Tản mạn về cái sự đọc của người Việt
Cách đây không lâu người viết có tham khảo qua một cuộc khảo sát trên mạng Intemet của người Anh, theo đó, thời gian của người dân xứ sở sương mù đọc sách và xem truyền hình là ngang nhau. Rõ ràng là văn hoá đọc ở một trong những quốc gia phát triển nhất châu Âu vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ - điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - nhất là trong cái thời giải trí truyền thông đang chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Mồng 9-12 vừa qua, nhìn người Hà Nội nô nức đến Văn Miếu tham gia lễ hội Thơ lần thứ 7, nhiều người lạc quan đã gật gù: hóa ra dân ta vẫn còn yêu văn chương - nói rộng ra là yêu cái sự đọc lắm lắm. Có thật vậy chăng?
Năm ngoái, một cây dịch sách chuyên nghiệp có kể chuyện xin bản quyền một cuốn tiểu thuyết Mỹ nổi tiếng, trong đó nhắc đến số lượng ấn phẩm sẽ tung ra trên thị trường. Con số thật khiêm tốn: khoảng trên dưới 3.000 cuốn cho lần phát hành thứ nhất. Và phía bên kia đã hỏi lại bằng một câu khá oái oăm: tại sao chỉ có 3.000 cuốn cho thị trường hơn 80 triệu người?
Nói văn hoá đọc ở Việt Nam, thực ra cũng chỉ khoanh vùng ở các thành phố lớn mà thôi, chứ ở các vùng nông thôn và miền núi thì cái sự đọc gần như ngang bằng với con số không. Con số 3.000 cuốn kể trên còn được coi là cao (!). Cách đây khoảng 7,8 năm, sách best-seller dạng "tốp" của các tác giả như Sidney Sheldon, John Grinsham, Michael Crichton mà cũng chỉ dám in lần đầu 1.000 cuốn, bán hết rồi mới "rón rén" tái bản. Best- seller đã là dạng sách dễ đọc nhất trên thị trường hồi đó, thử hỏi các loại sách "khó " (triết học, khoa học, hồi ký...) thì liệu in nổi bao nhiêu cuốn? Mấy năm trở lại đây, thị trường sách đã rộng mở hơn rất nhiều, muốn gì có nấy, từ sách cổ đến sách kim. Phía cung đã như vậy, phía cầu thì sao?
Quả thực, thói quen đọc sách của người Việt Nam hiện đại mới là điều đáng bàn tới. Thị trường sách đã thay đổi theo hướng tích cực, có vẻ như thói quen đọc của người Việt cũng thay đổi, nhưng tiếc là theo chiều hướng ngược lại. Sức mạnh của truyền hình, của intemet, của các trò giải trí hiện đại khác đã khiến một bộ phận lớn dân chúng không còn tha thiết với việc đọc sách nữa. Trở lại với vấn đề đã nêu ra ở đầu bài viết. Cứ cho dân chúng trong các đô thị lớn ở Việt Nam là khoảng gần 20 triệu người, thì con số 3.000 đầu sách cho một thị trường đông đảo như vậy vẫn là quá ít ỏi. Hình như, người Việt hiện nay không có thói quen đọc sách ?!
Đọc sách có nhiều mục đích. Học tập nghiên cứu, mở mang kiến thức, và cuối cùng, để giải trí. Và trong các loại hình giải trí hiện nay thì đọc sách xem ra là khó nhất. Bởi đọc sách phải tư duy, phải nghiền ngẫm (tất nhiên không kể đến các loại sách rẻ tiền), phải hình dung, phải tưởng tượng. Mọi thứ không "sờ sờ trước mắt" như khi xem TV. Ví dụ như tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung hay Cổ Long chẳng hạn. Đằng sau những thứ tưởng chừng rất "vô bổ" đó là cả một thế giới đầy màu sắc - nơi trí tưởng tượng của cả người đọc lẫn người viết có thể bay cao, bay xa không giới hạn. Đó là chưa kể đến những triết lý về nhân sinh về thời thế được tác giả gửi gắm trong đó. Hấp dẫn và mang nặng tính giải trí như tiểu thuyết kiếm hiệp mà nhiều người còn "ngại " đọc thì thử hỏi họ còn có thể đọc được gì khác, ngoài mấy cuốn truyện tranh?
Ra nước ngoài mới thấy, người phương Tây rất chịu khó đọc. Họ có thể, “ôm” cuốn sách ở mọi nơi, mọi chỗ. Có gia đình đi bốn người thì đủ cả bốn cuốn sách, đọc trên tàu, trên xe, trong phòng chờ ở sân bay. Tóm lại là bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Người Việt ta thì sao? Hiếm lắm. Hoạ hoằn chỉ là dăm ba tờ báo để xem tin "nóng " hàng ngày, vài tờ tạp chí sặc sỡ nhiều hình ít chữ mà thôi. Như thế không gọi là đọc, mà chỉ là xem. Xu hướng chung của đa số người Việt thành đạt bây giờ là xây dựng một căn phòng giải trí cho hay, cho đẹp chứ không phải một tủ sách.
Đi lang thang qua nhiều hiệu sách mới thấy, loại sách được ưa chuộng nhất của lớp trẻ ngày nay là các loại sách công cụ, kiểu như sách luyện ngoại ngữ, vi tính, sách dạy cách kinh doanh, làm giàu. Sách văn học đành chịu lép vế, chứ chưa nói gì đến các loại sách tư tưởng hay khoa học khác.
Nếu có thì họ cũng chỉ quan tâm đến những cuốn thuộc dạng "hot" kiểu"Xin lỗi, em chỉ là con đĩ !" hay “Điên cuồng như Vệ Tuệ” mà thôi. Tuy nhiên, vẫn có những bạn trẻ ham đọc, say mê với sách. Nhưng phần đông còn lại vẫn ngập đầu vào "chát chít", vào game online, vào ăn chơi nhảy múa, hoặc mải chạy theo cơm gạo áo tiền. Rất nhiều bạn trẻ ở Việt Nam ngày nay đang coi Bill Gates là thần tượng số một của mình, nhưng nếu có mấy ai trong số họ nhớ và làm theo được lời đầu tiên của người giàu nhất hành tinh dành cho lớp trẻ: luôn phải duy trì thói quen đọc sách! Người viết muốn thêm vào câu nói của Bill Gates: Không những duy trì thói quen đọc, mà còn phải biết chọn cái để đọc. Khi những cuốn sách hàng đầu như "Cái trống thiếc", “Ruồng bỏ”, "Lược sử thời gian", "Hội hoạ Trung Hoa qua lời các vĩ nhân và danh hoạ", thậm chí là "hot" như "Kafka bên bờ biển" vẫn bị xếp vào hàng sách khó bán thì cũng cần phải xem lại mặt bằng nhận thức chung của người đọc - không chỉ lớp trẻ mà ở mọi tầng lớp trong xã hội...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015