Tâm linh hay duy lợi?
“Tâm linh”, “nhu cầu tâm linh”, “truyền thống tâm linh”… chưa bao giờ người ta nghe nhắc đến hai từ “tâm linh” nhiều như bây giờ, giữa lúc mà đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng hơn bao giờ hết.
Xu hướng duy lợi chỉ có thể chặn lại khi xuất hiện ngày càng nhiều những vị chân tu.
Vì đạo đức xã hội xuống cấp mà người ta có nhu cầu trở về với tâm linh hòng ngăn chặn sự xuống cấp ấy, hay hai từ “tâm linh”thực ra chỉ là màn khói nhang che đậy sự xuống dốc của đạo đức xã hội? Khó mà nói chính xác cái nào đúng, chỉ biết rằng tần suất nhắc đến hai từ "tâm linh" đã chẳng ngăn được sự tuột dốc không phanh của đạo đức xã hội.
Vì sao vậy? Hãy nhìn vào bức tranh xã hội. Khi mua bán, chạy chọt trở thành thói quen phổ biến trong xã hội để đạt mục đích từ nhỏ tới lớn, từ mua bán ghế, bằng cấp, điểm học (mua bằng tiền hoặc tình) cho tới “chạy” dự án, giấy tờ nhà đất, chỗ học cho con, được ưu tiên khám khi vào bệnh viện hoặc chạy án, chạy tội… thì rốt cuộc người ta đi đến chỗ “phóng chiếu” thế giới trần gian vào thế giới thần, Phật và người ta nghĩ người ta có thể chạy chọt, mua bán cả thánh thần. Trong nỗi tuyệt vọng không thay đổi được thực trạng, mất niềm tin vào khả năng thay đổi thực tế xã hội, người ta chỉ còn cách bám víu vào thần, Phật. Thần, Phật trở thành kẻ ban phát ân huệ (lộc), mang lại những lợi ích vật chất cụ thể mà người ta nghĩ người ta có thể bỏ tiền hoặc quà cáp (lễ) ra mua được, chạy được. Người ta cũng mong đợi thần, Phật trở thành kẻ chở che cho họ khỏi một xã hội đầy bất trắc.
Trong nỗi tuyệt vọng không thay đổi được thực trạng, mất niềm tin vào khả năng thay đổi thực tế xã hội, người ta chỉ còn cách bám víu vào thần, Phật.
Nếu không phải như vậy thì làm sao giải thích được việc người ta bỏ tiền vào tượng thánh, nhét tiền vào tay Phật; chen lấn, xô đẩy để mua cho được cái “ấn” đền Trần với hy vọng thăng quan tiến chức; phang nhau để giành phết, giành hoa tre nhằm lấy lộc; dùng tiền thấm máu lợn để cầu may; đổ về chùa để cúng sao giải hạn? Và qua đó nổi lên rõ ràng một thực tế: tín ngưỡng với nhiều người Việt mang đầy tính thực dụng và vụ lợi, duy lợi. Người ta đến với thần, với Phật không phải với ước nguyện hướng tới thế giới tâm linh, được giác ngộ, tìm ra con đường giải thoát mà chỉ để cầu xin những lợi ích vật chất cụ thể, trần trụi. Chính vì thực dụng, duy lợi, chứ không phải vì nhu cầu tâm linh thực sự, người ta dễ dàng rơi vào chỗ mê tín. Sự mê tín tràn lan trong các lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng mang tính duy lợi vào thần, Phật trong khi đời sống tinh thần của nhiều người Việt có thể nói là một khoảng trống vắng bao la được lấp đầy bằng sự mê tín khoác áo tâm linh.
Và, trong cơn bão duy lợi đó, không ít cơ sở tôn giáo, thờ tự thay vì trở thành những con đê vững chắc chặn đứng làn sóng duy lợi, mê tín, và hướng tâm hồn con người đến chỗ giải thoát khỏi tham sân si, đến đời sống tâm linh thực sự thì đáng tiếc đã góp phần làm căn bệnh duy lợi nặng hơn. Người ta đua nhau xây chùa, đền, phủ ngày càng hoành tráng không chỉ vì nhu cầu tâm linh ngày càng tăng mà có lẽ còn vì mục đích khác: thu hút thiện nam tín nữ nhiều hơn và tất nhiên lễ vật, cúng dường cũng nhiều hơn. Người ta vẽ ra nhiều tuồng tích không có trong lịch sử nhằm dẫn dụ người cả tin.
Không phải ngẫu nhiên mà mới đây cùng lúc xuất hiện hai bài viết của những người theo Phật, trong đó có tác giả là nhà tu hành, cảnh báo về sự xuống cấp, tha hóa của tín ngường thờ Phật nơi người Việt. Trong bài Những hiểu lầm về đạo Phật, nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ánh mở đầu: “Đạo Phật ngày càng suy đồi, tha hoá, “mạt pháp”, nguyên nhân thì nhiều, nhưng đôi khi vì trong giới tu sĩ và cư sĩ không trang bị đủ kiến thức của giáo pháp như thực - tức là giáo pháp cội rễ - mà chỉ chạy theo cành, nhánh, ngọn lắm hoa và nhiều trái. Từ đấy, khó phân biệt đâu là đạo Phật chơn chánh, đâu là đạo Phật đã bị biến chất, chạy theo thị hiếu dung thường của thế gian. Đôi nơi đạo Phật còn bị trộn lẫn với tín ngưỡng duy linh và cả tín ngưỡng nhân gian nữa...Nhiều lắm, không kể xiết đâu”. Và kể ra 20 hiểu lầm về đạo Phật khiến cho đạo Phật bị biến dạng. Trong bài viết Bảy sự hiểu lầm phổ biến về đạo Phật ở Việt Nam, tác giả Chu Ngọc Cường nhắc một trong các hiểu lầm là “Các đức Phật sẽ ban phát tài lộc. Ngày nay hầu hết các ngôi chùa ở Việt Nam đều có sự thờ cúng hương khói. Có những chùa người tu hành ít nhưng hoạt động cúng bái, lễ hội cho lữ khách thập phương diễn ra vô cùng sôi động. Rất nhiều người đến lễ Phật với mong ước Đức Phật sẽ mang lại nhiều may mắn, tiền tài, nhà cửa hoặc con cái, thực ra đây là một quan niệm không đúng với lời dạy của Phật. Đức Phật chỉ hướng dẫn con người tự thoát khổ chứ không hề ban phát sự sung sướng. Muốn được hạnh phúc, các tốt nhất là nghiên cứu con đường Phật để lại rành rành qua Tứ Diệu Đế, không nên mang xôi gà, hoa quả đến cầu Phật ban phước làm chi”.
Biến thần thánh thành người ban phát lợi lộc, ân huệ có lẽ không chỉ có nơi các tín ngưỡng dân gian và đang xâm nhập vào đạo Phật vốn không tin có thần thánh. Dường như nó nằm trong tâm thức, tiềm thức duy lợi của người Việt và bộc phát trong môi trường xã hội đầy vụ lợi và lắm rủi ro, cũng như khi tôn giáo đích thực bị méo mó và gặp khó khăn trong phát triển. Xu hướng duy lợi chỉ có thể chặn lại khi tôn giáo chân chính trở lại là mình, khi xuất hiện ngày càng nhiều những vị chân tu và khi đời sống tinh thần của người dân được nâng cao.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn