Thanh niên đối với sự học
Học cái gì? Học như thế nào? Học để làm gì? Đó là những câu hỏi của tất cả các thời đại. Nền giáo dục Việt Nam suốt hơn 100 năm qua, kể từ Đông Kinh Nghĩa Thục đến hôm nay vẫn luôn gập ghềnh chông chênh khi xác định cho mình một lối đi hiện đại, hiệu quả. Có những lúc tưởng chừng nền giáo dục của chúng ta đã có thể tự vượt lên bằng một triết lý giáo dục hiện đại, hợp thời để phát triển nhưng các biến cố lịch sử xã hội, các điều kiện khách quan và cả bởi sự lạc hậu, bảo thủ của chính chúng ta đã níu kéo, kìm giữ nó trong sự bùng nhùng, luẩn quẩn và ngày càng tụt hậu so với thế giới.
Chúng tôi đăng lại bài viết này của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố [1889 - 1947), nguyên Hội trưởngHội Trí tri, Hội truyền bá quốc ngữ trước năm1945; Bộ trưởng cứu tế xã hội trong Chính phủ Cách mạng lâm thời 1945; Đại biểu Quố hội, Chủ tịch Quốc hội khóa I, Quốc vụ khanh trong Chính phủ liên hiệp Việt nam lâm thời (1946)bởi những quan tâm, cách nhìn, cách luận về sự học của các vị tiền bối xem ra vẫn có ích với bây giờ .
Thanh niên đối với sự học
Một hôm, nhân bàn việc quyên tiền để tậu một miếng đất giáp Hội Tri trí Hà Thành làm sân thể thao cho học trò và tậu một ngôi nhà làm phòng giấy vinh viễn cho Hội Truyền bá quốc ngữ, một bạn thanh niên có chân trong Hội đứng lên nói rằng:
- Sao những hội học như hội ta không dạy cách… làm giàu, cho nước ta cũng có hạng người trung sản sẵn tiền giúp việc công ích, việc cứu tế? Mỗi khi cần tiền làm việc công, đành phải bó tay, không vin vào đâu được: Vì tiếng vậy, nước ta chưa làm gì có một hạng người trung lưu vừa có tiền, vừa có học, vừa có cả giáo – dục nữa. Người Tây cho hạng người đó (bourgeoisle) vào phần lọc lõi hơn cả trong quốc dân, vì hạng đó đã từng cần cù và cần kiệm trong hai ba đời, mới tích lũy được tài sản về vật chất; về trí tuệ, về tinh thần. Nước ta, dù nghèo túng đến đâu, cũng nên theo cái gương đó, bắt đầu học lấy những tính cần lao, tiết kiệm, cho sớm có một hạng người trung sản ra gánh vác việc đời…
Các bạn thanh niên đang tủm tỉm cười, thì một hội viên nói tiếp ngay rằng:
- Tôi rất tán thành lời đề nghị đó. Nghề gì chẳng là học? Nghề làm giàu cũng phải học: phải biết cách giữ lấy đồng tiền hiện có mà sinh lợi ra, đừng đem phung phí vào những thói đời thường ưa chuộng, như việc khao vọng, việc cưới xin, việc ma chay. Vậy trước khi mở những trường thực dụng, những lớp bổ túc, trước khi bàn đến cách dạy các khoa học, các nghệ thuật để đem ra ứng dụng vào công nghệ, vào thương nghiệp, các hội học nên hô hào làm việc này: Bài trừ các tục xấu thói dở, tiệt dần những cái mầm độc nó đã làm tiêu ma các nguyên khí của đồng bào và đã có biết bao gia đình vào cảnh điêu tàn! Những hội học nên gây lấy cái phong trào này, trước là để cảm hóa xã hội, sau là để ngăn ngừa những sự khuynh gia bại sản nó đã làm đình trệ các việc cải cách trong dân gian…
Một bạn thanh niên bẻ rằng:
- Không nên cải cách to tát lắm, dù theo lý thuyết hay đến đâu cũng hại; phải thong thả dần dà, phải giữ lấy cái chế độ cũ, nhưng đổi dần đi: đó là lời những nhà chính trị; Nhưng dù thế nào nữa, câu chuyện mà chúng ta đang bàn đây có lẽ hơi ra ngoài cái tôn chỉ của những hội học.
Một người bèn hỏi ngay rằng:
- Thế thì học để làm gì?
Người thì bảo “để kiếm gạo”, “để làm quan”, kẻ thì bảo “để lấy vợ giàu”!
Ngoài những thuyết duy lợi ra, còn có nhiều ý kiến hay, tưởng nên chép ra đây để mở rộng con đường thanh nghị.
Người chủ trương thuyết dạy làm giàu nói rằng:
- Học để ra sức chiến đấu với các tệ tục, để cho cách sinh hoạt đỡ tầm thường có thi vị một chút.
Người phản đối những sự cải cách lớn nói thêm rằng:
- Những phải giữ lấy cái nền nếp cũ, phải tôn trọng những kỷ cương làm gốc cho sự sinh tồn nước nhà, đừng để cho vong bản, vì ai cũng công nhận rằng “đã mất cái tinh thần của chủng tộc thì ta mất hết, không thể khôi phục được nữa”.
- Có lẽ thế. Ta có câu “Ăn sống, ở lấy sang; Khôn thì sống, vống thì chết” Không học thì sao khôn được?”
- Nhưng bọn tân tiến phải học thêm nhiều. Người ta đã bảo tiếng nói là cái thuyền để chở văn hóa. Vậy ai đã là người trí thức phải học tập thế nào cho tiếng nước nhà thành cái thuyền đó, nhưng cái thuyền đó phải đóng bằng gỗ nhà cho thật chắc, không nên dùng những gỗ tạp nhạp, sợ khi ra đến biển khơi, không chịu được gió to sóng cả. Nghĩa là bao giờ miệng đọc mà tai nghe thấu, trên dưới thông dụng thì những điều mà các bạn ước mong mới có thể thực hành được. Đã hay rằng tư tưởng muốn truyền bá, phải có kẻ học thức, nhưng muốn thực hiện ra thì phải có công chúng mới xong.
- Học không những để biết các lẽ hành động của quốc gia, biết những điều chân lý cốt yếu cho đạo xử thế, lại còn để biết mê sự đạo đức bằng người ta mê người đàn bà đẹp, biết đời người có những mục đích cao thượng, nên ra công cố sức mà sống cho xứng đáng.
- Thực thế: Có học thì mới biết những lí tưởng làm gốc cho quốc hồn: lí tưởng yêu nước, lí tưởng ham học, lí tưởng ăn ở theo đạo đức. Một nhà thông thái nước Pháp đã nói rằng: “Hễ có một cái lí tưởng cao như thế, thì bụng nghĩ việc làm như có ánh sáng vô hạn chiếu qua vào”
- Mấy lại biết đâu? May ra sáng tạo được như nhà thông thái ấy chăng!
- Tôi tưởng nhân tài trong một nước không những cốt ở sự học, lại còn cốt ở gia tộc nữa.
- Thế thì trái hẳn với ý kiến người Âu – Mỹ.
- Chẳng trái tí nào vì người Âu- Mỹ hẳn phải có học thức cao, nhưng lại phải có cả dòng giống tốt nữa.
Các bạn thanh niên bàn bạc ôn hòa cẩn thận, rồi kết cục lại quay về hai cái tư tưởng cũ đã làm gốc cho dư luận Á – Đông, một là “bảo chủng”, hai là “tồn học”. Sau một bạn lấy quyển Sách học đề cương (Quyển 6, tờ 102a) ra đọc một đoạn làm kết luận, ai nấy đều chú ý, tỏ vẻ tôn cổ hơn trước. Đoạn sách ấy chưa ai dịch, nay chép ra đây để biểu thị cái ý kiến thanh niên đối với việc học ngày nay:
“Đường lối học thế nào?
Có lối học vụ thực, có lối học vụ danh
Học hết sự thực mà vẫn sợ có lối thất thực là lối học của cổ nhân.
Học ham hư danh mà chưa thoát khỏi cái thói tuẫn -danh là lối học của người đời sau
Thế nào gọi là lối học của cổ - nhân?
“Ba thiên Duyệt mạnh (của ông Phó Duyệt làm ra để dạy vua Cao Tôn nhà Thương) nói về sự nghiệp quân thần; sáu điển thái bình (của ông Chu Công làm ra để dạy vua Thành Vương) nói về quy mô chính trị, không một việc gì là không có sự thực.
Văn, hạnh, trung, tín: đức Khổng lấy bốn điều ấy dạy học trò. Đức hạnh, ngôn ngữ, chính trị, văn học: học trò đức Khổng học ở bốn khoa ấy. Dạy ở đấy, học ở đấy, không có gì là không thực.
Vậy thì học đã hết sự thực, mà vẫn sợ rằng có cái lỗi thất thực, ấy là lối học của cổ nhân.
Thử đem lối học của đời sau nói ra: học về lối kê cổ (nghiên cứu học đời xưa) thì lưu ý ở xe ngựa (làm quan có bổng lộc), học về lối minh kinh (rõ nghĩa sách) lại say đắm về áo xanh áo tía (chủ ý thi đỗ), học về lối thanh liêm, thậm chí để xe nát ngựa gầy, học về lối giảng độc, thậm chí để đầu bù mặt cáu.
Vậy thì học ham hư danh mà chưa thoát khỏi cái thói tuẫn danh, ấy là lối học của đời sau đó.
Ôi! Học không phải là chỉ học suông mà thôi đâu!
Có thực học ấy có thực dụng: học mà không dùng tức là người học suông đó.
Câu chi thành tận tính (rất thành hết tính) ở Trung dung chép, là công đấng thánh nhân giúp đỡ trời đất; câu chính tâm thành ý (chính trong lòng, thực ý) ở Đại học chép, là cái gốc đấng nhân dân trị nước yên thiên – hạ
Khi còn ẩn, thì sửa một mình cho hay cho giỏi; khi đạt, thì làm thiên hạ đều hay đều giỏi.
Rất quý về lối vụ thực của cổ nhân, là có thực dụng, rất ghét về lối vụ danh của người sau, chỉ là cần hư danh mà thôi.
Có chí về việc học ấy há không biết kén chọn vậy ư?”
...
(Bài đăng trên tạp chí Thanh Nghị số 14 (1942), trang 14-14)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn