Giữ gìn góc tâm linh Việt
Hôm trước nhận thư anh chị, thấy có vẻ buồn phiền về lớp trẻ đô thị ngày nay không lập bàn thờ ông bà, không còn coi trọng ngày giỗ Tết. Anh chị hỏi vậy người Việt sống xa quê hương thì ra sao? Các dân tộc khác có nhanh chóng mất gốc như người mình chăng ?
Thú thật, bản thân tôi cũng không hoàn toàn tin tưởng vào một tôn giáo, tín ngưỡng nào, nhưng trong thâm tâm vẫn nghĩ mỗi con người chúng ta đều cần có một góc tâm linh, mỗi dân tộc đều cần có một niềm tin nào thì mới hy vọng trường tồn.
Riêng tôi nhận thấy người mình vào những ngày giỗ Tết, dẫu ở nơi đâu cũng cố gắng quay về nơi chôn nhau cắt rốn, tìm về cái góc tâm linh của mình. Đó có thể là ngôi nhà cũ với bàn thờ tổ tiên, nơi nhà thờ tộc họ, ngôi đình, nếp chùa quen thuộc, hoặc một đền đài tưởng niệm vào thời đại mới .
Tôi là một nhà kiến trúc, nên nghĩ rằng bản sắc kiến trúc nhà cửa của người mình phải chăng nằm ngay trong các không gian thuần Việt, do điều kiện sinh hoạt văn hóa, tâm linh Việt cấu thành. Nhiều người phương Tây nghiên cứu nền văn hóa Việt thời cũ đã từng cho rằng ngôi nhà Việt cỗ cơ bản là một nơi thờ tự.
Sinh sống xa quê cha đất tổ, người di dân đến vùng đất mới phương Nam đã lập nên ngôi đình, nếp chùa mang dáng dấp quê nhà. Ở xa cách quê hương hàng vạn dặm, người Việt xa xứ cũng dựng lên cho được một nếp chùa, ngôi nhà thờ họ đạo riêng, mong tìm lại chút hơi ấm quê hương. Các nơi đó không chỉ diễn ra các sinh hoạt tinh thần mà cả văn hóa nữa.
Vậy mà ngày nay, không chỉ có người Việt sinh sống ở nước ngoài mà ngay cả thị dân trong nước với cuộc sống đô thị bươn chải, bận rộn kiếm sống, chỗ ở chật chội thường lơ là trong việc lập một góc thờ tự, xây dựng những không gian tâm linh cộng đồng là các nếp chùa, ngôi đền tưởng niệm, ngôi nhà thờ. Họ quên rằng chính các không gian tâm linh ấy đã từng nuôi dưỡng ý thức cộng đồng, tình quê hương dân tộc của bao thế hệ cha ông. Nhờ vậy mà quê hương, đất nước mới trường tồn.
Ở Bắc Mỹ, tôi từng có dịp sống gần cộng đồng người Do Thái và phải khâm phục một dân tộc suốt hai nghìn năm mất nước mà vẫn giữ được bản sắc riêng. Vì sao họ không mất gốc, phải chăng do họ không quên thờ tự trong gia đình, đi lễ đền thánh Synagogue (đạo Do Thái), dạy con cháu nói tiếng mẹ đẻ Yiddish. Có lẽ nhờ vậy mà họ vượt trội hơn các cộng đồng di dân khác, vẫn giữ gìn được bản sắc ở xứ người.
Quan sát các cộng đồng người Hoa, người An, người Hàn, người Nhật từng sinh sống nhiều thế hệ ở nước ngoài mà gia đình, cộng đồng họ vẫn sôi động một đời sống văn hóa, tinh thần rất riêng, không dễ hòa tan vào nước khác.
Bước vào một gia đình Việt ở xứ người mà còn nhìn thấy một góc thờ tự tổ tiên, con cái nói được tiếng Việt, tôi nghĩ gia đình đó còn giữ gìn được nền văn hóa Việt, còn tha thiết với tổ quốc quê hương. Nhìn thấy một cộng đồng, một họ đạo Việt xúm xít chung quanh ngôi chùa, ngôi nhà thờ tuy khiêm tốn, lọt thỏm giữa phố phường chớn chở phương Tây, lòng bỗng thấy nao nao tưởng như mình còn ở quê nhà.
Ơ xứ người, người ta không nể trọng mình vì con cái nói lưu loát tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga… mà xem ta có duy trì được nét đặc sắc văn hóa riêng có tác dụng làm phong phú thêm cho nền văn hóa tại chỗ. Bản sắc văn hóa riêng vẫn cần thiết trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Phải chăng nét văn hóa, đời sống tâm linh Việt giúp ta có được bản sắc riêng, làm cho chúng ta hoà nhập nhưng không dễ hoà tan vào xứ người.
Vậy mà, phải chăng vào các ngày giỗ Tết, chúng ta chỉ còn cúng bái lấy lệ, từng biến các dịp đó thành bữa ăn nhậu vang đầy tiếng “dzô” không mấy văn hóa! Tôi có dịp quan sát một bữa giỗ tổ tiên gia đình Nhật, không cầu kỳ nhưng trang nghiêm. Các thành viên gia đình tề tựu lắng nghe người lớn nhắc lại những nét đẹp trong cuộc đời người đã khuất. Họ không hề biến bữa giỗ thành bữa nhậu!
Theo tôi, truyền thống phải bắt đầu từ mỗi gia đình. Ngày hết Tết đến, dẫu ở xa quê hương hàng nghìn dặm, tôi vẫn cố bắt chước cha tôi dành trọn đêm giao thừa cho hồi niệm, trong không gian tâm linh gia đình. Không có điều kiện lập một bàn thờ theo kiểu cũ, tôi vẫn cố tạo được một góc tưởng niệm ông bà, tổ tiên. Tuy không bày biểu nhưng đến lượt mình, thế hệ con cái tôi nơi đất khách quê người nay vẫn không quên tạo trong nếp nhà nhỏ của mình một khoảng không gian tâm linh riêng theo cung cách riêng của thế hệ chúng.
Ngày hết Tết đến, thân chúc anh và các cháu mỗi người tìm được một góc tâm linh cho mình.
Ngày cuối năm nơi xứ người,
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý