Trung tâm của triết học là con người

05:40 CH @ Thứ Ba - 05 Tháng Năm, 2020

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (HNH): Sau khi được anh tặng năm cuốn sách, tôi có một số nhận định khái quát về các tác phẩm của anh. Khoảng 20 năm nay, ở phương Tây có một thuật ngữ được lưu hành rộng rãi, đó là thuật ngữ paradigm, tôi tạm dịch là bộ khung những khái niệm cơ bản định nghĩa một trường phái, một học thuyết, một ngành học, một môn học. Thí dụ, Phân tâm học của Freud là một học thuyết. Trong công trình của ông, có khoảng 10 khái niệm cơ bản là ý thức, vô thức, mặc cảm, nguyên tắc khoái cảm, ngã, siêu ngã... Khi nắm được những khái niệm chìa khoá này, chúng ta dễ đi vào học thuyết của ông và dễ hiểu ông hơn. Marx cũng vậy, ông trở đi trở lại với khoảng 10 khái niệm cơ bản, như thặng dư giá trị, lao động cụ thể, lao động trừu tượng... Đấy là những bộ khung các ý niệm chủ của các học thuyết khác nhau.

Đọc năm cuốn sách của anh, tôi thấy anh đã tạo ra được bộ khung những ý niệm cơ bản để định nghĩa thể chế chính trị xã hội văn minh. Những khái niệm cơ bản trong các công trình của anh là: tư hữu, cá nhân, tự do, dân chủ, phát triển, xã hội dân sự, sự đa dạng... Ngoài ra, còn có một khái niệm nữa tôi cho rằng là một đóng góp rất quan trọng của anh, đó là khái niệm phương pháp phi cách mạng. Thực chất, khi viết năm cuốn sách này là anh triển khai nội hàm những khái niệm, đứng trên nhiều bình diện để tiếp cận khái niệm và quan trọng nhất là phát hiện quan hệ giữa chúng.

Tôi thấy tư duy lý thuyết của anh là tìm hiểu những khái niệm cơ bản và tìm hiểu quan hệ giữa những khái niệm. Những khái niệm được lật đi lật lại, được liên hệ với các khái niệm khác, qua đó, dẫn đến nhiều phát hiện rất quan trọng và thú vị. Thí dụ, những khái niệm tư hữu, cá nhân, tự do... không có gì xa lạ, nhưng cách lật đi lật lại, cách liên hệ, cách phát hiện của anh về những khái niệm ấy đối với tôi rất quan trọng.


Nhà nghiên cứu và lý luận văn học Hoàng Ngọc Hiến.

Tôi sẽ phân tích cụ thể về những khái niệm của anh. Thứ nhất, về khái niệm tư hữu, anh viết mấy trang rất hay, nhưng cuối cùng, hay nhất vẫn là câu của Balzac được anh trích dẫn: "Những ai không có gì thì cũng chẳng ra gì". Tuyệt vời! Câu nói của Balzac là minh triết. Câu nói đó làm người ta hiểu ngay thế nào là tư hữu. Đọc câu ấy, chính tôi cũng chợt nhận ra một điều gì rất quan trọng mà bấy lâu không để ý. Ngoài ra, anh có một đặc điểm mà tôi ít thấy trong công trình nghiên cứu của những tác giả khác, anh làm lý luận mà rất quan tâm đến tâm lý. Về khái niệm tư hữu, anh đưa ra một thực tế tâm lý: phải biết mình có gì thì mình mới biết mình phải giữ gì, và mình phải biết mình cần gì để đi tìm. Tôi cho rằng, nhận xét tâm lý này chính là cơ sở cho hai khái niệm rất cơ bản là “cần” và “kiệm”. Biết mình có gì để giữ là “kiệm”, biết mình cần gì để tìm là “cần”. Người ta cặm cụi, chịu khó là ở chỗ đi tìm cái mình cần, mà trong mọi lao động, từ lao động thủ công đến lao động nghiên cứu khoa học, lao động nghệ thuật đều rất cần yếu tố đó. Tôi đánh giá rất cao những nhận xéttâm lý xoay quanh khái niệm tư hữu.

Thứ hai, về khái niệm cá nhân, anh đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa Tôi và Chúng ta. Muốn hiểu cá nhân thì phải hiểu mối quan hệ ấy. Qua khảo sát, phân tích mối quan hệ giữa Tôi và Chúng ta, anh định nghĩa được khái niệm ai cũng biết nhưng rất khó định nghĩa, đó là khái niệm nghĩa vụ. Kant vật vã nói về khái niệm nghĩa vụ, viện dẫn cả những khái niệm mệnh lệnh mà vẫn không ra, tôi chịu khó đọc mà vẫn không hiểu. Ngược lại, anh định nghĩa rất đơn giản mà rất đúng: “nghĩa vụ là không gian trong đó cái Tôi trở thành cái Chúng ta”. Như vậy, cái Tôi để có được tư cách Chúng ta phải trả giá bằng nghĩa vụ. Phải làm nghĩa vụ thì anh mới có tư cách là một đại diện của tập thể, của cộng đồng. Định nghĩa đó là một sáng tạo triết học. Việc cái Tôi trở thành cái Chúng ta tưởng đơn giản nhưng nói cho rõ chuyện này rất khó. Tôi hình dung cách làm của anh, qua sự nghiên cứu cái Tôi và cái Chúng ta bật ra khái niệm nghĩa vụ và trách nhiệm, đấy là một cách làm rất triết học, tức là đi tìm quan hệ giữa các khái niệm.

Thứ ba, về khái niệm Tự do, mọi người cũng biết, cũng đọc rất nhiều về tự do nhưng không phải ai cũng thấy được những quan hệ rất quan trọng để hiểu thế nào là Tự do. Anh quan niệm Tự do là quyền, đồng thời là năng lực. Ý đó rất quan trọng, bởi vì nó khẳng định được đầy đủ hai mặt nhân quả của tự do: tự do là quyền nhưng để thực sự có quyền ấy thì phải có năng lực, nếu chính anh không có năng lực thì không thể phàn nàn rằng cái tự do của mình quá ít. Anh cũng có nhiều ý nói đến cốt lõi của tự do. Nói đến cốt lõi của tự do, chúng ta thường nghĩ đến những quyền tự do chính trị như: tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại… Nhưng trong suốt mấy công trình của anh, anh nhấn mạnh tự do là quyền phát triển. Tôi nghĩ anh rất đúng, những quyền tự do chính trị thực ra mới chỉ là lớp bên ngoài của tự do, cốt lõi của tự do chính là ở chỗ nó là quyền phát triển. Anh được tự do phát biểu ý kiến, được tự do đi lại, được tự do tín ngưỡng nhưng anh vẫn bị hạn chế trong việc phát triển năng lực thì cái tự do của anh không đầy đủ và nó không đem lại hiệu quả.

Trong việc triển khai quyền Tự do, anh nói đến Tự do bên trong và Tự do bên ngoài, tự do ở không gian bên trong mình và tự do ở không gian bên ngoài mình. Vấn đề này rất quan trọng đối với người Việt và cần phải phân tích rõ. Tự do ở bên trong mình là tự do chuyển dịch từ khuynh hướng này sang khuynh hướng khác. Vậy, làm thế nào để anh có thể chuyển dịch được từ khuynh hướng này sang khuynh hướng khác? Anh phải có các quyền. Tự do bên trong không đơn giản, vì con người, một khi đã bị chủ nghĩa giáo điều gò vào một khuynh hướng thì suốt đời, anh bị trói vào đấy. Đấy là một ý rất quan trọng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian tự do bên trong, nhưng anh cũng đồng thời khẳng định vai trò không thể thiếu của không gian tự do bên ngoài. Bởi vì con người có năng lực, nhưng việc thi thố năng lực lại phụ thuộc vào không gian bên ngoài. Có năng lực mà không thi thố được thì có nghĩa là không gian bên ngoài không thuận. Dân gian có câu "biết võ thì phải có đất dụng võ", đất dụng võ chính là không gian bên ngoài.

Thứ tư, về khái niệm dân chủ. Anh viết "Dân chủ là một hình thức tổ chức cao nhất để thực hiện sự đa dạng của đời sống". Như vậy, khái niệm dân chủ có liên hệ với khái niệm đa dạng. Và tôi thấy trong hầu hết các vấn đề đều có vấn đề đa dạng, vì thế, tôi hiểu đa dạng là một khái niệm chứ không phải chỉ là một từ đơn giản. Theo quan điểm của anh, đa dạng là một khái niệm gốc, đa dạng chính là một năng lực của cuộc sống để ứng phó với sự đa dạng của cơ hội và lựa chọn. Đấy là một định nghĩa về dân chủ mà tôi thấy rất bất ngờ nhưng rất đúng. Phải có tổ chức dân chủ thì mới thực hiện được sự đa dạng trong cuộc sống. Đấy là một ý đơn giản nhưng rất mới, giúp tôi hiểu thêm một khía cạnh mà bấy lâu nay mình không nghĩ đến.

Thứ năm, về khái niệm xã hội dân sự, chỉ trong xã hội dân sự, con người mới phát huy được nội lực của mình. Không có xã hội dân sự thì con người ỷ lại vào nhà nước, có xã hội dân sự thì mỗi người phải tự lập, phải trông cậy vào chính bản thân mình, do đó, mới phát huy được nội lực và rèn luyện bản lĩnh của từng con người.

Đấy là mấy khái niệm cơ bản trong paradigm của anh. Tôi còn nghĩ thêm khái niệm kinh tế thị trường, khái niệm thị trường tự do cũng có thể nằm trong paradigm ấy. Khái niệm này theo tôi rất quan trọng vì kinh tế thị trường là một cỗ máy khổng lồ phát động những sự trao đổi mạnh mẽ, phong phú, nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Trần Bạt (NTB): Kinh tế thị trường là một không gian để thực thi tất cả các quyền tự do, đặc biệt là tự do về kinh tế. Nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế, nó không hoàn toàn là một khái niệm kinh tế mà nó là một khái niệm xã hội học, khái niệm triết học. Cho đến giờ, người Việt chúng ta mới chỉ nghiên cứu kinh tế dựa trên các nguyên lý căn bản của kinh tế học. Trong khi đó, khoảng 10 năm nay, ở những trường đại học tốt nhất của phương Tây, người ta đã hình thành bộ môn Triết học kinh tế để nghiên cứu bản chất triết học của kinh tế thị trường. Tôi cũng đang muốn viết về vấn đề kinh tế thị trường trên bình diện triết học.

Kinh tế học hay triết học của kinh tế thị trường là một khái niệm vô cùng lớn. Từ trước đến nay, ở chúng ta, khái niệm này được hướng dẫn một cách tạm bợ và trước khi người ta tiếp nhận công việc có hệ thống của mình thì người ta đã có những định kiến nhận thức rồi. Cho nên, khi giáo sư nói như vậy thì tôi cũng muốn giải thích rằng, tôi mới nói đến thị trường tự do như một đối tượng chính trị, và cũng đã nói về các giải pháp cho nó trong bộ sách của tôi, nhưng tôi chưa nói đến thị trường tự do như một đối tượng triết học. Phải mất dăm năm nữa mới đến lúc có thể truyền bá khái niệm này, khi đó người Việt mới bắt đầu nhận ra những sai lầm kinh tế của mình không phải sai lầm chính trị thuần tuý mà là kết quả tất yếu của sự thiếu hụt căn bản triết học khi xây dựng chính sách.


Tác giả bài nói chuyện nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt.

.

12 năm trước đây, tôi đã viết đề cương cuốn sách Tự do mà lúc đó tôi đặt tên là “Con đường ra khỏi quá khứ”. Tôi đặt vấn đề rằng con người có nghĩa vụ phải ra khỏi quá khứ. Đó là một trong những hành vi quan trọng nhất liên quan đến phát triển. Ra khỏi quá khứ của hôm qua, của tuần trước, của tháng trước. Ra khỏi quá khứ là một công nghệ hành động. Nhưng nếu viết ở cái tầng như thế rất dễ rơi vào tình trạng kinh viện, khoe chữ. Vì thế, tôi đưa vấn đề Tự do xuống dưới tầng ấy một chút và trên tầng chính trị học một chút. Nói cách khác, nó là một sự kết hợp giữa triết học và chính trị học.

Tôi vẫn còn một vấn đề khúc mắc, đó là làm thế nào để giải quyết cái mâu thuẫn về triết học giữa phương Đông và phương Tây. Tôi chưa thống nhất được hai khái niệm này để sắp xếp lại tiến trình phát triển tư tưởng của con người. Minh triết có phải là một dạng triết học không? Hay nó là một dạng chưa hoàn chỉnh của triết học? Tôi nghĩ hàng năm nay về chuyện ấy rồi. Tôi có đọc tuyển tập "Triết học phương Tây và Minh triết phương Đông" của François Jullien và thấy có lẽ do các triết gia phương Tây tự giam mình quá lâu trong không gian phương Tây chuyên nghiệp nên mỗi khi phát hiện ra các khía cạnh hoang dã của phương Đông thì họ ngộ nhận đấy là một vùng đất đặc biệt. Họ chưa biết đánh giá vùng đất ấy như vùng đất đang phát triển hay chậm phát triển. Tôi dần dần đi đến kết luận Minh triết là một dạng chưa hoàn chỉnh của triết học. Vì suy cho cùng, giá trị của triết học là gọi tên các khái niệm, tìm ra các quy luật và biến nó thành công nghệ tư duy của con người. Nếu không làm được việc ấy thì triết học là một môn để nói cho vui thôi. Nhiều người tưởng rằng Socrates và Plato vu vơ, nhưng lùi xa về hàng trăm năm lịch sử chúng ta sẽ thấy đấy là sự giải thích một cách thực dụng cho những thắc mắc của con người vào thời điểm của họ. Tính thực dụng của hoạt động triết học là rất lớn, chỉ có ở những xã hội chậm phát triển như chúng ta, triết học trở thành một khoa học hàn lâm, là phương tiện giao lưu của học giả chứ không phải là những hướng dẫn giúp con người tiếp cận một cách hợp lý tất cả các vấn đề của tự nhiên, của xã hội.

HNH: Anh vừa nhắc đến tuyển tập 5 công trình của F. Jullien, Triết học phương Tây và minh triết phương Đông, thực ra, chính tôi là người tuyển 5 công trình ấy và đặt cái tên như vậy. Cái tên đó cũng có phần nào để thu hút sự chú ý của bạn đọc…

NTB:Tôi tiếp xúc với nhiều nhà khoa học phương Tây, tôi thấy họ đã chán các quy luật triết học của phương Tây cho nên khi phát hiện ra các vùng hoang dã về tinh thần ở Phương Đông, họ rất thích thú. Cũng giống như con người, ăn cao lương mĩ vị chán rồi, nhặt được một củ sắn nướng ăn lại thấy ngon. Chế Lan Viên có câu thơ: "Nhân dân ở xung quanh mà ta ở giữa; Ăn một miếng khoai bùi ta cảm thấy là ngon". Tuy nhiên, đấy mới chỉ là trạng thái ngộ ra sự đơn điệu của chính mình thôi. Nhận ra sự đơn điệu của chính mình với việc phát hiện ra sự phong phú của cuộc đời là hai việc khác nhau. Các nhà triết học phương Tây phát hiện ra sự hoang dã của phương Đông giống như một chàng trai Hà Nội phát hiện ra sự tươi mát, sự hoang dã của một cô gái nông thôn. Cần phải lý giải trạng thái hoang dã ấy một cách triết học chứ không phải thưởng thức sự hoang dã ấy. Không phải chỉ F. Julien mà giáo sư cũng không ngẫu nhiên chọn cái tên như vậy, bởi giáo sư chắc chắn đã có những đánh giá về nhận thức của thế giới cũng như của người Việt rồi.

Cách đây khoảng 10 năm, có một khái niệm gọi là giá trị châu Á được nói đến rất nhiều. Tôi không đồng tình với khái niệm ấy. Thật ra giá trị châu Á là mặt tiêu cực, mặt chậm phát triển của nhận thức, nó không có gì đặc thù cả. Những thứ đó ở đâu cũng có. Ở Châu Âu, nếu đi từ Áo sang Đức anh đã thấy được đặc thù ngay rồi. Nếu đi từ Áo sang Đức, anh sẽ hiểu các giá trị bản sắc của xúc xích Đức là như thế nào. Tôi đã khảo cứu cả những vấn đề như vậy rồi. Tại sao giáo sư đọc sách của tôi và phát hiện ra những lý giải có chất lượng tâm lý? Là bởi vì nếu không có những phát hiện tâm lý ấy, không thể hình thành triết học được. Cái giá trị của Freud chính là ở chỗ ấy. Trung tâm của triết học là con người, trung tâm của tất cả sự phát triển là phát triển con người. Mà trong con người, tâm lý là nền tảng. Các hành động của con người là một loại hệ quả trực tiếp của tâm lý.

HNH: Minh triết và triết học chính là đề tài mà tôi nghiên cứu, khi nào có thời gian, tôi sẽ thảo luận với anh kỹ hơn. Tôi hiểu rằng, minh triết và triết học là hai hình thức nhận thức khác nhau, nó phổ quát ở cả phương Đông và phương Tây. Phương Đông cũng có minh triết, và phương Tây cũng có minh triết.

NTB: Đó là vấn đề khác, nó là một trạng thái nhận thức.

HNH: Tôi nhớ giai đoạn chống Mỹ, tôi phải đi sơ tán, khi nào ngưng ném bom lại lục tục kéo về. Lúc bấy giờ, tôi ở một cái nhà có rất nhiều hộ ở, trước đây ở Hà Nội thường sống như thế. Có một hộ, có một thằng bé học lớp 3 hay lớp 4, khoảng 11, 12 tuổi. Một hôm gặp tôi, ngồi nói chuyện, nó với tôi thế này: "Mình cứ nói người nhà quê về Hà Nội thì đần, nhưng chính người Hà Nội về nhà quê cũng đần". Tôi sửng sốt. Tôi nghĩ rằng, một nhà bác học 60 tuổi chưa chắc đã nói được câu ấy. Tức là, có một hình thái nhận thức nào đó, không đòi hỏi học vấn, ở phương Đông cũng có, ở phương Tây cũng có, ở lứa tuổi nào cũng có, nó không nhất thiết phải có một trình độ học vấn nào đó.

NTB: Minh triết là trạng thái hướng dẫn, trạng thái tiệm cận mang chất lượng nhân tính về triết học.

HNH: Thằng bé ấy nói với tôi, cháu về quê không biết rửa chân thế nào, người ta bày cho cháu rửa chân. Tôi thấy nó nói câu ấy quá giỏi, thì tôi hiểu minh triết là thế. Minh triết là một trạng thái, một hình thức, một dạng nhận thức và một mức độ. Tôi có nghiên cứu lịch sử minh triết ở phương Tây. Ở phương Tây thời kỳ đầu, minh triết được xem là nhận thức của thần thánh, nhận thức cao nhất là minh triết. Sau đó những nhà triết học như Socrates, Plato mới thấy rằng, mình không thể là người đạt đến minh triết được thì thôi, mình làm một người biết yêu mến, quí chuộng minh triết. Cho nên trong tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga cũng thế, Philo là yêu mến, Sophy là minh triết. Nhà triết học là những người rất khiêm tốn, vì tôi không với tới được minh triết, nên tôi xin nguyện làm người quí trọng minh triết.

NTB: Tôi lại nghĩ hơi khác giáo sư ở chỗ này. Minh triết như là giáo sư vừa nói chính là chân lý. Yêu mến chân lý là triết học. Điều đó thì đúng. Nhưng đối lập minh triết với triết học thì sai. Cái minh triết phương Đông ấy nó như là một biện pháp vơ được một cách ngẫu nhiên để đem đối lập, để đem cân bằng cái người ta có với cái mình có.

HNH: Tôi biết tâm lý phương Đông có chuyện ấy, cho rằng minh triết của mình kỳ diệu hơn, huyền bí hơn.

NTB: Dùng khái niệm minh triết để tự huyễn hoặc mình, để tự cân bằng mình chính là phản minh triết và trở thành mê tín dị đoan. Các truyền thuyết hầu hết đều có chất lượng mê tín dị đoan cả. Và minh triết là một khái niệm được lợi dụng để xây dựng các nguyên lý của mê tín dị đoan. Tất nhiên, con người vẫn hay có những tâm lý như vậy. Chính từ tâm lý ấy mới có những người nói rằng có đấng tối cao nào đó. Nếu không có thì các chân lý và năng lực linh cảm thấy chân lý ở đâu ra? Bởi vì trong tất cả các sự di truyền tự nhiên không có minh triết, vậy thì các di truyền minh triết là di truyền siêu tự nhiên.

Hoạt động của con người càng tích cực bao nhiêu thì triết học của con người càng vươn tới sự minh triết. Nhưng minh triết không phải là công cụ để tự cân bằng trạng thái không có triết học hay là không đủ năng lực nhận thức của con người. Tôi rất muốn chống tâm lý ấy, vì nếu không chống được cái đấy thì không cải tạo được phương Đông và do đó phương Đông vẫn tiếp tục “vơ bèo, vạt tép” để trần tình về sự kém phát triển của mình.

HNH: Tôi rất tán thành cái ý là phương Đông xem đó là cái ưu thế đặc biệt của mình, phần nào tự huyễn hoặc mình.

NTB: Về mặt phân tâm học có thể hiểu thế này: Nếu người ta tiếp cận triết học bằng lý tính, bằng tư duy logic, thì người ta tiếp cận đến minh triết bằng linh cảm, bằng cảm giác. Trạng thái cảm giác nào cũng đều là dấu hiệu của sự chậm phát triển về nhận thức, tức là anh không thể gia công những linh cảm thần thánh cho hay là trời cho thành các công cụ nhận thức phổ biến. Chính tính không phổ biến được của minh triết, tính không truyền bá được của minh triết là thứ làm nó không vươn tới triết học được. Đây là một khái niệm liên quan đến lý thuyết về sự phát triển. Suy cho cùng, nền tảng của mọi sự phát triển là phát triển tinh thần. Không nghiên cứu được quy luật hình thành sự phát triển của đời sống tinh thần thì sự phân biệt minh triết hay triết học chỉ là sự phân biệt chính trị và cao hơn một chút là sự phân biệt văn hoá. Đấy là thể hiện tính bất lực của cả văn hoá lẫn tư tưởng. Các dấu hiệu của minh triết phương Đông là những dấu hiệu không phổ biến và ý nghĩa phục vụ của nó rất ít. Ở mặt tiêu cực nhất, người ta chính trị hoá những công cụ được gọi là minh triết ấy để phục vụ những quyền lợi tầm thường. Tôi nghĩ nếu không nghiên cứu được quy luật về sự thiếu vắng triết học trong các dân tộc ở phương Đông thì sẽ tạo khoảng trống để người ta sử dụng minh triết như một công cụ không lành mạnh.

Sự khác nhau giữa phương Đông và phương Tây cơ bản là sự khác nhau về phát triển. Phương Đông chậm phát triển là bởi vì không công nghệ hoá được các tiêu chuẩn của minh triết để biến nó thành công cụ nhận thức có thể phổ biến rộng rãi (có thể gọi là công cụ nhận thức có tính phổ quát, bao hàm ý nghĩa có thể phổ biến và có thể truyền bá). Cho nên, nhiệm vụ của giới trí thức là làm những nghiên cứu xã hội học quanh các khái niệm cơ bản, tìm cách nâng cao năng lực có thể truyền bá của nó. Nếu không tìm được con đường để truyền bá thì các nghiên cứu không có ý nghĩa gì cả. Thí dụ, trong khi các thành tựu của y học phương Tây dựa trên những căn bản triết học rất rõ rệt, trở thành những phương pháp cụ thể, có thể can thiệp và tác động vào mọi thực tế, thậm chí tác động đến cả gene thì ở chúng ta vẫn là “cân bằng âm dương”. Cân bằng âm dương chính là hiện tượng học. Tức là chúng ta dừng lại ở mức hiện tượng và không có công cụ để lý giải. Các công cụ hiện tượng học cũng chỉ là những công cụ giúp con người đi từ đáy lên cái tầng có thể quan sát được. Sau hiện tượng học con người bắt đầu quan sát. Đấy chính là cái hướng mà tôi nghĩ để lý giải tại sao phương Đông chậm phát triển. Nó có những sự hy sinh, sự liều mạng vô nghĩa, bắt đầu từ những sự giải thích mù mờ về tất cả những động lực của sự phát triển, động lực của sự tồn tại. Các tôn giáo khép kín, thiểu số đều có chung một hiện tượng là không vươn đến giải thích một cách triết học tất cả các nguồn động lực cho phát triển. Đây là một vấn đề rất lớn, tôi sợ rằng mình không đủ sức làm hết. Tôi nghĩ 20 tiếng một ngày về vấn đề này.

HNH: Vừa rồi tôi có đọc trên mạng một cuốn sách có tên là "Kinh thánh của minh triết", nó thu thập minh triết của cả thế giới, Hồi giáo, Thiên chúa giáo..., của các nước như Nga, Trung Quốc... Vậy trong đó, những gì được xem là minh triết của Trung Quốc? "Đạo đức kinh" của Lão Tử, "Nam Hoa Kinh" của Trang Tử, người ta đưa cả trích dẫn vào đó, mỗi cuốn như vậy được trích khoảng 15 câu. Sách Trung dung cũng được trích dẫn khoảng 20 câu. Nhưng Khổng Tử thì họ chỉ dẫn trung dung, Luận Ngữ của Mạnh Tử thì họ không bàn đến.

NTB: Tôi nhìn sự việc này một cách khái quát. Minh triết là một trạng thái tiền triết học, nó là nguyên liệu của triết học, là các minh chứng, các giải thích, các nhận biết bản năng và sự có lý bản năng của con người. Minh triết có trong tất cả mọi dân tộc, Việt Nam cũng có minh triết nhưng không vươn lên được tầm triết học. Cái công cụ hay công năng vĩ đại của triết học là ở chỗ anh truyền bá nó. Minh triết không được truyền bá vì không ai cảm thấy nó một cách rành mạch. Thí dụ Lão Tử bảo "Theo tay ta chỉ thì ngươi sẽ thấy trăng, nghe lời ta nói thì ngươi sẽ thấy đạo", nhưng ông ấy cũng đủ khôn ngoan để nói rằng "Nhưng tay ta không phải là trăng, lời ta không phải là đạo". Như thế, không ai chịu trách nhiệm, mà không ai chịu trách nhiệm là một trong những mặt tiêu cực của khái niệm minh triết. Minh triết là một thực tế tinh thần của con người. Ở đâu cũng có minh triết, không phải ở phương Đông mới có. Và chúng ta cũng phải phân định rất rõ rằng minh triết không thuộc về con người, mà minh triết thuộc về bản năng con người. Do vậy, nó không phải là chuẩn của hoạt động trí tuệ. Triết học mới là hoạt động trí tuệ chủ đạo của con người. Tất cả các trào lưu triết học, kể cả những trào lưu gần đây nhất như trường phái hiện sinh mà đại diện là Jean-Paul Sartre hay Franz Kafka cũng là kết quả của sự mệt mỏi có chất lượng triết học, quay trở lại trạng thái bản năng của triết học là minh triết.

HNH: Trở lại vấn đề năm công trình của anh. Tôi đã suy nghĩ về vị thế của năm công trình này trong đời sống văn hoá Việt Nam. Tôi liên tưởng đến những điều đã học từ ông bạn Frederick Turner người Mỹ của tôi. Năm ngoái, khi tôi sang Mỹ có thảo luận với ông ấy về tự do, về phương Tây, phương Đông… Ông ấy bảo, thường thường tự do thể hiện rõ nhất trong sự lựa chọn. Anh đứng trước sự lựa chọn, cách xử lý của anh chứng tỏ anh tự do hay không tự do. Ông ấy bảo hiện nay trên thế giới, đâu đâu cũng đặt ra sự lựa chọn giữa A và B. Theo ông ấy, người tự do đứng trước sự lựa chọn ấy sẽ không chọn A, cũng không chọn B mà sáng tạo ra C. Tôi thấy có lẽ cuốn sách của anh đang làm công việc ấy. A là gì thì hiện nay người Việt Nam vừa sống trong cái A vừa tìm hiểu nó. Anh đưa ra một cái khác là B và hướng dẫn để người ta tính đến chuyện sáng tạo ra cái C như thế nào. Anh chỉ đưa một cái B đặt bên cạnh cái A, còn sáng tạo ra cái C là công việc của mọi người. Tôi thấy, các công trình của anh đóng vị thế như vậy. Nó rất khoa học. Anh không áp đặt gì cả, không yêu cầu người ta theo cái A hay cái B.

NTB: Tôi đã có một câu trong cuốn sách này có thể tóm tắt phân tích của giáo sư, đó là: “Mỗi con người phải phấn đấu trở thành nhà tư tưởng của chính mình”.


.

HNH:Trong những cuốn sách của anh, cuốn Tự do có khá nhiều khái niệm làm tôi thấy ấn tượng. Tôi muốn nói tiếp đến khái niệm lẽ phải tâm hồn. Tôi nghĩ đó là một ý niệm, một thuật ngữ rất được. Nhưng đưa ra thuật ngữ đó thì sẽ xuất hiện một câu hỏi là: đối lập với tâm hồn là gì? Theo như sách của anh, đối lập với tâm hồn là ý thức. Như vậy, có vấn đề phân biệt giữa tâm hồn và ý thức, mà tâm hồn thì anh nói đến lẽ phải của tâm hồn, vậy, có lẽ phải của lý trí không? Liên hệ cách đặt vấn đề của anh với cách đặt vấn đề của ông Gorki, tôi thấy ông Gorki cũng đặt đúng những vấn đề như vậy. Khi nhận định về một tác giả, Gorki nói rằng cái anh này "trí tuệ của trái tim" thì sáng suốt, nhưng "trí tuệ của trí tuệ" thì luẩn quẩn. Khái niệm "trí tuệ của trái tim" tương ứng với khái niệm "lẽ phải tâm hồn" của anh. Như vậy, khi nhìn nhận lẽ phải của tâm hồn hay trí tuệ của trái tim thì đồng thời ông ấy cũng nhìn nhận trí tuệ của trí tuệ. Gorki nhận xét những người trí tuệ của trí tuệ diễn đạt vấn đề của mình dưới dạng triết học thì rất luẩn quẩn nhưng mà trái tim rất sáng suốt. Tôi có đề nghị anh nói thêm về lẽ phải của ý thức. Trong cuộc sống, lẽ phải tâm hồn rất quan trọng. Lâu nay, người ta coi thường lẽ phải tâm hồn thì anh nhấn mạnh là rất đúng. Nhưng không thể quên được lẽ phải của lý trí. Anh có thể đối lập tâm hồn với ý thức, đối lập với trí tuệ hay ý thức, những khái niệm này tuỳ anh, nhưng không nên bỏ qua những phân tích về lẽ phải của lý trí.

NTB: Tôi cho rằng lẽ phải của lý trí chính là khoa học.

HNH: Về khái niệm Hạnh phúc và vấn đề phát triển năng lực, tôi rất tán thành ý kiến của anh. Hàng ngày, mọi người chia sẻ với tôi thì tôi thấy trong những sự day dứt của con người thì sự day dứt về năng lực khiến con người đau khổ nhất. Tôi có đọc cuốn Bàn về chủ nghĩa Marx và vấn đề nhân cách của nhà triết học, nhà tâm lý học người Pháp là Lucien Sève. Trong cuốn sách, ông ấy nói rất nhiều về năng lực. Ông cho rằng người sống một cách cảm hứng là người có năng lực đang phát triển mạnh. Anh hay dùng chữ cảm hứng. Tôi cho rằng cảm hứng chủ đạo của cuộc sống chính là phát triển năng lực. Lucien Sève đề ra một chiến thuật là: đối với ngành gì, nghề gì cũng vậy, năng lực của con người bao giờ cũng sẽ có lúc chững lại, lúc đó phải chuyển sang hobby, đi vào hobby thì mình mới thấy năng lực của mình chưa phát triển đến.

NTB: Đấy chính là lập luận về khái niệm đa dạng. Không đa dạng thì không có phương án dự trữ.

HNH: Đúng! Anh phải có năng lực nhiều mặt, mặt này chững lại thì phát triển tiếp mặt kia. Và khi mặt này tự đi lên thì mình cũng phải tính đến một mặt khác nữa để đến lúc có thể thay thế. Do đó, chiến lược sống rất quan trọng. Dẫn ra những quan điểm của họ để nói tôi rất tán thành quan điểm của anh: Hạnh phúc là sự phát triển năng lực.

Về cái tôi và cái chúng ta, anh viết: "một xã hội không lành mạnh sẽ tạo ra một không gian trong đó cái Tôi phát triển theo những khuynh hướng sai chứ không phải cái Tôi sai". Câu này đặt ra vấn đề rất quan trọng: như vậy, khuynh hướng sai là ở ngoài xã hội. Ý này liên quan đến một câu của Marx, "Con người là tổng hoà các quan hệ xã hội", nhưng đấy là câu mà người ta lược dịch, và khi lược dịch đã làm sai nó. Nguyên văn của nó là: "Trong thực tại của nó, bản chất của của con người là tổng hoà các quan hệ xã hội", tức là Marx bàn về bản chất của con người trong thực tại của nó chứ không phải là bàn về con người nói chung. Câu của Marx nếu được dẫn đầy đủ sẽ soi rõ điều anh nói. Tổng hoà các mối quan hệ xã hội là bên ngoài. Tổng hoà các mối quan hệ xã hội là thực tại của bản chất con người như tốt, xấu, xu nịnh, dũng cảm… Chỗ này Marx rất sâu sắc. Còn anh thì tiếp cận đến vấn đề đó bằng phương pháp của riêng mình và kết luận là "xã hội có những khuynh hướng sai", các khuynh hướng sai của cá nhân là ở ngoài xã hội.

Có một vấn đề mà tôi cho là rất hay, rất mới, chưa có sách nào bàn đến, đó là vấn đề mối quan hệ giữa cái Tôi và cái Chúng ta. Anh cho rằng quan hệ giữa Tôi và Chúng ta không phải là quan hệ trên dưới. Điều này rất đúng! Thậm chí quan hệ giữa Tôi và Tổ quốc cũng không phải quan hệ trên dưới. Bởi vì, nếu đặt quan hệ trên dưới thì cá nhân con người khốn khổ vì phải đội trên đầu quá nhiều thứ. Khi có ánh sáng của lẽ phải thì những cái xếp hàng ngang sẽ rọi tới tim tôi, chứ không nhất thiết phải đội lên đầu. Tôi thấy điều này là một chân lý rất lớn của thời đại.

Anh còn nói đến ba tầng của đời sống tinh thần, tầng thực dụng, tầng tư tưởng và tầng lý tưởng. Đoạn này cũng rất hay và rất mới. Anh nói đến sự luân chuyển thoải mái giữa ba tầng, ba tầng ngang nhau và không tầng nào lãnh đạo tầng nào. Tôi cũng là người thích dùng từ, trong đời làm nghiên cứu, tôi sáng tạo được vài ba từ, từ thứ nhất là từ "phải đạo" làm người ta tranh luận om xòm, từ thứ hai thì chỉ có tiếng Việt mới có, rất quan trọng là từ "người hẳn hoi", theo tôi mọi vấn đề là trở thành con người hẳn hoi, con người lý tưởng ở mọi thời đại là người hẳn hoi. Từ "hẳn hoi" bao hàm được nhiều thứ, về vật chất như quần áo ăn mặc phải hẳn hoi, nhà cửa cũng phải hẳn hoi, suy nghĩ phải hẳn hoi, ngôn ngữ phải hẳn hoi, cách ứng xử phải hẳn hoi... Từ ấy trong các ngôn ngữ khác không có, tiếng Pháp, Anh, Nga không có. Tiếng Việt có từ "hẳn hoi" là tuyệt vời. Lý tưởng của chúng ta là mỗi người dân Việt trở thành một người hẳn hoi, từ các nhà lãnh đạo, các quan chức cho đến những người bình thường nhất. Tôi thấy người “hẳn hoi” là người luân chuyển giữa ba tầng đời sống tinh thần rất thoải mái. Anh nêu một ý rất đúng, cuộc sống rất thực dụng, nhưng anh vừa thực dụng mà lại có khát vọng lý tưởng để không rơi xuống sự tầm thường thì anh là người hẳn hoi. Người hẳn hoi rất thoải mái ở cả ba tầng. Tôi nghiệm thấy trong cuộc sống, những người hẳn hoi tôi gặp đều rất hiểu biết, rất linh hoạt, rất thực tế. Phát hiện sự dịch chuyển tự nhiên giữa ba tầng của đời sống tinh thần là anh đưa ra được một vấn đề rất hay về phương diện đạo đức và văn hoá.

Trong các khái niệm của anh, có một khái niệm khiến tôi băn khoăn nhất là "tiền con người", và "dưới con người". Tôi thấy anh mạnh dạn dùng từ này nhưng chính anh cũng rất dè dặt, nhiều chỗ anh tránh chữ "tiền con người" và dùng một từ khác để thay thế cho nó như "con người không hoàn chỉnh", "con người hiểu theo nghĩa đầy đủ của nó". Như vậy, theo tôi, không nên phân biệt giữa "người" và "dưới con người", hoặc giữa "người" và "tiền con người". Có lẽ chính anh cũng cảm thấy không ổn cho nên đôi chỗ anh phải nói tránh như thí dụ tôi vừa dẫn.

NTB: Chỗ này tôi phải xin phép cắt ngang lời giáo sư một chút. Xét về mặt khoa học, tôi buộc phải dùng chữ “tiền con người”, bởi vì giá trị chính trị của chữ này rất lớn. Nó liên quan đến một loạt luận điểm của tôi sau này. Thí dụ, tôi nói rằng người ta có thể thích tự do hay không, nhưng người ta không thể đặt vấn đề thích con người hay không được. Cho nên nếu một chính quyền hạn chế tự do của con người thì tức là họ không muốn cho người dân của mình trở thành người. Sự chấp nhận hạn chế tự do của các chính quyền là dấu hiệu tập trung nhất để thể hiện tính tiền con người. Tôi có thảo luận với một vài nhà khoa học ở nước ngoài, bản thân họ cũng dùng những cách diễn đạt như vậy. Phải nói thật với giáo sư là chữ "tiền con người" táo bạo nhưng chính xác. Bởi cái chuẩn để phân loại và định nghĩa con người là cái chuẩn phổ quát, nếu không đưa ra khái niệm này thì không thể cảnh báo tính tự mãn của chính quyền ở các nước chậm phát triển. Giáo sư thấy rằng chúng ta không bình đẳng với những con người có cùng địa vị, thậm chí có cùng chức năng, có cùng tầm hiểu biết ở bên ngoài. Đấy là một khái niệm mang chất lượng cảnh báo và với tốc độ phát triển của giao lưu thông tin thì xã hội dần dần sẽ chấp nhận nó. Khái niệm này thoạt đầu nghe có vẻ xúc phạm, thậm chí có vẻ tàn nhẫn nhưng nó là một khái niệm không thể thay thế. Tôi rất đau khổ khi phải dùng những từ ngữ đó, nhưng tôi không thể gọi khác đi, bởi nếu gọi khác đi thì nó động chạm đến nguyên lý của tôi là lẽ phải tâm hồn. Lẽ phải tâm hồn đối với tôi là một nguyên lý hành động. Nhưng cái mà tôi dùng một cách quyết liệt và đôi lúc cũng chữa lại, giải thích lại, phân trần lại chính là lẽ phải của lý trí mà giáo sư có nhắc đến.

Nếu tuân theo các quy luật của lẽ phải lý trí thì buộc phải dùng khái niệm này. Đôi lúc chúng ta dùng tất cả những sự sáng suốt, sự hiểu biết của mình để nghển cổ lên cho bình đẳng với mọi người, nhưng trong thâm tâm sâu thì biết là mình không tìm thấy sự bình đẳng, Khi đã không tìm thấy sự bình đẳng với con người thì đấy là tiền con người. Giáo sư phát hiện ra sự ngập ngừng của tôi, tôi biết rất rõ điều ấy, chính tôi hàng ngày cũng không ngần ngại gọi ra những thời khắc mà mình mấp mé trạng thái tiền con người và tìm cách đấu tranh để không rơi xuống dưới ngưỡng ấy.

HNH:Vấn đề nữa là anh nói rất nhiều đến chuyện Âu Mỹ phát triển nhanh hơn Trung Quốc, điều ấy rất đúng. Nhưng có một cuốn sách tôi rất muốn anh tham khảo là cuốn "Từ Đông sang Tây" của nhà xuất bản Đà Nẵng, trong đó có bài "Lịch sử kinh tế thế giới tóm tắt" của Vũ Quang Việt. Ông ấy nhìn tổng quát lịch sử kinh tế thế giới và cho rằng, đến thế kỷ XV, Âu Mỹ và Trung Hoa, Ấn Độ có trình độ ngang nhau, mức sản xuất ngang nhau. Từ thế kỷ XV trở đi, châu Âu bứt phá và đi một con đường khác. Nguồn gốc của bộ mặt châu Âu hiện nay là cuộc cách mạng văn hoá của châu Âu vào thế kỷ XVI, đấy là cuộc cải cách tôn giáo, và nhờ cải cách mà những hệ tôn giáo toàn trị tan rã. Trong lúc đó, ở Trung Quốc, Khổng Giáo vẫn tiếp tục duy trì đến thời Mao Trạch Đông và cho đến nay, nó vẫn toàn trị. Vũ Quang Việt có cách nhìn nhận rất đúng là cái kìm hãm Trung Quốc và phương Đông chúng ta là sự tồn tại quá lâu dài của hệ tư tưởng toàn trị. Tôi đề nghị anh tham khảo sách đó.

NTB: Tôi có biết đến luận giải đó mặc dù chưa đọc quyển sách ấy. Tuy nhiên, ý của tôi khi nói đến câu chuyện này hơi khác một chút. Động cơ của tôi là nói về cá thể con người. Trung Quốc không phát triển chậm hơn phương Tây xét về quan điểm nhà nước, thậm chí nước Nga nếu xét về quan điểm nhà nước cũng không phát triển chậm hơn phương Tây. Chính sự phát triển thái quá của khái niệm nhà nước đã chèn ép khái niệm phát triển con người, do đó, nó không tạo ra được trạng thái bền vững của sự phát triển. Tôi biết khái niệm toàn trị nhưng chưa một lần dùng khái niệm ấy. Hiện nay, trong đời sống có hiện tượng đấu tranh, đấu khẩu về cái gọi là “sự toàn trị”, tôi không thích tham gia vào những chuyện ấy. Thay vì đấu khẩu như vậy, tôi nghĩ muốn biểu dương một khái niệm khác và đi theo một hướng khác, đó là khái niệm “cá thể”.

Động cơ nghiên cứu của tôi là cổ vũ cho sự phát triển của cá nhân như là một mô-đun cơ bản của đời sống xã hội. Tôi đi sâu vào phân tích khái niệm cá nhân. Tôi nói đến phương Tây phát triển hơn phương Đông và nhiều lần nhắc đi nhắc lại điều đó để nói đến sự phát triển cá nhân. Bây giờ Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nhiều nước, nhưng nhanh hơn bởi vì nó mới phát triển. Người mới chạy bao giờ cũng cảm thấy tốc độ của họ nhanh hơn người đã chạy 100 km. Tuy nhiên, phải nói với anh rằng ngay cả trong sự phát triển trên quy mô xã hội của Trung Quốc với tốc độ lớn như vậy thì khái niệm con người, khái niệm cá thể vẫn lẹt đẹt ở tầng rất thấp. Không phát triển con người thì mọi sự phát triển đều vô nghĩa và rủi ro lớn nhất của một nền kinh tế xã hội là không thể bền vững được. Chúng ta thấy rằng ngay cả thời kỳ toàn trị nhất thì chúng ta vẫn có Trần Dần, nhưng sau nửa thế kỷ, chúng ta không có ai như vậy, chúng ta có một nền văn nghệ cấp thấp và thô tục. Chính sự không phát triển con người làm cho xã hội tuôn ra những sản phẩm mà giá trị đạo đức đảo lộn. Chữ “tiền con người” là một sự phủ nhận đau đớn, tôi sẵn sàng sửa chữ đó để diễn đạt cho khéo và không động chạm đến lòng tự trọng vốn có một cách bản năng của người châu Á. Nhưng nếu gọi đích danh thì nó phải là như thế. Một con người không có nhu cầu làm chủ thân phận của mình, không có trí tuệ để làm chủ thân phận của mình, không có cả điều kiện để làm chủ thân phận của mình thì dứt khoát không phải là con người.

Chúng ta không cần quá lệ thuộc vào sự phân loại có tính chất lịch sử. Bởi vì ngay cả sự phân loại có chất lượng lịch sử đã thành kinh điển thì đối với tôi, nó cũng không phải là tiêu chuẩn. Chúng ta đang sống trong thời đại mà con người phải xây dựng hệ tiêu chuẩn động. Tôi đã phân tích rằng ngay cả châu Âu cũng đang lạc hậu với những quy định đơn giản về quyền con người. Họ không thấy được quyền con người về bản chất là quyền phát triển. Châu Âu bây giờ cũng chỉ nhìn quyền con người như những quyền cá nhân đơn giản, hay nói cách khác là quyền cảm thụ và quyền hành vi, chưa hội tụ đến quyền phát triển. Vấn đề này tôi đã suy nghĩ rất kỹ và cân nhắc, vì thực tế là chúng ta có một nửa nhân loại đang ngập trong một không gian không bao giờ có thể phát triển được.

Ở các nước thế giới thứ ba, về mặt văn hoá, con người phải thấy phát triển là quá trình vứt bỏ, vứt bỏ định kiến, vứt bỏ thói quen, nếu không, con người không những không ra khỏi quá khứ của mình mà còn bị chính phủ lợi dụng sự lưu luyến ấy để lưu giữ quyền lực, quyền lợi của họ. Tôi cho rằng nhà khoa học nào cũng luôn cài vào trong trang viết của mình những cú huých, với tôi đó là cú huých vào sự thức tỉnh của số đông. Đấy là mục đích thật sự của tôi. Giáo sư cảm nhận rất chính xác sự nhạy cảm trong khái niệm hay trong các thảo luận tôi đưa ra, chính những chỗ dùng dằng ấy là chỗ quan trọng nhất. Nói như giáo sư là phải chuẩn bị cho xã hội để tiếp nhận những quả bom như thế, nhưng tôi nghĩ, vẫn phải thả quả bom mà không có sự chuẩn bị thôi. Bởi nếu không thì đến bao giờ xã hội mới thức tỉnh

HNH: Chính vì thế mà tôi rất quan tâm đến công trình của anh vì tôi rất muốn sinh viên của mình được đọc những giáo trình triết học như thế này. Tôi xin tiếp tục nhận xét.Anh chắc đã có sự trăn trở khi viết về vấn đề phi cách mạng hóa. Từ sau này trở đi thì tôi chưa biết, nhưng từ trước đến nay, đấu tranh cách mạng là cần thiết để giải phóng con người. Cách mạng Pháp 1776 và Cách mạng Mỹ 1789 là những cuộc cách mạng giải phóng con người, giải phóng cho hàng triệu nông nô.

NTB: Cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ là những cuộc cách mạng để tạo ra sự phát triển. Những cuộc cách mạng để tạo ra sự phát triển và sự bùng nổ xã hội là cách mạng xã hội, còn những cuộc cách mạng sau này là cách mạng chính trị. Tôi đã nghiên cứu kỹ khái niệm cách mạng và các cuộc cách mạng diễn ra trên thế giới. Khi nghiên cứu quy trình phản ứng tâm lý của con người xung quanh các cuộc cách mạng, tôi rút ra được một kết luận: Tất cả các cuộc cách mạng đều kêu gọi những cuộc cách mạng khác, cho nên không thể giải quyết bất kỳ vấn đề gì bằng các cuộc cách mạng. Cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp là cuộc cách mạng mà con người không có ý thức để tạo ra nó, nó là sự bức xúc tự nhiên, nhưng một vài người lợi dụng và truyền bá nó để tạo ra một quy trình tiến hoá. Lúc đầu, Cách mạng Pháp chỉ mang đến cho nước Pháp Napoleon Bonaparte thôi. Chính những chỉnh lý sau Cách mạng mới tạo ra những tiến bộ sau này. Ngay cả sự thanh minh cho cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ cũng không thể ngăn tôi nói đến chuyện phi cách mạng hoá đời sống. Bởi vì, so với dân số thế giới những năm ấy (đến bây giờ dân số thế giới tăng gấp độ 10 lần), so với mức sản xuất và mức tiêu dùng của con người vào thời điểm ấy (đến bây giờ tăng khoảng 100 đến 200 lần) và mặc dù cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nhưng chỉ số tiết kiệm tài nguyên của quá trình phát triển vẫn không thể giảm đi. Càng ngày, con người càng tiêu tốn năng lượng cho những hành vi dại dột của mình. Và trong sự dại dột mênh mông như vậy của con người xét về phương diện kinh tế thì những kẻ đầu cơ chính trị luôn luôn muốn tạo ra các cuộc cách mạng. Đây là một vấn đề phải hết sức rành mạch. Tôi hưởng ứng việc phi cách mạng hoá đời sống. Bởi vì hậu quả lớn nhất của cách mạng không phải là chết chóc, hậu quả đau đớn nhất và tiêu cực nhất của cách mạng là nỗi sợ. Nỗi sợ làm cho con người mất hết dũng khí và thui chột cảm hứng sống, cảm hứng phát triển.

Vào thế kỷ XVIII, lúc chính trị và triết học đi song song với nhau, triết học dẫn đường cho chính trị, cho nên mọi sự phát triển triết học đều được ứng dụng ngay lập tức vào đời sống. Sang những năm đầu thế kỷ XXI, nhân loại cần phải nạp lại một chu trình như thế. Nếu không có sự phát triển triết học thì nhân loại sẽ bế tắc về lý luận. Những sự phát triển như vũ bão kiểu như của Trung Quốc ngày nay làm cho rất nhiều nhà triết học và nhà chính trị trên thế giới phân vân. Làm thế nào để chấm dứt trạng thái phân vân ấy? Không còn cách nào khác là phải đi vào cốt lõi của toàn bộ đời sống nhân loại là con người. Cần phải đi vào phân tích con người và sự phát triển của nó, chống lại rủi ro cho nó.

Tôi rất cảm động khi được nghe những phân tích của giáo sư về các vấn đề trong bộ sách của tôi. Có nhiều người thích sách của tôi nhưng chưa ai phân tích kỹ như giáo sư. Khi tặng sách cho giáo sư, tôi rất lo, giống như đưa bệnh phẩm của mình cho bác sỹ khám nghiệm vậy. Tôi biết hầu hết những người đam mê khoa học đều không bao giờ muốn viết ra, tìm ra những thứ mà ai cũng hiểu, ai cũng biết. Nhưng tiếp cận vào những khái niệm cả hiện đại, cả truyền thống bằng những lý giải của mình thì đương nhiên sẽ có những chủ quan nhất định. Hôm nay tôi rất vui được nghe những góp ý chân thành của giáo sư. Xin cảm ơn giáo sư vì lao động đọc của ông!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Triết học và năng lực tư duy của con người trong kỷ nguyên toàn cầu

    06/11/2019PGS.TSKH Lương Đình HảiĐã có nhiều quan niệm khác nhau về triết học và do vậy, cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về vai trò của triết học. Có thể xem xét vai trò của triết học từ nhiều phương diện khác nhau, bởi trong thực tế, triết học có tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và con người. Một trong những tác động lớn của triết học đến con người và xã hội là tác động lên năng lực tư duy của con người.
  • Triết học không thể tách rời khỏi nhân cách và tâm hồn

    02/04/2018Nguyễn Thị Từ HuyNhiệm vụ của tôi là đưa ra ánh sáng điều mà chúng ta phải luôn luôn yêu mến và tôn sùng : bậc vĩ nhân. Như vậy ở đây triết học được nhìn như là biểu hiện và kết quả của nhân cách và tâm hồn. Triết học không thể tách rời khỏi nhân cách và tâm hồn...
  • Thế nào là một bài viết có tính triết học?

    31/07/2017Nguyễn Hữu ĐễTrao đổi xoay quanh vấn đề đánh giá tính triết học của một bài viết. Tác giả đã luận giải để làm rõ ràng, một bài viết được coi là có tính triết học phải thể hiện được ít nhất một trong những nội dung: 1) Đề cập đến những vấn đề triết học chung, 2) Nêu lên những vấn đề triết học cuộc sống, 3) Đề cập đến những vấn đề của các khoa học khác từ góc độ triết học...
  • Luận giải triết học Đông Tây vào cuộc sống

    05/07/2017Nguyễn Tất ThịnhTôi trình bày ngắn gọn về Ngũ Hành - Một tư tưởng triết học Cổ điển nhưng vô cùng tinh tế khúc triết của cả Hai Nền Triết Học Đông Tây để luận giải thêm quan niệm về Cuộc Sống với quá trình nội tại của nó và với Thế Giới. Mọi luận thuyết thực sự trở nên có ý nghĩa với Con Người khi mỗi người có thể hiểu đúng, tích cực về nó trong Cuộc Sống của mình...
  • Người Việt hiện đại và tư duy logic, tư duy triết học

    12/02/2017Nguyễn Thu Phương thực hiệnRất nhiều bài học về tư duy logic, PGS Hồ Sĩ Qúy đã học từ bà nội mình, một bà cụ nông dân không được học tập bài bản qua các trường lớp. Theo ông, bây giờ có không ít người thiếu một nhãn quan tư duy triết học tối thiểu, trong khi đó trước kia thì bất kỳ cụ già nào cũng như một nhà thông thái...
  • Triết học có thể đóng vai trò gì trong cuộc sống?

    24/06/2016GS. TS. Lê Hữu Tầng...đề cập đến hai thái cực trái ngược nhau khi đánh giá vai trò của triết học trong cuộc sống: Thái cực coi thường vai rò của triết học và thái cực ngược lại, lại tuyệt đối hoá vai trò của triết học, cho rằng chỉ cần nắm được triết học thì sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề cụ thể của cuộc sống... <
  • xem toàn bộ