Tri túc
Đây là bài nói chuyện của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt với các học viên Viện Lãnh đạo ABG, ngày 08/02/2018 và được đăng trong cuốn sách "Không Gian Tinh Thần" xuất bản năm 2019.
ABG: Nhân dịp đầu xuân, anh em trong ban lãnh đạo và các học viên ABG đến thăm anh và muốn được nghe anh giải đáp một số vấn đề mà anh em thắc mắc, trăn trở.
Nguyễn Trần Bạt (NTB): Tôi thấy các em, các cháu đến đây hôm nay trông khá hiền triết. Tôi nghĩ thế giới đang phát triển đến mức tất cả mọi người đều phải trầm ngâm. Những quyển sách mà các bạn mang tặng tôi hôm nay là đặc trưng cho những phút trầm ngâm của nhân loại. Chúng ta cũng phải trầm ngâm, nếu không thì rất khó để trở nên chín chắn, thậm chí khó trở thành người đứng đắn. Các bạn đã thấy tất cả những sự ồn ào và hấp tấp diễn ra ngoài phố hoặc trong truyền thông, đấy là biểu hiện đặc trưng của cái mà Kant gọi là trạng thái vị thành niên của con người. Đấy là sự hấp tấp, vội vàng, hớn hở không thỏa đáng đối với chất lượng suy tư hay tính chất rắc rối của đời sống.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Báo Nông Nghiệp
.
Tôi là một ông già 72 tuổi, vẫn còn thích các sinh hoạt tư tưởng và giao lưu với những người trẻ. Cuộc đời của tôi từ tám tuổi đến giờ là cuộc đời học tập. Thầy giáo đầu tiên của tôi có lẽ là cha tôi. Ông là một người làm thương mại có học. Lúc tôi còn bé, khoảng 5-6 tuổi, gia đình đã có gia sư rồi. Mặc dù kháng chiến phải sơ tán về quê, nhưng chúng tôi vẫn có cô giáo đỗ tú tài đi theo để dạy dỗ chúng tôi. Tám tuổi là lúc tôi ý thức được về sự có mặt của mình ở trên đời. Người ta hình dung ra sự có mặt của mình ở trên đời do soi gương. Với tôi, sách vở là những tấm gương mà con người soi vào đấy sẽ thấy bản thân mình. Mọi người đừng nghĩ đọc sách chỉ để thấy thứ gì đó trong sách. Nếu đọc sách mà không thấy được các trạng thái cảm ứng khác nhau của mình đối với các chân lý hoặc các kiến thức thì chưa đạt. Kiến thức nhặt được trong các quyển sách mà không phản chiếu các trạng thái khác nhau của sự hiểu biết của mình thì đọc sách giống như chúng ta cho tiền vào một cái túi thủng.
ABG: Nói đến sách vở, chữ nghĩa thì em cũng không dám lạm bàn, vì bản thân mình đọc cũng chưa hiểu nhiều điều. Quả thật là sách vở mang cho chúng ta nhiều điều hơn cả ý định của những người viết và xuất bản ra nó. Em cũng có kha khá sách nhưng đọc theo trào lưu là chính chứ cũng chưa thấy mình nhiều ở trong đó. Đến một độ tuổi trung niên rồi thì cũng tự cho phép mình chọn đọc những thứ mình thích.
NTB: Sách vở mang lại nhiều điều kỳ vọng cho người đọc hơn ý định của tác giả. Tôi thấy việc đọc có những tour khác nhau. Năm 16 tuổi tôi đã đọc Hamlet của Shakespeare do giáo sư Bùi Ý dịch. Đến khi tôi 70 tuổi, vì con tôi hay nói chuyện về Shakespeare với tôi nên tôi đã đọc lại. Lúc đó tôi mới thấy ngày xưa hình như mình đọc ai đó hoặc ai đó đọc Shakespeare chứ không phải là mình. Trên Internet bây giờ có nhiều người phê phán cái này, cái kia, chém gió về nhiều thứ, đấy chính là phản xạ của con người trước sự méo mó của thông tin, trước sự méo mó của các kết luận được xem là khoa học. Thí dụ, phản ứng của xã hội đối với quyển từ điển của bác Nguyễn Lân. Tôi thấy không có lý do gì để không tôn trọng bác Nguyễn Lân. Tôi nghĩ con người ta phải đi qua một vài tour của sự đọc rồi mới bắt đầu thấy được cuộc sống thật. Một người già, đã đi được một vài tour rồi và đã hết quỹ thời gian nên bác ấy chỉ dừng lại ở mức đó.
Tôi thích tiếp anh em ở đây là bởi vì các bạn là những người xuất phát sớm, vẫn còn nhiều thời gian để đi các tour khác nhau. Trong gia đình tôi các ông chú, ông bác thường hay khen đứa này đứa kia thực dụng, tôi không nằm trong số những người được khen là thực dụng ấy. Năm 45 tuổi tôi vẫn là một anh kỹ sư ngẩn ngơ, vẫn chỉ có một cái xe đạp. Khi vợ chồng tôi còn ở thời kỳ yêu đương, vợ tôi có nói: “Ông là một người đàn ông nghèo nhưng ông cư xử với tiền bạc cứ như ông hoàng”. Tôi nghĩ tôi không có bất kỳ cách gì để cư xử với tiền bạc khác hơn. Đến bây giờ, hơn 70 tuổi, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi có đủ tiền để thể hiện một cách chu đáo tình cảm hay ý nghĩ của mình với người khác. Tôi mừng vì tôi có đủ tiền để làm chuyện ấy và luôn luôn lo sợ mình để sót ai đó. Cuộc sống là như thế, hãy cứ để mình trở thành một con người tự nhiên với những ý nghĩ theo cấu trúc hồn nhiên nhất của con người. Đừng sợ chúng ta ít chữ. Khi chúng ta không tìm thấy chức năng chém giết, chức năng vụ lợi của chữ nghĩa thì chúng ta đã thật sự là một trí thức. Người trí thức là người nhìn thấy hòa bình ở trong tất cả các khía cạnh của học vấn.
ABG: Nhưng gần đây không biết vô tình hay cố ý mà có khá nhiều phát ngôn nổi lên thoạt nghe thì rất hay ho, đầy chữ nghĩa, nhưng nghe xong nghĩ lại thấy có nhiều điều bất cập. Anh có cảm nhận gì về hiện tượng này?
NTB:Tôi cũng chia sẻ với anh về vấn đề này. Gần đây tôi thấy lo khi hệ thống truyền thông của chúng ta nhắc quá nhiều tới thuật ngữ “Cách mạng 4.0”. Tôi nghĩ việc này nên có sự điều chỉnh cho phù hợp. Sự phát triển diễn ra một cách không đồng đều ở mọi ngõ ngách của nhân loại, nó không có ý nghĩa cách mạng. Cách mạng là một cách đặt tên cho các hiện tượng phát triển của những người đi sau. Marx cũng là người đặt tên cho các biến động của sự phát triển là “cách mạng”. Tôi nghĩ người trí thức vẫn phải tìm cho ra các giải pháp của sự hòa thuận và hòa bình từ những kiến thức của mình. Việt Nam đã bỏ qua giai đoạn công nghiệp hóa (nền kinh tế ở thể rắn) đi thẳng lên kinh tế tài chính (nền kinh tế ở thể khí), và bây giờ chúng ta đang định đưa nó tiến thẳng lên cách mạng 4.0 (nền kinh tế ở thể ảo). Từ một nền kinh tế không phải thể rắn mà chúng ta đã vội đi thẳng lên nền kinh tế ở thể ảo là nền kinh tế số hóa là việc khá mạo hiểm. Cần phải có những nghiên cứu thấu đáo cho tiến trình này. Nên lưu ý rằng Tổng thống Trump đang làm việc ngược lại so với các chu trình phát triển trước đây của thế giới, đó là khôi phục sản xuất công nghiệp, tức là rắn hóa lại nền kinh tế Hoa Kỳ.
ABG: Hiện nay chú có điều gì còn tiếc nuối và mong mỏi sẽ thực hiện được trong thời gian tới?
NTB:Điều tôi mong mỏi là tôi sống được lâu hơn nữa để có thời gian thỉnh thoảng gặp gỡ các bạn. Tôi mong muốn sống lâu hơn không phải vì tham sống mà muốn có thêm thời gian để thấy được có bao nhiêu thứ mình đã gặp, bao nhiêu thứ mình đã làm và đã gieo. Những người trí thức thực chất là những người đi gieo hạt, hạt của sự hợp lý. Trí thức mà không có được sự phải chăng của tư tưởng, sự hợp lý của giải pháp thì không thành trí thức được. Kéo dài thời gian gieo sự hợp lý cho đời sống chính là khát vọng của tôi. Tôi không có gì nuối tiếc, mọi cái đều là số phận, mọi cái đều là cái ta gặp, mọi cái đều là do thượng đế trao cho. Rất nhiều người tưởng rằng mình là kẻ sáng tạo, nhưng tôi thì xem cái mà người đời bảo là sáng tạo của tôi là kết quả sự gặp gỡ của tôi với thượng đế, không phải do riêng tôi tạo ra. Thượng đế muốn con người được khai sáng nên đặt vào miệng tôi những lời nói làm cho người khác thích, làm cho người khác thức tỉnh. Tôi không nuối tiếc gì, tôi sắp đặt cuộc đời của tôi một cách chủ động và có ý thức, đi từng bước một.
ABG: Ý chú là thế nào khi nhắc đến từ “số phận”?
NTB: Số phận là cái mà chúng ta được sắp đặt. Cái này rất nhiều nhà nghiên cứu, nhất là ở Việt Nam hay gọi là duy tâm và đem nó ra để đối lập với khái niệm duy vật. Cách đây nhiều năm tôi có được mời đến chơi ở Viện Triết học, tôi rất ngạc nhiên vì lúc ấy trưởng phòng Duy vật Biện chứng được cất nhắc lên làm viện trưởng, còn trưởng phòng duy vật lịch sử được cử làm viện phó. Cái sai của chúng ta là hay đem cái này đối lập với cái kia. Việc nói ra một lý thuyết không sai, nhưng việc đặt lý thuyết ấy đối lập với các lý thuyết khác là sai. Chúng ta có những tấm gương khác nhau, giống như sự sắp đặt trong một ngôi nhà gương. Mỗi một tấm gương ấy phản ánh một bộ mặt khác nhau, những nụ cười, những ý nghĩ khác nhau của chúng ta. Con người khi đọc sách sẽ thấy mình, thấy các nụ cười khác nhau, thấy ý nghĩ khác nhau của mình, đấy là những tấm gương của tri thức. Chúng ta đừng mang cái này ra đối lập cái này với cái kia. Hãy tiếp cận tất cả! Đôi khi người ta hay gán cho những người đọc những quyển sách khác loại là có lập trường khác, tư tưởng khác. Nên nhớ một điều, mọi sự thoái hóa lập trường tư tưởng đều thông qua đạo đức. Sự biến dạng của một cá nhân là do biến dạng về đạo đức của nó. Nếu đạo đức vẫn còn nghiêm chỉnh thì không có suy thoái lập trường tư tưởng mà đấy là sự trải nghiệm những công cụ khác nhau để khảo sát các khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
ABG: Cháu vẫn muốn hiểu hơn nữa chữ “số phận” mà chú nói. Cháu thắc mắc liệu chúng ta tạo nên số phận của mình hay Chúa đang điều khiển số phận của chúng ta ?
NTB: Nếu nghĩ chúng ta tạo ra số phận của mình thì đấy là ngốc nghếch. Những người thích địa vị của kẻ chủ động sắp đặt sẽ không có cái sướng của những người được hưởng thụ. Những người thông minh thường đi qua các trường phái tinh thần khác nhau, các tôn giáo khác nhau, các học thuyết khác nhau để giải thích về sự hình thành cá nhân mình và để phân tích các trạng thái tinh thần của mình như một hiện tượng khách quan. Nếu chúng ta không rèn được cho mình cái phẩm hạnh đứng bên ngoài để phân tích chính mình thì chúng ta không bao giờ trở thành nhà tư tưởng. Marx là một quý tộc sa sút nhưng lấy vợ quý tộc nên trên thực tế Marx không khổ, thế mà ông lại rất hiểu giai cấp vô sản. Marx là nhà triết học đầu tiên đem cuộc đời của mình hiến cho giai cấp vô sản, những người bị tước đoạt tất cả các cơ hội, chỉ còn lại cơ hội duy nhất là cách mạng.
ABG: Trong một buổi nói chuyện về “Minh trịnh Duy Tân” có một vị giáo sư trường Luật đặt câu hỏi tại sao phong trào cộng sản không thắng thế ở Nhật Bản. Theo chú yếu tố nào khiến cho chủ nghĩa tư bản phương Tây chiếm đóng được ở khá nhiều nước châu Á vào thời điểm ấy?
NTB:Nhật Bản cũng có Đảng Cộng sản, Một trong số các Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản đã phạm phải sai lầm có chất lượng lịch sử là đầu hàng phát xít Nhật, khai báo các đồng chí của mình. Đến khi tất cả mọi chuyện ấy lộ ra, ông ấy phải từ chức. Những khuyết tật cụ thể của người lãnh đạo đảng cộng sản Nhật Bản cũng giống như những khuyết tật cụ thể của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Nước Nhật là trục của chủ nghĩa phát xít, Đảng Cộng sản không có cơ hội cầm quyền ở một nước mà chủ nghĩa phát xít đã cầm quyền rồi. Cũng giống như rất nhiều người đấu tranh dân chủ không cầm quyền được, phải đứng từ bên ngoài nói vào. Tại sao đứng ngoài? Bởi vì họ không có chỗ để đứng ở trong, muốn đứng ở trong thì phải có không gian chính trị. Tôi có nói với nhiều người là ai làm chủ không gian chính trị thì người đó làm chủ đất nước. Những người cộng sản Nhật Bản đã không làm chủ được không gian chính trị của mình, còn ở Việt Nam thì những người cộng sản làm chủ được không gian chính trị. Xương máu của họ đổ ra cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước là sự thật và kết quả là họ đã thắng, cho nên việc họ làm chủ không gian chính trị là không chối cãi được.
Chủ nghĩa phát xít Nhật ghê gớm quá. Người Việt chỉ kháng chiến chống Mỹ, trong khi người Nhật Bản đánh Mỹ. Cho nên, những người cộng sản Nhật Bản không có cơ hội lịch sử để cầm quyền, do đó Nhật Bản không trở thành một nước cộng sản. Tuy nhiên, phong trào cộng sản ở Nhật Bản không hề tồi. Năm 1987, tôi có chuyến đi đến Nhật Bản lần đầu tiên. Trước khi đi, tôi có dịp gặp đại diện báo Asahi ở Việt Nam, anh ta là một ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản. Anh ta diễn thuyết cho tôi một bài là không được phép mất cảnh giác với những tập đoàn quân phiệt Nhật Bản, sang đấy thì phải dành ưu tiên làm việc với các công ty của đảng cộng sản Nhật Bản. Phong trào cộng sản ở Nhật Bản không chỉ có tổ chức mà còn có cả các công ty của nó. Những người cộng sản Nhật Bản có quyền sở hữu một cách công khai và hợp pháp các xí nghiệp của mình. (Trong khi ở đây ta Đảng Cộng sản chỉ có một ban tài chính và quản trị, và cuối cùng trong quá trình cải cách thì hình như đã thu hẹp thành một vụ nằm trong Văn phòng). Đảng Cộng sản Nhật Bản cũng có tờ báo của họ, tờ Asahi, có các cơ sở đảng của họ, thậm chí có cả thành phố mà những người cộng sản Nhật Bản lãnh đạo, làm chủ hoàn toàn, các nghị sĩ đại diện từng vùng như vậy cũng là đảng viên cộng sản.
ABG:Quay lại thời kỳ từ lúc phương Tây bắt đầu vào châu Á, vào cả Nhật, Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam thì đóng cửa với phương Tây và sau đó không đóng cửa được thì chịu thua, nhưng Nhật thì khác. Lúc đầu họ cũng cảm mình thua và do đó cần phải thay đổi tư duy, họ đã đi theo hướng tư duy thoát Á. Chú nhìn nhận thế nào về những diễn biến ấy?
NTB:Giải thích như thế không đúng. Người Nhật hợp tác với người phương Tây ngay từ đầu. Họ chơi với nhau như các quan hệ dân sự ngay từ đầu. Chính người phương Tây, các cá nhân phương Tây đã giúp người Nhật Bản thức tỉnh những giá trị dân chủ. Rất nhiều người Mỹ đã chiến đấu bên cạnh những Samurai cuối cùng. Các bạn chịu khó đọc sách và xem phim thì thấy. Người Nhật thông minh, thương mại của họ phát triển sớm hơn chúng ta. Sơn mài của họ là hậu duệ của sơn mài Trung Quốc, nhưng sản phẩm của họ cao cấp hơn nhiều. Cùng một công nghệ ấy mà sơn mài mà chúng ta ở đây thô và không chuyên nghiệp. Chúng ta chưa có kinh nghiệm thật sự của những quốc gia nghiêm túc như thế. Tôi chỉ muốn chúng ta nghiêm túc thật sự.
ABG:Cháu muốn hỏi chú câu hỏi mà cháu suy nghĩ lâu nhưng chưa tìm được câu trả lời. Ở Việt Nam bây giờ tất cả mọi ngóc ngách, khía cạnh từ tôn giáo, kinh tế, kỹ thuật, giáo dục, quốc phòng, v.v… đều đang có những vấn đề khúc mắc. Vậy với kinh nghiệm sống trong môi trường ở Việt Nam chú cảm thấy đâu là điểm khởi đầu để giải quyết vấn đề xây dựng lại hệ thống, nghĩa là cái nút thắt nào là quan trọng nhất cần giải quyết trước, vì nguồn lực của Việt Nam có lẽ không đủ để làm đồng loạt?
NTB:Giáo dục là nút thắt đầu tiên, giáo dục là điểm mấu chốt để bắt đầu gỡ ra tất cả những sự rối rắm, sự trì trệ hiện nay. Tôi có cuốn sách “Cải cách và sự phát triển”, trong đó ngoài ba cuộc cải cách mà người ta hay nói đến là cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, tôi còn nói thêm về cuộc cải cách thứ tư là cải cách giáo dục. Hôm trước, trên truyền hình, có ai đó nói rằng nếu không có các cầu thủ triệu phú thì sẽ không có bóng đá Việt Nam vì không có ai hướng dẫn, không có các tiêu chuẩn thẩm mỹ để có thể khích lệ khuynh hướng phát triển của các cầu thủ. Nếu không có các trí tuệ được giáo dục một cách đầy đủ, không có các kiến thức đúng đắn, không có một chương trình giáo dục xã hội tốt thì giới trí thức của chúng ta không có chất lượng tốt. Chú trọng đến việc giáo dục con người, giáo dục các nền tảng văn hóa căn bản của con người có lẽ chính là điểm mấu chốt giúp phương Tây đi trước chúng ta.
Câu hỏi của cháu thể hiện hai thứ. Thứ nhất là cháu có khát vọng đi tìm vấn đề đứng đắn, đấy là một tham vọng tốt. Nhưng đi tìm ngay điều ấy thì cháu mông lung và không có lời giải cho chính mình, cháu giống như người mới tập bơi mà ra biển ngay. Đặt câu hỏi ấy ở tuổi của cháu là chưa thỏa đáng. Phải học, phải đọc, phải sành sỏi trong những việc mà mình có thể tiếp cận một cách tự do trước đã. Khi nào chúng ta chưa gặp phải các giới hạn thì chúng ta chưa hiểu giá trị của tự do. Cho nên cụ Hồ mới nói “một ngày tù nghìn thu ở ngoài”.
ABG:Cách giải quyết như thế có vẻ giống cụ Nguyễn Trường Tộ ngày xưa, giải quyết các vấn đề cục bộ thay vì giải quyết vấn đề hệ thống. Nhưng nếu bây giờ chú có một ý tưởng gì đó về giáo dục mà lại bị hệ thống đó gạt đi thì có nên giải quyết vấn đề hệ thống quyền lực chính trị trước hay không, bởi vì nó cản trở cải cách. Thí dụ, ai đó lại muốn giải quyết vấn đề kinh tế trước, giải quyết quốc phòng trước mà họ lại có quyền lực để thúc đẩy theo hướng đó?
NTB:Như ý cháu nói thì cần phải làm một cuộc cách mạng? Người Việt cần phải đi qua hết tất cả các chặng đường nhận thức thật sự, không sốt ruột được. Cách mạng là giải pháp của sự sốt ruột. Cách mạng là sự hãm hiếp tiến trình phát triển, là cưỡng bức phát triển. Tôi đã viết một quyển sách phê phán điều này, đó là quyển “Cải cách và sự phát triển”. Tôi cho rằng cách mạng là sự sơ suất của cuộc sống, là sự bất lực của giới trí thức, của nhà cầm quyền. Tôi đã viết cách mạng Pháp không đem lại gì cho người châu Âu ngoài Napoleon Bonaparte. Chính các cuộc chỉnh lý hậu cách mạng kết hợp với các cuộc cách mạng công nghiệp mới thực sự sản sinh ra nền dân chủ ở châu Âu, sản sinh ra chủ nghĩa tư bản. Napoleon Bonaparte chỉ tạo tiền đề ban đầu cho việc hình thành chủ nghĩa tư bản. Nếu cháu hỏi liệu có cơ hội nào cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Việt Nam không thì chú sẽ trả lời là có. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là đất để sống chung giữa chủ nghĩa tư bản và những người cộng sản. Kinh tế thị trường là nơi những người cộng sản ra chợ. Khi người ta tuyên truyền về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là các cháu nên hiểu rằng những người cộng sản Việt Nam đã khẳng định về sự chung sống với chủ nghĩa tư bản rồi.
Những người cộng sản mắc nợ quần chúng Việt Nam, nợ xương máu thật sự, nợ sự hy sinh thật sự. Thí dụ, tướng Đồng Sỹ Nguyên từng có ý nguyện khi qua đời được chôn ở nghĩa trang Trường Sơn. Điều đó thể hiện tính ý thức một cách tự giác về sự nợ nần của những người lãnh đạo đối với nhân dân lao động và giai cấp vô sản. Cho nên việc ra khỏi quá khứ để tiệm cận với chủ nghĩa tư bản là một đường lượn của nghệ thuật chính trị. Nếu ai sốt ruột sẽ không hiểu được điều ấy.
ABG: Chú nói chú không phải là người thực dụng. Chú có nghĩ rằng dù mình không thực dụng nhưng mình biết cách để chơi với những kẻ thực dụng thì sẽ khiến cho mình có tầm ảnh hưởng hơn đến những người khác không?
NTB:Tôi phân tích cấu trúc miền tinh thần của con người ra làm ba tầng, tầng thứ nhất là tầng thực dụng. Giới trí thức của chúng ta ngày xưa không rửa bát, không nấu cơm vì khinh những chuyện ấy là thực dụng, là thấp kém. Nhưng chính vì quan niệm như thế mà nhiều trí thức không nên người được. Thực dụng là một phần của đời sống con người chứ không phải là cái duy nhất mà con người có. Tầng thực dụng chính là tầng cơm áo gạo tiền. Ở tầng ấy, tôi biết sử dụng các kinh nghiệm để làm ăn một cách hiệu quả. Sau khi đất nước mở cửa mấy tháng tôi đã trở thành triệu phú. Nhưng nếu tôi chỉ thực dụng như thế thì các bạn không biết tôi, tôi không gần các bạn được và tôi cũng chỉ thấy sự chắc chắn, sự cần thiết của tầng thực dụng thôi chứ tôi không thấy hạnh phúc. Tầng thứ hai là tầng tư tưởng, chính nó giúp con người có một số lý thuyết, một số kiến thức nghề nghiệp hoặc văn hóa, nhưng cũng chỉ đủ để anh hơn người khác chứ không phải là điều kiện để anh giúp người khác. Tầng thứ ba quan trọng hơn là tầng lý tưởng. Tôi có cả ba tầng như vậy trong miền tinh thần. Tôi không phải là người thực dụng xét về mặt tổng thể, nhưng tôi là người rất thực dụng khi khai thác những vấn đề của đời sống thực tế.
ABG: Chú có thể nói cho bọn cháu các khuynh hướng phát triển cá nhân gồm những khuynh hướng nào?
NTB:Phát triển cá nhân chính là phát triển sự suy nghĩ của nó, người ta đem so sánh giữa các khuynh hướng suy nghĩ khác nhau và tìm ra khuynh hướng tối ưu cho cá nhân mình. Cho nên giống như tôi nói ban đầu, phải đọc nhiều, vì đọc nhiều giống như soi nhiều tấm gương, soi qua tấm gương triết học chúng ta có một khuôn mặt, soi qua tấm gương lịch sử chúng ta có một khuôn mặt khác, soi qua kinh tế học chúng ta có một gương mặt khác và soi qua mỹ học chúng ta lại thấy gương mặt khác nữa… Chúng ta soi nhiều tấm gương thông qua học tập thì chúng ta có một số vốn, chúng ta cấu tạo ra các chủng ý nghĩ và nghĩ theo các khuynh hướng khác nhau. Nghĩ cho kỹ theo các khuynh hướng khác nhau, nghĩ đến tận cùng của một khuynh hướng rồi chúng ta tổng kết hàng ngày. Đấy chính là phương pháp luận công tác, phương pháp luận học tập của tôi.
Khi đi học, tôi không ghi chép nhiều mà thường đọc sách. Khi gập sách lại tôi xây dựng mô hình toán học của vấn đề mà mình đang học và tập giải quyết nó. Khi tôi giải quyết xong các chương sách ấy thì thực chất là tôi đã tốt nghiệp môn học ấy. Tôi nói cho các bạn kinh nghiệm học tập của tôi và các bạn có thể dùng nó ngay từ bây giờ, kể cả tốt nghiệp đại học rồi thì cũng vẫn cần thiết. Các bạn sẽ thấy rằng khi chủng ý nghĩ của mình tạo thành một phổ đủ rộng lớn thì mình sẽ nhìn mọi sự vật như nhìn lòng bàn tay. Con người nhìn mọi sự vật đều phải dùng phép biện chứng. Biện chứng là sự khảo sát một cách đầy đủ tất cả các khuynh hướng phát triển của một sự vật.
ABG:Chú có nói đến mỹ học, lịch sử và nghệ thuật phát triển rất mạnh trong thời kỳ quân chủ và trong lòng của chủ nghĩa tư bản. Liệu có sự mâu thuẫn nào giữa mỹ học, nghệ thuật và chủ nghĩa xã hội không? Ba thứ ấy có đi được với nhau không? Nếu đi được thì xu hướng của nó như thế nào?
NTB:Chủ nghĩa xã hội là một triết học kìm hãm tất cả các mặt phi thực tế của các khuynh hướng khoa học. Trước đây ở nước ta từng có một cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh. Những người cộng sản xem nghệ thuật là vị nhân sinh, vì những họ đang đứng ở xuất phát điểm của tình trạng đói nghèo, đang nóng lòng giải quyết vấn đề đói nghèo. Nếu mỹ học phát triển để phục vụ cả những vấn đề, những tâm trạng, những khát vọng như vậy thì nó rất có ích cho xã hội. Sự phát triển tới hạn của các khuynh hướng phải được tổng hợp thành điểm phải chăng hay là điểm cân băng của các khuynh hướng. Con người cần phải đi đến những điểm phải chăng ấy, bởi con người sống bằng sự cân bằng các khuynh hướng. Vua chúa, quý tộc, các nhà tư bản là những người đã được giải phóng ra khỏi các ràng buộc thông thường, họ có quyền đi rất xa sang lĩnh vực mỹ học, sang những đòi hỏi hưởng thụ cao cấp, nhưng họ phải giải quyết cả vấn đề nghèo đói nữa, nếu không họ sẽ phải đối mặt với sự phẫn nộ của giai cấp vô sản, đối mặt với các cuộc cách mạng. Cho nên, rèn luyện mình để hiểu biết và cân đối các khuynh hướng tư duy khác nhau để tạo ra trạng thái phải chăng về mặt chính trị chính là bản lĩnh của con người.
ABG: Chú có nói đến ba tầng của đời sống tinh thần con người. Như cháu bây giờ cũng mạnh dạn nhận mình có một chút ở tầng tư tưởng. Tầng lý tưởng thì cháu không biết mình có đến đâu, nhưng thỉnh thoảng lại thấy tầng thực dụng của mình sao thiếu hụt thế. Chú có nói sau mở cửa chỉ vài tháng là chú đã thành triệu phú. Bọn cháu có lẽ không thể nào làm được như chú.
NTB: Sau mở cửa mấy tháng tôi trở thành triệu phú là vì 10 năm trước đó tôi đã có sự chuẩn bị bằng cách lặng lẽ học kinh tế học tư bản chủ nghĩa. Tôi đã đọc Samuelson 10 năm trước đó, đọc một cách kỹ lưỡng để sau đó cấu trúc ra công ty của mình. Các cháu phải hoàn thiện cấu trúc miền tinh thần của chính mình. Lưu ý rằng có hai miền mà con người hay bỏ quên. Những người thực dụng thì quên mất miền lý tưởng, còn những người lý thuyết thuần túy, những người lãng mạn thuần túy thì quên mất miền thực dụng. Khi quên mất miền thực dụng thì con người sẽ đối mặt với đói nghèo và phải đi xin. Không ai coi trọng người đi xin, kể cả đó là nghệ sĩ vĩ đại. Cho nên người ta phải hoàn thiện, phải chau chuốt, phải làm nhuần nhuyễn tất cả các không gian con trong tổng thể không gian tinh thần của con người.
ABG: Cháu nhớ trong một số bài trả lời phỏng vấn chú đánh giá cao về các nhà kinh doanh ở đất nước này, đặc biệt là các nhà kinh doanh lớn, cháu mong được chú chia sẻ thêm.
NTB:Tôi luôn luôn cho rằng các nhà kinh doanh là những người có lòng dũng cảm dân sự khá lớn. Họ là những người đủ khôn ngoan, đủ dũng cảm để cấu tạo ra những kinh doanh lớn và thành công đến mức tạo ra các tài sản lớn cho mình. Dưới góc độ những nhà kinh doanh thì chúng ta không thể coi thường họ. Tôi từng là Phó chủ tịch một ngân hàng, tôi không có đủ các điều kiện như họ để theo con đường mà họ đang đi. Tôi không xem con đường ấy là tầm thường, hay sai trái. Không có sự nghiệp vĩ đại nào mà không có những tì vết. Các bạn nghĩ mà xem, nghĩa trang Trường Sơn mênh mông bát ngát kia cũng thấp thoáng các tì vết của khuyết điểm, của ngốc nghếch, của sơ suất, của nhầm lẫn... Nhưng lịch sử của Trường Sơn là lịch sử vĩ đại, người ta làm không biết bao nhiêu thơ ca về nó. Phải học cách để thưởng thức vẻ đẹp của các con voi. Chúng ta cứ nghĩ vẻ đẹp chỉ thuộc về phái đẹp, thuộc về các cô gái “mỏng mày hay hạt”. Cuộc sống có cả những vẻ đẹp không dễ thương như các cô gái. Các con voi cũng có vẻ đẹp của nó và vẻ đẹp ấy không có gì mâu thuẫn với các cô gái đẹp.
ABG: Anh có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ trước khi kết thúc buổi trò chuyện?
NTB: Trong các tư tưởng tinh hoa cổ học, tôi tâm đắc nhất là nguyên lý “Tri túc”. Đối với tôi, “Tri túc” chính là phương châm, là nguyên tắc cho mỗi người để tự rèn luyện mình, để phấn đấu đạt đến trạng thái con người hoàn chỉnh. Tôi khuyên các bạn trẻ nên phấn đấu đi qua tất cả các chặng đường nhận thức để tới gần trạng thái “Tri túc” ấy. Các bạn hãy sống chân thật với những điều mình nghĩ và nói thì sẽ tìm ra con đường của mình. Đừng diễn và đừng để ai lừa mình bằng việc đánh trúng vào khát vọng hay ham muốn khoa trương của mình. Nghe câu hỏi của các bạn là tôi hiểu chỗ nào khoa trương, chỗ nào chân thật. Tôi nghĩ rằng các bạn cứ yên tâm sống thật với chính mình. Đừng sợ thiệt! Trí tuệ chỉ đến với những người nhận thức một cách chân thật, học tập một cách chân thật. Không có trí tuệ dùng để khoe mẽ, cho dù là ai đi nữa nếu khoe mẽ là không có giá trị. Tôi luôn luôn là người học tập một cách chân thật. Tôi không diễn thuyết gì với các bạn. Tôi đang làm một động tác là hút năng lượng từ các bạn để làm trẻ hóa đời sống tinh thần của mình, để kéo dài tuổi thọ tinh thần của mình, để mở rộng không gian tưởng tượng của mình. Các bạn hãy làm như thế đối với những người dưới mình. Đi học những khóa học về lãnh đạo như thế này là đúng rồi, còn muốn gặt hái được các kết quả có chất lượng thì phải gắn liền với quá trình thâm canh của các bạn trong học tập.
Lão Tử nói: “Tri túc, tri chỉ” (Biết đủ, biết dừng).
Lão Tử viết: “Tri túc chi túc, hằng túc hĩ”. Nghĩa là biết thế nào là đủ thì sẽ vĩnh viễn không thiếu gì. Trái lại, một người mà không biết đủ thì sẽ luôn luôn cảm thấy thiếu thốn.
Một người thiện tâm có thể không có nhiều của cải, tài sản, xe hơi hay tiền tiết kiệm, nhưng anh ta biết thế nào là đủ thì sẽ vui hưởng một cuộc sống hạnh phúc.
( Trích "10 tinh hoa của Lão Tử lưu truyền ngàn năm")
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)