Thử nêu cách chữa “chứng lười đọc sách”

11:26 SA @ Chủ Nhật - 22 Tháng Năm, 2022

“Dạy con từ thuở còn thơ”; “Uốn cây phải uốn khi non”… là những điều ai cũng biết, nhưng đã có những thời đoạn do bận rộn mưu sinh và vô số sự xô đẩy, lôi kéo khác nữa, nên rất nhiều người và gia đình đã quên hoặc sao nhãng bài học giản dị và chí lý đã có tự cổ xưa. Có phải những biểu hiện tha hóa trong xã hội hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ đó?

Thiết nghĩ, cuộc vận động sáng tác văn học hướng đến lớp trẻ và thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phát động đầu năm 2022 là một hoạt động thiết thực của văn giới nhằm góp phần chấn hưng đạo đức xã hội nói chung và góp phần bồi đắp tâm hồn cho lớp trẻ nói riêng.

Tại buổi lễ phát động cuộc thi trên đây, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phát biểu: “Bằng những trang viết của mình, làm cho chủ nghĩa nhân văn lan tỏa trong mọi ngóc nghách của đời sống…”. Vấn đề đặt ra là những tác phẩm hay, muốn đạt được mục đích “khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi”, và muốn “làm cho chủ nghĩa nhân văn lan tỏa trong mọi ngóc ngách của đời sống…” như kỳ vọng của những người tổ chức cuộc thi thì điều trước hết là phải làm sao để các em chịu đọc sách! Có thể sẽ có người bảo: Nhà văn các anh hãy lo làm sao có tác phẩm hay thì các em sẽ đọc. Đúng vậy! Nhưng cũng hết sức đúng khi chúng ta nhìn thẳng vào tình trạng “không dễ làm ngơ […] văn học bị lép vế” như Báo cáo tổng kết Giải thưởng tác giả trẻ lần thứ nhất-2020 của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã nêu. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến sự hờ hững với sách của thiên hạ ngày nay, ngay cả ở một địa phương, một dòng họ từng có tiếng là “đất học”. Thậm chí rất nhiều đồng nghiệp văn chương cũng đã phải thốt lên: Ngay cả các nhà văn chúng ta bây giờ cũng không chịu đọc sách!

Chứng “lười đọc sách” là một thực trạng đáng buồn của cả xã hội. Trong bối cảnh xã hội còn không ít vấn đề “nóng” hơn, muốn văn học “giành lại thời gian từ phía độc giả” như nhà văn Nguyễn Bình Phương phát biểu trong buổi lễ phát động trên đây, hẳn là phải cần một cuộc chiến “trường kỳ và gian khổ”. Nói như vậy, vì với lớp người lớn tuổi thì “chứng lười đọc sách” đã thành nếp; cũng có thể vì họ đã quá mệt mỏi trong cuộc mưu sinh, họ không còn thấy sách đem lại lợi ích gì, chẳng giúp họ mau lên chức và giàu sang v.v… Nếu muốn kéo họ trở lại với văn học, thì phải có sự góp sức chung tay của nhiều tầng lớp, nhiều tổ chức Nhà nước và xã hội. Xin được lưu ý là trong “cuộc chiến” này, thì các cuộc vận động sáng tác, trao thưởng để có tác phẩm hay và cả việc đầu tư in sách tặng miễn phí cho các địa phương, cho tận các tủ sách dòng họ… cũng chỉ là một mặt mà thôi. Nói ngắn gọn cho dễ hiểu: Có tác phẩm văn học hay, sách in ra nhiều mà nằm “chết” trong hệ thống thư viện cũng như các tủ sách tư nhân như hiện nay thì cũng vô ích. Tệ hơn, đó là sự lãng phí. Bởi tác phẩm văn học được viết ra, in ra đến lúc được người đọc tiếp nhận thì hoạt động sáng tạo tác phẩm mới hoàn tất trọn vẹn.

Sở dĩ tôi phải dài dòng một chút về những điều “biết rồi, nói mãi…” vì tình trạng đáng buồn kể trên kéo dài quá lâu và xem ra xu hướng mặc kệ, buông xuôi… đã xuất hiện, dù chẳng ai tuyên bố. Cần thấy sự nguy hại nếu không chữa được “chứng lười đọc sách” của người lớn (bố mẹ, anh chị, thầy giáo…) thì căn bệnh đó lan sang trẻ em là tất yếu. Vì thế, với “chiến lược văn học cho thiếu nhi” thể hiện qua cuộc vận động sáng tác có quy mô và tầm quan trọng lần này của Hội Nhà văn Việt Nam, thì thiết nghĩ phải có biện pháp, có tổ chức hành động cụ thể để các em có thì giờ và chịu đọc sách; để những cuốn sách hay in ra với biết bao tâm huyết, biết bao công sức, được hoàn tất sứ mệnh đẹp đẽ của mình. Có người sẽ nói: Hữu xạ tự nhiên hương, sách hay sẽ có người đọc! Xin thưa: “Hương” thơm ai cấm lan tỏa, nhưng hãy nhìn các em nhỏ và các bạn trẻ đang bị bao kín trong một màng lưới dày đặc mà vô hình của những sóng điện từ. Đến ăn cơm cũng úp mặt vào điện thoại (!). Đó là chưa nói đến gánh nặng bài vở các môn học phải thuộc để đạt những thứ hạng, danh hiệu này nọ…

Chỉ có một cách phải “chọc thủng” cái màn vô hình và hữu hình bao kín những đứa trẻ kia. Nên chăng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Hội Nhà văn Việt Nam ngồi lại với nhau, bàn bạc thật kỹ và ký một “hợp đồng” để thực thi công việc trên đây. Đó là một hợp đồng bất vụ lợi và có thể không tốn một đồng tiền nào, nhưng đòi hỏi khá nhiều công phu và một quyết tâm dám thay đổi, có khi đụng chạm đến những quy định đã “đông cứng” hàng mấy thập kỷ. Thử dẫn ra một điều trong “Hợp đồng” ấy: Dành 20% thời lượng học văn của các cấp phổ thông cho hoạt động ngọai khóa, để giáo viên và học sinh thảo luận tự do về các tác phẩm văn học đã được một nhóm chuyên gia tuyển chọn và có nhà văn tham dự… Nếu ngại phải thay đổi chương trình thì điều khoản này cũng có thể viết: Mỗi tháng, ít nhất 1 lần, phải tổ chức buổi ngoại khóa… Tất nhiên, hoạt động này có giá trị như “chính khóa” và được “tính điểm” theo một cách nào đó…

Quả là điều bất đắc dĩ khi “kéo” các em đến với văn học mà phải sử dụng những điều khoản có tính bó buộc như pháp lệnh; nhưng khi “chứng luời đọc sách” đã thành bệnh xã hội thì đành phải vậy! Mà để tạo một nếp quen, hình như việc gì cũng phải tập dượt theo khung khổ nhất định(?)

Trên đây chỉ là một “giả sử” của một nhà văn U80. Hội Nhà văn và Bộ Giáo dục & Đào tạo (sau đây gọi tắt là “hai cơ quan”) có thừa những bộ óc thông minh, nhạy cảm để có thể soạn thảo những “điều khoản” hợp lý, khả thi và hiệu quả hơn nhằm “kéo” những mầm non là tương lai của đất nước đến với văn học, không phải để có tên trong bảng vàng “học sinh giỏi văn” cấp này cấp nọ, mà mục đích tối thượng là  nhằm “bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi…”, Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đến Trung thu 2023 mới kết thúc đợt I, nhưng mục đích tối thượng cao đẹp của cuộc thi là điều mọi người phải nghĩ đến hàng ngày và vĩnh viễn; điều đó cũng có nghĩa là ngay từ bây giờ, hai cơ quan đã có thể vào cuộc và sau cuộc thi, các điều khoản “hợp đồng” giữa hai cơ quan vẫn có hiệu lực (!)

Lại giả sử như phương án nêu trên được những người có trách nhiệm đồng tình, thì sẽ có rất nhiều công việc cụ thể cần phải triển khai. Xin thử liệt kê vài “việc cần làm ngay”:

1 - Cần chọn 5 hay 10 tác phẩm về thiếu nhi xuất sắc đã xuất bản trong những năm qua để tái bản phục vụ cho chương trình ngoại khóa đã nêu.

2 - Ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đảm trách việc tuyển chọn những tác phẩm xuất sắc để tái bản; hoặc hai cơ quan phối hợp thành lập một tổ chuyên gia. Tiêu chuẩn hàng đầu của các chuyên gia này là khả năng thẩm văn chính xác, chọn đúng tác phẩm phù hợp với các lứa tuổi, chứ không phải là học hàm học vị hay nhà văn nổi tiếng.

3 - Tuy các buổi ngoại khóa được bàn luận tự do về các tác phẩm đã được chọn, nhưng cũng nên có hướng dẫn phương thức, nội dung… sao cho sinh động, gợi được hứng thú, tránh loại câu hỏi nặng về khoa học ngôn ngữ như trong các sách giáo khoa hiện nay.

4 - Để thấy vấn đề thật sự đáng quan tâm, có lẽ Bộ Giáo dục & Đào tạo cần tổ chức điều tra từ 5-10 trường ở nhiều địa phương khác nhau, với tinh thần thật khách quan và trung thực để tìm các “đáp số” như sau: Thư viện trường có bao nhiêu sách văn học tham khảo? Ba năm qua có tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về văn học không? Bao nhiêu học sinh đến thư viện mượn sách tham khảo về văn học? Một cô giáo dạy văn, trung bình mỗi năm đọc mấy cuốn sách văn học?... Tôi tin rằng những đáp số trung thực sẽ là hồi chuông báo động!

Hẳn sẽ có người cười ông nhà văn già rỗi việc nên bày vẽ chiêu trò. Chưa hết đâu ạ! Đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội văn nghệ ở các địa phương vận động hội viên khắp cả nước tham gia chọn sách hay, cùng dự các buổi ngoại khóa với học sinh. Và nữa, cũng nên nghĩ tới việc liên kết, phối hợp với NXB Kim Đồng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và các Tập đoàn truyền thông văn hóa… Với công nghệ thông tin hiện nay, sao lại không nghĩ tới việc “phủ sóng” các trường toàn quốc những buổi sinh hoạt ngoại khóa thí điểm có chất lượng tốt?

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thư gửi học trò lười đọc sách

    13/09/2019Hoàng Bạch DiệpCác em đã tạo cho mình thói quen xấu là lười đọc sách, khi các em lười đọc, lười học thì chính các em đang tự tay cắt ngắn con đường đến thành công của mình...
  • Mua sách vứt đi - cách đọc được nhiều sách hơn

    27/09/2018Nguyen AnBài viết trước nói về các mục đích khác nhau của đọc sách, cũng như vấn đề mua xong mà không đọc, hoặc đọc xong mà vẫn trôi kiến thức. Hôm nay, mình giới thiệu quy trình đọc sách mà tôi đang áp dụng. Nó không những giải quyết được hai vấn đề trên, mà còn là qui trình đọc sách hiệu quả nhất Việt Nam...
  • "Bệnh lười đọc" của sinh viên

    03/07/2018Hà Ánh ghiLười đọc... " là lời tự thú của nhiều sinh viên thời hiện đại. Khảo sát ngẫu nhiên một số sinh viên các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM về việc đọc sách báo của họ, số đông đều ngắc ngứ rằng "có đọc", nhưng chỉ đọc một số cuốn theo phong trào, và chỉ xem sách chuyên ngành khi bị thúc bách về mặt bài vở, có sinh viên... sắp ra trường vẫn chưa một lần ghé thăm thư viện...
  • Có một thế hệ mang tên 'LƯỜI': Lười đọc sách, lười lao động, thích rượu bia, căn bệnh trầm kha khiến chúng ta mãi không giàu?

    22/02/2018Phan NgọcTiếp tục "lười" lập thành tích, năng suất lao động thấp hơn cả Lào, thói quen lười làm, lười đọc sách nhưng lại chăm rượu bia của người Việt phải chăng là nguyên nhân khiến chúng ta mãi vẫn mãi... không giàu và văn minh...
  • Lười đọc - căn bệnh của giới trẻ

    23/11/2017“Những bài văn kinh hoàng” hay “áng văn bất hủ” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong mùa tuyển sinh. Mặc dùchưa đến mức báo động, bởi những bài văn này chỉ chiếm số ít trong số hàng trăm ngàn bài thi mỗi năm, nhưng nó cũng khiến người ta băn khoăn. Phải chăng, tình trạng trên bắt nguồn từ việc giới trẻ mắc “căn bệnh” lười đọc tác phẩm văn học?
  • 6 cách giúp bạn vượt qua sự lười nhác và thích đọc sách hơn

    02/10/2017Ngọc HàĐọc sách mang đến cho chúng ta ích lợi gì thì có lẽ không cần bàn nhiều nữa. Nếu ta say mê đọc một quyển sách nào đó, thì nó sẽ mở ra cho ta một chân trời mới...
  • Thanh niên quá lười đọc!

    08/06/2016Minh ThiMột cuộc phỏng vấn nhỏ đối với 20 sinh viên cho thấy, hầu hết họ chỉ đọc truyện tranh! Họ làm gì có thời giờ để đọc cho tử tế một cuốn tiểu thuyết...
  • Giới trẻ Việt Nam và tình trạng văn hóa đọc đang xuống cấp

    27/10/2015Song ChiViệc đại đa số giới trẻ VN lười đọc sách hoặc chỉ đọc những thứ dễ đọc như truyện tranh, truyện tình cảm nhẹ nhàng của các tác giả VN, TQ thuộc thế hệ 7X, 8X, hay các tác phẩm theo trào lưu là một thực tế không mới...
  • Khi 'đất nước' lười đọc

    22/06/2015Thiện NgộThị trường sách Việt đang phát triển như vũ bão với nhiều đầu sách ra trong một tháng. Sách là kho tàng tri thức mà ở đó, thông qua ngòi bút, tác giả muốn truyền tải một thông điệp nào đó đến với người đọc...
  • Bạn có biết đọc sách không?

    16/05/2014TS. Trịnh Quang TừẤy, các bạn đừng vội nói: "Đọc sách thì có gì mà không biết! Vậy cũng đi hỏi!". Thì đúng là như vậy, mình và các bạn đều biết đọc sách cả. Nhưng đọc sách có phương pháp, có hiệu quả thì có lẽ chúng ta còn chưa biết rõ lắm. Thật vậy, bất kì công việc nào, để đạt được kết quả tốt, đỡ tốn công sức và thời gian thì cần phải có phương pháp khoa học. Đối với lứa tuổi mực tím chúng mình, đọc sách nhằm mục đích tự học càng cần có phương pháp. Đọc không có phương pháp sẽ phí thời gian và công sức vô ích, đôi khi còn có hại như trì trệ tư duy, giảm trí nhớ...
  • xem toàn bộ