”, học để “trị sinh”
- Dùng sách kinh sử thi phú Trung Hoa, các bài văn mẫu của Trung Hoa <--> Bổ sung các sách sử, địa, truyện danh nho Việt, tự biên soạn sách văn mẫu
.
Các cơ sở đào tạo: Các cơ sở đào tạo:
- Quốc tử giám, trường Đốc học, trường Giáo thụ <--> Tư thục tại phường thôn nội thành và làng xã ngoai thành
(* Các từ trong ngoặc kép trích từ thơ văn chữ Hán của các thành viên Hướng Thiện hội)
.
Những “chủ trương” (Đạo hữu chủ trương… [Đạo nay đã có chủ trương…] là chữ của chính các cụ trên một vế đối trong đền Ngọc Sơn) của triết lí giáo dục dân tộc nhân bản hướng thiện này được thực hiện không phải chỉ ở các ngôi trường của các sáng lập viên Hướng Thiện hội, như: Hồ đình của TS Vũ Tông Phan dưới tán cây đa bên hồ Hoàn Kiếm, Phương đình của Nguyễn Văn Siêu bên bờ sông Tô trong khu phố cổ, hay Chí đình của TS Nguyễn Văn Lý trong làng Trung Tự… Căn cứ các gia phả, bi ký từ đường, thơ ca xướng hoạ, chúng tôi đã phát hiện 13 ngôi tư thục của các hội viên Hướng Thiện khắp thôn phường rải rác (theo địa danh ngày nay) các phố phường Nguyễn Văn Siêu, Hàng Đào, Hàng Gai, Tố Tịch, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Tràng Thi - đầu Bà Triệu…, và trong các làng thôn Phất Lộc, Kim Liên, Đông Tác, Thượng Phúc, Mậu Hoà…
Các sĩ phu của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục
.
Có thể nêu Mậu Hoà thục làm ví dụ về sự truyền thừa tư tưởng giáo dục dân tộc nhân bản hướng Thiện và tổ chức cơ sở từ Hướng Thiện hội đến các Nghĩa thục. Ngôi trường làng này đã truyền qua 5 thế hệ ông đồ hướng Thiện, từ thân phụ của TS Vũ Tông Phan là cụ Tú Cửu, qua các em ông rồi đến cháu ông là “Đồ Mậu” (tức “giáo học làng Mậu Hoà), trong cuộc khởi nghĩa của nhà sư Vương Quốc Chính năm 1898, làm Tán tương quân vụ, chỉ huy cánh quân từ Cầu Đơ tập kích vào Hà Nội – như GS Trần văn Giầu viết trong sách “Chống xâm lăng”). Sau khi ông Đồ Mậu bị đày ra Côn Đảo, đến lượt chắt nội của Nghè Phan là Vũ Bội Hoàn tiếp tục nghiệp ông đồ, nhưng đã theo đường hướng Duy tân - Đông Kinh nghĩa thục, kiêm dạy cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ, đồng thời giảng giải các bài kinh duy tân: Ái quốc ca, hợp đoàn thể, Khuyến Công, Khuyến thương, Khuyến nữ học v.v…
.
Lên cầu Thê Húc đứng mà trông:
Gió Á mưa Âu – cảnh lạ lùng!..
.
Là thơ của ông, bóng bẩy nói về buổi đầu giao lưu văn hoá Á – Âu.
Ông chính là thân phụ của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên Vũ Đình Hoè trong Chính phủ Nhân dân lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
.
Sự truyền thừa những “chủ trương” của triết lí giáo dục dân tộc nhân bản hướng Thiện trong gia tộc Tiến sĩ Vũ Tông Phan không phải là tuyến cá biệt. Tiếp nối những tư tưởng giáo dục hướng Thiện của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, là hai con trai: nho sinh Huấn đạo huyện Tiên Du Nguyễn Văn Thiệu, Cử nhân Giáo thụ phủ Vĩnh Tường Nguyễn Hữu Quý và cháu nội Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu. Con trai ông Thiệu là Văn Đản tiếp nối cha dạy chữ Nho ở tư thục Chí đình, về sau đã cùng ông Tú Phật Tích ở Côn Đảo về lập ra Đông Hưng học hiệu theo đường hướng tân học của Đông Kinh nghĩa thục. Cử nhân Giáo thụ Hữu Quýtrong khi đi thực thi chức trách tổ chức, đôn đốc việc học ở các địa phương đã sưu tầm ca dao, tục ngữ, phương ngôn dân tộc về các nghề nông, công, thương… làm thành sách “Khẩu sử kí”, hiện vẫn còn trong thư viện Hán Nôm. Nhưng đặc biệt phải nói về người cháu nội của cụ Nghè Lý - đồng chí thân thiết của Nghè Phan trong sự nghiếp chấn hưng văn hoá-giáo dục Thăng Long, đó là Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu. Cử Cầu là người tiếp nối xuất sắc truyền thống triết lí giáo dục dân tộc nhân bản hướng thiện của ông nội mình, trở thành đồng sáng lập viên Đông Kinh nghĩa thục, trưởng ban tu thư. Sự nghiệp yêu nước và khai dân chí của Cụ, sau này được hai con trai kế thừa xứng đáng. Con trai cả là nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo, trở thành Giám đốc Tiểu học vụ và Uỷ viên Hội đồng Cố vấn học chính trong Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Con trai thứ là nhà Hán học, Phật học nổi tiếng Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, người ngay sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa vẫn âm thầm truyền bá quốc ngữ bằng cách mở lớp học chữ cho dân nghèo, tự bỏ tiền túi in những cuốn sách nhỏ một tay sách 16 trang và phát không nhằm phổ cập kiến thức phổ thông theo phương châm của hội Hướng Thiện, như “Đạo đức phổ thông”, “Cách trí phổ thông”, “Phép nuôi con”… . Một người em họ của Cử Cầu đã cùng Phan Anhvà Trần Huy Liệu sáng lập trường tân học Hà văn học hiệu ở Hà Đông, trong Cách mạng tháng 8 - 1945 ông trở thành Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Kim liên-Trung Tự.
Cụ Nguyễn Hữu Cầu
.
Cụ Nguyễn Hữu Cầu kiên trinh đến cùng với triết lí giáo dục dân tộc nhân bản hướng Thiện và những tư tưởng dân chủ và khai sáng của Đông Kinh nghĩa thục, thể hiện rõ ràng trong lời dặn lại Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố phút lâm chung. Là cây đại thụ cuối cùng trong “ngôi đền văn minh Đông Kinh Nghĩa Thục”, người may mắn được thấy thắng lợi huy hoàng của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, Cụ Cử vẫn không quên cảnh tỉnh quốc dân trước khi thanh thản lìa cõi trần vào ngày 13 - 7 - 1946, rằng: “Nền tự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Chính bằng nghệ thuật và khoa học mà các dân tộc trở nên bất diệt. Phải làm sao thông qua nghiên cứu ngôn ngữ mà nghiên cứu dân tộc và làm sao in sâu như khắc trong lòng tính cách Việt thuần khiết. Hiện nay chúng ta quá Tây, quá Tàu rồi, chúng ta là bọn giáo điều chiết trung, chúng ta là kẻ xã hội chủ nghĩa cực quyền (nguyên văn: “socialistes autoritaires”): chúng ta cần phải là người Việt” (chúng tôi nhấn) .
.
Một con đường truyền thừa khác của triết lí giáo dục dân tộc nhân bản do Hướng Thiện hội đền Ngọc Sơn đề xuất, là qua mối quan hệ thầy đồ – môn sinh. Năm 1969, đương khi cuộc hiến Chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, trong một cuộc họp kín ở cấp Trung ương, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyênđã đặt vấn đề nghiên cứu vai trò của các ông đồ làng trong công cuộc dựng nước và giữ nước . Thế nhưng, sau những đợt thanh lọc trong các đợt chỉnh huấn, chấn chỉnh tổ chức, rồi phóng tay phát động quần chúng bần cố cải cách ruộng đất những năm 50 - 60, khi “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, tróc tận rễ”, phục dựng những đường dây truyền thừa tư tưởng giáo dục từ những ông đồ hướng Thiện đến các thế hệ môn sinh không hề dễ dàng. Tuy nhiên, sau nhiều năm kiên nhẫn lần tìm, chúng tôi cũng đã dựng lại được sơ đồ quan hệ rằng rịt về sự truyền thừa tư tưởng từ thầy đồ Hướng Thiện đến nhà giáo Đông Kinh Nghĩa Thục. Xin nêu làm ví dụ một trường hợp, mà chỉ 2 tuần trước khi sang Pháp dự Hội thảo - 2007 chúng tôi mới khẳng định được chính xác. Đó là trường hợp về cử nhân Nho học Nguyễn Huy Đức, thuộc một ngành họ Nguyễn ở làng Sủi quê hương Cao bá Quát bên huyện Gia Lâm. Sách Danh nhân Hà Nội từng giới thiệu về ngôi trường đại tập nổi tiếng ở thôn Vũ Thạch trên bờ nam hồ Hoàn Kiếm, với ông thầy vốn là môn sinh của ông Nghè Phan. Kế thừa tư tưởng Thày, ông cử Liên Đình (tức Nguyễn Huy Đức) bất hợp tác với chính quyền đô hộ của thực dân Pháp, kiên quyết từ chối chức Đốc học Hà Nội, bỏ về quê ở ẩn dạy học. Tại làng Hạ Thái ở huyện Thường Tín hiện vẫn còn tấm bia đá lớn do môn sinh lập trước từ đường vốn là nhà dạy học, để tôn vinh Thày. Tấm bia cho biết đích xác những thông tin sau đây:
- Cử nhân khoa thi hương 1858 Nguyễn Huy Đức, sau khi cụ nghè Phan mất năm 1851 đã thụ giáo Chí Đình tiên sinh, tức Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý;
- Thục trưởng Đông Kinh Nghĩa Thục cử nhân Lương Văn Can chính là trưởng môn của Nguyễn Huy Đức.
- Người đứng liên danh lập bia là Tiến sĩ Đỗ Văn Tâm, một thành viên Đông Kinh Nghĩa Thục, có tên trên nhiều quyển sách giáo khoa tân học về sử địa.
Ngoài ra, gia phả ngành họ Nguyễn này cho biết thêm: con gái cụ cử Liên Đình là Nguyễn Thị Diễm chính là người phụ nữ thứ hai tham gia dạy lớp nữ sinh ở Đông Khinh Nghĩa Thục. Trong sách “Đông Kinh Nghĩa Thục” (1957), học giả Nguyễn Hiến Lê chỉ mới biết người thứ nhất là Lương Thị Tín, con gái Thục trưởng Lương Văn Can.
.
Chi tiết về các tuyến truyền thừa tư tưởng này chúng tôi đã thể hiện thành 3 sơ đồ (xin xem phụ lục), ngay tại Hội thảo Aix-En-Provence được ban tổ chức photo phát cho các đại biểu.
Ảnh 2: Một số hậu duệ của ĐKNT tại buổi tọa đàm
Ảnh 3: Sơ đồ so sánh tư tưởng giáo dục quan phương và tư tưởng giáo dục bình dân
Ảnh 4: Sơ đồ truyền thừa tư tưởng GD của Nho sĩ bình dân trong gia tộc TS Vũ Tông Phan
Ảnh 5: Sơ đồ truyền thừa tư tưởng GD của Nho sĩ bình dân trong gia tộc TS Nguyễn văn Lý
Ảnh 6: Sơ đồ truyền thừa tư tưởng GD của Nho sĩ bình dân từ ông đồ HT đến môn sinh.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015