"Chị là... Tạ Thị Ngọc Thảo"

12:22 CH @ Chủ Nhật - 16 Tháng Ba, 2008

Không chỉ là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, Tạ Thị Ngọc Thảo còn là một cây bút sắc sảo, một diễn giả ấn tượng. Giọng nói chậm rãi, nhẹ như gió thoảng, dáng điệu khoan thai và gương mặt thảnh thơi như không hề... vướng bận bụi trần, những ý tưởng mạnh mẽ, bất ngờ trong kinh doanh... Rất khó có thể "vẽ" lại chân dung người phụ nữ đặc biệt đến thế chỉ bằng câu chữ...

"Vì tôn vinh sự chuyên nghiệp nên tôi không cần giỏi nấu ăn và chăm con tốt"

- Bận rộn với công việc của doanh nghiệp và cuộc sống đời thường với rất nhiều thiên chức, chị còn dành thời gian cho việc viết lách. Bài viết của chị luôn có cá tính, sắc thái và tư tưởng riêng. Thời gian đâu để chị làm tất cả mọi việc vậy? Chị có chia sẻ gì với phụ nữ trong ngày hôm nay?

TTNT: Trước hết, có một điều tôi muốn gửi tới Hội phụ nữ Việt Nam nhân ngày 8/3, đó là, trong nhiều năm qua, theo dõi và đọc báo Phụ nữ VN, báo Phụ nữ HCM..., tôi thấy có nhiều điểm tôi đồng tình và còn những điểm tôi chưa đồng tình. Đã 30 năm trôi qua mà tôi thấy quan điểm và định hướng của những tờ báo dành cho phụ nữ vẫn không thay đổi.

Mở tờ báo ra là dạy cách làm sao nuôi con khỏe dạy con ngoan, ăn cái gì cho ngon, mặc cái gì cho đẹp, kiểu tóc nào thời trang... Điều đó hoàn toàn không sai, nhưng chưa đủ. Trong thời toàn cầu hóa, khi phụ nữ VN còn chưa có tiếng nói ở thị trường quốc tế, thì có một việc cần thiết hơn, đó là chuyện định hướng cho phụ nữ VN vươn ra thế giới. Báo chí dành cho nữ giới không nên chỉ chăm lo đến phần xác của người phụ nữ VN mà còn cần quan tâm đến việc định hướng tư tưởng của họ trong thời đại mới.

Tôi tin tưởng một cách mãnh liệt rằng nhiều phụ nữ VN không chỉ muốn biết ăn ngon, mặc đẹp, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, mà còn hơn thế nữa... Vậy thì báo chí phụ nữ nên có định hướng sống đúng tầm thời đại cho người phụ nữ. Đó nên là định hướng chiến lược cho những tờ báo dành cho "phái đẹp".

"Là một người yêu quý sự chuyên nghiệp, cho nên tôi dùng đồng tiền kiếm được từ sự chuyên nghiệp của mình để trao đổi, mua sự chuyên nghiệp của người khác.

Thời gian của mình, tôi dành để chăm sóc người thân của mình theo ý nghĩa chăm sóc về tâm hồn, hơn là chăm sóc về thể xác."

Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ về mặt sắp xếp thời gian, đó là, tôi là một người phụ nữ yêu quí sự chuyên nghiệp. Giả dụ có những người phụ nữ "giỏi việc nước", thành công ngoài xã hội, vậy thì đừng bao giờ đòi hỏi họ còn phải "đảm việc nhà", phải nuôi con khỏe, dạy con ngoan và nội trợ giỏi.

Tất cả những chuyện đó, có thể chúng tôi làm được hết đấy. Nhưng nếu trong xã hội của chúng ta, có những người phụ nữ đã rất giỏi việc nước, việc xã hội, việc thương trường,... thì cộng đồng nên tạo điều kiện để họ khai thác hết sở trường, không nên để họ mất thời gian vào những sở đoản.

Hơn nữa, sử dụng đúng người, đúng việc là một cách khai thác hiệu quả nhất nguồn nhân lực quốc gia. Điều đó giúp phụ nữ VN rút ngắn khoảng cách với phụ nữ thế giới.

Riêng tôi, chính vì là một người yêu quý sự chuyên nghiệp, cho nên tôi dùng đồng tiền kiếm được từ sự chuyên nghiệp của mình để trao đổi, mua sự chuyên nghiệp của người khác. Cụ thể, như tôi là người rất dở việc nhà, vì thế tôi đã tìm người giỏi giúp tôi những việc mà tôi dở.

Sau khi đã giỏi việc của doanh nghiệp, thì thời gian còn lại, tôi không muốn dành thời gian cho việc nhà như những người phụ nữ khác. Tôi thích dành thời gian đó để chăm sóc người thân của mình, theo ý nghĩa chăm sóc về mặt tâm hồn.

Đối với những người thân của mình, theo tôi, chăm sóc tâm hồn mới là điều quan trọng nhất. Người thân của tôi cũng đồng tình với cách tôi sử dụng thời gian, với cách tôi chăm sóc họ như thế. Gia đình tôi đã tạo hết mọi điều kiện cho tôi tận dụng sở trường của mình.

Chị Tạ Thị Ngọc Thảo - Tổng giám đốc Công ty TNHH T.T.N.T. trong lĩnh vực bất động sản.

Chị là một nữ doanh nhân bản lĩnh trên thương trường, với nhiều cảm nhận, suy tư sâu sắc về kinh doanh, cuộc sống.

Các bạn có thể tìm đọc cuốn sách của chị mang tên Những trang viết của một nữ doanh nhân, NXB Phụ nữ

Trên Internet bạn có thể tìm đọc các bài viết sau:

-Đừng say điệu nhảy

-Suy nghĩ lớn và gương mặt của đồng tiền

-
Tôi làm giàu bằng cái tên Tạ Thị Ngọc Thảo

-Một góc nhìn khác về bằng cấp

-Tạ Thị Ngọc Thảo và triết lý của doanh nhân Phật tử

-Con cò ăn đêm

-
Lạc sở hữu

-Suy nghĩ lớn về gương mặt của đồng tiền

-
Chữ C? Có bốn chữ C!

- Nói về câu chuyện phụ nữ VN ngày hôm nay, cũng có chuyện tư duy phải bình đẳng. Trong các tổ chức hội và đoàn thể, luôn có cái gọi là cơ cấu tỷ lệ nữ. Quan điểm của chị về bình đẳng giới như thế nào?

TTNT: Nếu tôi nhớ không lầm, xã hội của chúng ta đã có một thời mẫu hệ. Phụ nữ là những người mẹ, sinh ra những đứa con, trong đó có con trai và con gái. Những người con trai đều từng sống trong vòng tay của người mẹ, đã được mẹ dỗ dành, giáo dục, được nuôi ăn, học và chịu nhiều ảnh hưởng từ người mẹ của mình.

Vậy thì có nên đặt ra vấn đề bình đẳng hay không khi tất cả những người đàn ông này đều do mẹ sinh ra? Phụ nữ là mẹ đã đành, họ còn là hoa của gia đình, là phái đẹp của xã hội. Do đó, nếu là những người đàn ông lịch lãm trên trái đất này, tôi nghĩ không nên để phụ nữ đứng lên giành quyền, mà nên trao cho họ một cái quyền - quyền đó sẽ làm vui cả một trái đất, vui cả một xã hội, vui cả gia đình.

Về vấn đề tặng hoa nhân ngày 8/3. Tặng hoa thì rất vui, thế thì sao phải đợi đến ngày 8/3 mới tặng hoa, mà sao 365 ngày trong năm không là ngày 8/3? Người phụ nữ được chồng, con, bạn trai tặng hoa sẽ rất vui. Mà người phụ nữ vui thì vui cả gia đình, vui cả xã hội.

Sự thảnh thơi không thể tự nhiên mà có

- Chị là một doanh nhân thành đạt, nhưng mọi người nhìn chị là một người thảnh thơi, xinh đẹp, tưởng chừng như những bộn bề, vất vả của một doanh nhân không ảnh hưởng gì đến chị. Chị giải quyết công việc một doanh nghiệp như thế nào để tạo nên một sự thảnh thơi như vậy?

TTNT: Cách đây khoảng 10 năm, ở TP.HCM, khi nói đến Tạ Thị Ngọc Thảo, nhiều người và báo chí thường nhắc đến tôi như một người phụ nữ "đụng chuyện là đập bàn liền".

Là bởi vì ngày đó, tôi nhìn đồng tiền với một ánh mắt muốn chiếm hữu, muốn sở hữu. Sau đó, khi trưởng thành dần lên, tôi nhận ra được những khiếm khuyết của mình. Sự thảnh thơi không tự nhiên mà có. Đó là một quá trình dài nhận thức lại về vấn đề đồng tiền. Mà nền tảng trên vấn đề nhận thức đó, tôi dựa trên triết lí của đạo Phật.

Có một câu chuyện thiền về đức Thiền sư Duy Tín như thế này, trước và 30 năm giác ngộ thiền, giai đoạn đầu ông thấy núi là núi, giai đoạn thứ 2, ông thấy núi không phải là núi, giai đoạn 3 ông lại thấy núi là núi.

Tôi cũng vậy, giai đoạn đầu thấy tiền là tiền - đó là những lúc đụng chuyện là đập bàn liền. Vì tôi chỉ thấy cái có trong đồng tiền, bằng mắt của một người khao khát chiếm hữu nó. Giai đoạn 2 của cuộc đời, tôi lại thấy tiền không phải là tiền – lúc này tôi nhìn đồng tiền ở mặt không của nó.

Tôi chắc giờ tôi đã ở giai đoạn 3 vì tôi lại nhìn thấy tiền là tiền. Nghĩa là, tôi nhìn thấy cả cái có và cả cái không của đồng tiền. Trong giao hảo, tôi thường hẹp mình rộng người, lúc này, tiền không phải là tiền. Trong giao thương, một đồng tôi cũng tính đúng, tính đủ bởi tôi thấy tiền là tiền.

"Khi tôi thấy cái KHÔNG và cái CÓ của đồng tiền thì tôi ung dung, tự tại - lúc này hoàn toàn làm chủ đồng tiền. Tôi tách mình ra khỏi đồng tiền, hướng nó đi theo ý mình. "

Khi tôi thấy cái KHÔNG và cái CÓ của đồng tiền thì tôi ung dung tự tại - đó này tôi hoàn toàn làm chủ đồng tiền. Tôi tách mình ra khỏi đồng tiền, hướng nó đi theo ý mình.

Ngoài sự chuyển tâm từ bên trong, sự thanh thản bên ngoài mà tôi có được còn do sự tập luyện khí công ngày 2 bữa buổi sáng và buổi chiều. Những lúc đứng trước những hoàn cảnh nghiệt ngã, thay vì đứng lên đập bàn như trước, thì tôi hít vào thở ra, hít vào thở ra. Những lần như vậy, tôi bình tĩnh lại và giải quyết vấn đề sáng suốt hơn. Mưa dầm thấm lâu, ngày hôm nay tôi đã là một TTNT khác với cách đây 10 năm rồi.

Khởi nghiệp nhờ người thầy lớn và những miếng đất nhỏ

- Chị bắt đầu bước vào cuộc đời doanh nghiệp từ khi nào?

TTNT: Tôi bước vào thương trường chính xác cách đây 22 năm, trong đó có 2 năm là đi làm thuê và 20 năm sau đó là làm chủ.

Hai năm đầu, tôi may mắn được làm thuê trong ngành kinh doanh vàng bạc đá quý cho một doanh nhân nước ngoài. Tôi học được từ ông ấy tư duy lớn và sự kinh doanh chuyên nghiệp.

Cũng trong hai năm làm thuê đó, tôi tích lũy được một chút vốn để năm 1988 bắt đầu khởi nghiệp làm chủ.

- Chị còn nhớ nhà kinh doanh bất động sản TTNT đã bắt đầu sản nghiệp của mình như thế nào không ?

TTNT: Ngày đó, ít ai nối chuyện đất đai với tiền bạc. Có những câu chuyện vui đại loại như thế này: Người ta - như một người hàng xóm của tôi chẳng hạn - ngồi nhậu với một người mà thấy vừa lòng, thấy vui với người kia, thì có thể cho nhau một cái ao, với lý do rất đơn giản: "Tao thấy mày chơi được".

Trong lúc nhậu, nhưng người bạn kia vẫn tỉnh táo: "Mày cho, lỡ vợ con mày đòi lại thì sao". Do đó, người này đã đưa ra một tờ giấy và đề nghị: "Mày viết vào đây mấy chữ là mày cho tao cái ao". Lúc cho nhau cái ao như thế, người ta chưa nghĩ đến ao có thể ra tiền. Nhưng với cái ao đó, tôi biết ngày hôm nay người bạn được cho kia đã bán với giá 500 cây vàng.

Vào thời điểm người ta còn nhận ra đất là đất, chưa phát hiện ra đất là vàng, thì bằng số vốn nhỏ nhoi của mình, tôi đã mua những miếng đất nhỏ. Sau đó tôi làm đường, làm điện, cống nước, và tôi chia nhỏ ra theo dạng phân lô bán nền.

Tôi khởi nghiệp bằng cách phát hiện ra có một thị trường mua đất đai, rồi đầu tư, bán lại để có một chút lợi nhuận. Tôi cứ làm từ thấp đến cao như thế, cho đến ngày hôm nay có thể nói rằng mọi ngóc ngách trong ngành bất động sản, những điều mà người bên ngoài không thể hiểu và tháo gỡ được, thì tôi lại nhìn nó rất rõ. Vì tôi sống chết với nó, tôi khởi nghiệp từ nó và tôi cũng trưởng thành từ nó.

TTNT: "Tôi không ăn sổi ở thì"

- Cũng có nhiều người đến với ngành này, và đến từ rất sớm, cũng khá giả. Nhưng họ không trở thành một chuyên gia, một nhà phân tích, một nhà bình luận, thậm chí họ không trở thành một doanh nhân lớn. Vậy cái khác của chị ở đây là gì? Chị đến với nó, hiểu sâu sắc nó, nhưng tại sao con đường của chị lại đi khác với người ta như vậy?

TTNT: Đây là một câu hỏi rất khó. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng rất thành công, nhưng trong đó có một số người đã ăn sổi ở thì, mua chụp bán giựt, không tư duy trên lợi ích khách hàng và không chú trọng xây dựng chữ tín. Chính vì như thế, nên họ có thể giàu, nhưng cái giàu đó như con rắn cắn vào cái đuôi của mình, cắn riết rồi cũng tới đầu.

Thương trường rất nghiệt ngã, sẽ thanh lọc để chỉ còn lại là những người doanh nhân làm ăn đàng hoàng, biết gắn lợi ích của mình vào lợi ích của xã hội và đất nước.

Ngay trong những thương vụ nhỏ hay lớn, chúng tôi đều làm việc với nguyên tắc là tư duy trên lợi ích của khách hàng. Chúng tôi cố gắng làm những điều khách hàng vừa lòng nhất, và từ một khách hàng, nhân ra 5 khách hàng. Với cấp số nhân như thế chúng tôi mới có thể xây dựng và phát triển thương hiệu của Doanh nghiệp.

"Uy tín là gì, thương hiệu là gì nếu không phải là đem đến sự vừa lòng, hoàn hảo nhất cho khách hàng của mình?"

Uy tín là gì, thương hiệu là gì nếu không phải là đem đến sự vừa lòng, hoàn hảo nhất cho khách hàng của mình?

- Đây là suy nghĩ của TTNT 20 năm trước, khi chị bắt đầu khởi nghiệp sau 2 năm làm thuê, hay của TTNT ngày hôm nay? Ngay từ lúc đầu khỏi nghiệp, chị đã có suy nghĩ đó chưa?

TTNT: Tôi có suy nghĩ đó từ khi mua thửa đất đầu tiên. Tôi có hưởng ít nhiều suy nghĩ này từ người thầy dạy tôi khởi nghiệp cũng là người chủ đầu tiên và cuối cùng của tôi. Ông ta là một doanh nhân lớn, chủ của một tập đoàn có thương hiệu.

Những điều mà ông ta thành công, quan sát trong lúc làm việc tôi rút ra một bài học: để có thành công bền vững, thì phải làm giàu một cách chính trực, đàng hoàng. Nếu chỉ mua chụp bán giựt, làm ăn gian dối thì dứt khoát không thể nào tồn tại trong thương trường lâu được.

Chỉ có điều tôi là người không chịu thỏa mãn với những gì mình có. Sau này, có người vỗ vào vai tôi mà nói rằng: "Bộ không biết đủ sao?".

Cái vỗ vai đó, đầu tiên làm cho tôi tự ái, sau đó giúp tôi ngộ ra một điều: Cuộc đời còn có những cái cần hơn tiền bạc. Tôi hiểu được mình thiếu kiến thức, thiếu phẩm chất lớn, thiếu cốt cách, thiếu chuyên môn... Từ đó tôi bắt đầu chú trọng đến học hành, tự đào tạo, tự rèn luyện những cái mình thiếu.

- Mỗi doanh nghiệp cần có sự khác biệt để tồn tại. Vậy doanh nghiệp của chị có điều gì khác biệt so với các doanh nghiệp khác?

TTNT: Theo tôi hiểu, sự khác biệt ở đây hàm ý sự khác biệt của doanh nghiệp và sự khác biệt của bản thân người làm chủ.

Về sự khác biệt trong doanh nghiệp, cùng là doanh nghiệp buôn bán bất động sản, công ty nào mà không bán nhà, bán đất, bán nền, nhưng với những người quá bận rộn, chúng tôi cử người đến tận nơi thanh toán theo hợp đồng từng đợt một.

Về sản phẩm, cùng là cung cấp các căn hộ cao cấp. Nhưng nếu chỉ là căn hộ cao cấp chung chung thì TTNT không làm. Nếu TTNT đầu tư căn hộ cao cấp thì căn hộ cao cấp cho người Hàn Quốc phải khác với căn hộ của người Hoa, của người Pháp... Nghĩa là chúng tôi đi sâu vào khai thác tối đa sự khác biệt của khách hàng để tạo ra sự khác biệt của doanh nghiệp.

"Về tính cách, tôi là người ít nói. Đó không phải là đặc tính mà đó là do là sự tập luyện. Tôi thường nghĩ nhanh nhưng nói chậm. Nếu phải nói, tôi thường là người nói sau.

Không nổi bật trong đám đông nhưng phải thể hiện được thẩm mĩ và cá tính riêng của mình."

Về sự khác biệt của con người tôi, có lẽ rất khó nói. Về tính cách, tôi là người ít nói. Đó không phải là đặc tính mà đó là do là sự tập luyện. Tôi thường nghĩ nhanh nhưng nói chậm. Nếu phải nói, tôi thường là người nói sau.

Về hình thức bên ngoài như quần áo thì tôi thích mặc theo kiểu của riêng mình. Do khá khe khắt trong việc lựa đồ nên tôi có người thiết kế riêng. Điều đó không có nghĩa là bộ đồ của tôi đắt tiền hơn người khác. Mà điều quan trọng là bộ đồ đó đạt được sự hài hòa với hình thức của tôi.

Do đó, khi tôi mặc gì, tất cả mọi thứ đều phải hài hòa, từ sợi tóc trên đầu đến đôi giày mang dưới chân. Tất cả phải hòa hợp và phù hợp với những nơi mình đến. Không nổi bật trong đám đông, nhưng phải thể hiện được thẩm mĩ và cá tính riêng của mình.

Việc vươn ra thế giới, xin dành cho giới trẻ

- Là một doanh nhân thành đạt ở Việt Nam, trong tư duy của chị, chị dự định sẽ đi ra thế giới như thế nào để tạo ra một thương hiệu, hình ảnh Việt Nam có tên trên bản đồ doanh nghiệp thế giới?

TTNT: Để trả lời câu này, tôi đặt lại câu hỏi: Tại sao ở nước ta một doanh nhân thành công phải trải qua mới 20-30 năm mới khẳng định được mình? Tôi nghĩ nếu một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, một xã hội dân sự tạo nhiều điều kiện hơn, một nhà nước pháp quyền và một nền luật pháp chuyên nghiệp hơn thì thời gian để khẳng định đó sẽ ngắn hơn nhiều.

Bản thân chúng tôi đã phải mất đến hơn 20 năm để được khẳng định mình. Giờ đây, khi nói tới chuyện vươn ra thế giới thì lứa chúng tôi đã bước vào tuổi 50.

Trong giới doanh nhân có một câu nói rất buồn cười nhưng cũng rất thẳng: "50 là những người xài tiền cũ, (nghĩa là những người tiêu những đồng tiền mình kiếm được trước đó), chơi với bạn cũ, làm công việc cũ, và sống với vợ, chồng cũ" (cười). Điều này nghĩa là khi nghĩ đến chuyện vươn ra thế giới thì những lứa tuổi trên 50 như chúng tôi giờ đây đã khá thấm mệt.

Mặt khác, đã nói là doanh nghiệp thành công thì ít nhiều chúng tôi đã có những vật sở hữu trong tay. Vậy khi tích lũy được nhiều vật sở hữu ấy trong tay, chúng tôi cần đi tìm kiếm thêm những gì mà chúng tôi không thiếu nữa hay không?

Ông bà mình có nói "Doanh gia, nghiệp chủ" điều đó có nghĩa là làm chủ một doanh nghiệp là một cái NGHIỆP, không phải là một cái NGHỀ. Chính vì vậy có những thương hiệu sống từ đời này qua đời khác, hàng trăm năm, vài trăm năm. Đó là vì cái nghiệp, không vì cái nghề. Chúng tôi không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn có nhu cầu khẳng định mình, nhu cầu tạo ra công ăn việc làm, tạo ra những công trình kiến trúc, cơ sở vật chất để đóng góp cho xã hội và điều đó làm chúng tôi tự hào.

Vì vậy, chúng tôi cần một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Khi chúng tôi tiếp tục bỏ đồng tiền ra, chúng tôi cần sự tôn vinh, cần được khuyến khích.

Nếu bây giờ khi một dự án bắt đầu được đầu tư mà chúng tôi là những người chủ doanh nghiệp ít nhiều có thương hiệu mà phải xách cặp chạy từ nơi này qua nơi khác để "xin" được đầu tư thì điều đó làm chúng tôi cảm thấy không được tôn trọng.

Hiện nay, chúng tôi cũng thấy Nhà nước đang làm cật lực đó là cải tiến môi trường đầu tư và kinh doanh. Khi môi trường này được cải tiến thì giai đoạn từ khởi nghiệp đến thành công của một doanh nhân trên thương trường VN không phải là 20 năm mà chỉ còn 3 - 5 năm thôi.

Như vậy chúng ta sẽ có rất nhiều doanh nhân trẻ trên thị trường. Và với một lực lượng doanh nhân trẻ thành đạt với tuổi đời phơi phới như thế thì việc chiếm lĩnh chỗ đứng trên thương trường thế giới là việc hoàn toàn có thể.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: