Chia sẻ về Tâm linh của chúng ta
Ta không ngừng định nghĩa chính mình vừa hòng hiểu ta được đặc trưng bởi những gì, các thành phần nào, cái nào điều khiển ta, cái nào ta phải điều khiển, chế ngự nó, cái nào ta phải để cho nó “làm chủ” ta. Tất cả cũng bởi vì tôi và các bạn muốn cải thiện cuộc sống của mình từ chính bản thân, giống như phát hiện ra thứ công cụ nào đó trong ta, hay chỉnh lại thứ đã cùn của cá nhân ta mà đáng ra phải đóng góp tốt cho sự thay đổi ấy. Nhiều người còn nhìn xa hơn rằng hiểu biết về ta còn xác định và đạt được ý nghĩa cuộc đời, còn quan trọng hơn cả chuyện ăn uống, sinh con, kiếm tiền ngay trước mắt.
Ta càng trưởng thành, những câu hỏi về tinh thần, tâm thức, tâm linh, linh hồn... càng được quan tâm, trăn trở. Đó chính là lúc ta lắng đọng, suy tư và khẳng định cái quyền làm người của mình ở mức cao nhất, luôn luôn ẩn chứa trong bản nguyên ta. Đó là quyền hướng thiện, sống tốt hơn với cái nhân của ta, khám phá vô tận những giá trị tinh thần của ta. Vì những điều đó mà từ hành trình trải nghiệm của mình, chúng ta chia sẻ những phong phú, hiểu biết của bản thân ta về chính chúng ta: Một con người thực sự là gì?
Chọn lựa cách tiếp cận
Từ kinh nghiệm cuộc sống ngắn ngủi, chúng ta tham gia chọn lọc các kết luận của các nhà sinh học, tâm lý học, nhân loại học, xã hội học và cả các nhà triết học, tôn giáo học hình thành nên bức tranh con người tổng quát, có vẻ gần gũi, dễ chấp nhận nhất. Nhưng quá trình hiểu biết đó của ta còn cần đạt đến một trình độ thấu hiểu mà nhiều người còn gọi là Ngộ để gọi tên tầng mức vô hình, sâu thẳm của nội tâm ta, nơi chứa chất năng lượng vô hạn trong ta và cần khai thác nó để ta đạt tới sự phúc lạc vô hạn, vô điều kiện – điều mà thân xác, tâm trí ta chật vật mà không cách nào đưa ta tới được.
Phần hữu hìnhta là thể xác, cơ thể con người, hình thành và phát triển theo các cơ chế, điều kiện sinh học. Chúng đã được nhiều nhà sinh học, y học nghiên cứu sâu và đã đạt được nhiều cơ chế hiện đại can thiệp, hiệu chỉnh cơ thể ta.
Phần vô hìnhkhông nhìn thấy được của con người ta được chia ra hai lớp khác biệt nhau:
- từ những tiến trình nhận biết được thông thường gọi là Tâm trí (theo Phật giáo gọi đây là Hữu ngã) như ý nghĩ, cảm xúc, tưởng tượng, mơ mộng… quyết định nhiều hành vi và hoạt động của cá nhân ta, hình thành nên những điều thuộc về cá nhân, riêng ta gọi là Bản ngã, Cái Ta, hoạt động trong khuôn khổ cơ chế tâm lý mà ngành tâm lý học đang khám phá
- đến những tiến trình “ẩn mình”, không nhận biết được, tồn tại vĩnh hằng của cá nhân, gọi là Linh hồn hay Tâm thức ta được số ít người đặc biệt cảm nhận sự tồn tại đó một cách gián tiếp, hay được các nhà thần học, triết học đề xuất như một giả thiết khó chứng minh nhưng cũng khó bác bỏ triệt để. Cũng chính phần vô hình này, có người quy về như một dạng phi vật chất, có người hình tượng hóa bằng tiềm năng thành Phật ở con người (Phật giáo gọi đây là Vô ngã), có người lại cho rằng là một dạng vật chất với mức độ tinh tế cao nhất… là còn gây nhiều tranh cãi, còn hàm chứa rất nhiều hấp dẫn, đáng để chúng ta mải mê săn lùng và tự mình định đoạt lấy câu trả lời thích đáng.
Nhân loại trong suốt lịch sử đã rẽ ra thành 2 biện pháp chính để nhìn sâu hơn vào bản chất con người:
- Biện pháp duy lý thường gặp trong khoa học, tìm hiểu con người theo gây dựng dần tri thức khoa học về con người, dựa trên và kiểm chứng các kết luận về con người. Các kết luận đã từng tin cậy có thể bị hạ bệ bởi những quan sát thực tại mới hoặc bị nghi ngờ khi có những cách giải thích duy lý khác hợp lý hơn. Biện pháp duy lý tạo ra các tư tưởng giúp con người tổ chức gây dựng, hoàn thiện cuộc sống xã hội, cuộc sống sinh học của mình.
Tôi cho rằng biện pháp duy lý dựa trên niềm tin cơ sở - tiên đề là: sự quan sát gắn với cá thể - cơ thể vật chất hay cá nhân mỗi người; kết luận có được qua thu thập, đo đạc, khám phá đối tượng trên thực tại vật lý, từ những hiện tượng nhận biết được bằng giác quan hay thiết bị khoa học; cô lập đối tượng quan sát, trong không gian, thời gian hữu hạn (không quá 3 thế hệ trước và sau khi cá thể còn tồn tại), có tính cấu trúc để phân biệt khác biệt giữa cái này với cái kia, và giả thuyết là không liên quan, phụ thuộc lẫn nhau với cái khác. Như vậy, biện pháp này gắn bó với phần dễ hiểu, phần dễ kiểm chứng của con người và tôi gọi đó là cách tìm hiểu đi các thành phần dễ hiểu để xây dựng ra kết luận tổng thể.
Những kết luận của biện pháp duy lý được cá nhân tôi tiếp xúc rất sớm và đã hình thành nên cho tôi khung suy nghĩ ban đầu về con người. Tuy nhiên, đối với tôi còn có nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Phải chăng con người giống như giả thuyết của khoa học là sản phẩm của quá trình tiến hóa dần từ động vật mà nên, rồi qua cả một giai đoạn hình thành xã hội và phát triển văn hóa cộng đồng mà trở thành sản phẩm của "sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội"? Phải chăng những gì vô hình của con người là bước nhảy vọt của hệ thần kinh động vật trở thành hệ thống ý thức sống mang những phẩm chất trội của xã hội người như trí tuệ, công lý, đạo đức, tình yêu, niềm tin... và là bộ phận tự tiến hóa của một nền văn hóa nhân loại cũng đang sục sôi tiến hóa không ngừng? Đó là những câu hỏi không mới mẻ với những ai từ khi còn là sinh viên.
- Biện pháp “siêu hình” thường gặp trong tôn giáo – tín ngưỡng, tìm hiểu con người dựa trên những suy ngẫm, thể nghiệm tâm linh không bắt nguồn từ thế giới vật chất, phi tự nhiên, sử dụng lòng tin vô điều kiện, hầu như không thể kiểm chứng được kết luận bằng các hiện tượng quan sát được trong thực tại. Biện pháp siêu hình thường lý giải về những vấn đề khó nhận thức nhất về con người (đến nay khu trú ở một số các vấn đề khó nhất do khoa học càng phát triển thì càng mở rộng ranh giới những điều hiểu được) bằng những lực lượng siêu nhiên giúp con người nghỉ ngơi, điều hòa cuộc sống tinh thần, tiếp thêm sức sống mạnh mẽ, tươi mới cho người. Nhà triết học Socrates cho rằng đằng sau mọi hiện tượng ta gặp là một cái khó nắm bắt gọi là “tự tính” – vĩnh hằng, đích thực, độc lập, khách quan với ý thức và ông “không biết được gì cả” về nó. Platon thì gọi đó là Thượng đế siêu việt trong vũ trụ nhưng không đồng nhất với vũ trụ. Leibiz cho rằng vũ trụ tạo nên bởi các “đơn tử” tinh thần hình thành nên thế giới tâm linh còn được Hegel gọi là Ý niệm tuyệt đối. Jean Guitton theo Cơ đốc giáo trong cuốn Thượng đế và khoa học cho rằng: “Mọi cái trong vũ trụ, cho đến tận những hạt nhỏ bé nhất, đều mang cái ý thức ở một mức độ nào đó”. Lão Tử gọi đó là Đạo – đối tượng siêu việt đóng vai trò nguồn gốc và bản thể của mọi sự vật. Trong Phật giáo, đó chính là thế giới siêu việt mà nhiều đại sư tu luyện đạt trạng thái hòa nhập được vào nó. Các vị Phật đã thấu triệt một chân lý như sau: Sự sống nói chung đều có bản thể là bình diện Tâm thức, chính chiều thực tại này đóng vai trò “linh hồn” của mỗi sinh thể và của cả vũ trụ. Chính phẩm chất sống vừa là thuộc tính vượt trội khi so sánh với sản phẩm vật chất khác, vừa là phẩm chất của tương tác sự vật với bình diện tâm thức của nó.
Tôi cho rằng biện pháp siêu hình dựa trên niềm tin cơ sở - tiên đề là: mọi quan sát gắn với mọi cá thể - mở rộng xoay quanh toàn thể vũ trụ (cả phần đã biết lẫn phần chưa biết tới), toàn thể các cá nhân; kết luận mang tính tổng thể vượt trên cả thời gian (vô tận về không gian và thời gian), mang tính trống rỗng, phi cấu trúc, chấp nhận là vô hình, không thể quan sát bằng giác quan vật lý và cho rằng chúng liên quan, phụ thuộc lẫn nhau tới mọi hiện tượng có thể quan sát được, như trong một chiều mới của vũ trụ tổng thể. Như vậy, biện pháp này gắn bó với phần khó hiểu nhất, không thông qua kiểm chứng của người thường và tôi gọi đó là cách tìm hiểu đi từ tổng thể khó hiểu để xây dựng ra kết luận thành phần tin cậy được.
Sự kết hợp suy lý và siêu hình
Tôi cho rằng khoa học đã cung cấp nhiều chứng cứ và lý giải giúp ta hiểu rằng ta là thể thống nhất của ý thức trong thể xác hay là tinh thần trong vật chất. Vật chất tiến hóa đến mức nào đó làm nảy sinh ra tinh thần, tinh thần trong vật chất hình thành nên một cấp độ vật chất có phẩm chất mới là ý thức mà điển hình là ta (với nghĩa một con người) và chúng ta (với nghĩa xã hội người). Cũng với nghĩa này, tôi nhận ra cái chết vật chất của một người là khi cấp độ vật chất của người đó không còn nữa, hay là phần tinh thần bị thoái hóa hoàn toàn; còn cái chết của xã hội là khi phần văn hóa của xã hội đó xuống cấp, suy đồi. Còn nhìn dưới nghĩa tương đối thì một người không còn là chính người ấy khi mà phần tinh thần của họ không đáng với phẩm chất tinh thần họ đáng có, còn một xã hội không còn là xã hội đó khi mà phần văn hóa của họ không còn đúng với cội nguồn, bản sắc của nó nữa.
Gần đây, tôi đọc thêm những nội dung các ngành khoa học như văn hóa học, xã hội học,... rồi ngoài khoa học như tôn giáo hay nghệ thuật... Nó tiếp tục cho tôi hiểu thêm cái phần giúp mình có giá trị làm người nhất - đó là tầng tâm thức, tâm linh trong tinh thần ta. Khoa học hiện đại thì vẫn cố phân chia tìm hiểu rõ các phần khác nhau, "vật thể" hữu hạn, các loại hiện tượng có sắc thái riêng trong cuộc sống tinh thần của một con người từ lúc sinh ra cho đến chết dựa trên những hiện tượng- hành vi quan sát được, ví dụ như giáo sư David Chalmers trong cuốn Tâm thức ý thức: đi tìm một học thuyết căn bản (The Conscious Mind: in search of a fundamental theory) đã đề xuất: Ý thức phải được đánh giá, cân nhắc như một phạm trù đặc biệt như không gian, thời gian hay trọng lực và chỉ có thể giải thích được bằng những quy luật tâm - vật lý. Còn tôn giáo, theo cách khác, họ xem xét tinh thần, linh hồn, tâm thức như một tổng thể, mang những ý nghĩa và giá trị xấu đẹp, thiện ác, thiêng tục... và nằm trong tổng thể lớn hơn là sự tồn tại vĩnh cửu. Ví dụ như tín đồ Kitô giáo tin rằng dù khi ta chết, linh hồn ta vẫn sống và ý thức của ta vẫn cảm nhận rằng ta tồn tại. Nhiều tôn giáo tin rằng có một ngày phán xét cuối cùng quyết định hồn xác ta được sống lại ở nơi nào đó hay không. Đó là những góc độ, quan điểm khác nhau có thể trung hòa được nhưng cố hữu là không hiệp tác, bài bác nhau và tạo nên những cuộc chiến về niềm tin dai dẳng và ngăn cách ta chắt lọc, xây đắp hiểu biết của cá nhân.
Có những lúc người ta đối kháng khoa học và tôn giáo với nhau, mỗi khi có sự kiện gì mới cho nhận thức, bên này lại kết luận mọi thành tựu, quan điểm của bên kia sụp đổ, tan nát từ gốc rễ, hay là nhiều quan điểm của bên kia là mang sắc thái cảm tính, vô lý, thiếu tin cậy. Những tranh luận như vậy kéo dài suốt lịch sử nhận thức, tâm linh của nhân loại. Ngay tại nước ta, việc phổ biến khoa học nhiều khi chèn ép, bác bỏ tôn giáo, vô thần hóa niềm tin, nhiều khi lệch lạc đến mức sai lệch, thảm họa. Sự thiếu hiểu biết sâu sắc về con người, tâm linh cũng là nguyên nhân gián tiếp sinh ra lòng tham cá nhân, sự ích kỷ, hận thù không nguôi và làm cho khoa học nhiều khi là công cụ tiếp tay cái ác.
Như đã trình bày ở trên, tôi hiểu rõ những tiên đề của các biện pháp nghiên cứu ở trên và cách hiểu như của tôi có thể ghép vào nhóm chiết trung của cuộc tranh luận như vậy. Tôi cho rằng bức tranh ghép về con người bằng những miếng hình tin cậy của khoa học phải phù hợp với phong cách, sự bố trí và phối màu tổng thể siêu hình của tôn giáo. Quan điểm trung dung là cần thiết bởi bề rộng của nền khoa học hiện đại phải kết hợp được với bề cao của thánh nhân cổ xưa, đặc biệt khi nói về con người. Tôi xem cách lý giải của khoa học về ý thức là cố gắng giải thích về một "cỗ máy" cấp thấp ngang cấp cơ thể ví dụ phần Tâm trícó quy luật hoạt động, luôn luôn vận động và thay đổi, nâng cấp để tiếp cận, chọn lọc ý nghĩa, phát hiện và giải quyết các vấn đề mà nó lựa chọn.
Tôi lại nhìn nhận nghệ thuật, tôn giáo như lý giải về một "cỗ máy" cấp cao là tâm thức, tâm linh ta và chỉ dẫn về những ý nghĩa đáng lựa chọn, các vấn đề cần lựa chọn cho tâm linh, tâm thức ta - cái thuộc phương diện tồn tại vĩnh hằng của Ta, cho dù "cỗ máy" cấp thấp cùng cơ thể vật lý – thân xác ta đã chết.
"Cỗ máy" cao cấp - Tâm thức ta không thể nhận thức được nếu ta bị níu kéo bởi bản ngã sống, làm thân thể và tâm trí trỗi dậy. Chỉ khi tạo điều kiện, hoàn cảnh để Tâm thức phát triển, ví dụ như tu luyện bằng biện pháp Thiền tâm linh, ta mới dần dần chứng kiến được bản thân mình từ phần thân xác tới phần tâm trí và dần đạt được "chứng ngộ vô ngã"1) như trong đạo Phật, ta "không là ai cả", ta như không có thân thể, không có tâm trí gì, ta sẽ nhận ra và làm chủ được phần "tâm thức" hay linh hồn của mình. Cũng trên quan điểm con người là một tiểu vũ trụ, tôi cũng tin rằng chúng ta có tâm trí xã hội, tâm trí vũ trụ còn tâm thức, linh hồn của ta là bộ phận của tâm thức vũ trụ (có thể gọi là Thượng đế - Đáng sáng tạo), có cơ chế lan truyền tâm thức vũ trụ và tâm trí vũ trụ, tâm thức vũ trụ hình thành nên phần phi vật chất của vũ trụ. Đó là chiều tâm thức - một chiều vật chất mới của vũ trụ. Nó rất thuần khiết, bất biến, vĩnh hằng, ban bố khắp vũ trụ, trong suốt và trống rỗng, tĩnh lặng tuyệt đối, phi thời gian/ không gian (thời gian, không gian chỉ là thuộc tính của các quá trình vật chất), chứa đựng năng lượng vô tận làm nguồn gốc vạn vật, sinh ra "hiệu ứng tâm thức" qua hình thái nhận biết, ý thức, tình yêu, sáng tạo... Nó có tương tác với vật chất bằng "sóng tâm thức" góp phần hình thành các dạng vật chất khác nhau như sự sống, con người... thông qua bước nhảy vọt về dạng vật chất.
Chính vì thế, không hề mâu thuẫn khi cho rằng "Chúa trong ta và Chúa ở khắp nơi trong vũ trụ" hay “Linh hồn ở trong Thượng Đế và Thượng Đế ở trong Linh hồn”; hay như “Phật là Tâm thức, Tâm thức là Phật”. Đại sư OSHO cũng đã từng đưa ra ý tưởng sau: nếu loài người đi theo con đường thuần túy khoa học – công nghệ thì những thế hệ con người tựa robôt có lý trí sẽ phát sinh; ngược lại, nếu con đường tiến bộ mang tính thuần túy tâm linh sẽ xuất hiện thế hệ các vị Phật. Nhân loại rất có thể sẽ cần đến và tiến bước theo con đường trung dung, sự kết hợp Đạo với Đời một cách hài hòa. Một cuộc sống mà “Thân thể biết tới hoan lạc, tâm trí biết tới hạnh phúc, trái tim biết tới niềm vui, còn linh hồn biết tới phúc lai” và “một cái chết siêu thoát rồi lại trở về với sự sống tươi đẹp” là thống nhất trong Đức Tin của tinh thần mỗi người. Cuộc sống cá nhân phải giao thoa được thế giới vật chất và thế giới tâm linh mà chính ta mang bản chất như vậy. Cá nhân ta phải tìm kiếm tiện nghi và sự nuôi dưỡng cơ thể, tâm trí ta thông qua thế giới vật chất; đồng thời tìm kiếm đạo lý, nuôi dưỡng tâm thức thông qua con đường tâm linh, dẫn ta dần dần vào thế giới tâm linh với những thiên chất mà chính chúng ta bị thế giới vật chất cản trở.
Kết luận
Qua bài chia sẻ này, tôi xem là một cách dùng suy lý và suy niệm cảm nhận về tồn tại tâm thức và mang bản chất của chính con người ta. Tôi cho rằng, mỗi người cần tìm ra cách thức tỉnh riêng của mình để chứng ngộ, nhận ra Tâm Thức của mình và rồi cách hiểu đó sẽ có quyết định then chốt tới những hành động của ta. Tôi cũng nêu ra một gợi ý rằng việc kết nối thành tựu giữa khoa học và tôn giáo có thể giúp chúng ta khám phá và làm chủ điều bí ẩn nhất của vũ trụ - Tôi Là Ai?
1)Chứng ngộ vô ngã: là khái niệm của Phật giáo để chỉ trạng thái tràn đầy sự nhận biết còn tâm trí hoàn toàn tĩnh lặng. Các tài liệu mô tả một vị Phật ở trạng thái niết bàn (chứng ngộ vô ngã) có những đặc điểm:
- Thấu triệt điều cốt lõi rằng, tâm thức là yếu tố bản chất của mỗi cá nhân
- Không bị lôi cuốn bởi các yếu tố tham, sân, si - nguồn gốc của mọi sự đau khổ
- Biết rõ ý nghĩa đời sống con ngườ là ở chỗ không ngừng rèn luyện để nâng cao mức độ hiểu biết
- Tình cảm và lý trí về đời sống hàngngày không bị lệ thuộc vào thân vật lý, tâm trí, các mối quan hệ và môi trường xung quanh
- Có trí tuệ siêu việt (tâm trí luôn tĩnh lặng, trực giác hoàn hảo, dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức vũ trụ)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh