Thiếu văn hóa biển, người Việt “chậm tiến”

04:41 CH @ Chủ Nhật - 31 Tháng Tám, 2014

Lý giải về sự giàu và nghèo của mỗi quốc gia, sự phát triển của mỗi dân tộc, luôn là một câu chuyện dài, hấp dẫn và phức tạp. Cho đến nay, nó đã thu hút rất nhiều học giả với những giả thuyết, luận thuyết khác nhau về việc tại sao một xứ sở nào đó lại phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa… trong khi nhiều nơi khác thì trì trệ, thậm chí tàn lụi.

Riêng về Việt Nam, có quan điểm cho rằng Việt Nam, tuy sở hữu bề dày 2000 năm lịch sử nhưng lại rơi vào số những nước chậm phát triển của thế giới; ấy là do tâm lý người dân Việt từ ngàn xưa đã thiếu một thứ quan trọng. Đó là khát vọng và tinh thần vươn ra biển, gọi nôm na là “tư duy biển”. Là quốc gia ven biển, nhưng mãi tới gần đây, Việt Nam vẫn chưa có tư duy biển cả, thậm chí sợ biển, quay lưng ra biển. Phải chăng đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì trệ về kinh tế của nước ta qua bao thế kỷ?1

“Tư duy đất liền”, “tư duy biển”

Từ lâu người ta đã cho rằng, những xứ sở phát triển nhất trong mỗi thời kỳ của lịch sử văn minh nhân loại đều là những quốc gia ven biển, quốc đảo, hay nói cách khác, đều là xứ sở của những dân tộc sinh sống gắn bó với biển, có “tư duy biển”. Đó là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thế kỷ 14-15, Anh quốc thế kỷ 17-18, Nhật Bản thế kỷ 19-20. Hàng thế kỷ trước đó, từ rất xa xưa trong quá khứ, là các nước vùng Địa Trung Hải, với sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Hy Lạp - La Mã. Còn gần đây nhất, ngay nửa cuối thế kỷ 20, chúng ta chứng kiến sự nổi lên của quốc đảo Singapore.

Vậy, “tư duy biển”là gì? Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó TGĐ Khu chế xuất Tân Thuận, một chuyên gia về kinh tế biển, từng giải thích rằng những dân tộc có tư duy biển có rất nhiều con người dũng cảm, mạo hiểm vươn ra đại dương để khám phá, chinh phục: “Khát vọng và tinh thần vươn lên đó từng bước hình thành một thứ văn hóa, gọi nôm na là văn hóa biển, hay gọi là văn hóa hải dương”.

Còn Việt Nam, tuy là một quốc gia có vùng biển hơn 1 triệu km2, rộng gấp ba lần đất liền, nhưng tiếc thay chưa bao giờ có văn hóa biển, và tư duy của chúng ta thuần túy là “tư duy đất liền”. Thậm chí, nói một cách gay gắt, người Việt còn có tâm lý sợ biển - điều rất đáng tiếc với một đất nước sinh sống ngay bên một “kho vàng” là Biển Đông.

Hãi biển từ trong tiềm thức!

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định rằng người Việt Nam nói chung sợ biển, nỗi sợ này thể hiện ngay trong rất nhiều ca dao, tục ngữ, truyền thuyết. Ví dụ, bà nói: “Hơn 3.200 km bờ biển và hàng chục ngàn km2 thềm lục địa, hàng trăm đảo, quần đảo lớn nhỏ từ Móng Cái tới Kiên Giang, sao nói về Việt Nam lại chỉ nói về văn minh trồng lúa nước? Người ta cũng nói “xa rừng nhạt biển”, “tấc đất tấc vàng”… với hàm ý đất đai trồng trọt có giá trị cao nhất. “Rừng vàng” đấy, nhưng “biển bạc” thôi, và nói “rừng vàng biển bạc” là vì khi lên rừng người ta còn cố gắng tìm hoặc làm ra đất trồng trọt từ rừng (khai hoang hay phá rừng), chứ ngoài biển ngoài đảo thì… có đất đâu mà quý?”.

Ở trong những truyền thuyết – sản phẩm tinh thần thể hiện tâm lý dân tộc – ta cũng thấy nỗi sợ biển, sợ nước của người Việt (Kinh). Ví dụ rõ nhất là truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh với “sự phân biệt đối xử” nhằm vào vị đại diện của nước, kiểu Sơn Tinh thì cao thượng, tài giỏi, còn Thủy Tinh xấu xa, độc ác. Bà Hậu nói vui, tinh thần “kỳ thị” đối với biển rõ nhất chính là việc Vua Hùng đã thách cưới bằng những đặc sản núi rừng, tạo điều kiện cho Sơn Tinh thắng trong cuộc đua với Thủy Tinh vốn từ biển vào.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng bên cạnh tâm lý sợ hãi biển, người Việt xưa kia với tư tưởng trọng nông còn có phần xem thường biển, coi ngư dân và xã hội ngư dân như phường “hạ đẳng”. Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết, ngư dân ngày trước, nhất là những người “không một tấc đất cắm dùi” như cư dân thủy cư, luôn luôn bị khinh miệt: “Ở Quảng Ninh, hoặc ở Ninh Thuận, Bình Thuận, dân địa phương gọi người thủy cư là người Hạ với nghĩa “hạ đẳng”. Ở Thừa Thiên-Huế, họ bị gọi là “mọi” theo nghĩa “man di mọi rợ”… Xã hội theo những tôn ti đã được sắp đặt sẵn… cư dân vạn chài không được coi là dân gốc, chính cư, mà họ bị coi là dân ngụ cư, ở đợ”.

Ngay trong truyền thuyết, cổ tích, những nhân vật làm nghề đánh bắt cá hay cư dân sống trên sông nước như Chử Đồng Tử, Trương Chi, luôn có vị thế xã hội thấp kém hơn, may mắn (hoặc bất hạnh) mà rơi vào mối tình với tầng lớp trên là công chúa con vua, tiểu thư con quan…

Bám lấy đất liền, và trì trệ

Nói cho đúng, không phải người Việt Nam không có ý thức khai thác biển. Người Việt ven biển cũng đã đóng thuyền từ sớm, nhưng sự khai thác chỉ dừng lại ở đánh cá gần bờ, ven bờ, hay là phương thức khai thác “mò cua bắt ốc” như cách nói của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam. Điều ấy do hạn chế về khoa học kỹ thuật, cụ thể là về kỹ nghệ đóng tàu của người Việt. Ngoài ra, cũng còn do dân ta khi xưa quá ỷ vào đất liền mà ít nghĩ tới biển; số ngư dân sống gần biển thì không có nhu cầu đóng thuyền lớn, ra khơi xa.

Để chứng minh điều này, một nhà nghiên cứu cổ sử Trung Quốc và Việt Nam, ông Phạm Hoàng Quân, cho biết: “Sách Đường Hội Yếu của thời Đường có ghi, đầu thế kỷ thứ 9, bên An Nam đóng được loại thuyền 32 người chèo, dài 25-30 m, rộng 3-4 m. Cũng là sử sách Trung Quốc chép lại, vào đời nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê, An Nam đều có đóng thuyền. Ví dụ thời Hồ, sau khi triều đình ta thất trận, quân Minh thu được chiến lợi phẩm gần 9.000 chiếc thuyền của nhà Hồ”.

Chỉ có điều, ông Quân nói, cho tới tận thế kỷ 16, thời Lê ở Đàng Ngoài, thuyền của ta vẫn cứ là thuyền buồm dài 25-30 m, rộng quãng 3-5m, vẫn cần hơn ba chục tay chèo, vẫn phải dựa vào sức gió mới khởi hành được. Vậy là sau 7 thế kỷ, kỹ nghệ đóng thuyền vẫn không có cải tiến gì! Mãi tới thời Nguyễn, đời vua Minh Mạng, triều đình mới mua được một tàu chạy hơi nước của Bồ Đào Nha, từ đó bắt đầu mầy mò cách đóng tàu máy.

Sợ biển, nặng tư duy đất liền, nên không lạ khi người Việt Nam trong các thế kỷ trước không có ý thức “đổi mới công nghệ” để làm tàu to hơn, tốt hơn, đồng thời chưa bao giờ “dám” ra khơi xa. Cho tới thời nhà Nguyễn, tuyến đường hàng hải chính vẫn chỉ là ven bờ biển nối Việt Nam - Trung Quốc, đi xa lắm cũng chỉ là “sang sứ” tới Trung Quốc. Tàu thuyền sử dụng chủ yếu trong giao thông vận tải của triều đình. Trong khi đó, những đội thương thuyền ở các vương quốc láng giềng Phù Nam, Champa, xa hơn nữa là các nước Nam Đảo (Indonesia, Malaysia ngày nay), và tàu buôn phương Tây, Nhật Bản đã dập dìu qua lại trên Biển Đông.

Ông Quân bảo, người Việt Nam xưa không có truyền thống đi xa, đi buôn bán đường dài: “Chỉ có làm cảng chờ người ta mang hàng đến thôi chứ không bao giờ chủ động đóng tàu đưa hàng ra nước ngoài. Nhìn chung, dân Việt mình đối phó với biển một cách thụ động. Tới thế kỷ 19, bị tàu chiến Pháp nổ súng tân công, lúc ấy mới thấy cái lợi hại của tàu to”.

Cũng tương tự suy nghĩ ấy của ông Phạm Hoàng Quân là phát biểu của Tiến sĩ Trần Đình Thiên: “Về xu hướng lịch sử, người Việt luôn tiến về phía biển, mở ra hướng biển. Nhưng về thực chất, tổ tiên ta lại luôn dừng lại ở ven bờ… Biển không là đối tượng của những nỗ lực khám phá và chinh phục để phát triển. Khát vọng biển không phải là “vượt đại dương” tìm những bờ bến mới như Magiellan hay Columbus đã làm, mà chỉ là mong ước “tôm cá đầy ghe”.

Xét về đặc điểm tâm lý, nhìn chung cư dân nông nghiệp có tính bảo thủ, trì trệ, cầu an, tác phong đủng đỉnh trong khi cư dân biển cởi mở, dễ tiếp nhận cái mới và nhờ thế, năng động trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - khoa học kỹ thuật. Sự phát triển bắt đầu từ đó.

Thay đổi tư duy để tiến ra biển

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đặt câu hỏi: “Bao giờ mới thực sự coi tấc biển cũng là tấc vàng? Bởi tài nguyên biển chính là nguồn sống quan trọng trong tương lai bên cạnh nguồn tài nguyên đất đai đang ngày càng cạn kiệt”. Có thể nói không ngoa rằng cho tới những năm đầu thế kỷ 21, chúng ta mới bắt đầu nhắc nhiều tới biển như một kho vàng trời phú cho Việt Nam mà đã bao lâu nay ta bỏ phí.

Chiến lược biển đến năm 2020 là minh chứng cho một bước thay đổi lớn về tư duy, bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo. Bên cạnh đó là sự quan tâm, ý thức bảo vệ của đông đảo người dân tới Biển Đông nói riêng và tài nguyên của đất nước nói chung.

Để Việt Nam trở thành một cường quốc về biển, con đường còn rất xa, nhưng ít nhất nó đã mở đầu bằng sự thay đổi tư duy. Với những cách nhìn mới, như lấy con người làm trung tâm của kinh tế biển, phát triển kinh tế biển trên cơ sở bảo đảm môi trường bền vững, có thể hy vọng dần dần chúng ta sẽ hình thành “văn hóa biển” và tư duy vươn ra biển lớn.

“Phải có đủ ý chí để vượt qua cái ao nhà “dù trong dù đục”. Phải có một tư duy mới về phát triển” - ông Trần Đình Thiên khẳng định.

۩

Xây dựng kinh tế biển cần “tầm nhìn xa trên 10 kilomet”

Với ba mặt giáp Biển Đông, Việt Nam ở vị trí cực kỳ thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, tiềm năng đó vẫn bị bỏ phí và chúng ta đang bị đánh giá là có trình độ khai thác biển kém nhất khu vực. Vì sao, và làm gì để thoát khỏi tình trạng này?

Theo “Chiến lược biển đến năm 2020”, kinh tế biển được xác định gồm một số ngành: hải sản, dầu khí, vận tải biển, dịch vụ cảng biển, đóng tàu, và du lịch biển. Trong số này, tới nay chưa một ngành nào tận dụng được hết tiềm năng của một quốc gia ven biển có nhiều lợi thế như Việt Nam (trừ dầu khí, thì lại là tài nguyên không thể phục hồi). Tổng giá trị kinh tế thu được từ biển chỉ chiếm 12% GDP, còn rất xa mới đạt tới mức trên 50% GDP như “Chiến lược biển đến năm 2020” đề ra.

Những khó khăn chủ yếu có thể nêu ngay là: thiếu tư duy kinh tế biển trong quản lý vĩ mô; sự hạn chế về trình độ kỹ thuật - công nghệ - phương tiện khai thác; cũng như một thực tế là nhiều vùng biển trong khu vực đang bị tranh chấp, gây khó khăn cho chiến lược khai thác biển của ta.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong bối cảnh này, hợp tác quốc tế có thể là chìa khóa để hạn chế tranh chấp, bước đầu tiến tới xây dựng kinh tế biển.

Hạn chế tranh chấp bằng con đường hợp tác quốc tế

Biển Đông là một trong 6 biển lớn nhất thế giới, nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, và “được chia sẻ” giữa 9 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Đây cũng là con đường chiến lược của giao thương quốc tế, với 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất đi qua. Về tài nguyên, Biển Đông có hơn 2.500 loài cá (trong đó, hàng trăm loài thuộc sách đỏ Việt Nam và thế giới), cùng một lượng chưa xác định cấu trúc dầu khí và mỏ khoáng sản.

Vì vị trí hết sức đặc biệt và tiềm năng kinh tế lớn của nó, nên Biển Đông là một trong những khu vực bị tranh chấp nhiều nhất thế giới. Nói không quá, không khí chính trị giữa các nước nhiều khi bị đẩy tới mức căng thẳng chỉ vì vấn đề Biển Đông.

Nhưng cũng chính vì thế mà việc đưa Biển Đông thành khu vực ổn định là điều thu hút sự quan tâm của quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Ban Biên giới Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho rằng “hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông là một đòi hỏi khách quan”, nghĩa là vấn đề quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà với cả cộng đồng khu vực và thế giới. Ông Giang nhận định, trong bối cảnh hiện nay, hợp tác quốc tế trên Biển Đông là cách tốt nhất để giữ gìn ổn định và hòa bình, xây dựng lòng tin và sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, tiến tới đàm phán hòa bình giữa các nước.

Chia sẻ quan điểm của Tiến sĩ Giang, ông Hoàng Việt, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng “phương án hợp tác khai thác chung có lẽ là khả thi nhất vào lúc này. Vấn đề là hợp tác như thế nào, bởi đã và đang xảy ra việc có quốc gia sử dụng chiêu bài “khai thác chung” để khai thác vùng biển… của quốc gia khác”.

Để ngăn chặn mọi sự “lạm dụng” có tính chất yêu sách, bá quyền, hai ông khuyến nghị một số điểm như: đẩy mạnh mô hình hợp tác đa phương; đảm bảo phương thức hợp tác phải trên cơ sở luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền, các bên đều bình đẳng cùng có lợi. Trước mắt, có thể tập trung vào các khu vực địa lý không nhạy cảm và ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực hợp tác phi kinh tế (ví dụ tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, nghiên cứu khoa học, v.v...) Từ đây, sẽ xây dựng lòng tin để có thể tiến tới hợp tác quốc tế về kinh tế, mà mỗi nước vẫn có thể phát triển các ngành kinh tế biển riêng của mình.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang cũng khuyến cáo: “Cần tuyên truyền, phổ biến các thỏa thuận khai thác chung (nếu có) để người dân hiểu và cùng thực hiện. Phải có sự đồng thuận trong xã hội, nếu không rất khó tiến hành một chủ trương nào, nhất là khi vấn đề Biển Đông đã bị chính trị hóa ở một số nước”.

Phải có chính sách nhất quán và “tư duy biển”

Điều quan trọng và cấp thiết là Việt Nam phải có một chính sách quốc gia về biển mang tầm chiến lược và tổng hợp hơn, theo nghĩa phải quán triệt tư duy về biển cho toàn xã hội. Ông Hoàng Việt nhận xét: “Như hiện nay, chúng ta đang bị phân tán. Nhà nước chưa có chính sách nhất quán, hoặc có mà chưa phổ biến cụ thể tới các “công dân biển”, còn người dân thì không biết”.

Ông Nguyễn Chu Hồi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo - cũng có ý cho rằng chúng ta đang “có vấn đề” từ chiến lược: “Việt Nam thiếu tính nhất quán về đường lối. Các chính sách, ví dụ Luật Biển, được ban hành rất chậm, chứng tỏ một sự ngắn hạn, thiếu tầm nhìn, thiếu tư duy về biển. Chúng ta đang “vươn ra biển lớn” với cái thế, cái tư duy rất “thuyền thúng””.

Nếu so với khu vực, thì Trung Quốc đã có tầm nhìn chiến lược về Biển Đông từ rất lâu, với nhiều nghiên cứu khoa học bài bản và chiến dịch tuyên truyền rộng khắp về giá trị kinh tế cũng như chủ quyền của Trung Quốc tại đây. Một số nghiên cứu của họ cho rằng trữ lượng dầu khí tại quần đảo Trường Sa lên tới 100 tỷ thùng (tuy rằng chưa nước nào trong khu vực thật sự tiến hành công tác thăm dò, tìm kiếm, khai thác dầu ở đây).

Về phần mình, Việt Nam vẫn chưa có một chương trình khai thác và bảo vệ tài nguyên biển một cách toàn diện, tổng hợp. Tình trạng yếu kém về cơ sở hạ tầng, nhân lực, trình độ kỹ thuật như hiện nay đòi hỏi phải có đầu tư lớn về vốn, công nghệ cho các ngành kinh tế biển. Vậy mà ngay đến mô hình quản lý Nhà nước về biển, chúng ta cũng đang lúng túng, khi đây là một vấn đề có sự tham gia của nhiều cơ quan trong các lĩnh vực khác nhau: thủy hải sản, vận tải, hải quan, dầu khí, an ninh quốc phòng, thậm chí môi trường.

Cuối cùng, để có thể hợp tác quốc tế về biển (như đã nói ở trên) thì điều kiện thiết yếu là Nhà nước phải có tư duy kinh tế biển và trình độ quản lý tương ứng. Một ví dụ thực tiễn mà chúng ta có thể nghiên cứu là Thụy Sĩ. Đất nước nhỏ bé này ứng thứ năm thế giới về vận tải trên biển, mặc dù trên thực tế họ là một quốc gia không có biển.

“Vươn ra biển lớn” - điều tất yếu

“Lấy đại dương nuôi đất liền” là xu hướng của thế giới hiện nay. Việt Nam, với những lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, không thể đứng ngoài xu hướng đó, và “Chiến lược biển đến năm 2020” cho thấy chúng ta đã bước đầu có tư duy kinh tế biển.

“Ngành cá và đóng tàu là những ngành chủ chốt của cái mà các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam gọi là “kinh tế biển”, một ý tưởng được nêu trong“Chiến lược biển đến năm 2020” của Chính phủ. Khai thác dầu và khí đốt ngoài biển và sử dụng bờ biển cho du lịch cũng là những lĩnh vực Việt Nam muốn phát huy” – ba nhà kinh tế Jago Penrose, Jonathan Pincus và Scott Cheshier đã viết như vậy vào năm 2007, sau khi Chính phủ ban hành “Chiến lược biển đến năm 2020”: “… Chính phủ hy vọng tới năm 2020, các ngành cá, đóng tàu, vận tải biển, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan sẽ chiếm hơn một nửa GDP so với mức 15% GDP năm 2005. Nhu cầu của thế giới về cá nuôi và tàu biển trọng tải lớn đang tăng…”.

Với các lợi thế sẵn có, “Chiến lược biển đến năm 2020”, cùng những chương trình hành động cụ thể và nhất là những chính sách ngoại giao, chính trị và kinh tế nhất quán hơn, có thể hy vọng rằng Việt Nam sẽ thực hiện được mong ước trở thành cường quốc về biển. Như ba nhà kinh tế nói trên đã viết: “Sau khi làm cách mạng trên những cánh đồng lúa của đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, ngày nay Việt Nam đang hướng ra biển”.


1Bài viết chỉ thể hiện một quan điểm. Việc đi tìm căn nguyên của sự lạc hậu, chậm phát triển của Việt Nam cần nhiều góc nhìn khác cũng như những nghiên cứu sâu hơn.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • “Người ta hèn là do dân trí thấp”

    07/01/2010Đoan Trang (thực hiện)Xuất thân từ một thanh niên nghèo ở Hà Tĩnh, lận đận kiếm sống bao năm, nhưng anh lại dốc hết tâm sức vào một việc rất có vẻ “vác tù và hàng tổng” - đưa sách về nông thôn - với niềm tin mãnh liệt: Dân tộc mình muốn 50 năm nữa tiến bộ thì bây giờ phải biết đọc sách.
  • Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975

    21/06/2009Đoan Trang"Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…” - ông Y. nói. "Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu "ba rọi" như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay".
  • Tài ngoại giao của Bác Hồ với TQ và Tưởng Giới Thạch

    19/05/2009Đoan TrangKỷ niệm 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin giới thiệu đến độc giả bài viết về một giai đoạn lịch sử đầy cam go của dân tộc, khi nhà nước Việt Nam DCCH non trẻ phải đương đầu với nhiều thử thách dồn dập. Chính trong hoàn cảnh này, đã càng bộc lộ rõ hơn tài ngoại giao xuất sắc và đức độ của Bác Hồ - vị lãnh tụ chỉ đạo trực tiếp công tác ngoại giao trong thời gian đó.
  • “Thôi không nói nữa, bao nhiêu cho vừa”!

    07/06/2007Nguyệt SinhLTS: Các cụ thường dạy con cháu “nói thì dễ, làm thì khó”. Cách đây 2 cáiTết, Tòa soạn có mở cuộc “thi… làm”, tổng số chỉ có 72 từ. Nay đến cuộc “thi… nói”, một bất ngờ, một niềm vui và một sự trân trọng đã đến với Ban biên tập bởi một bài tham gia của tác giả NguyệtSinh. Vâng, khoảng gần 200 từ, mà hình như chưa hết. Thế mới biết, lời các cụ xưa để lại đó có sai chữ nào. Tòa soạn xin trân trọng đăng sáng tác này để bạn đọc cùng chia vui.