Thi nhân hiện đại bi và hài

04:53 CH @ Thứ Năm - 01 Tháng Bảy, 2010

Chuyện xưa, văn nhân thi sĩ luôn là những người nho nhã, thâm thúy, coi trọng cuộc sống tinh thần, sống bần hàn mà tinh thần thanh sạch, phong phú. Chuyện nay, nhà thơ, nhà văn chẳng thể ngậm ngùi gò lưng đạp xe trong dòng xe máy, ô tô nườm nượp trên phố, không thể bóp bụng uống nước lọc trong dòng bia tươi, rượu ngoại tuôn trào như suối, và cũng khó ăn mặc thanh bần giữa cảnh náo nhiệt phồn hoa. Thế nên hình dung về các nhà thơ, nhà văn hiện nay không dễ, nhất là trong bối cảnh lâu lắm rồi không nghe kể về huyền thoại thơ văn nào đáng giá mà thay vào đó, người ta luôn được nghe nhiều chuyện nực cười xung quanh những người cầm bút

Những tập thơ đá cuội

“Anh ơi, em tặng anh tập thơ mới!” - Đó là câu nói thường trực trên mỗi người làm thơ, khi đến dự ngày hội này, ngày kỷ niệm kia hoặc liên hoan nọ. Thi sĩ chạy theo những tấm lưng to tướng, chạm mặt những vầng trán cao cao, bắt chặt những đôi tay nồng nhiệt (giả vờ) hoặc hờ hững (thật lòng). Rất nhiều khi, người vác cây thập giá thi ca ấy vừa hấp tấp chạy theo, vừa mau mắn quay sang hỏi người bên cạnh: Bác ấy, chú ấy, anh ấy là ai nhỉ? Tên gì nhỉ? Chức vụ gì, thuộc hội nào, bạn nào ấy nhỉ?

Và những cuốn thơ mới được tung ra như vũ bão, để rồi hệt như ngàn viên đá cuội ném tọt xuống ao bèo, chẳng để lại dấu ấn gì. Nhiều người thấy khổ sở lắm, chẳng biết nên cười hay nên mếu khi mỗi năm được gửi tặng tới mấy trăm tập thơ, tập nào giấy cũng tốt, bìa hoành tráng, “trang trí” công phu, tô vẽ màu mè hay sáng tạo phá cách nhưng nếu có thời gian đọc vào phần thơ thì phải ngơ ngác đến mấy lần mà tự hỏi cái này mà gọi là thơ sao, hay mình chưa đủ tầm để hiểu?! Lâu lâu lại phải tìm cách thanh lý đống thơ (được/ bị) tặng một lần chứ nhà đâu mà chứa hết. Vì thế, sách ký tặng anh A, chú B, cô C lần lượt theo ra hàng đồng nát (mà cũng chỉ bán được cho hàng đồng nát thôi, chứ tiệm sách cũ có đem cho không cũng chẳng màng loại ấy!)

Sau một thời gian, bằng cách này hay cách khác, thi sĩ xin được số điện thoại của bác ấy/ chú ấy/ anh ấy; và gọi điện thoại lại hỏi thăm, xem bác (chú/ anh) đọc xong thơ của cháu (em) chưa? Đánh giá thế nào? Liệu có thể nhờ bác (chú/anh) giới thiệu để vào hội đợt tới không? Trăm sự nhờ vào bác (chú/anh). Nếu từ chối, nhiều bác (chú, anh) đã bị người làm thơ sùng lên mắng chửi thậm tệ, nào là trót tin cậy, mất công nhờ vả, chạy theo tặng thơ, chăm sóc nhiệt tình. Hay là bác (chú/ anh) cần bao nhiêu để cháu (em) sẵn sàng chi? Hay là tối nay cháu (em) đến tận nhà có lời thưa gửi.

Lá đơn xin ra nhập hội

Trong những kỳ hội họp, chẳng khó để thấy những gương mặt đầy... tinh thần cầu cạnh, lăng xăng tay bắt mắt mừng, thì thầm hay hồ hởi gửi gắm nhau vài tên tuổi, dăm tập sách tiến cử cho kỳ kết nạp hội viên lần này. Lưu ý nhé! Hỗ trợ nhé! Cảm ơn nhiều! Có lẽ chưa khi nào Hội Nhà văn Việt Nam lại danh giá và được người ta coi trọng, đầy “tình thương mến thương” đến vậy! Thế nên có tới hơn nửa ngàn lá đơn xin gia nhập Hội đồng chuyên môn và gây sửng sốt kinh hoàng cho tất cả những ai quan tâm. Nhiều lá đơn trong số đó thậm chí còn viết. Đơn xin ra nhap Hội. Mà đấy toàn là người tha thiết với thi ca, văn chương lắm lắm, không được vào hội thì không chừng có chuyện động trời xảy ra, bởi phấn đấu đến được “Cửa Hội” là cả nhiều chặng đường mồ hôi nước mắt, phải tận dụng bao nhiêu quan hệ, đi bao nhiêu cửa, nhờ bao nhiêu người.

Vậy liệu có thể hé (hay mở) rộng cửa cho tất cả những người có tâm nguyện thiết tha vào hội được không? Câu trả lời là nếu thế thì Hội Nhà văn sẽ có hàng vạn, hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu hội viên. Liệu nước ta có thực sự bội thực tài năng đến thế? Hay thực chất danh xưng “nhà” nọ, “nhà” kia đó chỉ là tấm lụa đẹp bọc cho hào nhoáng cái tâm thực của những kẻ háo danh? Bởi vì đã có quá nhiều hội viên không có nổi một tác phẩm nào tử tế. và tấm thẻ hội viên (như một số nhà văn phát biểu là “ không biết để dọa ai?”) được coi như cái đích đến tự mãn và lười biếng chứ không phải điểm khởi đầu cho một hành trình cống hiến nhọc nằn và đầy kiêu hãnh.

Những cuộc cạnh tranh “mạnh” nhưng không “lành”

Lựa chọn các gương mặt để giới thiệu ra thế giới trong cuộc Hội nghị dịch thuật sắp tới, Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam) định chọn 40 nhà thơ. Những người có mặt trong ban tuyển chọn đã tự nguyện loại chính họ ra khỏi danh sách “để mọi người hiểu rằng chúng tôi không tơ hào gì trong đó” như Chủ tịch Hội đồng thơ Vũ Quần Phương cho biết. Nhưng cũng chính nhà thơ này phải than thở: “Văn chương có ai lấn át được ai đâu. Nhưng có nhiều người họ đấu tranh rất buồn cười.”

Tình trạng tương tự cũng xảy ra khi bàn tới việc in Hợp Tuyển Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX. “Chật hẹp thì anh em không vui. Nhưng nếu để vui cả làng thì tuyển tập phải lấy trên 500 tác giả vì còn những nhà thơ trước khi có Hội Nhà Văn Việt Nam. Mà sách dày như thế sợ khó bán, chất lượng và khối lượng như thế cũng khó ai bỏ công ra đọc. Băn khoăn nhiều tới nỗi, chẳng lẽ lại làm cùng lúc hai tập sách, tập quy mô rộng để người làm thơ vui và tập quy mô hẹp để người đọc thơ vui. Chỉ cần chọn thử khoảng 200 tác giả, đã có tới 2/3 hội viên không có mặt rồi. Như thế liệu có ổn không?”- vẫn ông Chủ tịch Hội Đồng Thơ (Vũ Quần Phương) này trăn trở.

Nhà thơ thường sợ người đời không hiểu mình, hoặc phải… trăm năm sau mới hiểu. Cho nên họ sợ Tuyển tập thơ Một Thế Kỷ chỉ toàn những gương mặt già nua, cũ kỹ, không thực sự đại diện cho nền thơ ca từ lâu đã chia thành nhiều dòng hướng, trường phái. Họ không muốn được hưởng vinh hoa khi đã ở trên trời. Vì thế, nhà thơ lên tiếng đòi công bằng và hợp lẽ. Nhưng thế nào là hợp lẽ? không lẽ đưa tất cả vào, cả làng cùng vui là hợp lẽ!? Dư luận về cảnh chiếu trên chiếu dưới vì thế cứ chen vào giữa bàn nhậu của các nhà thơ, nhà văn. Ban đầu là chỉ trích những người xa lạ, chê bai mắng mỏ những tên tuổi mơ hồ, rồi sau rốt thì chạm vào cơn tự ái, tức là tự yêu mình (!?) mà không cần yêu ai hết, chỉ cần bảo vệ được vẻ đẹp của thơ mình, toàn tâm toàn ý với con chữ kiểu văn mình vợ người, các nhà thơ nhà văn sẵn sàng vung chai choảng chén ném đĩa vào thẳng mặt những đồng nghiệp bạn hữu xung quanh.

Cái câu “văn học là nhân học” của cụ Maxim Gorky xưa dường như đang mai một dần giá trị khi soi chiếu vào đời sống văn chương, thi ca thời nay. Liệu có thể tạo nên một đất nước thơ ca hay không, khi không ít những người cầm bút – những người đã đang (hoặc) sẽ phấn đấu thành “nhà” nọ, “nhà” kia – đang góp phần “phơi bày” ngày một nhiều những “huyền sử” đáng xấu hổ như thế?!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thơ, thay đổi để tồn tại

    13/03/2009InrasaraMỗi trường phái mới bằng mỗi thử nghiệm hay mỗi bước chuyển đều có sự thất bại hay thất thố bên cạnh bật lên các đại biểu xuất sắc của nó. Nhà phê bình không thể dùng tiêu chí thẩm mĩ này để đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học khác. Càng không đánh giá sáng tác thuộc mĩ học mới qua những sản phẩm kém cỏi được. Nhà tư tưởng chỉ có thể bị vượt qua khi phần vô ngôn của tư tưởng ông ta được khai mở trọn vẹn, - Heidegger nói thế. Một trào lưu văn nghệ chỉ có thể bị vượt bỏ khi chính tác phẩm đại biểu xuất sắc của nó bị vượt qua. Vượt qua, không phải người đọc không còn thưởng thức nó nữa, mà là: người viết hết còn sáng tác theo vết mòn của nó!
  • Nhà thơ - người thợ lành nghề hay nhà tiên tri?

    08/09/2005Những lý thuyết về thơ từ những thời kỳ xa xưa đều xoay quanh ý niệm nhà thơ như người thợ thủ công khéo léo, như nhà tiên tri đầy cảm hứng, hay như một sự kết hợp thế nào đó của cả hai. Trong thế giới cổ đại, từ “thơ” nguyên nghĩa là “chế tác”, và bao gồm mọi hình thái sáng tạo sinh sôi của con người – chế tác những cái hũ cũng như chế tác những bài thơ. Nhưng nó sớm mang ý nghĩa nghệ thuật “chế tác” văn chương, sự trình bày có tính chất tưởng tượng về hành động, tính cách, và cảm xúc con người – thông qua từ ngữ. “Sự chế tác” như vậy bao gồm những tác phẩm kịch, ...
  • "Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ

    07/07/2005Ngân HuyềnBa chữ “Tín - Đạt - Nhã” đã là chủ đề của ít nhất hai cuộc thảo luận trong giới dịch thuật Việt Nam những năm 1960 và 1990. Tháng ba vừa qua (2003), tại Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, chủ đề này lại được “hâm nóng” trở lại với sự tham gia của các nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà thơ: Trần Thiện Đạo, Hoàng Hưng, Hoàng Thúy Toàn, Lê Đức Mẫn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Văn Dân, Đoàn Tử Huyến.
    Cuộc tọa đàm do Ngân Huyền lược thuật.