Tự do Tư tưởng - Tự do Ngôn luận

Tự Lực Văn Đoàn
07:30 CH @ Thứ Ba - 01 Tháng Ba, 2016
Tự do Tư tưởng

Tự do cá nhân là tự do của thân thể con người. Nhưng ngoài thân thể, còn có tinh thần. Tự do tư tưởng chính là sự tự do của người ta về mặt tinh thần vậy. Người đã được tôn trọng, thì linh hồn, tư tưởng của người, là phần tôn quý nhất trong con người, lẽ tự nhiên là phải được quý trọng, phải được nảy nở, phát triển ra một cách tự do.

Sự tự do ấy, đối riêng với từng người, thì thật là dễ dàng, không cần phải bàn luận đến. Tư tưởng của ta, đối riêng với ta, muốn bông lông hay ngang trái đến thế nào mặc dầu, cũng không ai kềm chế nổi, vì không ai biết đến để mà kềm chế. Thế cho nên, tự do tư tưởng không phải chỉ có nghĩa là tự muốn có ý kiến gì trong thâm tâm cũng được, mà còn có nghĩa là ý kiến ấy có thể tự do phát biểu, tự do truyền bá nữa.

Chính vì nghĩa đó nên bản tuyên ngôn Nhân quyền và Công quyền (Pháp), điều thứ X và thứ XI, đã tuyên bố
ĐIỀU THỨ X– Không có ai phải lo ngại về tư tưởng của mình, dù về tôn giáo cũng vậy, miễn là sự biểu lộ không trở ngại đến trật tự của công chúng do pháp luật định ra.
ĐIỀU THỨ XI – Việc tự do thông đạt ý kiến và tư tưởng là một quyền hạn trong các quyền hạn rất quí của người ta. Vậy phàm công dân nào cũng có thể được tự do ngôn luận, tự do trước tác, tự do ấn loát, trừ ra khi lạm dụng quyền tự do ấy thì phải chịu trách nhiệm theo như pháp luật đã định.

Xem như vậy, tự do tư tưởng gồm có nhiều quyền tự do khác, tự do tôn giáo, tự do giáo dục, tự do ngôn luận, tự do hội họp.
Thế nào là tôn giáo tự do? Là phàm làm người, ai muốn theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào cả tùy ý, nhập giáo hay xuất giáo tùy lòng.

Quyền tự do này không phải là lúc nào cũng có. Người ta nhận ra rằng lòng tương thứ về mặt tôn giáo rất hiếm. Thường thường, tôn giáo nào được nhiều người tín trong một nước, hay được chính phủ theo, là chiếm lấy phần thắng, tìm cách tàn hại các tôn giáo khác. Ngày trước, ở các nước quân chủ, bày tôi và thần dân phải theo tôn giáo của vua chúa, dẫu ở Đông phương hay Âu châu cũng vậy. Ở những nước ấy lòng tín ngưỡng rất mạnh, vì vậy, hay xảy ra những cuộc tàn sát những người theo một tôn giáo khác tôn giáo của chính phủ, như ở bên nước Pháp về thế kỷ thứ XVI. Cả đến nước Nam ta, là một nước rất có lượng chiêu nạp các tôn giáo, mà cách đây không đầy một trăm năm, cũng đã sinh ra những việc giết hại các giáo sĩ của đạo Thiên Chúa. Coi đó, tôn giáo tự do là một quyền tự do mãi đến gần đây mới được nhân loại nhìn nhận.

Quyền tự do ấy đã được nhìn nhận về nguyên tắc, thì về mặt thực hành, người ta phải nghĩ đến cách làm cho quyền tự do ấy được phát triển. Muốn thế, một là trong xã hội, không bao giờ được lấy tôn giáo để định phận cá nhân, một người trong nước Annam chẳng hạn không được vì theo đạo Gia-tô hay đạo Phật mà coi hơn được người khác. Hai là không có thể bắt buộc hay ngăn cản người ta theo một tôn giáo nào. Theo hay không theo là tùy ở lương tâm của người ta.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà không ai có quyền khuyên nhủ người ta theo tôn giáo hay là bỏ hẳn tôn giáo: trái lại, quyền ấy là quyền của mọi người, vì sự khuyên nhủ ấy chỉ là sự phát biểu của một ý kiến, một tư tưởng. Ba là chính phủ - ở những nước chính phủ - phải đứng trung lập về mặt tôn giáo, không được thiên vị một tôn giáo nào; và chỉ có quyền can thiệp đến để gìn giữ, bảo vệ trật tự chung mà thôi.
Tự do giáo dục chỉ là một hình thể của sự tự do về tư tưởng. Người ta, đã được tự do, phải có quyền nâng cao nhân phẩm của mình, có quyền làm nẩy nở năng lực của mình, nghĩa là có quyền học cho biết thêm. Và quyền học ấy sẽ không có, nếu không ai có quyền dạy, nếu không có tự do giáo dục. Vì rằng nếu muốn học mà ai nấy đều phải tìm đến một giáo môn thôi, thì sự học ấy không được hoàn toàn tự do.

Đối với người đã đủ trí khôn để suy xét, thì không còn nghi ngờ gì nữa, ai ai cũng công nhận rằng đã đủ trí khôn, là được tự do kén chọn lối học, thầy dạy của mình, và có lầm lẫn thì tự mình chịu lấy trách nhiệm. Nhưng đối với con trẻ, vấn đề khó khăn và phiền nhiễu hơn. Là vì ở đây, ta thấy quyền của cha mẹ đi đôi với quyền của nhà nước.

Cha mẹ, đối với con, vừa có quyền, vừa có bổn phận nâng cao nhân phẩm của những tâm hồn non nớt yêu dấu ấy.

Bổn phận ấy, cha mẹ có thể tự mình làm chọn, và vì thế, cha mẹ hẳn phải có quyền chọn thầy học cho con mình; cha mẹ đã có quyền đem những ý tưởng của mình truyền cho con, thì cũng có thể tìm người đồng tư tưởng thay mình. Tuy nhiên, con trẻ không phải chỉ là của gia đình mà thôi, mà về sau sẽ còn là một công dân, một phần tử của nước, và vì thế, nước cũng có quyền và có bổn phận trông nom coi sóc đến sự học của những người vị thành đinh.

Hai dòng tư tưởng ấy có khi tương phản, có khi hòa hợp nhau; trong thực tế, cả cha mẹ lẫn nước nhà đều có ảnh hưởng đến nền giáo dục của con trẻ. Có một điều đáng chú ý nhất, là cha mẹ không có quyền để cho con chịu sự ngu dốt; và chính cả nước cũng có bổn phận lo cho con trẻ có một chút học vấn. Cái ý đó đã khiến các nước văn minh đặt ra luật cưỡng bách giáo dục; phàm cha mẹ phải cho con em có một nền học vấn, và muốn giúp cho sự học ấy, chính phủ phải đặt đủ trường sơ đẳng để dạy trẻ em. Những trường ấy cần phải không lấy tiền học phí và cần phải theo một chương trình trung lập, cốt là để cho con trẻ một ít học thức cần dùng cho đời họ về sau này. Lên trên một bực thì sự học được tự do. Thí dụ như ở bên Pháp, chính phủ đặt ra các trường công, đủ các hạng; và ở cạnh, những người có đủ đảm bảo để dạy học, có quyền mở trường tư ở dưới quyền kiểm soát của chính phủ. Tuy nhiên, ngay như ở bên Pháp, ta thấy quyền tự do ấy không được toàn vẹn. Là vì nếu ai nấy đều có quyền theo học ai cũng được, đến hạng nào cũng được, nhiều người vì tình cảnh không được tự do học đến bậc cao đẳng và vì thế, có sự bất công giữa nhân dân. Nhưng có lẽ ý tưởng này có can hệ đến sự bình đẳng hơn là nguyên tắc tự do.

Tự do Ngôn luận

Tự do tư tưởng chỉ là chuyện chiêm bao nếu tư tưởng không được tự do truyền bá. Sự tự do truyền bá ấy, người ta gọi là tự do ngôn luận. Tôi có những tư tưởng, những ý kiến tôi tin là xác đáng, nếu tôi chỉ có quyền giữ riêng cho tôi, thì một sự tiến bộ nhỏ, một sự thay đổi con không sao xảy ra trong xã hội được. Tôi cần phải đem những ý kiến, tư tưởng ấy truyền bá cho người khác biết; hoặc dùng lời nói, hoặc dùng báo chí, sách vở.

Tự do báo chí hay tự do ngôn luận là một tự do người ta đã tranh đấu nhiều lắm mới có. Những chế độ chuyên chế rất sợ tự do ấy, vì biết rằng đó là một sức mạnh có thể đạp đổ mọi điều áp bức, lay chuyển cái trật tự hiện có trong xã hội. Cho nên, ở dưới quyền các vị đế vương xưa dẫu ở bên Pháp hay ở bên Annam, ở Tây phương hay ở Đông phương, tự do ngôn luận chỉ là một mộng tưởng. Và ngay bây giờ, ở những nước người ta không muốn cho dân trí mở mang, vì sợ thiệt hại đến đặc quyền của một số ít, sự tự do người ta chôn chặt nhất, là tự do ngôn luận. Vì thế, muốn biết một nước đương theo chế độ dân chủ hay chế độ chuyên chế độc tài không có gì đáng làm tiêu chuẩn hơn là xem trong nước ấy báo chí được tự do hay bị trói buộc.

Tuy nhiên, sức mạnh của ý tưởng tự do lớn đến nỗi ở ngay những nước chuyên chế hay độc tài, chính phủ cũng không dám nói trắng trợn ra rằng tự do ngôn luận là một cái nạn chung, nên triệt bỏ. Họ thường dựa vào sự vọng dụng quyền tự do ngôn luận để khuôn tư tưởng dân chúng vào nơi họ muốn. Mà tự do nào chảng sinh ra sự vọng dụng 1) !
Nhất là đối với tự do ngôn luận, thì sự vọng dụng càng dễ trông thấy. Nào là làm náo động nhân tâm bằng những tin tức bịa đặt nào là xui giục nhân dân nổi loạn hay phảm vào trọng tội khác, nào là làm bại hoại phong hóa, nào là phỉ báng vu cáo để làm thiệt hại đến danh dự của người khác.

Bằng cứ vào những sự vọng dụng ấy, chính thể chuyên chế hoặc là triệt bỏ hẳn tự do ngôn luận, hoặc là tìm phương pháp bó buộc cho thật chặt chẽ sự tự do ấy. Những phương pháp ấy, họ bảo là để đề phòng những sự vọng dụng của sự tự do ngôn luận. Không kể những nước độc tài, là những nước báo chí sách vở đều phải theo lệnh của chính phủ, những nước có chính thể chuyên chế đều dùng những phương pháp sau này; báo chí muốn xuất bản cần phải có phép của chính phủ, chính phủ có quyền cấm xuất bản hay là thu giấy phép về, bài vở đăng báo cần phải qua phòng kiểm duyệt, phòng ấy cho phép mới được đăng; người quản lý một tờ báo phải có tiền bảo đảm, báo chí phải chịu thuế nặng; mở nhà in phải có bằng cấp và phải được chính phủ cho phép. Những phương pháp ấy có khi cũng dùng một lúc, có khi chỉ dùng một vài. Như ở Đông Dương, ngoài Nam kỳ là thuộc địa không kể, còn thì báo chí muốn xuất bản cần phải được phép của chính phủ, nhưng hiện giờ thì phòng kiểm duyệt đã bãi bỏ và sự đảm bảo bắt buộc và thuế khóa thì báo chí không phải chịu.

Nhưng, như ta đã nhận rõ, tự do không phải là phóng túng. Những sự vọng dụng không thể là một cớ để quyết án một quyền tự do. Những phương pháp đề phòng trên kia chỉ là một cách làm cho chính phủ nắm quyền lập dư luận vào trong tay, đàn áp những tư tưởng không hợp với chính kiến của mình, nghĩa là chỉ là một cớ khi chính phủ dùng để đàn áp sự tự do ngôn luận.

Vì vậy, cuộc Đại cách mệnh Pháp, khi bãi bỏ mọi sự đàn áp quyền lợi của công dân, tuyên bố rằng: phàm là công dân, ai cũng có quyền nói, viết, in trong sự tự do, miễn là phải chịu trách nhiệm khi vọng dụng sự tự do ấy trong những trường hợp luật nước định.

Nguyên tắc ấy là nguyên tắc những nước dân chủ, đều tôn kính khi đặt ra luật để tố chức chế độ báo chí. Xuất bản báo chí sẽ được hoàn toàn tự do, miễn là có người chịu trách nhiệm về những bài viết có thể phương hại đến danh dự người khác hay đến pháp luật. Không có một phương pháp đề phòng nào nữa, chỉ có những đạo luật định phạt những sự vọng dụng có thể xảy ra.

Một thí dụ: nước Pháp, Đạo luật ngày 29 tháng 7 năm 1881 về chế độ báo chí đã theo đúng nguyên tắc ấy. Không có phương pháp đề phòng nào. Những giấy in để cho công chúng đọc chỉ cần phải có biên tên và trụ sở của người in. Báo chí xuất bản không cần xin phép ai, chỉ cần phải có một tờ khai lên tờ báo, tên và chỗ ở của viên quản lý và của nhà in đệ ra phòng biện lý. Mỗi tờ báo cũng cần có biên tên của quản lý và một bản ra nha đốc lý. Những phương cách ấy không có tính cách đề phòng, mà chỉ cốt để định rõ người nào phải chịu trách nhiệm đối với pháp luật, nếu có xảy ra sự vọng dụng.
Những sự vọng dụng ấy cần phải định rõ từng khoản, một là để nhà báo biết đường mà trách, hai là để cho hợp với một nguyên tắc rất hay của luật pháp, không có tội gì mà không có luật định. Thí dụ như những sự phỉ báng hay mạ lỵ, xui giục phạm pháp, làm bại hoại phong hóa, v.v… định rõ trong đạo luật 1882.

Xem như ví dụ như vậy thì luật 1881 đã hết sức che trở cho sự tự do ngôn luận trong nước Pháp. Tuy nhiên, trong nước ấy, không phải ai ai cũng có thể xuất bản được một tờ báo, vì muốn thế, cần phải có đủ tiền tài để mua nhà in, trữ giấy, trả công thợ. Thế cho nên, người ta đã có thể chỉ trích rằng tự do báo chí ở bên Pháp chưa được hoàn toàn, dư luận ở đấy chỉ là dư luận của những ông chủ báo giàu có. Ngôn luận như vậy, chỉ được hoàn toàn tự do khi mà bất cứ một người công dân nào cũng có thể có máy in, giấy vở để in những tư tưởng của mình.

Tuy nhiên, trong khi đợi các ngày đẹp đẽ lý tưởng ấy, chế độ báo chí ở Pháp đối với ta cũng là một chế độ bảo vệ sự tự do ngôn luận rất mực rồi.

Ghi chú:
1)Vọng dụng: lạm dụng, dùng bừa, dùng bậy, quá lố
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?

    08/09/2020Thái Kim Lan, Phạm Toàn, Phạm Minh NgọcTri thức, đặc biệt là tri thức triết học có tầm bao quát nhiều thời đại, liên kết toàn bộ lịch sử loài người tới từng vấn đề thời sự của mọi nơi, mọi lúc trên hành tinh. Một tiểu luận "Trả lời câu hỏi: Khai Sáng là gì?" của Immanuel Kant, triết gia Đức viết năm 1783, đặt nền móng cho kỷ nguyên Khai Sáng của nhân loại, vẫn mang những giá trị hết sức thời sự với người Việt chúng ta...
  • Những thực tế phổ biến

    16/11/2019Nguyễn Trần BạtCó một thực tế rất phổ biến trên thế giới hiện nay, đó là trạng thái thiếu tự do ở một bộ phận lớn của thế giới - các nước chậm phát triển. Đại bộ phận của thế giới đang ở trong trạng thái các năng lực của con người không đáp ứng được các đòi hỏi của thời đại mà nó tồn tại, tức là con người ở trạng thái thiếu tự do. Con người ở trạng thái thiếu tự do bởi vì nó không có tự do hoặc là nó bị kìm hãm không được quyền tiếp cận với tự do, cũng như nó được giáo dục để không hiểu hết các giới hạn mới của tự do...
  • Thoát bệnh Á Đông

    11/12/2018Sông HànTừ 150 năm về trước, Fukuzawa Yukichi đã nhìn ra cái không gian bí bách, “cổ lai hi” và đáng “xấu hổ” của Á Châu mà cổ vũ người Nhật thực thi tư tưởng thoát Á, nước Nhật nhờ thế cường thịnh. Còn Việt Nam? Đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn đang dằn vặt về khái niệm mang tên “thoát Trung”, thậm chí là không biết có nên "thoát Trung" hay không?
  • Lịch sử phát triển của tư tưởng về Quyền Con Người

    10/12/2018Những tư tưởng triết học về quyền con người ở Châu Âu thời kỳ Phục Hưng đã có ảnh hưởng quan trọng đến sự ra đời của những văn bản pháp luật về quyền con người ở một số nước của châu lục này, cũng như đến hai cuộc cách mạng nổi tiếng thế giới nổ ra vào cuối những năm 1700 ở Mỹ và Pháp. Hai cuộc cách mạng này đã có những đong góp rất to lớn vào sự phát triển của tư tưởng và quá trình lập pháp về quyền con người không chỉ ở hai nước Mỹ và Pháp mà còn trên toàn thế giới...
  • “Hiện đại thứ hai” và nền văn hóa công luận

    26/11/2018Bùi Văn Nam SơnThế giới kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 bằng một sự kiện đặc biệt: hội nghị Copenhagen về biến đổi khí hậu được tổ chức rầm rộ chưa từng có với kết quả... đáng thất vọng! Cái “Realpolitik” (“chính trị thực tế”') vì lợi ích trước mắt của các quốc gia dường như vẫn còn thắng thế trước các mối hiểm họa toàn cầu.
  • Từ Hệ tư tưởng đến Hệ giá trị

    09/06/2018Nguyễn Trần BạtGiá trị của các hệ tư tưởng chỉ có tính chất tương đối, mang tính lịch sử. Tư tưởng và hệ tư tưởng không phải là những giá trị bất biến, càng không phải là những tín điều để tôn thờ, nó đang và sẽ bị thay thế bởi hệ giá trị, là một hệ thống các tiêu chuẩn để quy định, định hướng và tổ chức hành vi của con người trên phạm vi toàn cầu...
  • Tự do khám phá, nhận thức, trải nghiệm: Câu chuyện của giáo dục Việt Nam

    28/11/2015An VânGiáo dục Việt Nam hoàn toàn có thể đào tạo được những học sinh thông minh, xuất sắc, trí tuệ. Nhưng có lẽ phải thẳng thắn với nhau, môi trường giáo dục hiện giờ của ta đã có thể đem đến cho những học sinh bình thường cảm giác hạnh phúc trong sự học, dành cho các em một không gian để tự do khám phá, nhận thức, trải nghiệm hay chưa?
  • Văn minh tân học sách - Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục

    20/11/2015Chương ThâuTrước đây, trong công trình nghiên cứu VĂN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX (Nxb Văn hóa, Hà Nội 1961) Giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Những thi ca do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động và phổ biến có một ý nghĩa rất quan trọng...
  • "Không có trường chuyên hệ thống giáo dục sẽ lành mạnh hơn"

    08/10/2015Chi Mai thực hiệnGiữa tháng 9 vừa qua, cuộc tranh luận về sự tồn tại của trường chuyên TS Giáp Văn Dương và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã gây ra một cơn bão khá mạnh trong dư luận...
  • Con người tự do vẫn là ý niệm xa lạ

    03/06/2015Hải Tâm (thực hiện)Quả thật là giới trẻ Việt Nam rất thiệt thòi khi ý niệm về con người tự do vẫn là một điều xa lạ, và xa xỉ, trong xã hội. Cái được nói đến thường xuyên hơn là trách nhiệm công dân.
  • Tinh thần Đại học

    25/05/2015GS Trần Ngọc NinhMột buổi tối mùa Thu năm Nhâm Dần, cùng với vài người bạn họp nhau trong phòng sách: áp vào bốn bức tường là những giá sách uy nghi: những rặng sách chuyên môn còn thơm mùi giấy mới vững vàng đứng với những kinh truyện cổ xưa; triết lý sát cánh cùng khoa học, văn nghệ sánh vai với học thuật. Câu chuyện tự nhiên cũng lên tới những vùng cao rộng, ở đó chỉ có những luồng gió tinh thần. Mọi người thành ra Socrate, Tăng Tử, Abélard, Merleau-Ponty và Conant...
  • Về khẩu hiệu bảo vệ bản sắc dân tộc

    24/03/2015Nguyễn Trần BạtVấn đề bản sắc dân tộc đang được tranh cãi rất nhiều, đặc biệt là tại nhiều nước đang phát triển. Đối mặt với xu thế toàn cầu hoá, người ta thấy xuất hiện những quan điểm rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về vấn đề bản sắc dân tộc...
  • xem toàn bộ