Thảm họa văn hóa đọc và những bệnh tật của người Việt Nam thời “A còng”
Mạng xã hội đặc biệt là facebook với những Status – lối viết ngắn, nhanh, đơn giản đã vô hình chung biến thành thảm họa của văn hóa đọc đối với người Việt Nam...
Ảnh minh họa về lối đọc chộp giựt của người Việt
.
Mạng xã hội, nơi mỗi con người có thể tự do bộc lộ chính mình, thể hiện tư duy, bàn luận về chính trị, kinh tế xã hội. Mạng xã hội nơi mà mỗi người có thể bình luận về sự kiện ông Donald Trump vừa nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, hay xăng sắp tăng thuế…
Bạn nghĩ rằng mình đang đóng góp cho sự văn minh, phát triển? Bạn có sứ mệnh đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng? Bạn phẫn nộ vì một tiến sỹ văn chương nói rằng chơi Facebook là biểu hiện của vô công rỗi nghề.
Nhưng không hẳn, mạng xã hội lật ra một mặt trái rất đỗi… Việt Nam,đó là sự nông nổi, bộp chộp là thói hung hãn, anh hùng rơm là sự thiếu kiến thức đến mức thảm hại.
Những bình luận, like, hay chia sẻ không cần suy nghĩ, không cần kiểm chứng thông tin; rất nhiều vật vã khóc than hay phẫn nộ vì một bức hình giả(hoặc được công nghệ hóa bằng photoshop) rồi công kích, thóa mạ, nhục sỉ lẫn nhau mà không cần bất cứ một bằng chứng nào. Nhiều đến … vô vàn!
Khi cộng đồng mạng cứ thỏa sức bình luận, lăng mạ khổ chủ mà không cần phải kiểm chứng thông tin
Tôi có thể lược qua vài ví dụ:
Trước đây, một người mang tên Hà Đình Sơn đã ngang nhiên bịa đặt rằng Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc có những câu nói không thỏa đáng về Trường Sa, Hoàng Sa. Bẵng đi vài năm, mọi thứ tưởng như đã yên lành thì kẻ nào đó dựng một tấm hình và gán những câu nói bịa đặt này đăng lên facebook.
Hàng ngàn, hàng chục ngàn thậm chí nhiều hơn thế là những lời thóa mạ đã được bung ra hướng thẳng đến Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc – người hầu như dành cả đời để nghiên cứu Hoàng – Trường Sa. Những kẻ này nhân danh lòng yêu nước gằn giọng đòi treo cổ, đòi bắn một vị giáo sư già!
Vẫn chưa hết, sau khi một số facebooker đã tìm cách khắc phục sai lầm nay thì một Giáo sư lịch sử khác – là đồng nghiệp của Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc lại dính tai vạ. Có người đã dán lời, ghép ảnh và một trận cuồng phong với vô vàn ngôn từ thóa mạ nổi lên.
Thậm chí người ta sẵn sàng chia sẻ thông tin về số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, nơi công tác của nạn nhân và kêu gọi cộng đồng mạng “bỏ bom” điện thoại, hay tìm tận nhà để … hỏi tội. Từ Giáo sư, Hiệu trưởng trường Đại học đến cả quan chức hàng đầu một tỉnh, đều đã thành nạn nhân của anh hùng mạng xã hội.
Trước đây ít lâu, tôi có “may mắn” là đọc được một lời chửi tục của một số máy ngoại quốc gửi tới máy cầm tay của một vị quan chức hàng đầu một tỉnh. Vị quan chức này gần như đã phải ứa nước mắt mà nói với tôi rằng: không anh không làm điều đó!
Nhưng điều này còn chưa thể nào khiến bạn ngạc nhiên bằng việc trên mạng xã hội đang chửi Giáo sư Nông Lập Phu là việt gian, bán nước, là thứ giáo sư gì mà … ngu xuẩn, vô học…. Tất nhiên anh hùng mạng xã hội lại đòi “treo cổ” ông này lên. Họ không cần biết Nông Lập Phu là người Trung Quốc đang làm việc tại Quảng Tây!
Tôi không hiểu nếu ông Nông Lập Phu đọc được những dòng thóa mạ của người Việt Nam thì sẽ có cảm xúc thế nào? Với tôi đó đơn giản là sự xấu hổ!
Phải chăng biểu hiện như thế mới là yêu nước?
Không đó là thứ “anh hùng bàn phím” rẻ tiền! Thứ rẻ tiền ấy được xây dựng từ thói bộp chộp, hung hãn và cả những man rợ tư duy đang hằn in trong không ít con người. Điều ngạc nhiên là sự thiểu năng kiến thức và hung hãn đó trải rộng khắp trong và ngoài nước, từ công dân Việt Nam đến những người Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ, hay Australia!
Không cần bất cứ một sự “động não” nào, nhiều người đã chứng tỏ mình dễ tin một cách dễ sợ và hung hãn khôn cùng. Họ nhân danh tình yêu quốc gia, dân tộc, nhân danh tình yêu biển đảo và nhân danh cả sự văn minh!
Họ chỉ hăm he có một điều là “bắn bỏ” những ai nói chướng tai họ.
Một hai lần vấp ngã để “nên khôn” thì còn hiểu, nhưng cứ lặp đi lặp lại liên hồi thì phải cắt nghĩa thế nào đây? Hàng ngàn, hàng chục ngàn người cứ mắc phải một cái sai lầm sơ đẳng, một lối bình luận nặng tính thóa mạ người khác một cách vô căn cứ. Vậy là sao?
Ai cắt nghĩa giùm tôi?
Phải chăng không gian mạng, nơi mỗi con người cho mình chỉ là một “nick ảo” thì mới có thể bộc lộ hết thói tính của mình? Họ quên và không biết được rằng: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”.
Mạng xã hội vô hình chung đã phơi bày thứ bệnh lý đáng sợ của nhiều người Việt Nam. Nhiều người trong chúng ta không cần học, càng không cần hiểu, làm tốt chỉ đơn giản một việc là chửi một cách tự động.
Khi nhiều người vô tình trở thành những tên “Chí Phèo” thời công nghệ
Nhiều người chưa hề có văn hóa đọc, chưa hề biết đọc, thì mạng xã hội ập đến, không cần suy nghĩ nhiều, mọi thứ, mọi luồng thông tin nhanh chóng ập đến tai, mắt bạn. Thiếu tri thức, bạn sẽ phản xạ theo bản năng và phơi bày sự bộp chộp, thói hung hãn của mình và bị lợi dụng một cách không thể dễ dàng hơn.
Công dân như vậy, làm sao mà chúng ta kiến tạo quốc gia thịnh vượng cho nổi? Câu tuyên ngôn gần trăm năm trước của Phan Chu Trinh rằng “Chi bằng học”, đến giờ vẫn còn thấm thía khi ta thấy đồng bào ta hung hãn “đòi giết” đồng bào ta trên mạng xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)