Quản lý giáo dục đâu là bước đột phá?

03:51 CH @ Chủ Nhật - 30 Tháng Mười Một, 2003

Trước đòi hỏi ấy, người dân lo lắng, Chính phủ băn khoăn bởi “chất lượng giáo dục từ phổ thông đến đại học nhìn chung còn thấp, cách dạy và học nặng về thuộc lòng, rất kém tính sáng tạo và năng lực thực hành” (Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa XI). Thực trạng ấy cần có lời giải. Trách nhiệm ấy thuộc về lãnh đạo ngành GD-ĐT, trước hết là ông Bộ trưởng. Thế nhưng 

Từ những lời nhận thiếu sót của ông Bộ trưởng

Trong chương trình, trả lời chất vấn tại QH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chiếm giải “quán quân” về thời gian đăng đàn. Tại các kỳ họp, qua các báo cáo của Bộ trưởng và ý kiến của đại biểu QH về GD-ĐT, thành tích cũng nhiều mà thiếu sót cũng lắm, trong đó vấn đề quản lý chỉ đạo của ngành rất được quan tâm .

Phải nói rằng ông Bộ trưởng đã dám nhìn thẳng vào những khuyết điểm yếu kém. Ngay từ kỳ họp đầu tiên, vào cuối năm 2002, khi nói về thiếu sót, ông tự phê bình : “Tôi nghĩ là do cách xử lý của Bộ GD-ĐT, thái độ tiếp thu phê bình của lãnh đạo Bộ và các cơ quan quản lý của chúng tôi, đôi khi vừa quan liêu, vừa chậm chạp. Về điều này, Thủ tướng cũng đã phê bình chúng tôi nhiều lần ”. Có thể nói đó là sự nhận lỗi khá nặng nề. Sau đó, tại Kỳ họp thứ ba, ông lại tiếp tục nhận “trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ GD-ĐT, do công tác quản lý chưa tốt, còn nhiều yếu kém bất cập ”.

Đến Kỳ họp thứ tư, ông cũng đã tự phê phán khá toàn diện sâu sắc, nghe thật thấm thía và cũng bộc lộ: “Những yếu kém bất cập về chất lượng giáo dục có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nhưng trước hết là do công tác quản lý chưa theo kịp yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Bộ GD-ĐT chưa chú trọng đúng mức tới việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về khoa học giáo dục nói chung, về đánh giá và quản lý chất lượng giáo dục nói riêng, chưa chỉ đạo mạnh mẽ, kiên quyết việc đổi mới phương pháp dạy và học, chậm xây dựng cơ quan khảo thí và ổn định chất lượng giáo dục, chưa thực sự quyết tâm trong cải tiến một cách đồng bộ việc kiểm tra thi cử, đánh giá ”. Ông nói tiếp về sách giáo khoa, nạn dạy thêm học thêm tràn lan, về trình độ, nhận thức và cả ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ giáo viên ; đồng thời nhìn nhận thẳng thắn về sự kém “uy”, kém “lực” của lãnh đạo Bộ: “Các giải pháp về quản lý của ngành chưa tạo ra động lực đủ mạnh để từng giáo viên, từng nhà trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, coi đó là mục tiêu, là uy tín và sự sống còn của mình”.

  Đến những suy ngẫm của người dân

Thực tiễn hoạt động GD-ĐT trong nhiều năm qua đã đem đến cho người dân khá nhiều suy nghĩ. Nhìn chung, mọi người đều thấy ngành GD-ĐT thực hiện nhiều đổi mới: thay đổi chương trình, sách giáo khoa, cải tiến thi cử, tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị   nhưng điều mà người dân mong muốn, đòi hỏi là những đổi thay ấy mang lại hiệu quả gì, chất lượng ra sao. Họ có phần nào mừng vui khi con em họ làm bài tốt hơn trong kỳ thi vào CĐ, ĐH nhờ đề thi sát hợp chương trình THPT hơn trước. Nhưng họ không khỏi băn khoăn khi con họ vẫn quá vất vả, mất quá nhiều thời gian học hành, khi không ít thầy cô giáo đã bỏ qua cái thời “tất cả vì học sinh thân yêu” 

Qua nhiều lần nghe chất vấn và Bộ trưởng GD-ĐT trả lời chất vấn, người dân vẫn chưa tự giải đáp được thắc mắc: tại sao Bộ trưởng nhiều lần nhận thiếu sót, hứa sửa chữa mà sự khắc phục yếu kém lại chậm chạp thế, đến mức có những việc cứ phải nói đi nói lại mãi trên diễn đàn QH? Tại Kỳ họp thứ tư, người dân còn được nghe Bộ trưởng trả lời đại biểu: “Quả tình chúng tôi rất khó, không dám trả lời là khi nào chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm”. Dù biết đó là điều khó, câu trả lời là rất thành thật nhưng người đứng đầu ngành, chịu trách nhiệm chính về chuyện dạy, chuyện học mà còn trả lời như thế thì biết trông cậy vào ai để sớm đánh tan nạn “buôn chữ”. Những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm đã tồn tại nhiều năm nay mà lời hứa khắc phục cũng chỉ là “hết sức cố gắng để hạn chế, ngăn chặn từng bước hiện tượng này” (?).

Tại Kỳ họp thứ tư, đã nhiều lần đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của từng bộ trưởng, người đứng đầu từng ngành. Với GD-ĐT cũng vậy, đại biểu và nhân dân đòi hỏi sự đổi mới quản lý chỉ đạo của Bộ trưởng. Lịch sử còn ghi lại muôn vàn khó khăn trong những năm đầu cách mạng và hai cuộc kháng chiến trường kỳ nhưng trong hoàn cảnh ấy, việc chuẩn bị con người cho sự nghiệp xây dựng đất nước vẫn đạt kết quả tốt đẹp. Bây giờ dù khó khăn nhưng chắc chắn không thể khó bằng những năm tháng ấy. Vấn đề đặt ra là bản lĩnh, trình độ và tấm lòng của người cầm quân đến đâu.

Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ tư cũng có nói: “Cùng một chủ trương, chính sách được áp dụng trong điều kiện tương tự, kết quả thực hiện của các ngành, các địa phương, các đơn vị cơ sở rất khác nhau”. Từ thực tế ấy, mong rằng Bộ GD-ĐT sẽ có những bước đột phá trong đổi mới quản lý, chỉ đạo để dẫn dắt toàn ngành bước sang trang mới, để người dân được bớt nỗi băn khoăn và góp phần đưa con tàu giáo dục Việt Nam cập bến bờ đúng hẹn.

HNM

LinkedInPinterestCập nhật lúc: