Tri thức đột biến
Bộ GDĐT vừa công bố tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT lần hai là xấp xỉ 50%, tính chung cả hai lần thi là 86,57%. Trong đó, 15 địa phương có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT lần hai trên 90% - tính chung cả hai lần thi, cũng có 10 tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp trên 90% (!).
Đặc biệt, so với kết quả thi tốt nghiệp năm ngoái, rất nhiều địa phương giỏi đến bất ngờ như Tuyên Quang, tăng 47,65%; Sơn La tăng 25,07%. Tính riêng khối bổ túc THPT thì sự đột biến càng "ấn tượng" hơn: Tuyên Quang tăng 85,49%; Quảng Bình tăng 58,55%... Đó là một kết quả làm cho mọi nhà đều vui?
Giáo dục là một ngành đặc thù - khó có sự đột biến trong kiến thức, dù dùng bất kỳ biện pháp kích thích nào. Chẳng lẽ chỉ cần vài thay đổi "hai không" và "bốn không" là lập tức tạo nên sự đột biến trong hiểu biết?
Nếu Bộ GDĐT nghiêm túc đánh giá kết quả thi tốt nghiệp THPT lần thứ nhất thì sẽ thấy "hiện tượng" Đắc Lắc hay Gia Lai có số học sinh đỗ tốt nghiệp cao hơn hoặc bằng Nghệ An, Hà Tĩnh..., phải là những con số đáng quan ngại.
Những kết quả tương tự cho thấy rằng rất có thể địa phương nào tổ chức thi nghiêm túc, chấm đúng thì kết quả thấp, và ngược lại. Làm sao có thể trong một lần thi hay sau một năm "phát động", "thi đua" lại có thể tạo nên sự "thành công" ngoài sức tưởng tượng.
Theo một lãnh đạo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, cục sẽ đề xuất để chấm thẩm định một số địa phương bị nghi ngờ là kết quả không bình thường (TP, 12.9.2008) (!).
Cách nói đó đã trở nên thật bình thường từ rất lâu rồi, bởi lẽ, kết quả đã công bố, ai dám sửa đổi và ai có quyền hạ thấp hay - dùng từ một cách "khoa học" là thẩm định? Với một nền móng giáo dục còn nhiều bất cập, chương trình đào tạo còn ít thay đổi, làm sao tạo nên sự chuyển biến rất nhanh về kết quả thi cử?
Chúng ta đang chống căn bệnh thành tích, nhưng dường như chỉ thay thế một kiểu thành tích này bằng một dạng thành tích khác, dễ chấp nhận hơn? Đến trường, vào năm học mới không có sách vở, 17.300 ngôi trường không thể tiếp cận với công nghệ thông tin, hàng triệu cuốn SGK phải sửa chữa lem nhem cho dù đính chính được xuất bản thành sách hay thu gọn lại thành tờ..., đó không hề là cách bắt đầu tốt đẹp của một năm học mới nhiều kỳ vọng.
Cần phải ghi nhận là nền giáo dục nước nhà trong hai năm qua có những chuyển biến đáng trân trọng. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ. Phải có một cách hiểu hoàn toàn mới trong triết lý giáo dục. Đó là nguyên tắc. Phải có một cuộc cách mạng thực sự trong nhận thức và hành động thì công cuộc di truyền về mặt văn hoá (giáo dục) mới có thành tựu rõ ràng (và đừng mong đạt hiệu quả tức thì).
Kết quả thi ở nơi này hay nơi khác, suy cho tới cùng chỉ là thống kê hay là sự số hoá tri thức mà thôi. Chất lượng của nền giáo dục mới là điều mà dân tộc và thời đại đòi hỏi. Tại sao chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều sự đột biến về kết quả, trong khi những thay đổi căn bản của tri thức chưa được xã hội kiểm định?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005