“Tôi thích sự khác biệt… đương nhiên sự khác biệt đó phải đầy tính sáng tạo và hướng thiện”
- Chị từng trải qua giai đoạn khởi nghiệp mà theo chị là “đã giành toàn bộ thời gian, tâm tư, tình cảm để làm sao cho bản thân thoát nghèo nhanh nhất”. Xin chị nói kỹ hơn về giai đoạn này. Từ quá trình đó, chị rút ra những bài học, kinh nghiệm gì để truyền đạt cho những người trẻ hiện nay?
Bà Tạ Thị Ngọc Thảo (T.T.N.T): Giai đoạn gây dựng sự nghiệp không ai giống ai, người thì lấy học vấn làm trọng, người thì học nghề chuyên môn, riêng tôi thì theo nghiệp kinh doanh. Thương trường rất nghiệt ngã, nó đào thải ngay lập tức những người sống không toàn tâm, toàn ý với nó. Vì thế, trong giai đoạn khởi nghiệp, tôi dành gần hết thời gian để học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, đọc sách để biết xứ người họ thành công ra sao, thất bại thế nào, cập nhật diễn biến của thị trường mà mình đang tham gia và quan sát các thị trường khác trong nền kinh tế. Tại sao? Bởi tôi hiểu ra rằng các thị trường có liên quan với nhau, muốn thành công trên thị trường này, không thể không theo dõi động thái của các thị trường khác. Ngoài ra, tôi còn dành thời gian để dõi theo diễn biến của các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, an ninh trong nước và thế giới. Sở dĩ tôi cập nhật thông tin nhiều và thường xuyên là vì tôi muốn con đường lập nghiệp của tôi giảm đến mức tối đa sự trắc trở, gập gềnh do đã được lường trước những rủi ro.
Tôi nghĩ rằng, khởi nghiệp là giai đoạn quan trọng của một đời người, giống như máy bay muốn cất cánh cần phải có giai đoạn tăng tốc vậy. Có lẽ vì thế mà các chuyện khác của một phụ nữ, tôi đành xem nhẹ.
- Chị từng dẫn chứng “khi đứng trước cơ ngơi của một tập đoàn lớn, chị chưa bao giờ nghĩ sẽ làm ở đó để nhận lương cao…”. Nhưng với những người cần tiền để khởi nghiệp thì đó (làm tập đoàn lớn, lương cao) cũng là một lựa chọn tốt đấy chứ?
- Bà T. T. N. T.: Học để có bằng cấp, học để có điều kiện nhận lương cao, đó cũng là một trong những lựa chọn đúng. Nhưng lý giải chuyện làm thuê là do cần tiền để khởi nghiệp thì nghe chừng chưa ổn. Hiện nay doanh nhân Việt nam còn đang chiếm tỉ lệ % thấp trong xã hội so với nhiều nước trong khu vực. Tôi nghĩ, chính là do tinh thần kinh doanh của lớp trẻ Việt Nam còn thấp. Thấp vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân sâu xa: một thời gian rất dài thương nhân ở nước ta bị kỳ thị. Ngược lại, ở nhiều quốc gia khác tinh thần kinh doanh được khơi dậy cho lớp trẻ từ cấp trung học…
- Trong xã hội, chỉ có hai loại người: nhận lương và trả lương; nhận lương là làm thuê, trả lương là làm chủ. Nhiều người trong chúng ta nếu không dám nuôi hoài bão trở thành người trả lương thì xứng đáng nhận lãnh số phận nhận lương vậy. Nhưng, nếu một dân tộc có quá nhiều người nhận lương thì số phận của dân tộc đó ra sao?
Trong ngành địa ốc, có hàng ngàn doanh nhân; chị là một trong số ít nổi bật (nổi tiếng), theo chị là nhờ đâu? Nhờ quy mô vốn, những dự án lớn, hay nhờ chính bản thân chỉ? Những yếu tố nào để mình và doanh nghiệp của mình không chìm nghỉm giữa hàng ngàn doanh nghiệp – doanh nhân khác?
Bà T.T.N.T: Tôi khởi nghiệp bằng không, nếu không muốn nói là dưới không: không vốn liếng, không thân thế, không bằng cấp, đã thế sức khỏe lại kém. Nhưng tôi luôn khao khát cái “có”. Cái “có” của tôi không dừng lại mà luôn thay đổi theo mức độ trưởng thành của bản thân và doanh nghiệp. Tôi nghĩ, với những cái “không” trong quá khứ và cái “có” trong hiện tại của tôi sẽ góp phần giúp các bạn trẻ tự tin hơn khi muốn khẳng định mình.
Thời cạnh tranh toàn cầu, tồn tại đã khó, để không chìm nghỉm trong một rừng doanh nghiệp lại còn khó hơn. Trong kinh doanh tôi chú trọng khai thác sự khác biệt. Một ví dụ nhỏ, khi đát còn là đất tôi thấy đất là vàng; khi đất là vàng, tôi lại thấy đất là đất. Tôi thích sự khác biệt. Sự khác biệt giúp doanh nghiệp giảm tính cạnh tranh, sự khác biệt làm xã hội và khách hàng nhớ đến mình. Đương nhiên, sự khác biệt đó phải đầy tính sáng tạo và hướng thiện.
- Chị là một CEO nữ, có thể gọi như vậy không? Theo chị, một CEO đúng nghĩa phải như thế nào?
Bà T. T. N. T.: Tôi là người trả lương, vì thế tôi không phải là CEO.
CEO là bộ não, là người trực tiếp chỉ đạo bộ máy doanh nghiệp thực hiện thành công chiến lược kinh doanh do người chủ hoạch định. Nói một cách bóng bẩy, CEO là người biến những giấc mơ của người chủ thành hiện thực. CEO giỏi, không phải chỉ là người có nhiều bằng cấp, người giỏi chuyên môn mà trước hết và quan trọng nhất phải là người làm việc có hiệu quả. Trong thương trường, hiệu quả đó được đo bằng công ăn việc làm của công nhân và những con số lợi nhuận. Đừng CEO nào tự nhận mình giỏiu nếu trên 6 tháng không đem về cho doanh nghiệp đồng lời. Những người chủ sẽ chia tay với những CEO “chuyên nghiệp” như thế.
- Vì sao ở Việt Nam không có nhiều CEO nữ tầm cỡ?
Bà T. T. N. T.: Chúng ta mới làm quen với cơ chế thị trường hơn hai mươi năm nay. Nền kinh tế của Việt Nam nhỏ, khoảng dưới 60 triệu USD (năm 2006), 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa; thể chế, chính sách của kinh tế thị trường còn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh và thời gian cũng chưa đủ dài để hình thành một tầng lớp CEO tầm cỡ.
Tuy vậy, chúng ta có quyền hy vọng, kể cả hy vọng Việt Nam sẽ sớm có nhiều CEO nữ tầm cỡ không chỉ cấp quốc gia mà còn ở cấp quốc tế. Tại sao không?
- Bản thân chị khi làm công việc xã hội nhiều thì có gặp trở ngại nào từ phía gia đình (xin chị bật mí đôi nét về gia đình chị)? Từ những phía khác?
Bà T. T. N. T.: Tôi yêu quý sự chuyên nghiệp. Tôi dùng đồng tiền có được từ sự chuyên nghiệp của mình để mua sự chuyên nghiệp của người khác. Cụ thể như tôi là người dở việc trong nhà, vì thế, tôi mời người giỏi làm giúp những việc tôi dở. thay vì phải “đảm việc nhà” sau khi đã “giỏi việc nước” (như những người phụ nữ khác), tôi lại thích dành thời gian đó để chăm sóc tâm hồn người thân của mình hơn. Người thân của tôi cũng đồng tình với cách tôi sử dụng tôi như thế.
Tôi nghĩ, nếu có những phụ nữ giỏi việc nước, việc xã hội, thì cộng đồng và người thân hãy tạo điều kiện cho họ khai thác hết sở trường. Không nên để họ mất thời gian vào những việc sở đoản. Hơn nữa, sử dụng đúng người, đúng việc là một cách khai thác hiệu quả nguồn nhân lực của quốc gia, điều đó giúp phụ nữ Việt Nam rút ngắn, khoảng cách với phụ nữ thế giới.
- Chị vừa là chủ đầu tư, vừa là nhà điều hành doanh nghiệp. Theo chị, “mô hình” này hay dở thế nào? Vì sao chị không thuê tổng giám đốc?
Bà T. T. N. T.: Để được gọi là chủ đầu tư, người đó, ngoài đồng vốn, còn phải có mối quan hệ xã hội rộng, tầm nhìn xa, phán đoán tốt, nhạy cảm với thời cuộc; tố chất đó nhà trường khó có thể dạy. Hơn nữa, TT BĐS nước ta còn rất sơ khai, các nhà nghiên cứu chưa kịp tổng kết và cũng chưa có giáo trình đào tạo CEO cho thị trường này. Hiện nay, để có thể rút lui khỏi thương trường, tôi không còn cách nào khác là vừa trực tiếp điều hành kinh doanh vừa gấp rút truyền nghề cho một lớp doanh nhân trẻ kế thừa sự nghiệp. Tôi không chỉ truyền nghề đầu tư và kinh doanh BĐS cho các cộng sự trong doanh nghiệp của tôi mà thông qua các lớp học, tôi còn tham gia truyền nghề cho lớp trẻ ngoài xã hội.