Tìm bản gốc của bài Kinh thi lang bạt
Trên Văn hóa Nghệ An, Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt có bài: “Lang bạt kỳ hồ và thói quen làm khoa học ếch ngồi đáy giếng.” Chỉ chưa tới 1300 từ, bài viết súc tích, trình bày một cách sâu sắc, thuyết phục nội dung thành ngữ cổ đồng thời phê bình “tới bến” thói làm khoa học hời hợt khá phổ biến của dân Việt.
Thực ra điều này không mới, vì là thành ngữ xuất phát ở kinh Thi nên từ xa xưa đã được bàn khá kỹ. Nhưng vì thói quen tò mò, tôi thử kiểm định nội dung bài viết bằng cách tra Bân phong và nhận được thông tin sau:
I. 1. Trên trang nhantu.net (http://nhantu.net/VanHoc/KinhThi/KinhThi06.htm)
狼 跋 (豳 風 第 七)
Lang bạt kỳ hồ, 狼 跋 其 胡
Tải trí kỳ vĩ; 載 疐 其 尾
Công tôn thạc phu, 公 孫 碩 膚
Xích tích kỷ kỷ. 赤 舄 几 几
(Hứng dã) 興 也
Lang nhảy trước, lôi thôi vướng yếm,
Lang lùi sau bất tiện vướng đuôi.
Chu Công trang nhã thảnh thơi,
Thảnh thơi trang nhã, đi đôi hán hài.
Lang trí kỳ vĩ, 狼 疐 其 尾
Tải bạt kỳ hồ 載 跋 其 胡
Công tôn thạc phu, 公 孫 碩 膚
Đức âm bất hà. 德 音 不 瑕
(Hứng dã) 興 也
Lang muốn lùi, cái đuôi nó án,
Lang muốn tiến cái yếm nó ngăn.
Chu Công nức tiếng khoan nhân,
Tiếng đồn đức hạnh thập phần thanh cao.
2. Trên trang thivien.net:
http://www.thivien.net/Kh%E1%BB%95ng-T%E1%BB%AD/Lang-b%E1%BA%A1t-2/poem-d5Nib9aL9LzLaBlOr2kuSQ
Lang bạt 1
Lang bạt kỳ hồ,
Tái trí kỳ vĩ.
Công tốn thạc phu
Xích tích kỷ kỷ.
Dịch nghĩa
Chó sói bước tới thì đạp nhằm miếng da thòng ở cổ.
Thoái lui thì đạp nhằm cái đuôi.
Chu công từ tốn nhưng vinh quang to tát và đẹp đẽ.
Ngài mang đôi giày đỏ một cách rất tự nhiên trang trọng.
Chú giải của Chu Hy:
Chương nầy thuộc hứng.
Bạt, đạp lên.
Hồ, miếng da thòng ở trước cổ chó sói.
Tái, thì.
Trí, vấp váp.
Chó sói già thì có miếng da thòng ở dưới cổ, hễ tiến tới thì đạp nhằm miếng da thòng ở cổ ấy, thoái lui thì đạp nhằm cái đuôi.
Công, Chu công.
Tốn, khiêm nhường, từ tốn.
Thạc, to lớn.
Phụ, đẹp.
Xích tích, giày đỏ khi mặc lễ phục và đội mão.
Kỷ kỷ, dáng yên ổn trọng hậu.
Chu công dẫu bị lời phỉ báng nghi ngờ, nhưng cách xử trí của ngài không mất độ thường, cho nên mới được nhà thơ khen ngợi. Nói rằng: Chó sói bước tới thì đạp nhằm miếng da thòng ở cổ, thối lui thì đạp nhằm cái đuôi (ý nói tiến thoái đều khó khăn). Còn Chu công gặp phải biến cố vì lời phao truyền phỉ báng, mà cách ăn ở đi đứng vẫn an nhiên tự đắc như thế, bởi vì với đạo cao đức cả ngài vẫn được yên vui, đức hạnh ấy không thể nào nói xiết được. Cho nên tuy gặp đại biến, ngài vẫn không mất độ thường.
3. Để chắc ăn, tôi tra mục 狼跋_百度百科 (Lang bạt - Bách độ bách khoa) và (http://m.zwbk.org/lemma/78445) trong đó có cả tiếng Anh thì nội dung chủ yếu vẫn như trên, gần như trình bày của Ts. Nguyễn Ái Việt.
II. Tuy vậy, khi đọc tất cả thông tin về bài thơ, tôi có ba điều phân vân:
1. Về nguồn gốc, kinh Thi là những bài phong dao nói lên phong tục tập quán ở nơi thôn cùng xóm vắng tại các nước chư hầu nhà Chu. Thiên tử nhà Chu cho sưu tập những câu ca trong dân gian để từ đó đánh giá trình độ văn hóa các nước chư hầu. Là lời ca của người dân, nơi rất xa triều đình, có lẽ nào lại nói về ông Chu công Đán tít mít trong cung cấm? Vì vậy gán cho kinh Thi nói về Chu công là chuyện khiên cưỡng, có thể là sự áp đặt của người đời sau. Mặt khác, sói lang là loài vật gian hiểm, độc ác. Đem sói lang ra so sánh với ông Chu công là việc làm xái, phạm thượng. Trong kinh Thi liệu có thể có việc làm bất kính như vậy không?
2. Thông thường, một bài Thi có từ hai tới bốn phần (đoạn). Tất cả các phần đều mang cùng một ý nghĩa. Nhưng trong bài này, đoạn thứ nhất nói con sói tiến thoái lưỡng nan. Trong khi đó, đoạn thứ hai nói ông Chu công đi đứng khoan thai. Như vậy, ý của hai đoạn tương phản nhau, trái với cấu trúc thông thường của kinh Thi.
3. Thực sự có những con sói già tới mức xuất hiện yếm da ở cổ, khi bước đi, chân dẵm vào yếm không? Sói là con vật kiêu dũng của thảo nguyên, nhanh và mạnh trong sức mạnh của bầy đàn. Con sói bị thương không có nhiều thời gian để liếm láp vết thương của mình! Nếu phải rời khỏi đàn, dù chưa bị chết vì đói thì cũng bị thợ săn tóm cổ hay linh cẩu, hổ báo “xơi tái” trong môi trường đấu tranh sinh tồn khốc liệt. Cũng như danh tướng “bất hứa nhân gian kiến bạch đầu,” sói rất ít khả năng sống tới già. Tự nhiên đã tạo cho con sói thân hình tuyệt đẹp với chiếc cổ thon vững chãi. Do vậy khi già lớp da ở cổ con sói chảy thòng xuống là điều trái tự nhiên. Cho rằng sói sống lâu tới mức yếm da ở cổ chảy thòng xuống khiến nó vấp phải là điều bịa đặt! Nhưng, như mô tả trong sách vở, việc “sói có yếm dài thòng” đã vào kinh Thi, làm nên thành ngữ thì phải là hiện tượng phổ biến! Đây là mâu thuẫn loại trừ nhau. Ngay loài có yếm như bò, lạc đà thì cũng không hề có chuyện yếm thòng xuống tới mức con vật vấp phải! Vì vậy tôi không tin là có chuyện sói già với yếm da thòng dài ở cổ như được mô tả. Từ đó dẫn tới nghi ngờ tính xác thực của bài Lang bạt?!
III. Do không tự giải được hoài nghi của mình, tôi hỏi người bạn thông thái Đỗ Ngọc Thành, tác giả Phát hiện lại Việt nhân ca, Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn, Đi tìm nguồn gốc chữ Nôm... Từ Sacramento, anh gửi cho tôi:
“Ông Nguyễn Ái Việt viết hoàn toàn đúng theo sách Tàu. Nhưng do sách xưa sai nên ổng sai luôn! Ở thời Chu, khoảng hơn 3000 năm trước, bài ca của người Việt được sưu tập và ký âm bằng chữ vuông. Cố nhiên, lúc đó vẫn được đọc theo âm Việt. Nhưng rồi với thời gian, cách nói của dân cư thay đổi. Những chữ được ghi trong Thi không còn được đọc theo âm cũ. Cũng vì vậy mà nghĩa của nhiều chữ bị thay đổi. Bây giờ, muốn hiểu đúng nghĩa của bài Thi, buộc phải phục nguyên bản gốc tiếng Việt cổ của nó.
Theo tôi, những chữ gốc của bài Lang bạt như sau:
跋 vốn là trèo bòchuyển thành bạt
胡 là Hang, hố chuyển thành hồ
載 chòi chuyển thành tái
几 几 vốn là kè kè, bị chuyển thành kỷ kỷ
疐 chìa ra chuyển thành chí
尾) vẫy chuyển thành vĩ
碩 膚: chữ 肤 phu nầy là 夫phu mang theo cái bụng thể hiện bằng bộ 肉 nhục cách điệu thành chữ 月nguyệt. Ở đây bụng phệ chuyển thành thạc phu
舄: đọc là tích nhưng gốc là guốc. Bây giờ ít ai biết chữ nầy. Tiếng Triều Châu giử được phát âm như "kéat". Chữ nầy phía trên là 臼 (cúc), phía dưới là hình thể hiện các ngón chân hay là tay. Chữ 寫 (tả) nghĩa là viết thì cũng có hình các ngón thì mới lột tả được "cầm bút mà viết". Cũng giống như bài Việt nhân ca mô tả, ngày đầu được phong, Tương Thành quân mang guốc cao. Guốc đỏ chứng tỏ địa vị của công hầu hay quan lại vì vua mới được mang guốc vàng.
德 vốn là chữ đượcchuyển thành chữ đức.
音 vốn là tiếng sau chuyển thành âm
瑕 vết , dấu vếttrên đồ vật. Ngày nay có người đoán rằng chữ này có nghĩa là giả! Có sách ghi là hà. Hàvà hận (痕) giống nhau. Chữ hận còn đọc là hằnnhư bên Quảng Đông, có nghĩa là vết.
Như vậy, nguyên văn tiếng Việt cổ của bài thơ theo tôi như sau:
Lang bò vô hang, chồi chìa cái đuôi,
Công tôn bụng phệ, guốc đỏ kè kè.
Lang chìa cái đuôi, chồi bò vô hang,
Công tôn bụng phệ, được tiếng không vết.
Bài ca nói về việc con sói chui vào hang nhưng vẫn lòi đuôi ra ngoài. Tương ứng với việc ông quý tộc (công tôn là dòng họ quý tộc) dù có che giấu nhưng vẫn lộ ra ở cái bụng phệ và đôi guốc đỏ (bài 1). Còn bài 2 nói con sói vẫn thò đuôi ra ngoài khi chồi bò vô hang, trong khi ông quý tộc ăn nhiều, bụng to, mặc đẹp, được tiếng là không có tỳ vết: quý tộc còn ghê gớm hơn cả lang sói!
Bài thơ châm biếm quý tộc "dấu lộc ăn" mà vẫn dấu đầu lòi đuôi vì cái bụng phệ... Được so sánh như lang sói dấu thức ăn trong hang-hố mà chòi, bò vào hang hố vẫn ló cái đuôi! Tính cách của lang sói là hung ác! Tính cách của quí tộc thật sự là có tiếng và thật sự có miếng (bất giả) chứ không phải hư danh! Bài thơ tả chân hành động lẩn quẩn giấu đầu lòi đuôi như anh khờ như hề của quí tộc ăn nhiều bụng phệ nhưng lại tỏ ra đạo mạo.
Thành ngữ trong bài này có thể rút ra là “Giấu đầu hở đuôi”!
Theo phân tích của anh Đỗ Ngọc Thành thì nguyên văn ban đầu chữ 胡 có nghĩa là hang, hố. Tới lúc nào đó, nghĩa hang hốbiến mất. Người đời sau thấy câu ca nói con sói xuôi ngược ra vào, tiến thoái đều khó giữa hồ và vĩ, đã “sáng tác” ra hồlà cái yếm thòng ở cổ con sói già cho thuận với nghĩa tiến thoái lưỡng nan! Kết quả là, qua hàng nghìn năm, nhân loại vẫn tin một điều không có thật là con sói già có yếm! Và ý nghĩa của câu ca từ giấu đầu hở đuôi chuyển thành tiến thoái lưỡng nan!”
Tôi cũng nhận thấy những điều loanh quanh lúng túng vô lý trong bản tiếng Trung ( http://m.zwbk.org/lemma/78445). Do không hiểu kỷ kỷ vốn là kè kè, bản tiếng Trung cho là mũi giầy cong vút lên, một biểu trưng của quý tộc. Từ Mao thi truyện qua Chu Hy tới các đại nho thời Thanh đều sai! Tôi cũng được giải phóng khỏi thắc mắc vì sao bài ca dân dã lại nói tới chuyện thâm cung bí sử của triều đình! Hoàn toàn không, nó chỉ nói điều gần gũi: con sói giấu đầu hở đuôi, còn ông quý tộc ăn ngon mặc đẹp! Sau này các nho sĩ xu phụ triều đình quy cho ý nghĩa ca tụng Chu công!
Tôi cũng thấy những lầm lẫn trong hai bản dịch Lang bạt dẫn ở trên! Hóa ra một dây chuyền cái sai kéo dài hàng ngàn năm!
Từ khám phá của bạn, tôi cũng nghĩ tới khả năng là, hiện tượng sói và hang, còn có biến thể khác: con sói khi bị đuổi khỏi hang thì lâm tình cảnh phiêu dạt khốn đốn. Do lẽ đó, từ lâu trong dân gian Việt, những người không biết tới kinh Thi cũng như kinh điển Tàu, lưu truyền ngạn ngữ lang bạt kỳ hồ với nghĩa con sói bị đuổi (bạt) khỏi hang để ví với người không gia cư điêu linh thất sở. Như vậy, bên cạnh nghĩa hàn lâm bác học mà các đại nho lấy từ kinh Thi thì câu trên còn có nghĩa khác, hiện đang được giới bình dân dùng trong tiếng Việt: lang bạt với nghĩa lang thang phiêu bạt! Là thành ngữ tồn tại như một đơn vị từ độc lập trong tiếng Việt thì có nên truy nguyên cái gốc Tàu giả tưởng để loại bỏ nó?!
Vấn đề ở đây là gì? Là chuyện các đại nho Trung Hoa không hiểu chữ Tàu nên suy diễn tùy tiện, giảng sai bài Lang bạt trong kinh Thi! Nhưng đấy chẳng phải thí dụ duy nhất. Có thể tìm ra vô số trong Đạo đức kinh, Sở từ… Có lần Đỗ Thành chỉ cho tôi: câu quân tử hảo cầu trong bài Quan thư cũng đã bị xuyên tạc. Quân tử ở đây bị biến thành quân từ Tàu bốc mùi thanh giáo. Còn chàng trai Việt đích thực của bài thơ, gặp gái xinh nơi bãi vắng sẽ không chịu đứng xa cầu với nguyện mà quân tử hiếu kều tức là dùng tay, động thủ!
Từ trải nghiệm của mình và nhờ sự mẫn tiệp trời cho, Đỗ Ngọc Thành phát hiện:
“Chữ vuông được chế ra để ký âm tiếng Việt cổ. Vì vậy, mọi chữ vuông chỉ khi đọc bằng âm Việt cổ và giải nghĩa theo nghĩa Việt cổ mới chính xác. Thực tế là ngày nay, do không biết cách đọc âm Việt cổ cũng như nghĩa Việt cổ nên người Trung Quốc đọc chữ Hán chỉ là những người mù sờ voi!”
Bài học rút ra: đừng quá tin sách Tàu!
Nguyên Tiêu năm Ất Mùi
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn