Một câu trả lời dễ dàng liệu có đáng tin tưởng?

01:36 CH @ Thứ Tư - 17 Tháng Chín, 2008

Là một nhà nghiên cứu từ nguyên học và văn hóa, hơn mười năm nay, học giả An Chi đem kho kiến thức của mình ra mà chia sẻ với mọi người trong chuyên mục chuyện Đông, chuyện Tây trên Tạp chí Kiến thức ngày nay.

Sự phân cấp căn bản thì người ta đã nói rồi: Mù vi tính là… mù chữ. Trẻ con bây giờ cũng đã học vi tính. Nhưng dù Internet có kỳ diệu đến đâu thì đối với từng cá nhân, cái yếu tố quyết định vẫn là sự thông minh và sự sáng tạo của chính anh ta chứ không phải sự tinh xảo của cái… máy tính.

Bác làm quen và chính thức sử dụng Internet phục vụ cho công việc của mình từ khi nào?

Cũng 5 - 6 năm nay. Nói thiệt là tôi lười học để sử dụng, tuy tự mình cũng biết là rất cần, với lại cũng nghĩ mình là "ông già xưa" rồi, so với anh em trẻ trong ngành, tôi định đã xưa rồi thì cho nó xưa luôn. Trong số thân hữu có nhiều người khuyên phải xài, rồi năm 2002 lại có một người bạn cũ từ Mỹ về, cho tôi một cái laptop. Vì lý vì tình.

Qua ngần ấy năm sử dụng Internet, bác có nghĩ sản phẩm bác làm ra, nghĩa là sự tổng hợp rồi cung cấp kiến thức cho bạn đọc sẽ khác đi về phương cách, cụ thể là phương cách bác tiếp cận độc giả khác đi so với Tạp chí in, sách in?

Tôi vẫn nghĩ là cứ ráng làm "Chuyện Đông Chuyện Tây" thêm một thời gian nữa thôi, chứ không có ý định gì khác. Có lẽ ý cô là tôi nên trả lời trực tuyến hay là cũng nên có một website để người ta hỏi hoặc góp ý rồi mình trả lời phải không? Sự thật là điều kiện cá nhân không cho phép, đặc biệt là về sức khỏe. Sức khỏe không tốt thì làm sao theo đuổi công việc một cách đều đặn được. Người ta hỏi mà lâu quá mình không trả lời thì không tiện, vì đã là trực tuyến thì phải kịp thời. Tôi thì tự thấy mình không làm được "kịp thời", bây giờ tôi chậm lắm, phản ứng lại sự góp ý của người ta cũng chậm.

Theo bác thì những người sau bác, cùng tâm huyết như bác, cùng làm một công việc như bác, cách họ đóng góp cho nền học thuật nước nhà có cần phải khác đi không? Hay sẽ tiếp tục là trả lời trên báo in theo kiểu cổ điển?

Theo trào lưu thì có lẽ cũng phải khác đi. Chuyện này liên quan đến tình trạng chung giữa báo trực tuyến với báo in, nếu báo in vẫn sống thì mình cứ tiếp tục trả lời trên báo in như thường chứ. Còn nếu báo in chết - mà làm sao chết được - và nhường chỗ cho báo mạng, chừng đó mình phải nghĩ khác, làm sao không thay đổi được.

Cảm nghĩ và nhận xét của bác thế nào về hai cách tiếp cận thông tin. Ngày nay khi những công cụ tìm kiếm hoạt động rất tốt, người ta thì dễ chấp nhận hơn, chỉ cần gõ mấy từ khóa thôi, ví dụ Google hay Wiki, họ sẽ nhận được rất nhiều những kết quả trả lời, đọc và hài lòng, trong khi trước đây, người ta phải cặm cụi viết thư và đợi chừng hai tháng để đọc trả lời trên mặt báo?

Tiếp cận, tìm kiếm thông tin như thế có hai loại. Nếu người ta hỏi ở một nơi hoặc một người nhất định, có địa chỉ nhất định thì người trả lời phải nghiên cứu kỹ mới trả lời. Còn loại thứ hai thì rất khác. Sau khi gõ những từ cần thiết rồi click, ta có vô số câu trả lời. Người độc giả trên mạng phải tự mình lựa chọn, so sánh để tìm ra câu trả lời đúng và phù hợp nhất với yêu cầu của mình. Tác giả của từng câu trả lời hoặc những bài có sẵn đó không trực tiếp chịu trách nhiệm với độc giả trên mạng. Huống chi, trừ một số ít trường hợp, ta đâu có thể liên hệ trực tuyến với tác giả mà trao đổi. Thông tin trên Wiki và một số trang liên quan hoặc tương tự với nó có những chỗ không hoặc không hoàn toàn chính xác. Những trang Wiki hoặc tương tự đúng là rất bổ ích, nhưng việc sử dụng phải có định hướng và phải có phê phán, không thể tin một cách tuyệt đối.

Một sản phẩm mà mọi người đều có quyền sửa hoặc làm thành một mục từ mới thì chuyện sử dụng phải rất cẩn thận. Bác có nghĩ sự cầu thị của những người trong cuộc sống hôm nay rất hời hợt thông qua cách họ dùng công cụ tìm kiếm Internet tìm đến với kiến thức và thông tin không?

Chuyện này tùy thuộc vào từng cá nhân thôi. Có người thì hời hợt nhưng nhiều người lại rất cẩn thận và sâu sắc. Nếu nghĩ rằng mọi câu trả lời đều đúng thì rõ ràng là nhẹ dạ. Đối với một số vấn đề nan giải mà tìm được câu trả lời một cách quá dễ dàng thì liệu đã đáng tin tưởng chưa? Thỉnh thoảng tôi vẫn nhắc trên Chuyện Đông Chuyện Tây rằng những câu trả lời ở đây chỉ là cái để tham khảo chứ không phải là những lời chỉ dẫn có giá trị của chân lý. Đó là nói về học thuật, còn nói về chính trị thì... nhiều cái hoàn toàn không thể tin được.

Cuộc sống của bác từ khi có Internet có khác hơn ngày xưa không, bác có cảm giác mình đang sống trong một thời đại đa phương tiện không hay mọi thứ vẫn như cũ?

Nếu nói mọi thứ y như cũ thì gàn dở quá. Internet đem lại cho ta nhiều lợi ích lắm, nó mở rộng kho tư liệu của mình, đặc biệt là sách vở và báo chí nước ngoài nó làm cho những câu trả lời của mình thêm sâu sắc và phong phú trong không ít trường hợp. Còn nói chung thì nó giúp cho đầu óc của mình sáng thêm ra một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn trước nhiều.

Như vậy rõ ràng là khi tiếp xúc với Internet nguồn kiến thức bác nhận về mình nhiều hơn trước. Nhưng nguồn bác trả lại - những tổng hợp kiến thức và bài viết của bác vẫn chỉ trên mặt báo in. Bác có thấy hơi mất… cân bằng không?

Thì cũng biết là như vậy. Nhưng với cái tuổi ngoài bảy mươi, tôi nghĩ mình không còn có thể bay nhảy như những người tuổi đời còn ít. Thôi thì mình cứ tiếp tục cách của mình, chứ trả lời trực tuyến hoặc mở một website để những người khác có thể góp ý hoặc trao đối thật là kịp thời thì nói thiệt là không còn đủ sức để làm. Biết là cần đấy, nhưng...

Không nhất thiết là trả lời trực tuyến, mở mục từ, hay giữ vai trò biên tập trên Wiki... những việc như thế quả là cần thời gian. Đơn giản là số hóa những tư liệu cũng như bài viết của bác, bác có nghĩ đến việc đó không?

Thật sự là tôi chưa nghĩ tới. Nhưng tôi thấy in thành tập như vậy là được rồi. Nói thẳng ra thì những cái mình trả lời cho người ta cũng không quan trọng đến mức phải số hóa. Không quan trọng đến thế. Chỉ là "chuyện Đông chuyện Tây " để cho người đọc giết chút thì giờ mà thôi!

Nếu 4 trong 6 tập Chuyện Đông Chuyện Tây của bác đã được số hóa, thành ebook để chia sẻ công cộng thì bác nghĩ thế nào?

Tôi nghĩ trừ những trường hợp người ta có dụng ý gì không hay thôi chứ đưa lên cho mọi người cùng tham khảo thì cũng tốt. Hơi sức đâu mà phản đối. Nhiều chuyện tày trời còn không ăn thua gì, chuyện của mình chỉ là chuyện cỏn con. Có điều là những người làm chuyện đó nên trực tiếp liên hệ với tác giả để trao đối một vài câu cho phải lẽ. Mình còn cầu cho người ta đọc những cái mình viết ấy chứ!

Bác có nghĩ đến lúc nào đó ebook sẽ thay thế sách in không?

Nói thế không có gì là tuyệt đối, tôi không tin có ngày sách điện tử sẽ hoàn toàn thay thế sách in. Sách in có thể hiếm hơn nhiều so với thời hoàng kim của nó, nhưng nó sẽ không chết. Có thể là nó sẽ có một tầng lớp độc giả "quý tộc" riêng, "chịu chơi". Và lúc đó, nó sẽ có giá đấy!

Nghĩa là với bác, kiến thức, lúc tiếp nhận và lúc đưa ngược trở lại thành bài viết qua hai phương thức khác nhau: Internet hoặc ấn phẩm in, sẽ có độc giả riêng, sự kiểm chứng và giá trị tồn tại rất khác nhau?

Chỉ là khác nhau về phương thức thực hiện và hưởng thụ mà thôi. Chứ, nói về nội dung, ebook vẫn có thể có chất lượng cao trong khi sách in thì lại kém chất lượng.Tôi nói kiểu này là cái kiểu của người bảo thủ: đọc sách in tôi vẫn thích hơn là đọc sách trên mạng. Tôi không bao giờ thấy thoải mái khi phải dán con mắt của mình vào màn hình mà đọc sách. Còn "rà mạng" để đọc tin tức một cách sốt thì lại là chuyện khác.

Điều làm bác gắn bó với chuyện Đông chuyện Tây có phải vì bác muốn chia sẻ kiến thức với mọi người?

Tất nhiên rồi. Nhưng đó còn là nguồn vui của mình nữa. Nhiều câu hỏi thuộc những lĩnh vực mình hoàn toàn không biết, còn với những câu mình có khả năng trả lời thì sẽ phải tìm tài liệu nghiên cứu kỹ thêm rồi mới trả lời, đó đã là một thú vui rồi. Đọc sách tham khảo để trả lời cho độc giả còn là học cho chính mình nữa.

Bác có buồn khi thấy những người như mình đang ít dần đi? Những người cầm giữ chuyên mục hỏi đáp trên báo, cặm cụi đi trả lời độc giả không còn nhiều nữa...

Những người như tôi và giỏi hơn tôi, giỏi hơn nhiều nữa ấy chứ, thì nhiều, nhưng hình như người ta không thích làm cái loại công việc như tôi đang làm. Tôi giữ mục này đã 15 năm. Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!

Hơn 15 năm, sách bác đọc chất lượng giấy cũng đã khác, gần đây thì bác tiếp xúc lnternet, bác có sự so sánh giữa thời đại khác, phương tiện khác và sự học, sự hiểu biết của con người qua ngần ấy năm làm nghiên cứu?

Kiến thức của con người ngày càng phong phú, nhờ có Internet mà nó được phổ biến rộng rãi và mau lẹ hơn trước kia không biết bao nhiêu lần. Cái đại dương kiến thức bây giờ nằm gọn trên cái màn hình, nếu mình không tận dụng nó thì mình sẽ thua thiệt.

Theo bác thì có sự phân cấp trong sự hiểu, sự học của con người trong xã hội này không, khi mọi thứ được giải quyết rất nhanh thông qua công cụ tìm kiếm Internet?

Sự phân cấp căn bản thì người ta đã nói rồi: Mù vi tính là… mù chữ. Trẻ con bây giờ cũng cũng đã học vi tính. Nhưng dù Internet có kỳ diệu đến đâu thì đối với từng cá nhân, cái yếu tố quyết định vẫn là sự thông minh và sự sáng tạo của chính anh ta chứ không phải sự tinh xảo của cái… máy tính.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nghe tiếng dân trên không gian ảo

    04/08/2014Diêm SơnInternet ngày càng phát triển và trở thành không gian rất thuận lợi cho việc phát biểu ý kiến cá nhân. Trước thực tế đó, các nhà lãnh đạo phản ứng như thế nào? E ngại, hạn chế hay lắng nghe và tương tác?
  • Cách mạng thông tin đã thay đổi chúng ta như thế nào?

    21/12/2007Minh BùiDường như có một sự chờ đợi nặng nề đặc sánh lại ở các quán café, quán bar, khi những người khách cô độc ngồi bên ly café mong chờ một bước chân bước qua ngưỡng cửa. Lặng lẽ sưởi ấm lòng mình bằng những gương mặt mới, những gương mặt có thể anh sẽ chỉ gặp một lần trong đời, những ánh nhìn của họ đau đáu một niềm hy vọng hiếm khi thành sự thật, mong người khách không quen biết sẽ nhoẻn miệng cười hay ngồi xuống cạnh họ, đem lại cho họ sự bình yên chân thành của một tình bạn không vụ lợi…
  • Cách mạng khoa học - công nghệ và nền kinh tế tri thức

    03/08/2006TS. Nguyễn Cảnh Hồ... nếu cơ sở kỹ thuật của nền kinh tế công nghiệp là công cụ cơ khí, thì của nền kinh tế tri thức là máy điều khiển tự động, với hai công nghệ cơ bản là công nghệ tự động hoá và công nghệ thông tin cho phép tự động hoá cả các quá trình sản xuất vật chất và phi vật chất.
  • Số hóa kiến thức nhân loại

    03/07/2006Mạnh KimTừ xưa, con người đã muốn thu thập thông tin để xây dựng một thư viện chung trong đó chứa đựng mọi tri thức loài người. Người ta từng xây dựng một thư viện khổng lồ ở Alexandria vào năm 300 TCN (với khoảng nửa triệu đầu sách, chiếm từ 30% đến 70% tổng số sách bấy giờ). Thế nhưng, cùng với sự bùng nổ thông tin, việc lưu trữ tất cả đầu sách vào một nơi là điều không thể. Việc xây dựng một thư viện như thế chỉ là một giấc mơ hoang đường, cho đến thế kỷ 21...
  • Truyền thông đang “xâm lấn” báo chí

    20/06/2006Lê ThăngTháng 5 vừa qua, Đại học Tự do Bruxelles đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Các nhà báo thời kỳ công nghệ thông tin và truyền thông (ITC): Những thách thức về đạo đức báo chí”. Tham dự hội thảo này có các nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí từ châu Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Á (PV Báo Lao động tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo)...
  • Thông tin trở thành fast food

    20/03/2006Đức LêNgày càng ít người trẻ tuổi đọc báo, thay vào đó họ lấy tin tức từ Internet với xu hướng ngày càng tăng. Không ít người đã chuẩn bị viết “cáo phó” cho báo in, thậm chí còn nêu rõ… ngày chết là tháng 4/2040...
  • Máy tính sẽ thay thế bộ não con người?

    18/02/2006Gary Anthes (Minh Anh lược dịch)Trong tương lai, trí thông minh của con người và máy tính sẽ hòa lẫn vào nhau và người ta sẽ không thể nào phân biệt giữa chúng...
  • Máy tính có giúp não người tư duy tốt hơn không?

    13/07/2005Bùi Quang Minh ([email protected])Loài người đã sáng tạo ra và không ngừng hoàn thiện máy vi tính để cho nó có thể hỗ trợ con người đắc lực nhất. Bằng mọi thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, giới tin học còn tìm cách làm cho máy tính hoàn hảo hơn bởi những loại phần mềm khác nhau, thậm chí cả mô phỏng lại lao động trí óc của con người. Vậy tất cả những điều tuyệt vời đó có giúp cho bộ não của con người hoạt động tốt lên không? Hay là làm cho nó tồi đi?
  • xem toàn bộ