Xuân du phương thảo địa

04:22 CH @ Thứ Ba - 27 Tháng Giêng, 2009
Làm và chơi thời nào cũng vậy, nhưng đối với người ngày xưa làm thì chỉ cốt đủ ăn, chơi là để tiêu dao trong trời đất, không giống như con người ngày nay làm cốt thật nhiều tiền, chơi thì thủng trống long bòng mới thôi.

Không phải người xưa không muốn giàu có, nhưng làm ruộng trồng cây thu nhập không nhiều ai muốn làm giàu thì phải đi buôn, mà đi buôn đành vào loại thứ dân hạng bét, không được tham gia thi cử và làm quan. Thợ thủ công và thương nhân đều đứng dưới nông dân, trong tứ dân sỹ - nông - công - thương, điều đó khiến con người ham chơi hơn ham làm, dù làm nông nghiệp không kém vất vả. Vòng quan bất tận xuân - hạ - thu - đông, khiến con người sống trong một nhịp diệu luân hồi, có sinh có diệt, sống gửi thác về, thưởng ngoạn là một phần quan trọng, không có thì: Sống trên đời ăn miếng dồi chó/ Xuống suối vàng biết có hay không. Lời dẫn trên xuất phát từ bài thơ, thường hay đề trên bộ tranh tứ bình dân gian vẽ mai - lan - cúc - trúc: Xuân du phương thảo địa/ Hạ thưởng lục hà trì/ Thu ẩm hoàng hoa tửu/ Đông ngâm bạch tuyết thi. Nghĩa là: Mùa xuân đi chơi đất hoa cỏ thơm/ Mùa hạ ngắm ao sen xanh/ Mùa thu uống rượu hoa cúc/ Mùa đông ngâm thơ tuyết trắng. Thế là các bậc cao nhân ẩn sỹ xưa chơi quanh năm, sướng quá và các vị gọi là lười biếng một cách khôn ngoan! Người dân thì gọi là nông nhàn, một vụ lúa, hoặc hai, một vụ mầu trong quảng canh, cày cấy xong thì chơi dài, túng đói thì bắt cua cá trong đầm hồ, chặt củi, kiếm hoa quả, săn bắn trên rừng, nên sinh ra bốn việc gọi là: canh (cầy ruộng), tiều (hái củi), ngư (bắt cá), mục (chăn trâu bò). Riêng mùa xuân và tháng giêng được coi là tháng ăn chơi.

Sau Tết Cửu trùng mùng 9 tháng 9, những người đi xa bắt đầu về dần làng quê, mùa đông tháng giá đến gần, cái đói tháng 8 được giải tỏa bằng vụ gặt tháng 10, người nông dân dần chuẩn bị cho năm mới. Người thợ Đông Hồ, Hàng Trống bắt đầu in nhiều tranh Tết, đưa xuống thuyền và đem đi các miền theo các triền sông. Đồ mã được cắt dán, trong đó không ít đồ chơi cho trẻ nhỏ, hương được xe và lá bánh được chăm bón. Đến tháng l2 thì những cây đu tre được dựng lên trên ruộng cạn hoặc bãi đất trống. Từ rằm cuối đến ngày 23 âm lịch, mọi nhà đi tu sửa mộ phần, đem lễ đến chùa, từ đường gia đình con cả về thăm vấn mẹ cha. Ngày ông công ông táo, mọi nhà làm lễ tất niên cúng thổ công thổ địa, bá cáo mọi sự cho giời đất gia tiên, rồi chuẩn bị dọn dẹp, gói bánh làm mứt. Trẻ con bắt đầu nghỉ học và chơi, người lớn 10 thu vén trả và đòi nợ, để năm mới đến mọi sự năm cũ được thanh toán hết. Khái niệm chơi ngày nay được hiểu hơi thô thiển, đối với người xưa cái chơi đầu tiên là sống trong bổn phận tôn giáo, lễ đình chùa và tổ tiên, nên mọi nghi lễ ngày xuân đều thông qua thờ phụng.

Sau đó mới là ngâm vịnh thi phú, hát đối, chơi thư pháp, tranh pháo, nuôi chim, thả cá, trông hoa, đánh cờ... Các trò chơi đánh đu, bơi chải, kéo co, vật... là thấp nhất và chóng vánh. Tất cả đều là nghiệp dư, trong hội làng có thi thố và có giải thưởng, những ai muốn đoạt giải đều phải tự thành chuyên nghiệp, như đấu vật, hoặc dựa vào cộng đồng, như đánh cờ có người phò. Những ai giỏi cầm, kỳ, thi, họa đều được xem trọng, đi đâu cũng có cơm bưng nước rót. Ngày 30, hồi hộp bên nồi bánh chưng, chờ giao thừa, ngày mùng một, chọn người lành tính hợp tuổi xông nhà, rồi thăm mẹ cha, người già, ngày mùng hai thăm họ hàng, mùng ba thăm bè bạn xóm giềng, sau đó làm cơm hóa vàng tiễn các cụ vong về trời, coi như tạm hết tết. Những nghi thức gia đình đã xong, người ta trong suốt tháng giêng đi chơi danh lam thắng cảnh và hội lễ các làng, và xuất hành cũng cần xem ngày theo tuổi của mình. Chơi hội pháo Đồng Kỵ xem những quả pháo to như súng thần công trang trí rồng phượng, sau đó đến hội Lim xem hoặc hát Quan họ, một hình thức giao duyên thanh nhã. Qua lời ca tiếng hát, người ta chọn bạn có phải là người tinh tế hay không. Hát đối, hát Xoan, hát Quan họ đều là biểu hiện tâm tư trong đời sống của cái tình. Khi gặp nhau thì: Đêm qua gió lạnh đông trường/ Nửa chăn, nữa chiếu, nửa giường để đó đợi ai. Khi hết hội, giã bạn thì: Người về ta dặn câu này/ Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua, và hơn nữa Đâu hơn người kết, đâu bằng đợi em.

Mùa đông, dương khí lặn vào trong, mùa xuân dương khí phát ra ngoài, cây cối đâm chồi nẩy lộc, chim thú động đực và con người cũng đi tìm bạn tình. Có làng tổ chức hội chen, trai gái vào đình có mươi phút chen vai thích cánh khi đèn nến tắt phụt. Có làng mở hội bắt trạch, đôi trai gái vai trần, một tay khoác vào nhau, một tay thò vào chum cùng lùa con trạch. Bắt nhanh thì đụng chạm ít nhưng có giải, bắt chậm thì không giải nhưng khoái cảm nhiều. Chơi đu là trò ngoạn mục nhất, mà Hồ Xuân Hương đã diễn tả rất hay là: Trai đu gối hạc lom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng. Khi đôi trai gái lần lượt nhún xuống rồi dướn lên, họ như trườn từ chân lên đầu của người kia, đu bay cao họ như nằm sấp lên nhau. Chơi cờ người 32 quân, 16 đồng nam, 16 đồng nữ đẹp như tiên, xếp thành bàn cờ, bị ăn mất một quân cũng tiếc. Chơi thư pháp là xem cách viết tay viết, thưởng ngoạn cái tài hoa của ông đồ. Kẻ sinh nghệ tử nghệ hàng chục năm, cho ta xem vài phút, chính là vài phút tinh túy đấy.

Chơi xuân là một văn hóa, giỏi thì tham gia vào cuộc chơi như một đấu thủ, không thì làm khán giả xem người khác chơi và tham gia bằng mồm, xưa gọi là ngoại thủy. Ai cũng có phận, do đó cũng có duyên, không lo không có phần. Nuôi một con chim thì khó khăn, chứ nghe chim hót thì quá dễ. Đó chính là ý nghĩa của thưởng xuân vậy. Đầu xuân, đích thân nhà vua xuống ruộng cày đường cày đầu tiên cho lễ tịch điền. Người Kinh, sau tháng giêng cũng bắt đầu cấy vụ chiêm, người dân tộc làm lễ xuống đồng, gọi là hội Lồng tồng. Tháng 3, tiết thanh minh, đi tảo mộ, rồi kết thúc một mùa xuân năm mới.



Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tinh khôi như mùa xuân

    24/01/2009Nguyễn Tường BáchMột ngày nọ tại sân bay quốc tế Bangkok, trong khu vực nghỉ ngơi của doanh nhân, kẻ viết bài này bắt gặp một người lạ. Với khuôn mặt nghiêm túc, áo quần tươm tất của một giám đốc công trình, ông vội vã xách cặp bước vào phòng.
  • Đi lễ đầu xuân

    19/01/2009Minh HằngKhi những chùm pháo hoa rực rỡ màu trùm lên bầu trời chào đón thời khắc giao thừa thiêng liêng cũng là lúc mọi người, mọi nhà cùng nhau hướng về bàn thờ tổ tiên, cùng nhau đi lễ cầu phúc, cầu an cho gia đình và bản thân.
  • Ngày xuân đi lễ chùa

    19/01/2009Tết thưòng là dịp để mọi người cùng nhau đi lễ đầu xuân, vừa cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng, vừa vãn cảnh chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới yên vui thái bình.
  • Mùa xuân là cả một mùa xanh

    26/02/2007Nhà Phê bình VH Phạm Xuân NguyênĐối với Nguyễn Bính, nhà thơ yêu mến của bao người dân Việt, trong muôn lý do của con tim để yêu, có một lý do cứ mỗi độ xuân về nhìn ra quan cảnh đất trời đổi sắc, người người dọn mình để thương nhớ chờ mong trong niềm vui đón chào một năm mới ai trong chúng ta mà chẳng có lần thốt lên như nhà thơ:

    Mùa xuân là cả một mùa xanh

  • Hoa xuân

    07/02/2007Trần ĐìnhKhoảnh khắc khi xuân đến, đắm mình trong phiên chợ hoa xuân, giữa những khuôn mặt náo nức tràn trề hạnh phúc. Hãy chọn đi, chọn cho gia đình, cho người thân yêu một nhành hoa. Cò thể là cành đào mang hơi thở mùa xuân, một nhành mai tinh khiết, một đóa hoa hồng cho tình yêu bất diệt, hay một bình gốm vỗ về mềm vui xuân...