Khoa học hay tâm linh?

09:13 SA @ Thứ Hai - 31 Tháng Mười, 2016

Khoa học đúng là cao siêu nhưng chỉ là đi tìm và giải thích những quy luật mà Siêu nhiên đã vạch ra trong bản thiết kế ban đầu. Vì vậy mọi cái trên đời này, trong vũ trụ này đều do Trời sinh ra thế. Chỉ có điều chúng ta hay hồ nghi nên mới tìm hiểu xem Trời sinh ra và điều khiển chúng như thế nào. Vì vậy mà mới có Khoa học.


Ba cách lý giải khác nhau về nguồn gốc vũ trụ

Dù bạn là ai, đang làm nghề gì để sống, mặc cho cái sự tất bật vì miếng cơm manh áo có đến mức nào thì đôi khi bạn cũng hãy dành một chút thời gian cố gạt bỏ mọi lo nghĩ về mưu sinh, về những mối quan hệ phức tạp của xã hội vỗn dĩ như cái lưới bùng nhùng chụp lấy mỗi con người trong suốt cả cuộc đời để mà ngẫm nghĩ, để mà tò mò như một triết gia.

Sẽ dễ hơn để đạt được cái trạng thái “cách ly” với đời thường ấy, nếu bạn để lòng mình thật thư giãn và nhìn lên bầu trời sao mung lung hay ngắm một cánh đồng hoặc một cánh rừng xanh biếc vào mùa hạ, vàng ruộm vào mùa thu, chạy dài đến nơi trời và đất giao nhau hoặc nằm dài trên thảo nguyên dõi mắt theo đôi cánh đại bàng giang rộng lướt giữa bầu trời xanh bao la hoặc đứng trên bờ cát trắng ngắm những con sóng đùa dỡn đuổi nhau từ tít tận nơi nào để xô về liếm lên đôi chân trần của bạn. Lúc đó bạn sẽ cảm nhận được một phần nào vẻ đẹp thiên nhiên kì thú và cũng đầy bí ẩn.

Vẻ đẹp đó gần như chắc chắn sẽ reo vào trong đầu bạn một câu hỏi: Từ đâu mà chúng ta có được cái thế giới đẹp đẽ nhường này và tại sao chúng ta lại có mặt ở đây, trên Trái đất - ngôi nhà chung của toàn nhân loại, để cảm nhận được vẻ đẹp ấy. Đó là câu hỏi thường trực đối với những người có trí tò mò, nhưng cũng là câu hỏi hay bị lãng quên đối với phần đông nhân loại vì cuộc mưu sinh gian khó và nặng nhọc hoặc vì mải vùi đầu vào những cám dỗ hàng ngày. Bởi vậy, nếu mỗi con người đã từng hoặc đang hoặc sẽ hiện diện trên thế giới này được hỏi về nguồn gốc của Trái đất hay rộng hơn nữa là của toàn vũ trụ nói chung và của nhân loại nói riêng, thì chúng ta sẽ nhận được một trong ba câu trả lời chính đại loại thế này:

A. Thượng đế tạo ra tất cả và cai quản mọi thứ trên đời;
B. Vũ trụ tự thân tồn tại và vận hành, nhân loại là sản phẩm của sự vận hành đó;
C. Vũ trụ tồn tại như là hệ quả của khả năng nhận thức của con người.

Sẽ là bình thường nếu người nào đó trong suốt cuộc đời của mình lúc thì thuộc nhóm này, lúc lại chuyển sang nhóm kia trong ba nhóm liệt kê ở trên. Số đông những người có học thức trong nhóm B thường được gọi bằng một cái tên là nhà khoa học. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học xuất chúng của nhân loại lại thuộc về nhóm A, và cũng có nhiều nhà thông thái của những thế kỷ trước sáng lập ra trường phái triết học làm cơ sở cho niềm tin của những người nhóm C.

Những người thuộc về nhóm B có thể chia thành hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất có quan điểm vô thần. Họ coi mọi hiện tượng, mọi tương tác trong thế giới vật chất, trong đó con người là một bộ phận, đều theo những quy luật của tự nhiên mà khoa học sẽ dần khám phá để đưa ra ánh sáng, tuyệt nhiên không có gì là huyền bí cả. Họ chỉ công nhận những gì mà khoa học đã chứng minh hoặc giải thích một cách thỏa đáng bằng thực nghiệm hoặc bằng suy luận lôgic chặt chẽ.

Bộ phận thứ hai coi Thượng đế chính là thế giới khách quan tồn tại ngoài ý thức của con người với những quy luật vận động và phát triển cụ thể có thể nhận thức được. Trong khi tín đồ của phần lớn các tôn giáo trên thế giới gần như thuộc cả vào nhóm A thì đạo Phật lại có thế giới quan gần với nhóm B hơn. Mặc dù vậy, giữa những người nhóm B và đạo Phật vẫn có những sự khác biệt: Những người thuộc nhóm B không tin vào những điều huyền bí, trong khi đó các tín đồ của đạo Phật lại có những đức tin vào những điều như vậy. Một trong sự khác biệt đó là vấn đề tồn tại “kiếp người” dẫn đến luật Luân hồi như Đức Phật đã dạy.

Ngày nay một khái niệm với cái tên gọi là tâm linh đã được bàn luận đến nhiều trên toàn thế giới. Tất cả những hiện tượng xảy ra trong khả năng cảm nhận được của con người, dù có thể chỉ là một thiểu số ít ỏi, nhưng không thể (hoặc chưa thể) giải thích được bằng khoa học thì đều quy về tâm linh.

Một số biểu hiện sau thường được nhắc đến như những hiện tượng tiêu biểu của tâm linh. Đó là hiện tượng một số người có khả năng chữa bệnh cho người khác chỉ bằng thôi miên hoặc bằng tay không. Một số người khác lại có thể dùng ý nghĩ (hay ý chí) bắt các vật thay đổi trạng thái mà không cần chạm trực tiếp vào chúng. Lại có một số siêu nhân biết được các sự kiện xảy ra ở khoảng cách rất xa (thần giao cách cảm) hoặc nhìn thấy trước các sự kiện sẽ xảy ra sau một thời gian rất dài trong tương lai (tiên tri). Ngạc nhiên hơn nữa, có những người nói về tiền kiếp của mình một cách rõ ràng, và trong nhiều trường hợp được xác nhận là chính xác. Những hiện tượng kể trên và biết bao hiện tượng “kỳ bí” khác không có cách nào lý giải bằng những cách tiếp cận khoa học thông thường ở thời điểm hiện tại.

Hai cách tiếp cận với thế giới vật chất

Trước khi bàn về việc có hay không có một sức mạnh siêu nhiên tạo ra vũ trụ và con người, chúng ta phải nhắc đến một điều rằng, dù vũ trụ được hình thành theo quan niệm của nhóm A hay nhóm B thì khoa học và tâm linh, theo cách nhìn của người viết bài này, cũng chỉ là hai cách tiếp cận (hai phương pháp) được sử dụng để nghiên cứu, tìm hiểu về thế giới vật chất và khả năng nhận thức của con người chứ không phải là hai phạm trù đối lập với nhau.

Các phương pháp khoa học do con người tạo ra còn phương pháp tâm linh thì hình như không phải vậy. Một trong những biểu hiện rất khác biệt của hai phương pháp đó thể hiện ở chỗ: Khoa học có thể truyền đạt và đào tạo nhưng tâm linh thì không. Những kết quả đạt được bằng hai cách tiếp cận cũng vì thế mà khác nhau. Trong khi khoa học luôn có tính kế thừa và hoàn thiện theo thời gian khiến cho các kết quả đạt được bằng phương pháp này ngày càng sâu hơn, rộng hơn và chính xác hơn thì những gì phương pháp tâm linh mang lại thường rất bất ngờ, đơn lẻ và hết sức sửng sốt (theo nghĩa không hiểu vì sao lại thế).

Nếu hình tượng hóa bản chất của hai phương pháp nói trên bằng ngôn ngữ toán học thì ví dụ sau có thể có ý nghĩa nhất định. Chúng ta hãy hình dung việc tính tổng của vô số các số hạng (chuỗi số), chẳng hạn tổng: 1/2 + 1/(2.3) +1/(3.4) +...+1/[n.(n+1)] + .... Ta có thể ví phương pháp khoa học để nhận tổng trên là cách cộng dần từng số hạng một. Ngày qua ngày chúng ta càng tiến sát hơn đến giá trị 1 của nó (nhưng không bao giờ đạt được đúng giá trị này).

Trong khi đó cách tiếp cận tâm linh cho ta biết tổng đó đúng bằng một (nhưng không phải ai cũng biết và không cần cũng như không thể giải thích vì sao). Chúng ta đều biết, hầu hết các lý thuyết khoa học đều được hoàn thiện từng bước kiểu như vậy và chưa có lý thuyết nào được coi là đã đạt đến độ chính xác tuyệt đối, ít nhất là trong thời gian dài nữa. Chúng ta sẽ bàn thêm về tình trạng này ở phần sau.

Một minh chứng cũng khá điển hình cho sự so sánh bản chất của phương pháp khoa học và tâm linh theo tinh thần nói trên là trường hợp nhà toán học Ấn Độ Ramanujan. Ta đều biết số Pi là một số vô tỉ và có rất nhiều cách biểu diễn giá trị của nó qua chuỗi số. Các chuỗi đó đều rút ra từ những lập luận toán học chặt chẽ. Nhà toán học Ấn nói trên cũng đưa ra một chuỗi số để tính số Pi nhưng bằng một công thức mà chẳng biết nó được rút ra như thế nào, giống như có ai mách bảo ông thì phải.

Một ví dụ nữa về sự “mách bảo huyền bí” ấy là việc phát hiện những cây thuốc trị bệnh cứu người được truyền lại trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại thời điểm mà những người đầu tiên bắt đầu biết sử dụng chúng, khi mà khoa học dược liệu còn chưa manh nha thì sự mách bảo kia là lời giải thích duy nhất. Người viết bài này có niềm tin rằng, khi các nguồn năng lượng hóa thạch trên trái đất suy kiệt hoặc ô nhiễm đã ở mức đặt nhân loại vào tình trạng tồn vong thì công nghệ để có được những nguồn năng lượng mới sẽ đến một cách tự nhiên, đơn giản hơn nhiều so với những gì mà các nhà khoa học và công nghệ hiện giờ đang hình dung và cố sức theo đuổi. Sẽ xuất hiện những cá nhân được “mách bảo” về vấn đề này, nếu “cái duyên tồn tại” của loài người chưa hết.

Những người chỉ tin vào khoa học có lí của họ. Như chúng ta đã biết, những kết quả mà khoa học mang lại không chỉ giải thích được nhiều hiện tượng của tự nhiên và của con người mà nó còn được ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống, đưa văn minh của loài người ngày một tiến xa và vì thế mà làm cho con người tự tin hơn dù vẫn còn cô độc trong vũ trụ bao la. Ngành khoa học đi đầu trong tìm hiểu thế giới vật chất là vật lý học, trong khi đó ngành sinh học càng ngày càng đi sâu vào bí mật của sự sống. Cả hai ngành này hình như đang rất tự tin tiến đến câu trả lời về cấu tạo vật chất, vũ trụ ra đời như thế nào, con người thoát thai từ đâu và tiến hóa ra sao. Những kết quả của hai ngành nói trên đạt được quả thật là to lớn và vĩ đại, làm giàu cho tri thức của nhân loại về cấu tạo vật chất vô cơ và hữu cơ. Trong khi đó những kết quả trải nghiệm bằng tâm linh lại thường thiếu lập luận và những lời giải thích như nói đến ở trên, ấy là chưa kể còn một số người vì lợi ích cá nhân đã đưa ra những câu chuyện đồn thổi, hoang đường mang màu sắc mê tín nhằm trục lợi.

Cũng vì những lý do nêu trên mà có một thực tế là những tín đồ của Khoa học thường lên án hoặc chí ít là chê bai những gì mà phái công nhận Tâm linh đưa ra. Phải chăng chỉ có Khoa học mới là đáng tin còn tâm linh chỉ là câu chuyện tầm phào của số đông những người “không phải là nhà khoa học”?

Đi tìm mô hình chuẩn

Trước khi thảo luận về nguồn gốc của thế giới vật chất và của con người, chúng ta phải công nhận với nhau một điều là: dù có nguồn gốc xuất xứ thế nào đi chăng nữa thì thế giới vô cơ (những gì tạo nên vũ trụ) và thế giới hữu cơ (chí ít là giới sinh vật trên trái đất) cũng đa dạng và phong phú đến mức vượt xa khỏi tầm tưởng tượng của những người cứ cho là thông thái nhất, mơ mộng nhất trong số chúng ta. Hình như sự đa dạng là quy tắc số một của tạo hóa. Và, hình như vũ trụ và sự sống chỉ có thể thể hiện sự tồn tại và vận động của mình qua sự tương tác của các hệ vật chất đa dạng đó.

Không những thế, chỉ riêng thế giới sinh vật trên trái đất của chúng ta cũng đã hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ bé nhất. Sự hoàn hảo ấy không thể là sự kết hợp ngẫu nhiên của thế giới vật chất mà thành. Nó gần với một bản thiết kế hoàn chỉnh ngay từ lúc xuất hiện. Ngày nay ai cũng biết rằng một số dạng đặc biệt của các hợp chất hữu cơ tạo nên sự sống trên trái đất. Các chất này lại tổng hợp từ các nguyên tử của một số nguyên tố hóa học mà quan trọng nhất là Hydro, Nitrogen và Carbon. Đến lượt các nguyên tử của mọi nguyên tố lại cấu tạo bởi các hạt cơ bản (nhưng biết đâu đến một lúc nào đó chúng ta lại ngộ ra rằng các hạt cơ bản kia thực chất có chung một nguồn gốc “siêu hạt” nào đấy. Đó có lẽ mới là cái gốc của mọi thứ trên đời, một sự thống nhất trong đa dạng).

Vật lý học ngày nay đã phát hiện được một điều: hình như một số loại hạt cơ bản đã được định dạng (bằng thực nghiệm hoặc từ suy luận gián tiếp) tạo nên mọi dạng vật chất trong vũ trụ. Vấn đề còn lại, theo cách nghĩ của các nhà vật lý, là xây dựng được một lý thuyết cho phép giải thích sự ra đời của các hạt đó để rồi thông qua một vụ nổ lớn, gọi là Big Bang, mà tạo nên một (hoặc nhiều) vũ trụ như ngày nay, để rồi vào một ngày đẹp trời nào đó cách thời điểm vụ nổ kia từ chín đến mười tỉ năm thì trái đất của chúng ta được hình thành, và rồi sau vài tỉ năm nữa sự sống xuất hiện trên địa cầu, tiến hóa dần thành con người như ngày nay.

Hình như các nhà vật lý đã rất yên tâm rằng họ đã hiểu được động lực học quá trình hình thành các dạng vật chất cô đọng của vũ trụ (các thiên hà, các ngôi sao, các hành tinh) sau Big Bang và những định luật vật lí chi phối tương tác của vật chất. Bước đầu tiên trong tham vọng xây dựng mô hình chung cho việc hợp nhất toàn bộ thế giới vật chất có từ thời Anhxtanh là những cố gắng xây dựng trường thống nhất cho bốn loại lực tương tác trong tự nhiên bao gồm: lực tương tác hạt nhân yếu, lực tương tác hạt nhân mạnh, lực điện từ và lực hấp dẫn. Đã có những lý thuyết cho phép kết hợp được ba lực đầu tiên vào chung một mô hình, nhưng với lực hấp dẫn thì cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Một trong những hướng xây dựng trường thống nhất là Mô hình chuẩn, trong đó giả thiết tồn tại thêm một loại hạt cơ bản nữa gọi là hạt Higgs hay trường Higgs (mang tên nhà vật lý người Xcốtlen). Nhờ có sự tồn tại của loại hạt này mà khi các hạt cơ bản khác tương tác với nó mới có khối lượng. Một trong những mục đích xây dựng máy va đập hardron (LHC) lớn nhất hiện nay ở châu Âu là phát hiện ra hạt Higgs bằng thực nghiệm. Như vậy trường Higgs sẽ đóng vai trò là trường hấp dẫn và các hạt cơ bản khác nói riêng và vật chất nói chung có khối lượng là do tương tác với trường này. Nếu hạt Higgs không phát hiện được bằng thực nghiệm thì các nhà vật lý lý thuyết đã có một số lý thuyết khác bổ sung hoặc thay thế vào Mô hình chuẩn, chẳng hạn như bằng cách đưa vào chiều thứ năm để cùng với ba chiều không gian, một chiều thời gian tạo thành một không gian năm chiều mà chiều thứ năm là không quan sát được nhưng lại thể hiện tác động của lực hấp dẫn.

TOE, lý thuyết của mọi thứ

Đi xa hơn, họ còn tham vọng xây dựng nên một lý thuyết gọi là lý thuyết của mọi thứ (TOE, theory of everything) với số chiều lên đến 11, và tất nhiên bảy chiều thêm đó không quan sát được. Trong lý thuyết ấy mỗi hạt cơ bản được sinh ra như kết quả rung động của những dây một chiều (spring) như những lát cắt của một màng (membrance) trong không gian 11 chiều kia. Họ cho rằng vật chất được sinh ra từ hư vô bằng cơ chế rung đó. Và ở thời điểm ban đầu, khi chưa xuất hiện khái niệm thời gian, các hạt này nhiều vô cùng tận nhưng lại tập trung ở một vùng không gian vô cùng nhỏ để rồi tạo ra Big Bang. Dù rất được kỳ vọng nhưng lý thuyết dây vẫn có những điểm nghi vấn mà chính giới vật lý chỉ ra.

Có hai nghi vấn chính như sau. Một là, theo lý luận của một số nhà khoa học (trong đó có cả nhà vật lý lỗi lạc người Anh là Hawking) thì TOE bao gồm các phương trình toán học xây dựng trên một số tiên đề là các định luật vật lý. Vì vậy nó cũng chỉ là một lý thuyết hình thức về các con số nên nó cũng bị chi phối bởi định lý nổi tiếng Gödel về tính không hoàn thiện hoặc tính không tương thích. Hai là, TOE không đưa ra được một dự đoán thực nghiệm nào mang tính định lượng, một điều rất khác thường đối với các lý thuyết vật lý (gần đây nhóm ba nhà vật lý, trong đó có nhà vật lý trẻ người Việt là Đàm Thanh Sơn đã sử dụng lý thuyết dây tính toán được cái gọi là độ nhớt lượng tử của vật chất ở hai trạng thái giới hạn: nhiệt độ cực cao và nhiệt độ cực thấp, và bước đầu đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm).

Với nghi vấn thứ nhất những người ủng hộ TOE rất khó bằng lý luận để bác bỏ, trong khi đối với nghi vấn thứ hai họ cũng mong chờ những kết quả của cỗ máy LHC mang lại để họ có thể hiệu chỉnh lý thuyết của mình. Theo quan điểm của người viết bài này thì giả sử các hạt cơ bản đúng là được tạo nên từ dao động của các sợi dây “huyền bí” kia thì vẫn không thể kết luận rằng vũ trụ tự thân nó sinh ra, bởi lẽ “cái màng” và cơ chế rung của nó lại đặt ra câu hỏi tiếp theo: ai tạo ra cái màng ấy. Ở đây hình như không có câu trả lời cuối cùng bằng Khoa học về sự xuất hiện của thế giới vật chất, càng đi sâu vào cấu trúc vi mô của nó thì những vấn đề nan giải khác lại xuất hiện, thậm chí không ít lần những phát hiện mới bằng thực nghiệm hoặc bằng quan sát đe dọa sự xem xét lại nền móng của cả ngành vật lý hiện đại.

Còn có những vũ trụ khác?

Rất nhiều giả thiết về sự tồn tại của những dạng vật chất chưa được kiểm chứng để có được sự phù hợp giữa các lý thuyết hiện thời với các kết quả quan sát. Có một ý kiến thông thái cho rằng, nhiều lý thuyết khác nhau đến mức như loại trừ nhau nhưng đều có một điểm chung là giải thích được một cách ngoạn mục các hiện tượng vật lý đã biết. Chẳng có cơ sở gì để tin được là chỉ có một vũ trụ mà chúng ta đang quan sát thấy. Phải chăng vũ trụ là hình thức cuối cùng theo chiều vĩ mô để quy luật đa dạng không còn áp dụng được nữa. Nếu còn có những vũ trụ nữa khác với vũ trụ của chúng ta thì ai mà biết được ở đó vận tốc ánh sáng có phải là tốc độ giới hạn hay không và giá trị của các hằng số vật lý bằng bao nhiêu. Những câu hỏi đại loại như vậy thuộc về những vấn đề không thể nhận biết được của con người trái đất. Trong khi đó Tâm linh có thể cho chúng ta câu trả lời về những vấn đề mà khoa học bó tay. Một trong số đó là câu hỏi về sự ra đời của thế giới vật chất, và nó đơn giản đến mức làm các nhà khoa học phải hoài nghi.

Vấn đề thứ hai luôn gây sự tò mò cho con người ấy là nguồn gốc của chính nó và nói rộng ra là từ đâu mà thế giới sinh vật xuất hiện trên trái đất. Nói về các dạng năng lượng gắn với từng cấp độ cấu trúc vật chất thì năng lượng hóa học gắn với cấu trúc phân tử, điện năng với nguyên tử và ở cấp độ hạt cơ bản sẽ là năng lượng hạt nhân, bao gồm cả các bức xạ vũ trụ, và có thể là cả trường hấp dẫn. Với cách nhìn nhận này thì năng lượng của các ngôi sao là năng lượng thuộc lớp thứ ba. Độ lớn (cường độ) và tầm lan tỏa (khoảng cách ảnh hưởng) của các lớp năng lượng liệt kê ở trên tăng từ lớp thứ nhất đến lớp thứ ba. Con người là một hệ vật chất đặc biệt tồn tại và hoạt động dựa trên nguồn năng lượng hóa học.

Ai cũng biết, thế giới sinh vật trên Trái đất tạo nên một môi trường sinh thái cực kỳ đa dạng. Giới thực vật tổng hợp nên các chất hữu cơ và sinh sản cũng bằng các hợp chất hữu cơ, còn giới động vật thì trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng các hợp chất hữu cơ của thực vật để nạp năng lượng. Tạo hóa đã lập nên một sự cân bằng giữa các giống loài từ rất xa xưa. Những đặc biệt về điều kiện môi trường và cách nạp năng lượng đã khiến cho chúng ta trong một thời gian dài (có lẽ cho đến tận hôm nay) ngộ nhận về sự tồn tại của các sinh vật khác trong vũ trụ, thậm chí trong hệ mặt trời.

Đây là trích dẫn từ một bản tin dựa trên một thông báo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ: “Báo Telegraph đưa tin, các nhà khoa học của NASA cho thấy những vi khuẩn lạ có tên là GFAJ-1 trong hồ Mono ở California (Mỹ) – có nồng độ muối và thạch tín rất cao. Loại vi khuẩn mới này có cấu trúc ADN khác xa hoàn toàn mọi sinh vật sống trên Trái đất của chúng ta và có thể sinh trưởng ở những môi trường khắc nghiệt mà chúng ta nghĩ rằng không thể tồn tại sự sống. Phát hiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta về khái niệm sự sống cũng như mở ra một tia sáng mới trong việc tìm kiếm sự sống ở các hành tinh có điều kiện khí hậu khắc nghiệt trong hệ Mặt trời như sao Hỏa hay sao Thổ....

Thông thường, mọi sự sống trên Trái đất đều được cấu thành từ sáu chất, đó là: carbon, hyđrô, nitơ, ôxy, lưu huỳnh và phốt pho. Tuy nhiên, loại vi khuẩn mới được tìm thấy thì lại không tuân theo nguyên tắc trên, thay vì phốt pho, loại vi khuẩn này lại chứa chất thạch tín”. Người ta cũng đã phát hiện ra loại vi khuẩn sống ở độ sâu trên hai ngàn mét trong lòng đất không cần đến ô xy và năng lượng chúng sử dụng để duy trì sự sống là các tia phóng xạ của các nguyên tố phóng xạ trong vỏ trái đất. Sự tồn tại của những sinh vật trong những điều kiện khác xa với môi trường chúng ta đang sống càng chứng tỏ một điều rằng trong vũ trụ bao la nhất định còn tồn tại những hệ vật chất khác mà ta gọi chung là “thể sống” (nghĩ là có nhận năng lượng từ bên ngoài để tồn tại và vận động cũng như để trao đổi thông tin giữa các thể sống cùng loại với nhau). Lượng thông tin nắm bắt được (ví như hiểu biết về thế giới vật chất) cùng với khả năng truyền tin (phương thức và tốc độ) sẽ xác định mức tiến hóa của các dạng thể sống.


Với ba dạng thức năng lượng như nói ở trên thì con người chúng ta có thể là thể sống “kém văn minh” nhất cũng nên. Giữa các loại thể sống khác nhau thì sự tiếp xúc cũng như trao đổi thông tin nói chung không thể xảy ra, nếu có thì chỉ là hãn hữu và trong những trường hợp đặc biệt. Rất có thể phương pháp tâm linh của chúng ta là một trong những hình thức trao đổi như vậy giữa những người có khả năng đặc biệt (gọi là năng lực trời cho) với những loại thể sống cao cấp hơn loài người. Nếu quả thật con người có linh hồn thì linh hồn chắc chắn thuộc về một trong những thể sống cấp cao hơn đó.

Con người không chỉ nhận được sự trợ giúp về thông tin từ các thể sống cấp cao hơn mà còn cả về sức mạnh vật lý. Ngày nay ai cũng biết những trường hợp mà một số cá nhân thể hiện những màn trình diễn rất ấn tượng về sức mạnh cơ thể (ví dụ như các nhà yoga có thể bay lên khỏi mặt đất, các võ sư có thể ra đòn “nghìn cân”...). Trong khuôn khổ của các định luật bảo toàn của vật lý (mà ở đây là định luật bảo toàn động lượng và bảo toàn năng lượng) thì những gì mà các cá nhân ấy tác động lên cơ thể mình hoặc các vật thể khác là không thể giải thích nổi. Phải chăng họ đã được tiếp sức bởi những thể sống khác có nguồn năng lượng vô biên như trường hấp dẫn chẳng hạn. Nhưng những thể sống nói trên vẫn có bản chất vật chất, nghĩa là có cấu tạo từ vật chất, cần thu nhận năng lượng từ môi trường bên ngoài (ví dụ năng lượng từ các thức ăn hữu cơ, điện năng hoặc năng lượng của trường hấp dẫn). Là vật chất nên chúng có thể vẫn phải tuân thủ các định luật vật lý nhưng ở những biểu hiện với cấp độ tinh vi khác nhau. Nhưng, tất cả những loại thể sống ấy, bao gồm cả chúng ta, ở đâu mà ra.

Câu hỏi đó con người đang tìm câu trả lời bằng khoa học, còn những thể sống văn minh hơn loài người có lẽ họ đã biết rõ rồi, và đôi khi họ hé mở cho chúng ta bằng con đường ta gọi là Tâm linh. Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi ở trên là: Vũ trụ cùng các thể sống khác nhau được tạo ra bởi một Sức mạnh siêu nhiên, Người không bị ràng buộc bởi bất cứ định luật nào. Các định luật mà mọi dạng vật chất phải tuân thủ cũng do Sức mạnh đó áp đặt để thế giới vật chất, trong đó có các dạng sống, tự điều chỉnh để mà tồn tại, để mà tiến hóa. Nhưng tại sao Thượng đế lại có thể tạo ra các dạng sống khác ngoài dạng sống trên trái đất hiện có. Câu trả lời có lẽ là phải dựa vào qui luật đa dạng của thế giới vật chất mà Người đã tạo dựng nên.

Tính đa dạng nằm trong thiết kế ban đầu

Tính đa dạng đã nằm trong thiết kế ban đầu của Thượng đế và nó xuyên suốt trong cả hai thế giới: vật chất vô tri và sự sống. Hiện tại chúng ta chưa có thể chứng minh được bằng khoa học rằng còn có những thể sống khác không dựa vào năng lượng hóa học nhỏ nhoi như chúng ta. Đa dạng về mức năng lượng thì cũng sẽ phải đa dạng về những nền văn minh sử dụng chúng.

Do đó, khoa học của loài người chỉ là con đường để khám phá những chân trời mà Thượng đế đã tạo nên, thông qua đó mà tiến hóa đến đỉnh cao nhất của dạng sống mà chúng ta thuộc về. Vì vậy, giống như hệ quả của định lý Gödel, Khoa học không thể tự hoàn chỉnh và trọn vẹn, nghĩa là sẽ không có câu trả lời cho hai câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ và loài người bằng các phương pháp khoa học. Điều đó đôi khi được biểu hiện bởi cái cảm giác của các nhà khoa học khi mà nhiều lần họ tưởng như đã đi đến đích thì lại xuất hiện những yếu tố mới không thể giải thích nổi. Ngay cả cái đỉnh cao trí tuệ của thể sống dựa trên năng lượng hóa học mà con người chắc chắn là đại diện cũng chưa được hình dung trong ngày hôm nay.

Những bước đi ngày càng tăng tốc của khoa học và công nghệ làm chúng ta vừa mừng vừa lo. Mừng thì ai cũng biết. Còn lo là có phải chúng ta đã đang rất gần cái đỉnh cao kia rồi hay chưa? Khi loài người đã chạm đỉnh thì có thể cái vòng tuần hoàn của sự sống trên trái đất này lại bắt đầu từ điểm xuất phát cũng nên. Thượng đế có nhiều cách để điều khiển cái vòng tuần hoàn đó lắm. Mà không chỉ đối với chúng ta. Cái vòng tuần hoàn của vũ trụ cũng có trong bản Thiết kế vĩ đại của Người. Biến thiên tuần hoàn là cách thức duy nhất để mọi thứ trên đời này tồn tại và biến động mà không dẫn đến trạng thái tự hủy diệt hoặc lặng lẽ biến mất.

Có một niềm an ủi cho chúng ta, những sinh linh sống bằng nguồn năng lượng hóa học ở cấp độ phân tử. Đó là phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trên trái đất mà Thượng đế đã ban cho như đã nhắc đến trong phần mở đầu của bài viết. Cho đến hôm nay có lẽ con người không quá tự tin đến mức vô lối để mà nói rằng nó là chúa tể của loại thể sống dựa trên sự tiêu hóa các hợp chất hữu cơ trên trái đất này. Nó là chúa tể vì nó đã có trong tay khả năng tiêu diệt mọi loài kể cả bản thân mình. Nó là chúa tể vì nó có khoa học và công nghệ để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên chung của muôn loài nhằm phục vụ cho mình là chính.

Hãy hình dung vào buổi chiều của một ngày cuối tuần nắng đẹp và ấm áp, một số khá đông những “chủ nhân ông” của Trái đất tập trung trên sân Old Trafford hoặc ngồi trước màn hình của chiếc tivi ở mọi ngõ ngách để hò reo cổ vũ cho trận bóng giữa đội MU và đội Chealse. Niềm vui và sự phấn khích tràn trề trên khuôn mặt họ đã đốt đi một lượng calo nhất định. Nhưng không sao, họ sẽ nạp lại nhiều hơn từ những món ăn hấp dẫn và đầy dinh dưỡng đang đợi họ trên bàn trong những căn phòng bếp ngạt ngào mùi hương ẩm thực. Nhiều thú vui nữa đánh đổi bằng calo đang chờ họ ngay trong buổi tối hôm nay...

Trong lúc ấy thì những thể sống cao cấp hơn đang tụ tập ở đâu đó trên một hành tinh nóng hoặc lạnh hơn trái đất đến mức chẳng có một hợp chất hữu cơ nào để mà nhấm nháp, hoặc đang chu du giữa khoảng không bao la, lạnh lẽo của vũ trụ với tốc độ không chậm hơn ánh sáng. Đổi lại, những thể sống ấy không cần phải làm gì để kiếm miếng cơm manh áo như những kẻ trần tục của trái đất. Năng lượng họ cần tràn trề ở khắp mọi nơi. Chẳng biết họ có chơi đá bóng hay không hay là chỉ ca hát và đọc thơ suốt ngày như ở quê vợ của chàng Từ Thức. Và vì bất diệt nên họ cũng chẳng cần đến thú vui sinh sản.

Nếu Thượng đế cứ để con người như thời ăn lông ở lỗ thì có lẽ cân bằng sinh thái sẽ tốt hơn, trái đất sẽ an toàn hơn. Nhưng dù sao thì cũng không thể vứt bỏ được lòng tham và thói ích kỉ trong thế giới sinh vật trên trái đất, bởi lẽ nó phải tranh dành nhau nguồn thức ăn hữu cơ vốn dĩ bao giờ cũng có hạn. Vì vậy, lòng tham có bản chất từ cái dạng năng lượng hóa học vì nó nhỏ nhoi và không có sẵn.

Hơn thế nữa, con người không ăn tươi nuốt sống thức ăn từ thiên nhiên mà còn biết tạo ra nhiều thực đơn với độ dinh dưỡng và sự hấp dẫn rất khác nhau bằng cách xào nấu, hấp hầm với nhiều gia vị. Vì thế mà lòng tham giữa con người với nhau còn cao hơn nhiều so với các loài động vật khác. Nhưng, cũng nhờ có lòng tham ấy mà con người mới tiến hóa như bây giờ.

Ngày nay những hiểu biết về cấu trúc gen hình như lại một lần nữa làm các nhà khoa học ảo tưởng rằng họ đã khám phá ra gần đến tận cùng bí mật của cuộc sống trên Trái đất. Thậm chí họ còn tạo ra những sinh linh nhân bản. Nhưng đó đâu có phải là con người đã có thể thay thế thiên nhiên trong sinh sản ra các loài sinh vật. Đó chỉ là một sự can thiệp vào qui trình sinh sản mà thôi, tuyệt nhiên không có ý nghĩa thần thánh nhân tạo gì.


Người viết bài này đồng tình với quan điểm của nhà khoa học, ông Francis S. Collins, Giám đốc dự án giải mã gen người, rằng càng hiểu biết sâu về gen càng thấy sự tinh tế hết mực trong thiết kế sự sống của Đấng Tối Cao. Chỉ có điều tôi không phải là tín đồ của thuyết tiến hóa Darwin. Mỗi loài trong giới thực vật đều có bản đồ gen từ lúc ra đời. Và tất nhiên nó phải được tạo thành từ những nguyên tố hóa học mà Người đã tạo ra trước đó. Vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi về đại thể các bộ gen của giới sinh vật có những điểm tương đồng để rồi từ đó Darwin xây dựng nên thuyết tiến hóa. Ngay đến con người đấy, đông như vậy mà cũng chẳng tìm được hai cá thể có dấu vân tay giống hệt nhau nữa là. Đa dạng về giống loài còn đi cùng với đa dạng về cá thể. Đó là một thiết kế chỉ có Thượng đế mới thực hiện nổi.

Chỉ còn một câu hỏi cần phải tìm câu trả lời. Nếu quả thực có Thượng đế thì tại sao Người lại không bao giờ hiện diện bằng cách này hay cách khác để người trần mắt thịt như chúng khỏi phải hồ nghi. Gợi ý cho câu trả lời có lẽ lại phải tìm trong quy luật đa dạng. Nếu chúng ta biết được một cách đích thực rằng, con người chỉ là những con rối trong tay một Đấng Tối Cao thì liệu cuộc sống còn ý nghĩa hay không, màn kịch cuộc đời chắc không còn nhiều hấp dẫn, mọi động lực để thôi thúc con người dấn thân cũng chẳng còn nhiều. Với một Người đã thiết kế nên một thế giới phong phú và hoàn hảo như thế này thì kịch bản ấy không thể chấp nhận. Nhưng nếu để con người tự tin đến mức vô thần thì vở kịch kia cũng không thể kéo dài. Tính ích kỉ nói trên sẽ biến loài người thành dã thú.

Vì vậy trong sâu thẳm của bản chất con người đã được cấy vào một tiềm thức về tính nhân bản như một đối nghịch với tính ích kỉ. Nếu nhờ có tính ích kỉ mà con người năng động và tiến hóa thì tính nhân bản lại giúp nhân loại vượt qua được những thời khắc nguy nan, chẳng hạn như trong các trường hợp thiên tai khủng khiếp, hoặc khi dân số giảm sút một cách đáng kể. Vì những lý do đó mà Sức mạnh Siêu nhiên chỉ được hé lộ một cách gián tiếp và rất hãn hữu, như trong các trường hợp tâm linh chúng ta vừa nhắc đến, đủ để giữ số đông sống có đức tin.

Kết

Để kết thúc bài viết này tôi muốn lấy câu truyện tiếu lâm dân gian của Việt Nam để nói về bản chất của khoa học và tâm linh. Chuyện rằng nhà kia có hai cô con gái lấy hai chàng trai, một chàng là thư sinh nhiều chữ nghĩa, chàng còn lại chỉ là một anh nông dân cục mịch. Một hôm bố vợ cùng hai chàng rể du xuân. Đến bên bờ hồ ông bố hỏi hai chàng trai tại sao con vịt lại nổi được trên mặt nước. Chàng thư sinh bảo con vịt nổi vì nó có lông còn chàng nông dân thì chỉ nói: “Trời sinh ra thế”. Chỉ vào con ếch ông bố vợ lại hỏi vì sao ếch biết kêu.

Học sĩ cho rằng ếch kêu vì nó có cái họng to, trong khi chàng nông dân trẻ vẫn nói: “Trời sinh ra thế”. Khi nhìn thấy một hòn núi đá bị chẻ ra làm đôi ở trên bờ hồ, ông bố lại hỏi hai chàng con rể vì sao nó nứt. Anh con rể thông thái bảo rằng đá nứt do tác động của nắng và mưa, còn anh kia vẫn trả lời đơn giản là trời sinh ra thế. Khi bị ông bố vợ chê là kém hiểu biết thì chàng nông dân bèn quay lại hỏi chàng thư sinh: “Cái thuyền có lông đâu mà nó cũng nổi, cái trống có họng đâu mà nó cũng kêu, còn “cái của mẹ cậu” có bị mưa nắng gì đâu mà vẫn bị nứt?”.

Quả thật, khoa học đúng là cao siêu nhưng chỉ là đi tìm và giải thích những quy luật mà Siêu nhiên đã vạch ra trong bản thiết kế ban đầu. Vì vậy mọi cái trên đời này, trong vũ trụ này đều do Trời sinh ra thế. Chỉ có điều chúng ta hay hồ nghi nên mới tìm hiểu xem Trời sinh ra và điều khiển chúng như thế nào. Vì vậy mà mới có khoa học.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tâm linh và Mê tín

    15/06/2020Đỗ Kiên CườngBài “Đất thiêng một giải nghiệm” trên Văn nghệ số 32, ngày 11-8-2007, khá điển hình cho một trào lưu mới tại nước ta hiện nay. Đó là sự lên ngôi của “khoa học tâm linh” hay các hoạt động mang tính tâm linh khác, tuy khái niệm tâm linh chưa bao giờ được làm rõ hay đạt sự đồng thuận. Đây là vấn đề quan trọng mà nếu không giải quyết, có thể gây nhiều hiểu lầm...
  • Thống nhất tâm linh và khoa học

    09/09/2013Đào Thanh OaiThế giới mà ta biết gồm những vật thể sống và những vật thể không chứa đựng sự sống. Có những sự vật hiện tượng hữu hình và hiện tượng sự vật vô hình….Các hiện tượng điện, từ, cơ, nhiệt...có thể tạo ra một cách dễ dàng phải chăng đó là một nguyên nhân dẫn đến thành tựu khoa học dựa trên việc nghiên cứu về các hiện tượng này đã tiến xa...
  • Tâm linh và 'tảng đá lạ' ở Đền Hùng

    07/06/2013Nguyễn Tất ThịnhTôi tự hỏi: vì lẽ gì một Pháp sư không chính danh (về vai trò xã hội), không chính thống (về mặt tổ chức tin cậy), không chính chuẩn ( về mặt nghiệp vụ khoa học), không chính quy (về mặt phương pháp), không chính tắc (về thông tin cứ liệu)… lại có thể khiến cho những người có trách nhiệm cao ở Tỉnh Phú Thọ chấp thuận ‘lý thuyết và giải pháp tâm linh’ của ông ta mà đặt 'hòn đá lạ' đó ở nơi như Đền Hùng ( nơi người ta gọi là linh thiêng nhất, khởi nguồn nhất…của hồn khí chí của các Dân Tộc Việt Nam ) !
  • Tâm Linh

    26/02/2012Kahlil GibranVà Thượng Đế của các thần linh ly cách một Tâm Linh khỏi chính Ngài và sáng tạo trong nó Cái Đẹp...
  • Thử giải thích hiện tượng tâm linh

    12/12/2010Đào Thanh OaiCách hiểu thông thường nhất về thế giới tâm linh là một thế giới ở bên kia, thế giới ở đằng sau cái chết, thế giới của các linh hồn, thế giới của thần linh và ma quỷ... khoa học ngày nay cần phải trả lời là cái thế giới đó có thật không?
  • Suy tưởng tiếp cận Tâm Linh

    22/04/2009Nguyễn Tất ThịnhCon người đã đưa thiết bị lên Sao Hỏa, đã vẽ nên Bản đồ Gen của chính mình….Nhưng chính vì vậy Con đường bí mật đi đến tìm hiểu ý niệm về Thượng Đế - Thế giới Tuyệt đối – có vẻ như gần hơn, lại càng làm Con người khát vọng hơn bao giờ hết! Để ít nhất cũng ngộ ra một điều rằng : Bản thân Khoa học Công nghệ, dù phát triển đến đâu nhưng là quá hữu hạn để thỏa mãn khát vọng đó...
  • Tâm linh là gì? Như thế nào? Từ đâu? Tại sao?

    07/03/2009Tinh TiếnTừ e dè, nghi ngại lúc đầu đến nay, sau khoảng một hai thập kỷ, "Tâm linh" trở thành một từ thường xuyên dùng tới trên cửa miệng của nhiều người, có nội dung còn rất "tù mù”, phiếm định, vì vậy chúng ta cần "kiện nghĩa" khái niệm này trong chừng mực bao quát nhất có thể được.
  • xem toàn bộ