Tiểu La Nguyễn Thành, người khai sáng Duy Tân hội

11:40 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Mười Hai, 2015

Đầu thế kỷ XX, Quảng Nam - miền đất địa linh nhân kiệt, đã khai sinh ra hai phong trào cách mạng cứu nước rất quan trọng trong lịch sử dân tộc đó là Duy Tân hội và phong trào Duy Tân.

Duy Tân hội thường gọi là "Ám xã", hoạt động bí mật, theo đường lối quân chủ, chủ trương "bài Pháp giành độc lập".

Phong trào Duy Tân thường gọi là "Minh xã", hoạt động công khai, theo đường lối dân chủ, chủ trương "ỷ Pháp tự cường" do Phan Châu Trinh khởi xướng cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp lãnh đạo.

Nói đến Duy Tân hội và phong trào Đông Du, lâu nay sử sách chỉ đề cao Phan Bội Châu là người "lãnh đạo", "đề xướng thành lập", còn Tiểu La Nguyễn Thành chỉ được xem là một sáng lập viên (1). Thực ra, Tiểu La Nguyễn Thành mới là "ông tổ mở mối", là người đặt ra "kế hoạch vĩ đại" cho đường lối cứu nước những năm đầu thế kỷ XX của Phan Bội Châu như chính Phan Bội Châu đã thừa nhận (2).

Nguyễn Thành trước có tên là Nguyễn Hàm, sinh năm Quí Hợi (1863) tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là ấp Quí Thạnh, xã Bình Quí, huyện Thăng Bình, Quảng Nam).

Ông xuất thân trong một gia đình quan lại, thân phụ là Nguyễn Trường làm quan dưới triều Tự Đức, từng giữ chức Bố Chánh tỉnh Bình Định, sau sung chức Kinh lược sứ An Khê, hàm Tham tri. Ông là con trai thứ, được phong hàm Ấm tử nên người trong vùng thường gọi là Ấm Hàm, tự là Triết Phu, hiệu Nam Thịnh.

Thuở nhỏ ông học chữ Hán và luyện tập võ thuật, năm Ất Dậu (1885) ông ra Huế dự kỳ thi Hương nhưng sắp đến ngày thi thì xảy ra cuộc binh biến đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885 do Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết lãnh đạo, tấn công quân Pháp ở trấn Bình Đài (tức đồn Mang Cá Huế) và toà Khâm Sứ. Cuộc binh biến không thành công, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, Quảng Trị phát hịch Cần vương. Kinh thành Huế thất thủ, con đường cử nghiệp của Ấm Hàm cũng chấm dứt, ông quay về quê hương, nuôi chí diệt thù cứu nước.

Tham gia Nghĩa Hội Cần Vương

Hịch Cần Vương vừa ban ra, khắp nơi đều hưởng ứng, nhưng Tôn Thất Thuyết cùng những quần thần theo phò vua không có chủ trương, đường lối để tổ chức, lãnh đạo cuộc kháng chiến nên các sĩ phu yêu nước phải tự động đứng ra chiêu mộ binh mã lập căn cứ chống Pháp ở từng vùng riêng lẻ, tự mình đảm đương mọi việc, không có sự trợ giúp và chỉ đạo chung.

Toàn thể các tỉnh, thành, phủ, huyện miền Trung, nơi nào cũng có căn cứ của Nghĩa Hội Cần Vương, Văn Thân.

Theo Nguyễn Thanh Dân, cháu nội đích tôn của Tiểu La Nguyễn Thành, Ấm Hàm lúc bấy giờ mới 22 tuổi, đã tận mắt chứng kiến những hành động ngang ngược vô nhân đạo của giặc Pháp xâm lược lúc kinh thành Huế thất thủ nên vô cùng căm phẫn, vì thế sau khi ông vượt đèo Hải Vân về đến quê nhà liền đứng ra tập hợp các thanh niên trai tráng trong vùng Thăng Bình, Quế Sơn ngày đêm luyện tập võ thuật, binh pháp đợi ngày xông pha chiến trận.

Tháng 9 năm Ất Dậu (1885), Tiến sĩ Trần Văn Dư, giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam, hưởng ứng chiếu Cần vương, quyết định đánh chiếm thành tỉnh Quảng Nam, kêu gọi Ấm Hàm đem quân phối hợp. Ấm Hàm nhận nhiệm vụ chỉ huy đội quân đi tiên phong và họp kín với Trần Văn Dư đưa ra kế hoạch tác chiến. Cuộc tấn công chớp nhoáng, bất ngờ, quân địch không kịp chống trả nên nghĩa quân đã chiến thắng vẻ vang. Ấm Hàm ra lệnh cho quân của mình vào kho vũ khí thu hết súng đạn đem về trong lúc các tướng khác đua nhau lấy tiền bạc của cải.

Sau chiến thắng, Ấm Hàm bàn với Trần Văn Dư nên rút lực lượng về vùng núi để lập căn cứ kháng chiến, không nên chiếm giữ thành tỉnh vì thế nào quân Pháp cũng phản công và cần phải phát triển lực lượng nhiều thêm nữa mới có thể chiến đấu lâu dài với kẻ thù. Trần Văn Dư nghe theo thuộc hạ không chấp nhận ý kiến của Ấm Hàm, ông đành phải rút quân của mình về vùng núi Ô Gia thuộc huyện Đại Lộc, lập căn cứ.

Trần Văn Dư cùng các bộ tướng ngày đêm lo đắp luỹ, sửa thành, canh phòng nghiêm ngặt, quyết tâm chống giữ. Quân Pháp cùng với quân triều kéo vào tấn công, nghĩa quân chiến đấu hết sức anh dũng nhưng do vũ khí thô sơ, thiếu thốn nên phải rút lui khỏi tỉnh thành kéo về căn cứ để bảo toàn lực lượng. Đến tháng 10 năm 1885 Sơn phòng bị thất thủ, sau đó Trần Văn Dư bị bắt và bị sát hại vào tháng 12 năm 1885.

Đầu năm 1886 Nghĩa Hội Cần Vương Nam-Ngãi-Định chính thức thành lập tôn Nguyễn Duy Hiệu làm hội chủ, lập trụ sở gọi là Tân Tỉnh ở Trung Lộc thuộc huyện Quế Sơn để chỉ huy. Nguyễn Duy Hiệu viết thư mời Ấm Hàm tham gia và cử ông giữ chức Tán Tương quân vụ, kiêm Tham biện tỉnh vụ. Từ đấy nhân dân trong vùng gọi ông là Tán Hàm.

Tán Hàm tổ chức nghĩa quân thành cơ, đội, đề ra kỷ luật, thưởng phạt nghiêm minh, ngày đêm ráo riết luyện tập binh pháp, võ thuật. Để mở rộng địa bàn kháng chiến, ông đề nghị với Nguyễn Duy Hiệu lập thêm các căn cứ phía nam của tỉnh như căn cứ ở núi Gai, La Nga, Eo Gió, An Lâm, kho quân lương ở Dốc Trâm, các lò rèn đúc binh khí ở Đồng Linh, Phước Cang và một nơi chế hoả pháo, tạc đạn ở Phước Hà.

Đây là thời gian Nghĩa Hội Cần Vương Quảng Nam phát triển rầm rộ nhất, dân chúng các nơi hưởng ứng tham gia rất đông, các phú hào, tiểu nông, thương gia đóng góp lương thực, tiền của khá nhiều. Tuy thế do lập thêm căn cứ, quân sĩ đông, chi phí tăng nên các đóng góp của dân chúng vẫn không đủ, Tán Hàm phải xin bà đích mẫu cho bán gần 30 mẫu ruộng của gia đình để chi dùng vào việc quân (3).

Sau khi phát triển lực lượng, Tán Hàm liền mở các cuộc tập kích vào các đồn binh của Pháp và Nam triều làm cho quân địch bối rối phải lo phòng thủ. Tháng 11 năm Bính Tuất (1886), quân Pháp và quân Nam triều dưới sự chỉ huy của Đại tá Braxcini mở cuộc hành quân lên Ái Nghĩa, Đại Lộc để tiêu diệt nghĩa quân. Tán Hàm đem quân mai phục ở các địa thế hiểm trở, chờ lúc nửa đêm khi quân địch ngủ say bất ngờ tấn công, chúng phải mở đường máu chạy về Thu Bồn để phối hợp với quân Pháp đồn trú tại đây. Thừa thắng, Tán Hàm lại tiếp tục tấn công Thu Bồn, quân Pháp bại trận phải bỏ luôn Thu Bồn chạy về Đà Nẵng. Từ đó thanh thế của Nghĩa hội vang dậy, nghĩa quân đã làm chủ hầu hết các vùng nông thôn của Quảng Nam.

Từ khi thực dân Pháp dùng Nguyễn Thân đem quân tấn công Nghĩa Hội Cần Vương ở Quảng Ngãi và Đốc Phủ sứ Trần Bá Lộc mang đội quân lính tập từ Nam kỳ ra miền Trung đánh dẹp Cần Vương Bình Định, Phú Yên, thì lực lượng nghĩa quân ở đây lâm vào tình thế nguy khốn, Nguyễn Duy Hiệu cử Tán Hàm đem quân vào Quảng Ngãi rồi sau đó vào Bình Định tiếp cứu, đánh cho quân địch tổn thất nặng nề. Tuy quân Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc thất trận phải rút lui, nhưng nghĩa quân Quảng Ngãi và Bình Định cũng bị suy yếu rất nhiều.

Qua hai mặt trận Quảng Ngãi, Bình Định, Nguyễn Thân đã đánh giá cao về tài quân sự của Tán Hàm nên căn dặn tướng sĩ của mình phải hết sức cẩn trọng đối với Nguyễn Hàm. Trong lúc giao chiến, cấm không được khinh suất chuốc lấy thảm bại vì: "Nam Ngãi dụng binh duy Hàm nhất nhơn" (Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, về tài quân sự chỉ Nguyễn Hàm là số một).

Sau khi đặt Đồng Khánh lên ngôi, thực dân Pháp mở chiến dịch quân sự quyết liệt tấn công các căn cứ Cần Vương ở khắp nơi. Tại Quảng Ngãi, sau trận kịch chiến với Nguyễn Thân, lực lượng nghĩa binh suy yếu, thủ lãnh Nguyễn Bá Loan qua đời. Cần Vương Quảng Ngãi, Bình Định tuy chưa bị tan rã nhưng cũng không còn đủ sức tấn công quân giặc như trước.

Nguyễn Thân đem quân ra Quảng Nam phối hợp với quân Pháp và quân Nam triều tấn công vũ bão vào các căn cứ nghĩa quân, Tân Tỉnh bị đánh ác liệt. Tại trận kịch chiến ở Gò May, nghĩa quân đại bại, Tân Tỉnh bị đốt cháy, san bằng, Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến phải giải tán lực lượng. Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự tử, Nguyễn Duy Hiệu tự trói mình nạp mạng cho quân thù để nhận lãnh hết trách nhiệm rồi chịu chết.

Lúc bấy giờ, nghĩa quân còn lại rất ít, phải thường xuyên lẫn quất ở vùng triền núi Quảng Ngãi, nhưng Tán Hàm và Hồ Học dùng mưu lược chiến đấu suốt cả năm trời mà Nguyễn Thân không tiêu diệt được. Tuy thế, tình hình đất nước ngày càng xấu đi, cuối năm 1888, vua Hàm Nghi bị Pháp bắt và đưa đi đày, tinh thần của nghĩa quân nao núng, nhiều người bỏ về quê, quân số chỉ còn khoảng mấy chục người, đa số là người Quảng Nam thuộc lực lượng đưa vào tiếp viện cho Quảng Ngãi và Bình Định năm trước. Trong tình thế đó, Tán Hàm phải rút quân về Eo Gió Quảng Nam bằng đường núi. Khi đoàn quân của ông đến đoạn đường hiểm trở, hai bên vách núi cheo leo tên là Cầu Cháy thuộc huyện Bình Sơn thì bị quân Nguyễn Thân phục kích vây đánh, tướng Hồ Học trúng đạn tử thương, còn ông thì bị bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Nguyễn Thân vì phục tài của ông nên đã ra lệnh cho thuộc hạ không được giết chết mà phải bắt sống hầu mua chuộc, dụ dỗ ông ra làm quan với Nam triều, nhưng ông đã khéo léo từ chối.

Ẩn nhẫn đợi thời

Lấy cớ phụng dưỡng mẹ già, Nguyễn Hàm xin được về quê cày cuốc làm ăn sinh sống, Nguyễn Thân bất đắc dĩ chấp thuận nhưng đồng thời lệnh cho nha phủ Thăng Bình quản thúc, theo dõi ông.

Về quê, ông xây dựng Nam Thịnh sơn trang ở làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Cũng theo Nguyễn Thanh Dân thì những năm đầu, ông chăm chú điều khiển công việc cày cấy, vui vẻ chuyện trò, nhắc nhở người làm, chứng tỏ thái độ an phận làm ăn để che mắt bọn mật thám của nha phủ, chỉ sau ba năm nông trang đã phát triển, người làm ra vào tấp nập. Ông thường đi thăm các gia đình nông dân nghèo khổ, hoà đồng với cuộc sống của họ, cùng ăn với họ củ khoai lang chấm muối, uống bát nước lá mồng năm, ai cũng vui sướng, hớn hở khi được ông ghé đến túp lều tranh của họ và nhờ đó ông hiểu thêm cuộc sống cũng như thân phận của họ. Lúc bấy giờ, nhiều người thấy ông lúc nào cũng vui vẻ, không đá động gì đến chuyện đất nước nên lầm tưởng ông đã thoả mãn với cuộc sống ấm no của riêng mình mà lãng quên tổ quốc đồng bào, nhưng nào có ai biết, đêm đêm, khi mọi người đã ngon giấc, thì ông vẫn một mình đi lại trong vườn suy nghĩ đắn đo, tìm kiếm một hướng đi khác thích hợp để đánh đuổi quân thù. Con đường Cần Vương đã thất bại, mấy chục chàng trai năm xưa hăng hái theo ông phò vua cứu nước nay đã thành liệt tử cô thần, đất nước vẫn điêu linh mà hướng đi mới thì chưa ló dạng. Ông đem tâm sự đó gửi đến hai người đồng chí của mình là Đỗ Đăng Tuyển và Châu Thượng Văn.

Ít lâu sau, ông được Đỗ Đăng Tuyển trao cho văn bản Thiên hạ đại thế luận của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch và sau đó ông còn nhận được các sách báo của Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu và của các tác giả khác như: Trung Quốc Hồn, Tân Văn Tùng Báo, Dinh Hoàn Chí Lược, Trung Đông Chiến Kỷ, Phổ Pháp Chiến Kỷ, các sách nói về nhân quyền, dân quyền, dân chủ của các nhà tư tưởng Âu Tây dịch sang Hán văn như: Dân ước luận, Vạn pháp tinh lý..., do các lái buôn người Hoa đến Hội An bằng thương thuyền đem bán mà ông Châu Thơ Đồng (Châu Thượng Văn) đã chọn mua. Nhờ nghiên cứu các tài liệu sách báo đó, ông đã hiểu rõ thực trạng nghèo đói, lạc hậu của Trung Quốc và Việt Nam lúc bấy giờ và thúc đẩy ông quyết tâm cứu nước theo quan điểm, tư duy mới. Từ đây ông huỷ bỏ tên Nguyễn Hàm mà thời tham gia Nghĩa Hội Cần Vương những người trong vùng quen gọi là Tán Hàm và thay bằng tên Nguyễn Thành, hiệu Tiểu La để bước sang một giai đoạn mới.

Thành lập Duy Tân hội

Từ lâu người ta chỉ nói đến Phan Bội Châu là người thành lập Duy Tân hội và lãnh đạo phong trào Đông Du mà không chú ý đến Tiểu La Nguyễn Thành. Sự thực chính Tiểu La Nguyễn Thành mới là người khai sáng Duy Tân Hội. Vai trò tổ chức, lãnh đạo của ông đã thể hiện rõ ràng qua những sự việc cụ thể do chính Phan Bội Châu kể lại trong hai tài liệu vô cùng quí giá là Ngục Trung Thư và Tự Phán:

* Tiểu La Nguyễn Thành gặp Phan Bội Châu, đưa ra những kế sách hành động:

Mùa xuân năm Quý Mão (1903), dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Quýnh, Phan Bội Châu từ trường Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế vào Quảng Nam đến nông trang Nam Thịnh gặp Nguyễn Thành. Thế là lửa đã gặp gió, Nguyễn Thành đã gặp được người đồng tâm đồng chí để mưu bàn đại sự, vì thế ngay từ đầu mới gặp Phan Bội Châu mà Nguyễn Thành vui thích như bạn quen đã lâu ngày, cùng nhau kể chuyện tâm phúc đến suốt đêm. Trong cuộc hội kiến này, mọi nhân tố đã được Nguyễn Thành chuẩn bị sẵn sàng, ông đưa ra 3 kế sách hành động mà ông đã dày công suy ngẫm bấy lâu nay khiến cho Phan Bội Châu vô cùng khâm phục. Trong Ngục Trung Thư, Phan Bội Châu kể lại:

"Tôi đem chí muốn ra phân trần. Cụ vỗ tay nói: "Hay dữ! Thuở nay, ai muốn mưu toan đại sự, trước hết phải cần ba điều này: một là thu phục lòng người, hai là góp số tiền lớn, ba là sắp đặt mua sắm quân khí cho đủ. Hễ lòng người đã chịu tin phục thì số tiền lớn có thể góp được. Có tiền thì vấn đề quân giới không khó giải quyêt đâu". (4, tr 279)

* Tiểu La Nguyễn Thành chủ trương Tôn phù nhà Nguyễn để thu phục nhân tâm:

Nguyễn Thành cho rằng: "...phải hiểu dân trí và tập quán của dân nước nhà, không thể nào bắt chước làm theo châu Âu cho được. Bọn ta muốn có cách kêu gọi nhân tâm cho dễ, nếu không mượn tiếng phò vua giúp chúa thì những nhà sang họ lớn kia, ai chịu phụ hoạ theo mình. Vậy thì ta dầu có bụng cứu nước mặc lòng, chẳng qua chỉ chết thân mình cho tròn được một tiếng vậy thôi, ngoài ra không ăn thua lợi ích gì cho việc lớn.

"Vua Hàm Nghi trốn tránh ở chốn nào, đã lâu không nghe tin tức ra sao. Còn vua Thành Thái hiện tại thì ở trong tay người Pháp kiềm chế, anh em ta không làm cách gì ra vào thân cận bên mình ngài đặng. Sẵn có dòng dõi của đức Đông Cung Cảnh là đích tự Cao Hoàng, hiện nay đang còn. Chúng ta khởi nghĩa nên trước hết tôn ngài lên làm cung chủ, có thế thì danh nghĩa mới thuận, hiệu lệnh được chuyên, mỗi khi ta cất tiếng kêu gào, thuận theo chiều gió, tất nhiên có tiếng vang bóng sâu xa lắm vậy" (4, tr 279).

Để thực hiện kế sách này, ông giới thiệu với Phan Bội Châu một người trong hoàng tộc đã từng âm mưu quang phục bị thất bại, trốn vào Quảng Nam được ông lo liệu, giúp đỡ, ẩn thân tại đây 5, 6 năm rồi. Đó là Tôn Thất Toại, nhưng Phan Bội Châu không vừa ý, muốn tìm một người khác có tài trí hơn. Trong Tự Phán Phan Bội Châu đã nói rõ chủ trương này của Nguyễn Thành: "Tiểu La nói với tôi rằng: "Món ta khỉ sự, trước hết phải thu lòng người. Hiện những người nước ta bây giờ, ngoài tôn quân thảo tặc ra còn chưa có tư tưởng gì lạ. Sở Hoài Vương, Lê Trang Tôn, chẳng qua là một thủ đoạn. Vả lại sắp tính việc lớn, tất phải trù có món tiền thật to. Kim tiền nước ta là ở Nam kỳ, mà khai thác ra Nam kỳ là công đức triều Nguyễn làm. Vua Gia Long lấy lại nước rặt là nhờ tài lực ở trong ấy. Bây giờ nếu ta tìm được chính giòng Gia Long, đặt làm minh chủ, hiệu triệu Nam kỳ tất ảnh hưởng mau lắm" (4, tr 36).

Đối với Tiểu La Nguyễn Thành, trong hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ, chủ nghĩa tôn quân vẫn còn đắc dụng, nó là nước cờ để thu phục nhân tâm, tập hợp quần chúng, vận động tài chánh, điều vô cùng quan trọng mà Phan Bội Châu chưa hề nghĩ đến.

Trong Ngục Trung Thư, chính Phan Bội Châu đã xác nhận: "Tôi với hai ông Đặng (Đặng Tử Kính) , Lê (Lê Võ), ban đầu thật chúng tôi chưa hề suy tính tới việc tôn người dòng dõi nhà vua. Tới đây nghe Nguyễn Quân, chúng tôi cho là phải lẽ lắm (4, tr 279).

Phan Bội Châu tán đồng chủ trương tôn quân của Tiểu La Nguyễn Thành vì nó là một "biện pháp" hữu hiệu đối với hoạt động cách mạng cứu nước lúc bấy giờ, nhất là ở Nam kỳ, dân chúng vẫn còn nhớ triều đại cũ, nên muốn thu hút sự hợp tác của họ, cần phải xướng lên việc "phù trợ quân vương" để kêu gọi lòng người.

Về vấn đề này nhà Sử học Nhật Bản Shiraishi Masaya cũng nhận định: "Như vậy tuy Phan và các đồng chí của ông ủng hộ lập người trong hoàng tộc làm minh chủ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thừa nhận ông vua bù nhìn hiện thực, mà họ có ý đồ phủ nhận ông ta, đặt vị vua "chính thống" đối lập với ông ta. Hơn nữa mục đích của họ không phải là để khư khư bám lấy hệ tư tưởng trung quân, mà suy cho cùng, chỉ là để lấy đó làm một "phương tiện" tập hợp người và tiền của mà thôi" (5, t1, tr 155, 156).

Để kế hoạch khỏi bị bại lộ, Nguyễn Thành giao cho Phan Bội Châu lo tìm người trong hoàng tộc, nhất là dòng chính vua Gia Long, tức là con cháu Đông Cung Cảnh, vì lúc này Phan Bội Châu đang ở Quốc Tử Giám tại kinh đô Huế, rất thuận lợi cho việc tìm kiếm, còn Nguyễn Thành vốn là người của Nghĩa Hội Cần Vương, đang bị theo dõi, mọi hành động của ông đều dễ bị phát hiện. Sau khi bàn bạc với Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Bội Châu bắt tay vào thực hiện những kế hoạch do Nguyễn Thành đề ra và thường xuyên báo cáo với ông kết quả việc làm của mình. Trước tiên, Phan Bội Châu lo tìm người trong dòng tộc nhà vua, ông đã tìm được Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là đích tự tôn của Đông Cung Anh Duệ Hoàng Thái Tử. Lấy cớ xem tướng số, ông vào nhà Kỳ Ngoại Hầu dùng chuyện tướng mệnh để dò la, biết được Kỳ Ngoại Hầu sẵn có chí lớn, ông mới đem những lời của Tiểu La giải bày với Kỳ Ngoại Hầu, Kỳ Ngoại Hầu đồng thuận, hai người cùng ăn thề đính ước với nhau nguyện xả thân vì đất nước, rồi ông gấp rút vào Quảng Nam báo cáo với Tiểu La và hẹn Tiểu La ra Huế gặp Kỳ Ngoại Hầu. (4)

* Tiểu La Nguyễn Thành gặp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để:

Tháng 10 năm Quý Mão (1903), Nguyễn Thành với hành trang của một lái buôn bí mật đến kinh thành Huế gặp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để tại tư gia quan Bố Chánh Phạm Quý Thích, ông trình bày với Cường Để những kế sách chống Pháp và ngỏ ý mời Cường Để tham gia với vai trò đứng đầu để có danh nghĩa hiệu triệu người trong nước, huy động kim tiền, và để liên kết với nước ngoài. Cường Để rất phấn khởi và hứa với ông sẽ vào Quảng Nam dự họp bất cứ lúc nào nhận được tin của ông và Phan Bội Châu.
* Tiểu La Nguyễn Thành sắp đặt cho Phan Bội Châu đi Nam kỳ:

Tháng 12 năm Quý Mão (1903) Nguyễn Thành thúc giục Phan Bội Châu lên đường vào Nam kỳ, Nguyễn Thành nói với Phan Bội Châu: "Anh bây giờ Nam hành được rồi "(4, tr 38).

Ông lo liệu cho Phan Bội Châu rất chu đáo, từ việc mua sẵn giấy thông hành, đưa tiền lộ phí đến việc phái người nhà là Tư Doãn đi theo giúp đỡ Phan Bội Châu, do đó cuộc Nam du của Phan Bội Châu chẳng những đạt được những mục đích là gặp Trần Thị, một nhà tu hành yêu nước ẩn cư tại Thất Sơn thuộc tỉnh Châu Đốc để bàn việc, tìm tin tức của dư đảng nghĩa quân Nam kỳ và giới thiệu ông Kỳ Ngoại Hầu Cường Để với Nam kỳ Nghĩa dân, mà còn mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho phong trào Đông du về sau.

Phan Bội Châu trở về đến Quảng Nam, vào nhà Nguyễn Thành báo cáo những việc Nam hành, ở lại một hôm rồi trở về kinh.

* Tiểu La Nguyễn Thành lập Duy Tân hội:

Nam Thịnh sơn trang, nơi ở của Nguyễn Thành là địa điểm tụ họp thường xuyên của tổ chức hội. Tháng 3 năm Giáp Thìn (1904), Nguyễn Thành đã tiếp đón ông Trần Thị ở tỉnh Châu Đốc cùng vài đồng chí khác từ Nam kỳ đến Nam Thịnh sơn trang, và Phan Bội Châu ở Huế vào họp bàn để định ước ngày khai hội.

Ngày 8 tháng 4 năm Giáp Thìn (1904), Tiểu La Nguyễn Thành tổ chức cuộc hội nghị bí mật tại Nam Thịnh sơn trang. Cuộc họp qui tụ hơn 20 nhân vật trọng yếu để quyết định thành lập Duy Tân hội và bầu Cường Để làm Hội trưởng. Sự kiện lịch sử quan trọng này đã được Phan Bội Châu ghi lại trong Tự Phán: "Đến ngày kỳ ước chính là thượng tuần tháng tư, tôi vào nhà Tiểu La, có cả ông Kỳ Ngoại Hầu tới. Giữa hội chỉ là người trọng yếu hơn hai chục người... Bắt đầu khai hội từ buổi sáng qua chính trưa tan hội. Tên hội chỉ người trong hội biết, không lập sổ sách, không biên chép họ tên, chương trình kế hoạch chỉ miệng trao lòng nhớ mà thôi. Đặt Kỳ Ngoại Hầu làm Hội chủ, hễ lúc xưng hô chỉ gọi bằng ông chủ, cấm không được hở chữ "Hội" ra. Hội viên trọng yếu lúc ấy thì có những người như: Nguyễn Hàm, Phan Bội Châu, Trình Hiền, Lê Võ, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân và các người khác nữa. Những tiếng xưng hô nhau, chỉ gọi bằng anh em, tuyệt không đặt ra danh mục gì. (4, tr 43)

Cuộc họp đã quyết định tổ chức triển khai kế hoạch hoạt động,chủ yếu có ba điểm:

1) Mở rộng lực lượng của Hội. Muốn vậy phải nhanh chóng kết nạp đảng viên, thu được nhiều đảng phí, trù tính cho đủ các món tài liệu

2) Sau khi khởi phát bạo động, phải lo gấp các tài liệu để tiếp tục tiến hành hoạt động.

3) Xác định phương châm ra nước ngoài cầu viện và phương thức làm việc đó.

Hai khoản trên giao cho toàn thể đảng viên đảm đương, còn khoản thứ ba thì uỷ thác cho Nguyễn Thành và Phan Bội Châu bàn kín và thực hiện, các đảng viên khác không được biết để bảo đảm bí mật tuyệt đối. Ngoài 3 điều trên, hội nghị chưa đề ra thể chế chính trị.

Đối với việc tập hợp đồng chí và quyên mộ quỹ có thể giải quyết được, nhưng khó nhất lúc này là vấn đề quân giới. Trong Ngục Trung Thư, Phan Bội Châu đã viết rõ: "Phải chi mình ở vào những thời Đinh, Lý, Lê, Trịnh thuở xưa, thì chỉ vung tay mà kêu lên một tiếng, tức thời sóng dậy sấm vang chỉ là việc thành trong giây lát mà thôi. Nhưng đời nay thì khác hẳn. Từ lúc đời có súng đạn phát minh ra, bao nhiêu khí giới gọi là gươm giáo đao thương đã hoá ra đồ bỏ. Cái thứ để chặt cây làm mác kia, đời xưa người ta vác đi đánh Tần đuổi Sở được, chứ đời nay có dùng nó làm nên trò vè gì! Phải biết vũ khí của người Pháp tinh nhuệ hơn của người mình muôn lần ngàn lần". (4, tr 285,286)

Phan Bội Châu đã thấy rằng tuy dân tộc ta vốn có truyền thống kháng chiến anh dũng chống ngoại xâm, nhưng Thực dân Pháp ngày nay không giống với thế lực phong kiến Trung Quốc thuở xưa vì họ có vũ khí hiện đại do đó đã áp đảo được chúng ta. Nguyễn Lộ Trạch trong cuốn Thời vụ sách cũng bàn về tương quan lực lượng giữa ta và Pháp: "Tây dương (Pháp) là nước có binh lực lớn mạnh chưa từng thấy, hơn nữa quân đội của họ lại cơ động tự do trong phạm vi 70 nghìn dặm. So sánh địch ta, chúng ta không có cả binh thuyền vững chắc, súng ống mạnh mẽ lẫn tài năng quân sự. Tàu thuỷ, súng cối, binh khí của phương Tây từ xưa đã trác việt, trong khi đó chúng ta về mọi mặt đều kém cỏi. Phía ta chỉ có thể ra xa bờ biển một thước, trong khi chiến thuyền của địch đi lại trên mặt biển. Trong các trận chiến ở Hà Nội, Ninh Bình trước đây (trận Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ nhất năm 1873), binh lính của chúng chỉ có mấy mươi tên mà chúng ta không thể đối phó đầy đủ được. Nếu chúng dùng mấy mươi chiếc tàu thuỷ tiến công thì tuy có chiều dài mấy nghìn dặm, nước ta vẫn không thể trụ lại được. (6,tr 18, 19)

Vậy muốn đánh đổ thực dân Pháp cần phải có vũ khí hiện đại. Ở Việt Nam lúc bấy giờ không có khả năng kiếm được những vũ khí đó vì bị người Pháp độc chiếm, quản lý và kiểm soát gắt gao. Trong Ngục Trung Thư, Phan Bội Châu viết: "Còn khẩu súng nào ở trong tay người mình, thì ngày đêm có tướng tá Pháp gìn giữ coi chừng hoài. Trong hàng quân ngũ, từ chức cai đội trở lên cũng không có người mình được làm. Nếu muốn dỗ họ trở súng cộng sự với mình, lúc bình thường không phải là chuyện dễ, trừ ra khi nào có phát sinh đại chiến, họa chăng sự mưu tính mới được thực hiện. Các ông sách sĩ (người chuyên nghĩ mưu tính kế) trong đảng chúng tôi lúc ấy, gặp phải một vấn đề to lớn khó khăn mà không sao giải quyết được, ấy chính là vấn đề quân giới. Trong nước ta có sở chế tạo quân giới nào, đều có binh lính Pháp chiếm giữ, canh gác cẩn mật, nếu bà con mình đi qua hơi liếc mắt dòm mấy nơi đó cũng bị tội nặng lập tức. Như vậy thì chúng tôi có nhúng tay vô chỗ nào mà lấy khí giới được đâu! Muốn mua khí giới ở ngoại quốc chở vào cho mình lại cũng không được. Là vì bao nhiêu cửa biển trong nước, cửa nào cũng có nhà chuyên trách của Bảo hộ cắt đặt, khám xét dò la hết sức nghiêm ngặt. Dầu cho mình mua ở ngoài được, nhưng một số quân giới rất nhiều, mình có phép tiên, chước quỷ gì mà vận tải nó lọt vô xứ này cho nổi?" (4, tr 286)

Con đường tìm kiếm vũ khí đã bị bế tắc, bàn tính mãi, cuối cùng chỉ còn cách xuất dương cầu viện. Vấn đề khó khăn này cũng đã được Tiểu La Nguyễn Thành tiên liệu.

* Nguyễn Thành tổ chức cho Phan Bội Châu xuất dương:

Để việc xuất dương cầu viện có kết quả, cần phải có hai yếu tố:

- Hành phí - Người có tài ngoại giao và người dẫn đường. Tiểu La đã tính trước và trù bị mọi việc một cách chu đáo, từ lo kinh phí, cử người xuất dương và người dẫn đường đến phân tích thời cuộc rạch ròi để tìm nước nào có thể giúp đỡ mình một cách hiệu quả. Trong Tự phán Phan Bội Châu đã thuật lại rất đầy đủ: "Tiểu La mới bàn với tôi rằng: "Về việc kinh phí chỉ mình (Tiểu La) với Sơn Tẩu (Ô Gia Đỗ Đăng Tuyển) biện được xong, ngoại giao nhân tài hiện nay thật khó, đã không người khác, tất phải anh (Phan Bội Châu) thân đi, còn hướng đạo viên thì tôi tính sẵn đã lâu ngày. Tôi tưởng tình thế liệt cường bây giờ, nếu không phải nước đồng chủng đồng văn, tất không ai chịu giúp ta: Nước Tàu đã chịu nhượng nước Việt Nam cho Pháp, huống gì hiện nay quốc thế suy hèn, cứu mình không xong mà cứu được ai? Duy Nhật Bản là nước tân tiến ở trong nòi giống vàng, vừa mới đánh được Nga, dã tâm đương hăng hái lắm, qua tới đó đem lợi hại bày tỏ, tất có hiệu quả, dầu họ không xuất binh mã, mà mượn tư lương, mua khí giới tất có thể dễ dàng. Vậy nên chúng ta muốn đứng khóc sân Tần, không chi bằng Nhật Bản là phải. Ông Tăng Bạt Hổ từ ngày Cần Vương thất bại, từng chạy khắp Quảng Đông Quảng Tây, lại có mang quốc thư đi qua Lữ Thuận thông hiếu với Nga sứ, việc đó bất thành chuyển qua Đài Loan, dựa Lưu Vĩnh Phúc. Nhật lấy Đài Loan, Vĩnh Phúc thua chạy. Tăng quay sang Xiêm, mượn đường về nước, hiện nay núp giấu ở Hà Nội, tấm lòng báo quốc càng kiên lắm. Tôi từng viết thư kêu anh về, chẳng rày thì mai, Tăng quân tất về đây. Gánh cái gánh người đưa đường, anh không phải không có xe chỉ nam nữa" (4,tr 45,46).

Ngày 20 tháng giêng năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính xuống tàu thuỷ tại Hải Phòng ra đi. Từ đó theo phân công, ba ông sẽ đảm đang những việc ở nước ngoài (Nhật Bản) còn Tiểu La Nguyễn Thành và Ngư Hải Đặng Thái Thân điều hành đảng và các hoạt động trong nước.

Đến Nhật Bản, Phan Bội Châu đã gặp được Lương Khải Siêu và các yếu nhân trong chính giới Nhật như Khuyển Dưỡng Nghị, Bá tước Đại Ôi để nhờ Nhật Bản giúp cho binh lính, vũ khí, lương thực, nhưng bị Nhật khước từ. Theo sự góp ý của Lương Khải Siêu về sách lược chống Pháp, Phan Bội Châu viết "Việt Nam vong quốc sử" với lời lẽ vô cùng thống thiết kêu gọi thanh niên xuất dương cầu học để đào tạo nhân tài, làm nền tảng hưng dân khí, khai dân trí.

Tháng 6 năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính mang một số sách ấy bí mật về nước với mục đích: - Đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sang Nhật - Chọn một số du học sinh sang Nhật để mở đường cho công cuộc du học sau này - Gặp Tiểu La để báo cáo tình hình bên Nhật, nhưng Phan Bội Châu không gặp được vì bị thực dân Pháp niêm yết truy nã khắp nơi, ông phải gấp rút trở lại Nhật Bản đem theo 3 du học sinh đầu tiên, còn việc đưa Kỳ Ngoại Hầu xuất dương và tuyển chọn nhân tài đi du học, Tiểu La cùng Ngư Hải lo liệu sau. Vậy là sau khi bị Nhật Bản từ chối giúp đỡ binh lực cho ta, Phan Bội Châu đã chuyển hướng "cầu viện" sang "cầu học" tạo nên phong trào Đông Du, do đó Nguyễn Thành cùng các đồng chí trong nước phải tập trung vào việc tìm nhân tài đưa đi du học và đẩy mạnh công tác kinh tài. Để có số tiền lớn gởi sang Nhật, Nguyễn Thành đã khéo léo phối hợp với các sĩ phu yêu nước của phong trào Duy Tân tổ chức các hội học, hội nông, hội công, hội thương... ở các tỉnh, chăm lo sản xuất, kinh doanh, thu lợi tức, quyên góp tiền bạc.

Theo tài liệu của sở Mật thám Pháp, Nguyễn Thành có quan hệ chặt chẽ với 72 cơ sở "thương hội" trong toàn miền (7, tr 31). Ông còn góp cả cổ phần kinh doanh lấy tiền gởi cho Phan Bội Châu chi phí cho du học sinh. Phong trào Đông Du được giới trẻ hưởng ứng rầm rộ, nhất là thanh niên Nam kỳ, trong vòng một năm đã có 200 học sinh xuất dương và số tiền gởi sang Nhật lên đến 12.000 đồng. Trong cuộc vận động này, Nguyễn Thành đã giữ một vai trò rất quan trọng.

Năm 1908, phong trào "cự sưu khất thuế" nổi lên rầm rộ ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh miền Trung, thực dân Pháp đàn áp dã man, các chí sĩ cách mạng kẻ bị tử hình, người bị giam cầm, khổ sai, Nguyễn Thành bị bắt đày đi Côn đảo và mất tại đó năm 1911. Từ khi Tiểu La bị bắt, lưu học sinh bên Nhật cũng lao đao, phần thì thiếu tiền phần thì thực dân Pháp bắt tay với Nhật yêu cầu trục xuất lưu học sinh Việt Nam, Phan Bội Châu rồi Cường Để cũng lần lượt phải rời đất Nhật, Duy Tân hội tan rã, phong trào Đông Du kết thúc.

Những đóng góp to lớn của Tiểu La Nguyễn Thành chứng tỏ ông là người khai sáng và lãnh đạo Duy Tân Hội, đảng cách mạng cứu nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Phan Bội Châu chỉ là người thực hiện và được giao trách nhiệm lãnh đạo ở hải ngoại, do đó trở thành linh hồn của phong trào Đông Du. Cho đến khi Tiểu La Nguyễn Thành hy sinh tại Côn đảo thì Duy Tân hội và phong trào Đông Du cũng bị khai tử theo ông. Năm Nhâm Tý (1912) Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang Phục hội thay đổi đường lối từ chủ nghĩa quân chủ sang chủ nghĩa dân chủ để "khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Cộng hoà Dân quốc" (4, tr 178), đáp ứng tình hình chuyển biến mới trên trường quốc tế.

Từ khi thành lập Duy Tân hội (1904) cho đến khi bị đày ra Côn đảo (1908), Tiểu La Nguyễn Thành là một nhà lãnh đạo xuất sắc đã tiên liệu và trù bị mọi việc của đảng một cách tài tình, chu đáo nhờ thế Phan Bội Châu mới có điều kiện vận dụng tài năng xuất chúng và nhiệt tình cứu nước của mình để hoàn thành những nhiệm vụ được giao, cho nên trong những năm đó bất cứ làm việc gì Phan Bội Châu cũng báo cáo và thỉnh ý Nguyễn Thành. Chính vì vậy, khi nghe tin Tiểu La Nguyễn Thành đã vĩnh viễn ra đi, Phan Bội Châu vô cùng đau xót, hụt hẩng và cô đơn. Trong bài Văn tế ông đã khóc Nguyễn Thành bằng những lời thống thiết xuất phát tự tâm can:

"Nghĩ một người đã tạo ra em, thành tựu cho em, mà nay kẻ mất người còn, hồn trời phách đất!

Mây Hải Vân mờ mịt bóng gươm vàng
Bể Đà Nẵng chập chờn cơn sóng bạc".

và tuyên bố với đồng chí và quốc dân: "Tiểu La tiên sinh mất, Việt Nam mất một trang đại quốc sĩ".

Tài lãnh đạo của Nguyễn Thành cũng được Huỳnh Thúc Kháng đánh giá một cách đầy đủ trong câu đối điếu Tiểu La:

"Mấy mươi năm giống trái vẫn còn, nào kinh tế gia, nào quân lữ gia, nào bí mật vận động gia.
Trăm lần uốn chẳng cong, đời cựu, buổi tân vị trí nghiễm nhiên giành một chiếu".

Phan Bội Châu, người đồng chí, đồng sự với Tiểu La Nguyễn Thành đã xác nhận: "Từ Duy Tân hội đến phong trào Đông Du, chính Tiểu La tiên sinh là ÔNG TỔ mở mối, vạch đường khai sinh ra tất cả". Hậu thế lẽ nào lại không công nhận những điều xác nhận của Phan Bội Châu.

Sách tham khảo:

(1) Uỷ ban KHXHVN, Lịch sử Việt Nam, T2, NXB KHXH, 1985

(2) Phan Bội Châu Toàn tập, T4, NXB Thuận Hoá Huế 1990

(3) Nguyễn Thanh Dân, Tiểu La Nguyễn Thành nhà ái quốc và cách mạng VN cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

(4) Phan Bội Châu, Tự Phán và Ngục Trung Thư, NXB Văn hoá Thông tin

(5) Shirashi Masaya - Phong trào dân tộc VN và quan hệ của nó với Nhật Bản và châu Á -Tư tưởng của Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới

(6) Anh Minh, Nguyễn Lộ Trạch, tr 18,19

(7) Dẫn theo Chương Thâu, 100 năm thành lập Duy Tân hội - Thân thế và sự nghiệp Tiểu La Nguyễn Thành, kỷ yếu hội thảo.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phan Bội Châu và Nhật Bản

    03/11/2014Masaya Shiraishi, Tốt nghiệp Khoa XH học trường Đại học TokyoTrong suốt và sau thời kì chiến tranh Nga – Nhật, 1904-1905, một vài nhân vật ái quốc Việt Nam, trong đó có Phan Bội Châu, đã đến Nhật Bản. Lý do họ đến Nhật đã được diễn giải bởi một số các học giả Nhật cũng như kết quả của việc người Nhật đã ảnh hưởng đến họ . Tuy nhiên, một vài học giả đã có phân tích sâu về các lý do tại sao Nhật được chọn bởi các nhà ái quốc Việt Nam như là nơi thích hợp nhất cho phong trào mới của họ...
  • Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình dân tộc vào thế kỷ XX

    26/12/2017Vĩnh Sính“Khi Pháp mới đến Đông Dương, nước An Nam đã chín muồi trong tình cảnh nô lệ”! Trong hoàn cảnh đất nước bi đát như thế, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là hai sĩ phu, hai bậc đại hào kiệt đi hàng đầu trong vận động giành lại độc lập dân tộc vào giai đoạn giao thời 25 năm đầu thế kỷ XX. Tuy cùng chung hoài bão cứu nước, lập trường của hai nhà chí sĩ họ Phan trên một số vấn đề căn bản của đất nước lại rất khác nhau, thậm chí có khi tương phản...
  • Tân thư và phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam thời kỳ cận đại

    25/07/2016Phan Trọng ThưởngDấu hiệu rõ nhất cho thấy quá trình chuyển mình lịch sử tư tưởng-chính trị và học thuật của các nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam là phong trào Duy tân diễn ra gần như cùng một thời điểm ở hàng loạt quốc gia Đông và Đông Nam châu Á, trong đó, Tân thư có một vai trò hết sức quan trọng...
  • Tư tưởng của Phan Bội Châu về nội lực

    08/10/2015Nguyễn Văn HòaTư tưởng về nội lực luôn xuyên suốt trong đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Phan Bội Châu. Để giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh với kẻ thù không đội trời chung với dân tộc Việt Nam, chúng ta phải có một nguồn lực mạnh. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến với một nền kinh tế tự cung, tự cấp lại phải đối mặt với một nước đế quốc có tiềm lực kinh tế mạnh, theo Phan Bội Châu...
  • Tư tưởng dân chủ của các nhà nho Duy Tân đầu thế kỷ XX

    15/09/2015Trần Đình HượuHơn 100 năm kể từ khi thành lập cũng như khi đóng cửa của trường Đông kinh nghĩa thục, trung tâm truyền bá tư tưởng và phát động phong trào dân chủ ở nước ta đầu thế kỷ. Không phải vì lý do “khánh tiết” như vậy mà ta bàn về tư tưởng dân chủ của các nhà nho yêu nước. Dân chủ hóa là yêu cầu cấp thiết của đất nước từ phong kiến đi lên xã hội chủ nghĩa đã đượt đặt ra từ khi thành lập và được Đại hội VI đặc biệt nhấn mạnh. Nội dung dân chủ trong tư tưởng và trong thực tế, là những bậc thang trên chiều cao của tiến bộ xã hội, cho nên hiểu tư tưởng dân chủ của các nhà Nho duy tân là xác định độ cao đó của nước ta đầu thế kỷ...
  • Nhật Bản duy tân 30 năm: Gương cũ nên soi

    06/08/2015Bạch DươngPhía sau vai trò của Thiên hoàng có hay không những căn nguyên, những đóng góp của các nhân vật khác? Và tại sao trong rất nhiều quốc gia khu vực có chung hoàn cảnh lịch sử, điều kiện xã hội như Nhật Bản lại không có được bước phát triển thần kỳ đó? Thật bất ngờ là lời đáp cho các câu hỏi khiến giới nghiên cứu hiện nay vẫn còn đang trăn trở lại đã được giải đáp một cách đầy đủ và chính xác từ cách đây 80 năm bởi công trình tầm vóc của nhà khảo cứu lịch sử Đào Trinh Nhất, cuốn sách “Nước Nhật Bổn 30 năm duy tân”...
  • Tân Việt Nam - Phan Bội Châu

    15/04/2015Võ Văn Sạch dịch và chú thíchTân Việt Nam, tác phẩm còn ít được biết đến của Phan Bội Châu, viết có thể vào khoảng năm 1906-1907 ở Nhật Bản, là một cuốn sách mỏng trình bày quan niệm của tác giả về một nước Việt Nam mới, với mô hình chính trị dân chủ và mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa – hiểu theo thuật ngữ hiện đại...
  • Phan Bội Châu - Nhà văn hoá

    25/01/2015Nguyễn Đình ChúNói đến nhà văn hóa Phan Bội Châu, trước hết phải nói đến sự kết hợp giữa hai phương diện chính trị và văn hóa trong phạm vi một nhà cách mạng. Phan Bội Châu tựa như Nguyễn Trãi ngày trước, Hồ Chí Minh ngày sau, là những nhân vật lịch sử vĩ đại, tiêu biểu vẻ vang nhất cho sự kết hợp này. Trong lịch sử, có rất nhiều bậc anh hùng, nhà cách mạng lừng danh, nhưng đã không có sự kết hợp vẻ vang đó...
  • Duy tân?

    13/08/2014Phan Thanh MinhTheo Hán Việt từ điển, học giả Đào Duy Anh giải thích “duy tân”: điều gì cũng sửa lại mới (réformer). Sau này, nhà Hán – Nôm học Phan Văn Các bằng phương pháp thu thập các từ tố và từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện đại đã biên soạn cuốn từ điển Từ điển từ Hán Việt đã giải thích “duy tân”: cải lương theo cái mới (động từ)...
  • Phan Bội Châu và Phong trào Đông Du

    21/01/2014Phong trào Đông Du là quá trình đổi mới tư duy của các nhà cách mạng Việt Nam, kết nối giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản...
  • 100 năm nhìn lại Duy Tân hội và phong trào Đông Du của Phan Bội Châu

    25/06/2013Ðinh Kim PhúcSự thất bại của cụ Phan và sự thất bại của các phong trào do Cụ khởi xướng do nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng hơn hết là có nhiều yếu tố lịch sử và thời đại đã vượt qua tầm nhìn của ông. Nhưng sự nghiệp mà ông để lại như hàng lớp con người yêu nước, các cơ sở cách mạng ở Hàng Châu, Quảng Ðông, Quảng Tây, Thái Lan... là những nền tảng cơ bản để Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và nâng nó lên tầm cao mới vào những năm 20 của thế kỷ XX...
  • Duy tân

    18/07/2009Nguyễn Văn Vĩnh (Trích tạp chí Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, số 812, ngày 8–8–1907)Làm người muốn ở đời phải khôn, phải xét thế lực mình mới được, xét việc gì phải xét đầu xét đuôi, rồi hãng nói, chớ đừng có nằm đáy giếng trông lên tưởng giời bằng cái vung; duy–tân không phải là cứ dận xằng dận xịt hết đổ ra lũ này lại đổ ra bọn kia. Mình tiến cứ việc mà tiến, dậy cứ việc mà dậy, không có ai nghe cũng là tại mình, chớ nhời hay mà phải nhẽ thì ai cũng phải lọt tai.
  • xem toàn bộ