Phát triển trí tuệ trong nhà trường
Trí tuệ là gì?
Tại hội nghị Giáo dục tổ chức tại Singapore với chủ đề Những nhà lãnh đạo mới. Nhà trường mới. Một tương lai mới, tiến sĩ Robert Sternberg - giáo sư tâm lý học và giáo dục của Đại học Yale Hoa Kỳ, đã trình bày báo cáo "Tại sao nhà trường phải dạy để phát triển trí tuệ ở học sinh? Một lý thuyết cân bằng về trí tuệ trong môi trường giáo dục", trong đó ông đã đề cập một cách rất cụ thể, sinh động với nhiều ý tưởng mới lạ về trí tuệ và tầm quan trọng của việc bồi dưỡng trí tuệ cho học sinh trong nhà trường. Theo ông, trí tuệ có một nội hàm rộng lớn bao quát và sâu sắc hơn nhiều so với những quan điểm về trí tuệ từ trước tới nay. Có lẽ nó gần gũi hơn với sự minh triết, sự thông thái không ngoan sáng suốt cổ xưa mà các nhà hiền triết dân gian đã khẳng định.
Định nghĩa về trí tuệ, theo như Sternberg trích dẫn từ tự điển Webster's New World College 1997 là "năng lực phán đoán (nhìn nhận) đúng và đi theo một tiến trình hành động đúng đắn, hợp lý nhất dựa trên kiến thức/tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết..." Năng lực này vô cùng quan trọng trong một thế giới mà đôi khi có chiều hướng đi vào con đường huỷ diệt bản thân nó.
Lý thuyết cân bằng trí tuệ.
Dựa trên định nghĩa về trí tuệ, Sternberg cho rằng cần có một quan điểm tích hợp và cân bằng về trí tuệ. Ông đã đề xướng lý thuyết cân bằng về trí tuệ (a balance theory of wisdom) dựa trên quan niệm về trí thức ngầm (tacit knowledge/tri thức, kiến thức ngầm, ẩn, không thành lời) và quan niệm về sự cân bằng. Như vậy "trí tuệ được định nghĩa như là sự áp dụng tri thức ngầm để đạt được lợi ích chung qua sự cân bằng giữa (a) lợi ích của cá nhân (b) của những người khác (c) và lợi ích của cả cộng đồng hay môi trường sống nhằm đạt được sự cân bằng giữa (a) việc thích nghi với môi trường hiện tại (b) việc hình thành môi trường mới và (c) việc lựa chọn những môi trường mới'.
Trước hết trí tuệ đòi hỏi tri thức, hay kiến thức song tâm điểm của trí tuệ là cái tri thức ngầm, không chính thức, học được ở trường đời, chứ không phải là loại kiến thức hiển lộ được dạy chính thức trong nhà trường. Người ta có thể là "một bộ từ điển bách khoa sống" song vẫn tỏ ra có ít hoặc không có trí tuệ bởi vì các kiến thức người ta cần để khôn ngoan sáng suốt lại chẳng tìm thấy trong bách khoa toàn thư, trong cái kiểu giảng dạy thấy ở hầu hết các nước (trừ nơi nào có dạy theo kiểu thông thái của Socrat). Trí tuệ đòi hỏi tư duy phân tích, song đó cũng không phải là kiểu tư duy phân tích đang được nhấn mạnh ở các trường hay đo đạc qua các trắc nghiệm về năng lực học vấn.
Quan điểm của Sternberg về tư duy sáng tạo cũng rất mới lạ độc đáo... theo ông những giải pháp khôn ngoan, sáng suốt (hàm ý trí tuệ) cũng thường là những giải pháp sáng tạo ví như chuyện vua Solomon quyết định xem ai là người mẹ thực của đứa trẻ. Song cái kiểu bất chấp tất cả, "mua rẻ bán đắt" để đưa đến sáng tạo thì tự bản thân nó lại không đưa đến trí tuệ. "Tư duy sáng tạo thường vội vã, phiêu lưu, trong khi đó tư duy trí tuệ lại cân bằng". Nói như vậy không có nghĩa là cùng một con người không thể vừa sáng tạo lại vừa sáng suốt khôn ngoan, mà ông muốn nói rằng loại tư duy cần đẻ vừa sáng tạo vừa sáng suốt khôn ngoan là một loại khác và không nhất thiết phải tìm thấy ở cùng một con người.
Với cái tri thức ngầm này, người có trí tuệ phải có được sự cân bằng giữa các lợi ích-của ta, của người-của toàn thể. Một người chỉ biết vơ vét cho mình, cho một nhóm người mà mình yêu quý có thể là người có học vấn cao và rất thông minh song không thể là người có trí tuệ, là người sáng suốt. Có được sự cân bằng này rồi còn phải biết hành động để đáp ứng sự cân bằng đó. Vì vậy người ta phải biết: thích ứng với môi trường hiện hữu và nếu thay đổi mình để thích ứng với môi trường đo chưa đủ thì lại phải hình thành và thay đổi môi trường đó. Và khi cảm thấy rằng không thể nào thích ứng được hoặc khó có thể thích ứng hay thay đổi môi trường đó thì phải biết lựa chọn môi trường mới ví dụ như quyết định rời bỏ một công việc, một cộng đồng, một cuộc hôn nhân hay bất cứ điều gì khác.
Tóm lại, lý thuyết cân bằng về trí tuệ cho thấy sự khác biệt về chất giữa trí thông minh, hiểu biết thông thường và sự thông minh hiểu biết sáng suốt mang đậm trí tuệ. Đối với những hàm ý cho giáo dục, Sternberg đặt ra những câu hỏi: xã hội phải có sự lựa chọn, chúng ta muốn điều gì nhất qua học đường? Là kiến thức? Là sự hiểu biết, thông minh? Hay là trí tuệ? Nếu muốn có trí tuệ thì phải đưa học sinh của chúng ta vào một con đường khác. Ông khẳng định rằng, "chúng ta cần đánh giá cao và quý trọng không chỉ cái cách học sinh sử dụng năng lực cá nhân của chúng để tăng tối đa lợi ích và thành công của chúng mà còn cả cái cách chúng sử dụng năng lực cá nhân của chúng để tăng tối đa lợi ích và thành công của những người khác nữa. Tóm lại chúng ta cần đề cao trí tuệ".
12 nguyên tắc của nền giáo dục đề cao trí tuệ
1. Cùng học sinh nhìn nhận lại thành công theo như quan niệm truyền thống. Giúp học sinh thấy việc thực hiện mọi tiềm năng của cá nhân có ý nghĩa hơn nhiều so với tiền bạc, chức tước, nhà lầu xe hơi và mọi thứ khác.
2. Dạy học sinh ích lợi của sự phụ thuộc lẫn nhau - thuỷ triều lên nâng mọi con tàu, thuỷ triều xuống làm chìm tàu. Giúp học sinh biết cân bằng lợi ích riêng của chúng với lợi ích của những người khác và lợi ích của nhà trường, cộng đồng.
3. Thể hiện vai trò mẫu mực về trí tuệ bởi vì điều anh làm quan trọng hơn điều anh nói. Trí tuệ phụ thuộc vào hành động và những hành động khôn ngoan (wise actions) cần phải được thể hiện.
4. Bảo học sinh tìm đọc về những phán đoán và những cách ra quyết định không ngoan để các em hiểu được rằng những điều đó là có thực.
5. Dạy học sinh rằng "các phương tiện" (means) mà nhờ nó để đạt được mục đích mới là quan trọng, chứ không chỉ riêng mục đích.
6. Khuyến khích học sinh hình thành, phê phán và tích hợp các giá trị riêng của chúng vào tư duy của mình.
7. Khuyến khích học sinh tư duy một cách biện chứng, để thấy được rằng, cả câu hỏi lẫn câu trả lời cho các câu hỏi đó đều tiến hoá theo thời gian và câu trả lời cho một câu hỏi quan trọng trong cuộc đời có thể khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời (như câu hỏi liệu có nên kết hôn?)
8. Chỉ cho học sinh thấy tầm quan trọng của tư duy đối thoại mà nhờ đó chúng hiểu được lợi ích và các ý tưởng từ nhiều quan điểm khác nhau.
9. Dạy học sinh tìm kiếm và đi đến lợi ích chung, một lợi ích mà ở đó ai cũng có phần chứ không phải chỉ mình và những người thân của mình được hưởng.
10. Khuyến khích và ban thưởng cho trí tuệ.
11. Dạy học sinh theo dõi và suy nghĩ các sự kiện trong cuộc đời của chúng. Một cách để nhận ra lợi ích của những người khác là bắt đầu nhận dạng những lợi ích của mình.
12. Giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc phòng ngừa bản thân chống lại sức ép của việc mất cân đối giữa lợi ích của bản thân và lợi ích của nhóm.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi