Tâm linh là gì? Như thế nào? Từ đâu? Tại sao?
1. Tâm linh là gì?
Từ e dè, nghi ngại lúc đầu đến nay, sau khoảng một hai thập kỷ, "Tâm linh" trở thành một từ thường xuyên dùng tới trên cửa miệng của nhiều người, có nội dung còn rất "tù mù”, phiếm định, vì vậy chúng ta cần "kiện nghĩa" khái niệm này trong chừng mực bao quát nhất có thể được.
Dù có ý thức rõ ràng hay không, chúng ta đều hiểu "tâm" như nguồn gốc phát sinh, như người đạo diễn ẩn diện, như nguyên lý động lực học của tư duy, tình cảm, ý chí, ham muốn... tóm lại của mọi hoạt động hay đời sống tinh thần.
"Linh" hay linh thiêng là tác dụng hay hiệu lực "vật chất" lên cuộc sống của con người hay tồn tại của vật thể. Tác dụng ấy hay hiệu lực ấy có cường tính không giới hạn nhưng cơ chế của nó lại nằm ngoài, thậm chí thường khi mâu thuẫn với kinh nghiệm hàng ngày, tri thức phổ biến, quy luật thực nghiệm và nguyên lý khoa học. Do đó "linh" thường làm ta hoang mang trước sự lựa chọn: hoặc thực kiện tai nghe, mắt thấy, hoặc, nói chung, tri thức mà ta đã tích tập.
Tâm Linh là cái Tâm phiếm hình nhưng lại có hiệu ứng Linh. Như vậy trong tiếng Việt ta xưa nay vẫn có một từ hoàn toàn tương ứng với cả nội hàm, cả ngoại diên của tâm linh, đó là Thần. "Biến hóa mạc trắc vị chi thần", Thần ứng dụng cho cả người, cả cho vật, cả lúc sống, cả lúc chết, vì thế thật ra Thần minh định cho tâm linh rõ hơn, hay hơn bản thân khái niệm "tâm linh" nhiều, tiếc rằng lâu nay ta có thói quen sính từ mới nên quên mất "thần”.
Nhưng dù là thần, dù là tâm linh thì điều đầu tiên vẫn là: Có thật có cái gọi là Tâm Linh ấy không?
Trước hết ta hãy điểm lại hai trường phái về Tâm:
1) Trường phái Não Luận (cérébrocentriseme) chủ trương rằng tâm chỉ là hiệu ứng hay phương diện tác dụng của bộ não, của hệ thần kinh, của hệ nội tiết, nói gọn lại là hoạt động hóa - điện trong khuôn viên Thời - Không của một số mô tế bào có cấu tạo Hạt. Nếu có sự xộc xệch, "bệnh tật" của chúng thì tâm cũng hết hoạt động bình thường, thậm chí tâm chấm dứt hẳn hoạt động, tức là Chết. Tóm lại, thân chết là tâm chết, và chết là hết, không còn gì để bàn nữa. Não luận có sức thuyết phục mạnh mẽ ở chỗ mọi người đều thấy quả thật thân chết, ví dụ ngã vỡ sọ, thì tâm chết. Nhưng như thế là Hết chăng? Luận điểm cuối cùng này chỉ đủ vững chắc khi não luận bác bỏ được mọi hiệu ứng Linh của Tâm.
2) Trường phái Tâm Luận (psychocentriseme) lại cho Tâm, chẳng những có một vị thế độc lập với não mà lại còn xem Tâm là thực thể đầu tiên, còn não chỉ là công cụ thể hiện, hiệu ứng dẫn xuất hoặc kênh trào ra của Tâm. Có lẽ trong nguồn gốc sâu xa, Tâm Luận phát sinh từ thuyết "linh hồn vĩnh cửu” của Đạo Cơ Đốc, sau này được củng cố mạnh mẽ bởi những hiện tượng "linh" được trắc nghiệm chặt chẽ và nhiều lần.
Theo tôi biết, từ vị thế yếu hơn lúc đầu, Tâm Luận dần dần tiến lên vị thế áp đảo hơn so với Não Luận. Giờ đây chúng ta thử duyệt lại những thử thách mà hai trường phái đã gặp phải trên hai lĩnh vực.
2. Tâm linh như thế nào?
a) Những bước tiến triển của khoa học
Khoa học như chúng ta mặc nhiên hiểu ngày nay ra đời năm 1632 qua tác phẩm "Cuộc đối thoại liên quan tới hai hệ thông thê' giới" của Galiléo, trong đó ông nghiên cứu chuyển động học. Năm 1687, Newton công bố "Các nguyên lý toán học của tự nhiên" tiếp tục công trình của Galiléo về mặt động lực học, tìm ra định luật hấp dẫn và phát minh hai phép vi phân và tích phân, đồng thời nêu lên phương pháp luận phân tích hay địa phương hay vi phân (analytique, local, differentiel).
Từ hai nhà sáng lập khoa học này, chúng ta thừa kế Nguyên lý tương đối của chuyển động, còn gọi là Nguyên lý bất biến (principe d'invariance), Nguyên lý quán tính hay Nguyên lý Galiléo hay định luật Newton II, lớp các hệ quán tính, luật rơi tự do, khối lượng quán tính và khối lượng hấp dẫn, lực và định luật Newton II, Không gian đồng chất và đẳng hướng, thời gian tuyến tính và bất thuận nghịch...
Khoa học do Galiléo và Newton sáng lập, còn gọi là khoa học cổ điển, đã thu hoạch những thành công rất rực rỡ, điển hình là việc phát hiện ra hành tinh Neptune, vị trí, quỹ đạo, khối lượng, chỉ dựa trên tính toán của Le Verrier và Smith trước khi kính thiên văn nhìn thấy. Từ đó và ngay đến tận ngày nay, khoa học (cổ điển) có uy lực của một quyền uy vạn năng, có thẩm quyền phán quyết đúng-sai gần như tuyệt đối, có ảnh hưởng về mặt phương pháp luận lên mọi bộ môn học thuật khác.
Khoa học ấy chỉ thừa nhận là hiện thực, những cố thể (tập hợp hạt, tức là những vật thể "tri giác" được, có vị trí và dung tích nhất định, không thể tiêu vong, đặc trưng hóa bởi khối lượng) hiện hữu trong hai thực thế tuyệt đối và độc lập với nhau là không gian và thời gian. Khối lượng, không gian và thời gian hợp thành ba thứ nguyên tạo nên vũ trụ.
Những yếu tính sau đây của khoa học ấy vẫn thống trị nếp suy nghĩ của tuyệt đại đa số chúng ta, kể cả đa phần các nhà khoa học tự nhiên:
1- Vũ trụ gồm những vật thể, những cố thể, những hạt rắn chắc có dung tích nhất định và tương tác với nhau qua các lực hút hay đẩy. Vật Chất, khái quát hóa cố thể, được định lượng hóa qua khái niệm Khối lượng mà tương ứng với mỗi cố thể bằng một trị số cố định, không phụ thuộc vào thời - xứ mà nó được thấy.
2 - Các hiện tượng quan sát thấy trong thiên nhiên hay trong phòng thí nhiệm đều độc lập đối với người quan sát, dù người đó là ai, quan sát ở đâu và vào lúc nào. Điều này xác định tiêu chuẩn gọi là khách quan mà mọi học thuật đều cố gắng đáp ứng. Tính độc lập của hiện tượng được quan sát đối với người quan sát còn gọi là tính đối xứng (symetrie), hay tính lặp lại (régulerité), tính tương ứng (correspondance) giữa các hữu thể (ví dụ các vật thể hút nhau theo luật hấp dẫn ở mọi nơi, vào mọi lúc bằng một lực tính theo một công thức).
3 - Không gian và thời gian được xem là những thực thể khách quan, chúng có đó, riêng biệt và độc lập đối với nhau và với con người. Chúng qui định cho Đối xứng là cái lộ diện dưới. hai bộ mặt là Bất biến (thí dụ Định luật Newton) và Bảo toàn (thí dụ bảo toàn khối lượng, bảo toàn năng lượng).
4 - Những điều mà khoa học đã khẳng định dưới dạng qui luật bao giờ và ở đâu cũng tuân thủ một trình tự gọi là tất yếu. Quyết định luận khoa học là một cách biểu dương cho Nguyên Lý Nhân Quả.
Mặc dù có uy thế "độc tài, toàn trị" như thế, khoa học, ngay từ buổi đầu đã vấp phải những vấn đề nan giải, ví dụ như:
1 - Vì toàn bộ nền khoa học chỉ đúng khi ta xem xét nó trong và chỉ trong hệ quy chiếu quán tính. Hệ này "có thật" không?
2 - Khối lượng quán tính và khối lượng hấp dẫn là hai hay cùng một đại lượng vật lý? Lực tương tác giữa hai cố thể được truyền dẫn qua môi trường nào? Truyền dẫn tức thời hay cần một thời lượng nhất định?
3 - Thời gian và không gian có độc lập với nhau và với con người không ?
4 - Tính quyết định luận khoa học có thật đúng vô điều kiện không? Tính khách quan của hiện tượng được quan sát có thật "tự hữu”, không phụ thuộc gì vào sự có mặt của người quan sát không?
Các nhà bác học sau Newton, nhất là Einstein với thuyết Tương đối, Bohr, Heisenberg... với Cơ học Lượng tử đã giải quyết những nghi vấn đó một cách bất ngờ, có thể nói là theo hướng phủ định nếp suy nghĩ khoa học quen thuộc:
1- Hệ quán tính dựa vào những khái niệm nòng cốt là thẳng và đều. Cả hai đều không có cơ sở "khách quan" vững chắc nào, cũng không có một hiện thực nào để chứng minh. Einstein đã nhận định "Hệ quán tính ư? Đơn thuần đó là Một điều bịa đặt có ích, và bây giờ Tôi không có một khái niệm gì về nó cả".
2 - Vấn đề khối lượng quán tính và khối lượng hấp dẫn được giải quyết trong thuyết Tương Đối Rộng: Đấy chỉ là tên gọi mà người ta đặt cho một hiện tượng trong hệ quy chiếu, tuỳ theo quan điểm của mỗi người mà hiện tượng được gọi là quán tính hay hấp dẫn, không có ai là "khách quan" hơn ai, cho nên, theo chính Einstein nói, thuyết Tương đối đáng ra phải gọi là Thuyết Quan Điểm (Standpunktslehre) mới đúng.
3 - Không gian và thời gian đã được chứng minh trong.thuyết Tương Đối Hẹp là hai mặt của cùng một thực thể gọi là continum thời - không, chúng không có giá trị khách quan tự thân nào mà tùy thuộc vào người quan sát và nhất là chúng có thể chuyển hóa cho nhau.
4 - Tính quyết định luận khoa học bị giới hạn bán kính hoạt động trong phạm vi vĩ mô của kinh nghiệm trực quan của con người, ngoài đó, nó bị vô hiệu hóa bởi Nguyên Lý Bất Định để rơi vào trạng thái gọi là "tù mù lượng tử”.
Nguyên lý nhân quả chẳng những giờ đây bị giảm giá bởi tính bất định, "Mọi thứ đều khả hữu được hết dưới sự thống trị của nguyên lý bất định, và đối với nó, mọi qui luật được làm ra chỉ đê bị vi phạm" (Trịnh Xuân Thuận), mà còn rơi vào trạng thái "tù mù lượng tử” (le flou quantique), trạng thái "ma" (phantômatique) của những hạt ảo, năng lượng ảo xuất hiện không biết từ đâu và rất nhanh biến mất không biết về đâu, hệt như “ma” vậy!
Cùng với sự tù mù của nhân quả là tính khách quan của hiện tượng được quan sát bị đặt vấn đề: "Sự có mặt của chúng ta (khi quan sát hay làm thí nghiệm) thay đổi hẳn tiến trình của vở kịch. Hiện tượng khách quan đã bị biến dạng, không tài nào sửa chữa được và biên thành một hiện tượng chủ quan, và cái hiện tượng chủ quan đó tuỳ thuộc vào người quan sát và dụng cụ đo lường" (Trịnh Xuân Thuận). Tất cả bị "cách mạng hóa' đến mức "để mô tả điều đã xảy ra, cần xóa bỏ từ ngữ cố lỗ "Người quan sát" và thay vào đó "Người tham dự” (J.Wheeler).
Ngoài ra, vật chất, với ý nghĩa cố thể hay tập hợp hạt bị "pha loãng" bởi trường: "Trong loại vật lý học mới, chỉ có Trường là thực tại duy nhất", do đó theo Einstein không có hòn đá rơi mà chỉ có trọng trường ở nơi có mật độ cao của trọng trường Trái đất di chuyển trong lòng nó. Vật thể với tư cách hữu thể có vị trí không gian và dung tích nhất định không còn nữa, thay vào đó là "một cái biển năng lượng chẳng có ranh giới gì rõ rệt với phần còn lại của trường" (H.Weil).
Trong khoa học cổ điển chỉ có chuyển động của cố thể, từ Faraday và Maxwell, một dạng chuyển động "mới" xuất hiện trong ngôn ngữ khoa học: Sóng, đó là sự rời chỗ không phải của một cố thể trực quan được mà của một "tính" vô định hình, thí dụ ném một hòn đá xuống mặt nước hồ, ta thấy những sóng nước nhấp nhô lan tỏa ra xa, đây không phải là nước lan tỏa mà là "sự nhấp nhô" gọi là dao động của nước rời chỗ. Đặc trưng để nhận ra sự hiện diện của sóng là hiện tượng giao thoa. Sự phát hiện ra tính sóng của hạt vật chất cơ bản số Một là electron khiến cho "hạt" càng trở thành phiếm hình, phiếm định: "Electron có mặt ở khắp nơi trên sàn nhảy của nguyên tử" (Trịnh Xuân Thuận).
Tóm lại trong khoa học hiện đại:
- Năng lượng hay Trường, đặc biệt bao trùm trên tất cả Trường thông tin được xem là bản thể tối hậu, còn có thể chỉ là hình ảnh rất thô được nhận biết bởi những giác quan, nói rộng và chính xác, bởi những Thức rất thô của chúng ta, trong đó ý thức là cái có tính năng "méo hình" nhiều nhất.
- Nhân quả chỉ là tiến trình mà sự nhận biết gắn liền với chủ quan tính của người nhận biết, nó không phải là một hiện tượng "tự nhiên" có tự tính và không phải không thể khác thế (thế nào là tuỳ theo cấu thể của cá thể nhận biết).
b) Cận hiện tượng và Cận tâm lý
Bên cạnh hiện tượng mà chúng ta thường xuyên tri giác được bằng sáu căn hay sáu thức: nhỡn, nhĩ, ty, thiệt, thân, ý - và ta có xu hướng coi đó là cái thực duy nhất - còn có những hiện tượng mà chúng ta không nhận biết bằng sáu căn hay sáu thức trên, nhất là khi hình thức và nguồn gốc xuất hiện của chúng trái ngược với kinh nghiệm phổ biến, với tri thức quan phương, với thực tiễn và nguyên lý khoa học, thì ta dễ có khuynh hướng coi đó chỉ là ảo giác, ảo tưởng, tâm thần, mê tín, dị đoan... thí dụ có những hiện tượng mà những người tín ngưỡng, "thần bí” khẳng định chính họ đã trông thấy, nghe thấy... Những hiện tượng đó, kể cả những hiện tượng "thần đồng", những năng khiếu kì lạ, những kết quả do công phu tập luyện của khí công, yoga, thiền định, vũ thuật Trung Quốc, hoặc những phép dưỡng sinh đem đến những kết quả "kì bí”, những phép trị liệu các chứng nan y, các bệnh "thực thể" với hiệu năng "khó tin"... đều gọi là Cận hiện tượng.
Các Cận hiện tượng được phân làm hai loại:
Tâm Tác - Nhiều người có công năng đặc dị ở chỗ không dùng bất kì công cụ hữu hình hay phương tiện vật chất nào mà vẫn tác động được lên vật thể bên ngoài, thí dụ di chuyển đồ vật từ xa (télékinésie), bay lên trong không trung (lévitation)... thành tựu cao nhất trong lĩnh vực này là "đảo hải di sơn", "hô phong hoán vũ”. Hiện tượng này thường được biết dưới cái tên là P.K. (psychokinésie). Vì ở đây cái Tâm là tác nhân duy nhất, "Bản chất của cái Tâm là nó có thể hiện thực hóa được bất kì điều gì mà nó nghĩ đến với cường độ tập trung đủ mạnh" (Vivekananda), nên chúng tôi gọi hiện tượng này là Tâm Tác.
Tâm Thụ - Nhiều người có công năng đặc dị ở chỗ tri giác được sự vật bên ngoài, dù xa, dù gần về mặt không gian, dù trước, dù sau về mặt thời gian, sự vật ở bên trong thân hay bị che lấp bởi các thể cản quang mà không dùng tới các cơ quan giác quan sinh lý hoặc dụng cụ, máy móc... Thí dụ thần giao cách cảm, chỉ dẫn từ xa, nói chuyện vong, xem bói đoán mộng... Cận hiện tượng này được gọi là Ngoại Cảm, tức là cảm nhận thông tin qua những kênh bên ngoài các giác quan mà ai cũng có. Vì cái đứng ra cảm thụ ở đây chỉ là cái Tâm nên chúng tôi gọi hiện tượng này là Tâm Thụ.
Tâm thụ, nhiều khi mang cái tên gọi quen đùng là Thấu Thi, mặc dù hiện tượng không dừng ở "nhìn", hoặc Thần giao cách cảm, mặc dù "thần" không chỉ là "giao" bằng cách "cảm" như ta thường hiểu, được phân làm hai loại: Tâm thụ không gian là khả năng nhìn thấy, nghe thấy... sự vật, vật thể trong không gian dù xa, dù dấu kín, Tâm thụ thời gian là khả năng nhìn thấy, nghe thấy... sự vật, vật thể trong thời gian dù thuộc quá khứ, dù thuộc tương lai, dù thuộc hiện tại nhưng lại không có cách nào biết đến được.
Nếu như trong mọi hiện tượng Tâm tác đều dễ dàng nhận ra vai trò của tâm trong trạng thái tập trung cao độ, thì hiện tượng Tâm thụ có chiều khó hiểu, khó tìm được tác nhân hơn nhiều. Theo thiển ý, tâm có khả năng "thụ” tối ưu khi giống như một tấm gương được lau sạch bong, do đó tính năng phản chiếu hiện thực chung quanh đạt trình độ tối ưu, tâm cũng thế, khi nó rỗng rang, tịch lặng tối đa, nó sẽ trở thành một tấm gương cực khổng lồ, ôm trọn cả vũ trụ, theo cả hai nghĩa không gian và thời gian, trong lòng nó, tức là trở thành Đại Viên Cảnh Trí. Hiệu ứng ấy thành tự qua phép thiền gọi là Vô Niệm, mà cứu cánh là Trí Tuệ Bất Nhã.
Cả Tâm tác lẫn Tâm thụ, đều hoặc do "tự nhiên", hoặc do tập luyện, mà có.
Chúng ta sẽ điểm qua vài hiện tượng cận, trước hết những trường hợp dễ gặp đến mức "quen đi" mà không chú ý đến tính rất kì bí của nó.
Cậu bé Louis Ferry đã trả lời gần như ngay lập tức những câu hỏi của một ban kiểm tra như sau:
- Số 707.353.209 là tam thừa của số nào với phần lẻ là bao nhiêu?
(591) + 5238! (sau 27 giây suy nghĩ).
- Căn bậc hai mươi của 318.317.368.454.361.459.872?
8! (sau 46 giây suy nghĩ).
Ngay sau trận đấu giữa Spactac Mátxcơva và Dinamo Tbilixi, người ta hỏi bình luận viên Sichvaxuti đã dùng bao nhiêu từ và bao nhiêu chữ trong lúc bình luận? Và câu trả lời là 1.835 từ và 17.327 chữ Nhà sinh học Ao Otto Levy bị bệnh mộng du. Chính trong lần mộng du mà ông viết trong bản thảo, không hề hay biết, những chi tiết ông dùng vào lúc thức để phát minh cơ chế chuyển giao thông tin ở sináp thần kinh, nhờ đó ông đã được trao giải Nobel.
Gần đây Truyền hình Việt Nam nhiều lần giới thiệu những người có công năng không thể hiểu được như đóng đinh 10 phân vào ngực, đứng trên quả trứng mà trứng không vỡ, dùng giáo tì vào họng để đẩy một xe ôtô...
Còn về Tâm Tác, những người có công năng tâm tác nổi tiếng trên thế giới gần đây có rất nhiều, chỉ xin kể tên vài người được nói tới nhiều nhất:
Bà Nina Kulagina (người Liên Xô cũ) đã nhiều lần chứng minh khả năng di chuyển đồ vật theo những hướng khác nhau, làm quay tròn kim la bàn, làm dừng hoặc thay đổi hướng chuyển động của con lắc, giữ quả bóng nhựa đứng yên trong không trung... trước sự chứng kiến và kiểm tra của các nhà khoa học danh tiếng như Vasiliev, Naumov, Sergeyev (thuộc Viện Sinh lý học A.A.Ukhtomaky (ở Lêningrat), Adamenko, Vinogradova... và nhiều nhà khoa học nước ngoài như Zdenek (Tiệp), J. G. Phút (Đại học Virginia), Ullmam (Trung tâm Y học Maimonides), H.H. J. Ren (Đại học Tasman)...
Youri Geller làm dừng thang máy ở một cửa hàng bách hóa, lễ giáng sinh năm 1989 làm dừng đồng hồ Big Ben Luân Đôn, giúp khán giả ti vi chữa hàng vạn đồng hồ...
Nghiêm Tân từ xa biến đổi kết cấu phân tử của "dung dịch tinh thể định hướng" có tính ổn định rất cao bảo quản trong tủ lạnh ở Đại học Thanh Hoa, dưới sự theo dõi chặt chẽ của giáo sư chủ nhiệm khoa sinh. Hoặc trong hai mươi phút "phát công" đã chắp lại và hàn gắn "hai xương bả vai bị gãy rời, vỡ vụn, khớp vai phải thoát vị" cho anh công nhân Túc Binh bị tai nạn lao động.
Trương Xuân Huy từ thị trấn Đức Thanh phát công trị bệnh đau thần kinh tọa cho Từ Tuấn Dân, Phó chính uỷ cảnh sát vũ trang tỉnh Triết Giang, sau nửa tháng họ. Từ lành bệnh.
Vương Lực phát công làm tạnh mưa lúc 21 giờ ngày 14/9/1986 ở Bắc Kinh.
Công năng đặc dị của các nhà khí công Trung Quốc đã khiến cha đẻ của tên lửa Trung Quốc, Tiền Học Sâm nhận định: "Trong hoàn cảnh hiện nay, người Trung Quốc khó lòng đột phá vào khoa học cơ bản vốn đã nằm trong tay người phương Tây. Trong tương lai người Trung Quốc muốn so tài với thế giới, chỉ có hai con đường: hoặc nghiên cứu Trung y, hoặc nghiên cứu khí công". Giáo sư Trần Lý An, nguyên Chủ tịch Uỷ ban khoa học Nhà nước Đài Loan cũng khẳng định: "Nghiên cứu khí công là con đường duy nhất để người Trung Quốc đoạt giải Nobel".
Nghệ sĩ công huân Liên Xô (cũ) Volodia Durov ra lệnh bằng tư tưởng cho con chó Mars ở xa ông chục cây số sủa đúng 14 lần theo yêu cầu của Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô Bekhterev, một trong số những người tham gia thí nghiệm.
Cô bé Cơ Mẫn Kiệt mười ba tuổi ngồi yên vị trước mặt mọi người mà vẫn lấy ra chất đống trước mặt nó tiền bạc, thuốc lá, sổ tay... của khán giả, hoặc lấy các viên thuốc khỏi lọ kín mà lọ vẫn nguyên vẹn không vết nứt.
Nếu thừa nhận tính thực kiện của các hiện tượng trên thì tức là ta đã thừa nhận "linh" là có thật.
Về Tâm Thụ, hiện tượng này có phần "phổ biến" hơn nhiều, sau đây xin dẫn một số thí dụ để minh họa:
Nữ công nhân Vorobieva, sau một lần bị điện 380 volt giật chết rồi sống lại, phát hiện thấy chị có khả năng nhìn suốt vào tận bên trong thân thể người khác và lập tức chẩn đoán được bệnh của người đó, nhanh chóng và chính xác (100%) hơn bất kỳ một thiết bị y học nào, đến mức chị được mời làm việc cho bệnh viện thành phố. Giám đốc bệnh viện này phải nhận xét: "Vorobieva là một nhà chẩn đoán bệnh có một không hai. Chị đã nhìn thấy cái mà những người khác không nhìn thấy được".
Năm 1958, Công ty Westinghouse nhận nhiệm vụ của chính phủ Mỹ tiến hành thí nghiệm về thần giao cách cảm, có sự tham gia của nhiều cán bộ cao cấp thuộc hải, lục, không quân Mỹ. Cuộc thí nghiệm kéo dài trong 16 ngày kể từ 25/6/1958. Người phát tin là Smith, Sinh viên Suke University, phải sống cách ly trong phòng khóa kín, người nhận tin là trung uý hải quân Dions cũng bị cô lập trong một cabin trên tàu ngầm nguyên tử Nautilus lặn sâu dưới đáy Đại Tây Dương cách bờ biến Mỹ 2000 km. Kết quả Djons nói chính xác điều Smith nghĩ đến trên 70%. Sau đó nhiều Công ty khổng lồ của Mỹ như General Electrics, Ben Telephone, Rend Corporation... đều thực hiện những thí nghiệm thần giao cách cảm với kết quả rất cao.
Một quan chức của hải quân Liên Xô đã nói với hai nhà báo Mỹ Ostrender và Schroeder rằng "Nếu bộ hải quân của các ông không làm thí nghiệm trên tàu Nautilus thì các nhà khoa học Xô viết sẽ là những người đầu tiến hành thí nghiệm đó... Chúng tôi đã từng dùng động vật, thay vì dùng người, làm chủ thể phát tin và nhận tin. Các nhà khoa học chúng tôi nuôi một bầy thỏ con dưới tầu ngầm lặn sâu dưới biển, thỏ mẹ ở trong một phòng thí nghiệm trên bờ, đầu nó bị cắm nhiều vi điện cực. Vào đúng thời điểm ấy, người ta ghi nhận được những phản ứng não điện rất mạnh của thỏ mẹ".
Tiến sĩ toán lý Kajinsky kể lại: "Cuối tháng 8/1919 tôi đang ở Tbilisi. Sau khi đi thăm một bạn thân bị thương hàn nặng, tôi trở về nhà và đi ngủ. Giữa nửa đêm, đang say giấc, tôi bỗng nghe thấy rất rõ tiếng gõ như của một cái muỗng bằng kim loại vào một cốc pha lê. Tôi chợt tỉnh dậy, bật đèn, xem đồng hồ mới hai giờ, nhìn quanh và nghĩ rất lung về tiếng động không một lý do khả dĩ nào ấy. Sáng hôm sau tôi đến ngay nhà bạn, càng lại gần tôi càng bồn chồn, thì ra bạn tôi đã chết. Khi chuyển thi hài bạn, tôi tình cờ đụng phải cái bàn kê ngay đầu giường bạn tôi nằm, và bỗng nhiên nghe thấy đúng cái âm thanh đêm qua.
Trên bàn có một ly thủy tinh và một cái muỗng bằng bạc. Tôi bất giác cầm muỗng gõ nhẹ vào cốc, lại cái âm thanh ấy không thể khác được. Tôi xin mẹ bạn kể lại tình tiết lúc anh mất: Lúc hai giờ đêm bà cầm thìa pha thuốc cho con, nhưng khi ngó sang thì mắt người con đã lạc, anh đang chết. Tôi yêu cầu bà thử gõ cái muỗng bạc vào ly thủy tinh. Bây giờ tôi đã rõ, âm thanh tôi nghe được lúc hai giờ đêm qua chính là âm thanh bà vừa gõ và cũng chính là âm thanh đêm qua bà đã "vô tình" gây ra khi nhìn thấy con mình đang chết.
Nhóm nghiên cứu Russel Targ, Elizabeth Targ và Kate Harary ở California cộng tác với khoa lý thuyết Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tiến hành khảo nghiệm trước nhiều nhà khoa học và nhà báo Xô viết, khả năng "nhìn thấy” tương lai của nhà ngoại cảm lừng danh Dinh Davitasvili đang ở Mátxcơva sau khi ông này đến đó.
Các nhà khoa học không chỉ dừng lại ở việc quan sát, kiểm tra, trắc nghiệm mà còn đích thân tổ chức thí nghiệm như ở các Đại học Duke, Columbia, Colorado, Havard, Princeton, Cambridge... Hồ sơ thí nghiệm được chuyển cho các chuyên gia toán học cao cấp nhất để thẩm định tính ngẫu nhiên hay không ngẫu nhiên của các kết quả thí nghiệm và chính các nhà toán học này đã loại trừ khả năng ngẫu nhiên. Trong thời đại hiện nay, phòng thí nghiệm siêu đẳng PEARL của Viện Princeton, vườn ươm các giải Nobel Mỹ, đang đóng vai trò hàng đầu trong lĩnh vực Cận hiện tượng.
Như vậy cả cái "Tâm" vô hình không trú xứ, cả cái "Linh" rất phi lý không tìm được, nay phải nói rằng đã được chứng thực trên thực địa Cận hiện tượng, đồng thời cũng được hợp lý hóa qua việc hạ bệ hạt để tôn vinh trường, hạ bệ nguyên lý tất định để tôn vinh nguyên lý bất định.
3. Tâm tính từ đâu?
Chúng ta vẫn thường nói đến hồn, đến vía mà từ Hán Việt là phách, vậy "tâm linh" có quan hệ gì đến hồn, đến vía? Trước hết ta hãy minh định hai khái niệm này.
"Ba hồn, bảy (hoặc chín) vía".
Thất tình: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, ai cũng có và lúc nào cũng có khác nhau ở mức độ của tình này tình kia. Nói chung tình không trực tiếp thấy được, tuy đôi khi do cường tính cao cũng có thể quan sát ở mức độ nhất định. Nhiều nhà ngoại cảm thấy rõ được tình ấy dưới dạng hình tướng và màu sắc, giá nói ra thì kẻ tin người nghi, nhưng từ khi Kirlian chụp được cái sau này thường gọi là cơ thể năng lượng, là cơ thể plasma sinh học, là cơ thể sinh tú (corps éthérien), là trường sinh học, là quang hình aura… thì vấn đề... chúng tôi nghĩ đó chính là Vía, cái Tôi chân xác, khác với những cái "Tôi" thường nhật (Je est un autre!) có cấu tạo bằng chất liệu á vật chất giống như ête mà vẫn có hiệu ứng vật chất đủ để mắt thấy tai nghe... để tác động lên vật thể "nộ khí xung quanh động đẩu ngưu”... hoặc chụp hình, quay phim. Cũng có thể vía bao gồm cả những bức xạ, xét cho cùng thì có sao đâu vì bức xạ chỉ là những hạt ảo, hạt ma? Và cũng chẳng kì lạ bao nhiêu nếu chúng tôi đưa ra giả thiết, trên cơ sở vía không cần một xác thể sinh lý để nương thân, vía vẫn tồn tại sau khi thân xác phân rã, cho nên vía cũng có thể là ma hiện, là "hồn" người chết đền ơn, trả oán, là tác nhân của hiện tượng động mồ, động mả.
Về Hồn, không rõ các cụ ta xưa kia xác định ba hồn là những hồn nào? quỷ thần hai vai và trên đầu? Thuật ngữ ngày nay ta biết thì đó là Sinh hồn, Giác hồn, và Linh hồn. Có thể xem Sinh hồn tương ứng với phần nhỏ và thô nào đó của hệ thần kinh thực vật, Giác hồn với hệ thần kinh động vật, còn Linh hồn là nguyên lý tồn tại và động lực học của cả hai.
Khác với vía, hồn không phải là một nhân cách, một sở thuộc cá nhân mà là năng lượng như nguồn gốc của hiện tượng "sống", kể cả hiện tượng "ma". Hồn là hình thái nguyên thuỷ, còn vía chỉ là dẫn xuất đặc thù trước khi mang một hành tướng thô là Thân Tâm. Hồn tạm xem là trường, vía là năng lượng nơi một cá thể hữu sinh, còn thân xác là vật chất.
Thuyết Yoga đề cập tới cái Tâm citta gồm ba thẩm cấp là ý thức, Tiềm thức và Siêu thức. Mỗi thẩm cấp lại được cấu trúc hóa bằng những tầng gọi là "kosa's". Tầng thấp nhất, "Amnamaya kosa's" làm bằng “thực phẩm" (- We are what we eat!) có thể cho tương ứng với sinh hồn. Tiếp theo là các tầng "Ka'mamaya" chủ về dục vọng, "Manomaya" chủ về tiềm thức, có thể cả hai tương ứng với ý thức như sự hiển lộ bị khúc xạ bởi giác hồn (có nghĩa rằng theo chúng tôi, tiềm thức chỉ là sự lắng đọng "đâu đó,, đã bị què quặt như chưa từng được ý thức biết tới, sự lắng đọng của những gì có thật đã xảy ra trong hiện kiếp, gọi là nội ký ức, hoặc trong tiền kiếp, gọi là ngoại kí ức). Tầng thượng ý thức "Atima'nasa" chủ về trực giác, sáng tạo, mộng triệu,... tầng tri giác siêu việt. "Vijina'namaya", tầng “Hiranyamaya" là những thứ tự của siêu thức. Có thể nghĩ rằng "Atima'nasa Kosa's" là tiềm thức đã mang chút sắc thái của vô thức, nên có hiệu năng nhiều khi "không thể nghĩ bàn", còn "Hiranyamaya Kosa's" là vô thức thuần tuý.
Người Do Thái cổ quan niệm hồn gồm ba lớp gọi là "Nephesch", hồn bản năng tương ứng với sinh hồn, lớp "Rouah", hồn của ý chí và dục vọng, tương ứng với giác hồn và làm trung gian để vươn tới lớp "Nashamah" là người chủ điều hành tất cả hay là linh hồn. Mỗi lớp lại phân ra ba lớp nhỏ có xu hướng "Nephesch", "Rouah" và "Nasnamah". Đâu đây một cảm giác gặp lại ba hồn và chín vía?
Người Ai Cập cổ cho hồn có cấu trúc chín tầng là "Khat, Ka, Khaibit, Ab, Ba, Sekhem, Ru, Sahu và Akhu. Khat", "cái thần của xương", Ka, lực sinh học hay nhân điện hoặc "khí", Khaibit, bản sao ête của một cá thể, cả ba tương ứng với Nephesch. Ab, năng lực tri giác, Ba, đặc trưng cá thể, Sekhem, tác nhân cố kết Ba, Ru thực hiện một liên tục tính sống và chết của cùng một "con người". Bốn tầng này có thể gộp lại tạo thành Rouah. Hai tầng Sahu và Akhu là hai lớp của linh hồn tối thượng Nashama.
Khái niệm "tâm linh" ta thường dùng có thể xem là giác hồn, là thuộc về Khaibit. Ru và Ab, hoặc thuộc tầng tiềm thức Manomaya Kosa's và ít nhiều dính đến tầng thượng ý thức Atima'nasa Kosa's.
Như vậy, tâm linh, tuy “linh" tuỳ theo mỗi cá nhân, người này có thể "linh" hơn người kia, lại là "hồn" phi nhân cách. Cái hồn ấy thị hiện như thế nào trong khi sống là phụ thuộc vào Nhân, Duyên và Phận của mỗi người. Thị hiện không ràng buộc sau khi chết với tư cách của "kí ức vũ trụ Akashique" hay trường thông tin và đây mới là điều quan trọng nhất, thiết yếu nhất, Tâm linh "linh" vì nó sắp xếp cho "cuộc sống sau cuộc sống”. Nói cách khác, Tâm linh, bên cạnh những hành tướng khác, là một sự nhân cách hóa, thậm chí ý chí hóa của luật luân hồi.
4. Tại sao?
Nhiều tổ chức đã ra đời với mục đích nghiên cứu, thẩm định Cận hiện tượng, đặc biệt những người còn được gọi một cách xô bồ là "ngoại cảm", để rồi áp dụng mà đem lại lợi ích cho xã hội, cho con người. áp dụng cái được gọi phổ biến là tiềm năng bí ẩn, khả năng tiềm ẩn. Tôi nghĩ rằng không ai, hoặc chí ít hiếm ai lại không thấy việc làm này, tuy vẫn có người nghi ngờ hay phản bác việc tìm mộ, gọi hồn, cận y học, kể cả "thần thông” phép lạ.
Nói riêng về cận y học, phương tiện "giúp đời" gần gũi nhất cũng đã có mặt ở nước ta. Tổ chức Y học Thế giới WHO, tuy chưa trực tiếp nói đến cận y học nhưng đã nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò quan trọng của các trị liệu pháp "dân dã" đối với các nước "phương Nam".
Ở đây tôi chỉ xin bổ sung một ý kiến nhỏ.
Tôi thường nghĩ đến câu nói của cha ông ta ngày xưa, "Khôn ngoan chẳng lại được với Giời", hoặc "Chỉ nghĩ đến lợi rồi thì cũng hết lộc thôi"...
Nhiều danh nhân thuộc đủ bộ môn học thuật đã nhìn ra cái bi kịch của nhân loại thế kỉ XX, và nguyên nhân của nó lại đang được kéo dài sang thế kỉ XXI, và đã mường tượng, đã tìm ra, đã khẳng định lối thoát ra khỏi cơn khủng hoảng toàn cầu, sinh lộ cho tồn vong nhân loại. Hãy nhớ lại câu nói: "Khoa học của thế kỷ XXI phải là khoa học tâm linh, nếu không sẽ không làm gì còn khoa học nữa" (André Malraux).
Đối lập với thân xác là Tâm Linh. Nếu có thể chứng minh được và rồi thuyết phục được sự hiện hữu của Tâm Linh cao hơn thân xác, trường tồn hơn thân xác, nhiều hiệu năng, công năng hơn thân xác, thành tựu này sẽ đặt cho mọi người yêu cầu hạn chế, thu hẹp... nhu cầu thỏa mãn khoái lạc vật chất, khoái lạc giác quan như con đường độc đạo, như phương pháp duy nhất để "trưởng dưỡng” Tâm Linh. Còn gì thanh bình hơn, hài hòa hơn một xã hội sống trong giản dị, thanh đạm? Giản dị, thanh đạm không vì cái tiếng đạo đức, cũng không chỉ vì hiệu quả dưỡng sinh, đó đơn giản chỉ là dẫn xuất tất yếu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh