Đã phải lúc sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục 2005?

08:55 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Chín, 2009

Ba năm mười tháng có thể là đủ cho việc sửa đổi bổ sung Luật nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển nhanh và đúng hướng… Ngược lại, nó có thể còn quá ngắn để nói đến sửa đổi bổ sung luật nếu các công cụ để triển khai nó, các văn bản pháp quy dưới luật, còn chưa sẵn sàng.

1. Luật Giáo dục (sửa đổi) 2005 ban hành ngày 27.06.2005, có hiệu lực kể từ ngày 01.01.2006, tính đến kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XII, tháng 10 tới đây mới được ba năm mười tháng.

Thời điểm tháng 10.2009 được ấn định là vì ngày 15/11/2008, Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ tư, đã thông qua Nghị quyết số 27/2008/NQ-QH12 bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011) và đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vào Chương trình chính thức xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 để được Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2009.

Khoảng thời gian ba năm mười tháng có thể là đủ để đúc rút được những gì cần thiết cho việc sửa đổi bổ sung Luật nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục tiến nhanh hơn và đúng hướng, nếu trong khoảng thời gian đó Luật đã thực sự đi vào cuộc sống. Ngược lại, nó có thể còn quá ngắn để nói đến sửa đổi bổ sung luật nếu các công cụ để triển khai nó, các văn bản pháp quy dưới luật, còn chưa sẵn sàng. Trường hợp chúng ta đang bàn ở vào tình huống nào?

Báo cáo tổng kết ba năm thi hành Luật Giáo dục (2006-2008) cho biết: “Xét trong cả 3 năm (2006- 2008) công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là ban hành văn bản theo kế hoạch, chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra, số lượng văn bản đạt rất thấp; nhiều văn bản thuộc thẩm quyền cấp trên và nhiều văn bản trọng yếu thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng chưa được ban hành, gây khó khăn lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành; không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của tình hình thực tiễn, làm chậm quá trình đưa quy định của Luật Giáo dục vào cuộc sống và làm giảm uy tín của Bộ trong công tác này”;“Số lượng văn bản theo kế hoạch soạn thảo quá lớn so với khả năng thực hiện, trong khi đó nhiều văn bản đã được ban hành ngoài kế hoạch”.

Chúng tôi thiết nghĩ, khách quan mà nhìn nhận, trường hợp chúng ta đang bàn ở vào tình huống thứ hai! Nguyên nhân tại sao và trách nhiệm thuộc về ai, tôi đã phân tích trong một bài báo ở Báo Người đại biểu nhân dân gần đây [1].

2. Thời gian còn quá ngắn, chưa đủ để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, gây khó khăn lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ. Thời điểm lại đã được ấn định trước. Còn về nội dung cần sửa đổi bổ sung thì sao?

+ Tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới khối các trường đại học và cao đẳng ngày 25-8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sau Hội nghị, rà soát lại khung pháp lý trong công tác quản lý các trường đại học, tập trung nâng cao chất lượng quản lý, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Có lẽ chính từ sự cấp bách phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ này mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đề xuất hai vấn đề để sửa đổi bổ sung: (1) Sửa đổi Điều 51, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập trường đại học. (2) Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 42, theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ. Đề xuất tinh gọn như vậy, theo suy nghĩ của tôi, vừa nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ trưởng, vừa phân quyền thêm để Bộ trưởng có điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.

+ Tại Hội nghị sơ kết hai năm thi hành Luật Giáo dục, tính đến ngày 05.08.2009, đã có 50 vấn đề được đề xuất sửa đổi, bổ sung, ở hầu khắp các chương của Luật, thậm chí còn có ý kiến đề xuất sửa đổi cả hai chương về giáo dục đại học và chương về nhà giáo.

+ Ban soạn thảo đã lựa chọn 12 vấn đề để đưa vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (2005). Cả 12 vấn đề đều được một báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá có tác động kinh tế xã hội tốt.

+ Thế nhưng theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, “những vấn đề quan trọng đã từng được đưa vào Dự thảo ban đầu và được dư luận quan tâm, thảo luận sôi nổi đã bị rút ra khỏi Dự thảo vì còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, do vậy hầu hết các nội dung còn lại được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ, tuy rất đáng được sửa đổi bổ sung, nhưng chưa thực sự cấp thiết”, và sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi bổ sung với nội dung như vây là “chưa thực sự thuyết phục” [1].

+ Về phần mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu lên thêm 10 nội dung mà theo Ủy ban là cần tiếp tục được sửa đổi bổ sung [2]. Ngoài ra Ủy ban còn đề nghị nghiên cứu để chọn lọc, đưa thêm một số nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Nhà giáo và Luật Giáo dục đại học, đã được thực tiễn kiểm nghiệm vào Dự thảo Luật [3].

Nhìn chung lại, (1) các vấn đề được đề xuất là khá nhiều và phân tán, và (2) ý kiến, quan điểm còn khác nhau trên những vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm, là hai nét nổi bật trong quá trình thảo luận để xác định các nội dung cần sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục 2005.


Ngay cả đối với đề xuất thứ nhất của Thủ tướng Chính phủ cũng có hai luồng ý kiến khác nhau. Một bên hoan nghênh việc chuyển thẩm quyền từ Thủ tướng về cho Bộ trưởng coi đây là một bước chuyển rất quan trọng trong tư duy và cải cách hành chính. Ngược lại, nhiều ý kiến lo ngại rằng phân cấp mà không quản lý chặt chẽ thì hậu quả sẽ rất tai hại, và dẫn chứng, vừa qua chính Thủ tướng quyết định việc thành lập trường đại học mà việc thành lập còn khá tràn lan, và tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Nay nếu chuyển về cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định, thì với công tác quản lý hiện nay của Bộ này, liệu sự thể sẽ ra sao?

3. Từ những phân tích trên đây và từ tình hình thực tế, nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong giáo dục, điều kiện tiên quyết để đưa nền giáo dục nước nhà đi lên, xin kiến nghị:

(a) Quốc hội cân nhắc một cách khách quan, không chịu sức ép về thời gian, liệu đã phải lúc để sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục (sửa đổi) 2005 hay không. Nếu các điều khoản dự kiến sẽ sửa đổi bổ sung chưa thực sự cấp thiết, Quốc hội nên dành việc sửa đổi bổ sung luật một cách thích đáng vào một thời điểm khác. Đồng thời, Quốc hội tránh ban hành “non” một luật giáo dục (sửa đổi) mới.

(b) Quốc hội ra một nghị quyết về việc ban hành ngay trong năm 2010 các văn bản pháp quy cần thiết để Luật Giáo dục 2005 được triển khai đầy đủ và được quản lý chặt chẽ; về việc nâng cao chất lượng của quản l‎ý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Trong nghị quyết, trách nhiệm của ngành giáo dục, của các cấp các ngành, và của các thiết chế nhà nước được quy định một cách tường minh [1]. Qua việc thực hiện Luật Giáo dục 2005, sẽ đúc kết những vấn đề cần sửa đổi bổ sung vào thời điểm sớm nhất có thể được.

(c) Chính phủ tổ chức đoàn kiểm tra, và thanh tra nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức đoàn giám sát, song hành hoặc vào thời điểm khác nhau, từ góc độ hành pháp và lập pháp, tập trung vào công tác quản l‎ý giáo dục đại học hiện nay, đặc biệt giáo dục ngoài công lập, [2] với mục đích tìm ra nguyên nhân của những yếu kém, những tiêu cực, làm cơ sở cho việc chấn chỉnh và nâng cao chất lượng của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Báo cáo với Quốc hội sớm nhất, nếu được tại kỳ họp thứ sáu tháng 10 năm 2009 tới đây.


Chú thích:


[1] Nguyễn Ngọc Trân, “Góp ý vào việc sửa đổi bổ sung luật giáo dục 2005, Văn bản pháp quy thiếu và yếu, trách nhiệm thuộc về ai?”, Báo Người đại biểu nhân dân, số 242, ngày 28.8.2009. http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/2/ContentID/82898/Default.aspx

[2] Theo Cổng thông tin Chính phủ.

[3] Báo cáo Số 796 BC/VH-GD-TTN, ngày 11 tháng 8 năm 2009, trang 2.

[4] Đó là: Về phân cấp quản lý giáo dục; Vấn đề hợp tác quốc tế về giáo dục; Về chuyển đổi các loại hình trường; Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; Về cơ sở giáo dục đại học; Về các cơ sở giáo dục được quy định tại Điều 49; Về cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; Về học phí, phí dịch vụ; Về kiểm định chất lượng giáo dục; Về việc bổ sung chế tài trong một số quy định của Luật. Báo cáo đã dẫn, các trang 9-11.

[5] Báo cáo đã dẫn, các trang 12.

[6] Xem bài “Góp ý vào việc sửa đổi bổ sung luật giáo dục 2005, Văn bản pháp quy thiếu và yếu, trách nhiệm thuộc về ai?”, Báo Người đại biểu nhân dân, số 242, ngày 28.8.2009, đã dẫn.

[7] Ba câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đặt ra trong cuộc họp ngày 25.8.2009 có thể là nội dung của kiểm tra, thanh tra, giám sát: Chất lượng giáo dục đại học hiện nay như thế nào? Chấp hành các quy định, quy chế quản lý trong các nhà trường, công tác quản lý đào tạo như thế nào? Việc quản lý, chi tiêu và sử dụng ngân sách tại các trường đại học và cao đẳng ra sao?

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Định nghĩa lại giáo dục

    29/07/2009Trần Nguyên thực hiện“Để canh tân nền giáo dục, trước hết cần phải định nghĩa lại vai trò của các chủ thể giáo dục, định nghĩa lại người dạy và người học, định nghĩa lại nhà trường và hiệu trưởng, nhìn nhận lại cả vai trò của Nhà nước trong hệ thống giáo dục”.
  • Tranh cãi về học phí sẽ không đi tới đâu!

    02/06/2009Linh Thủy (PV báo Vietnamnet) thực hiện“Tất cả những chuyện tranh cãi như về học phí là không đi đến đâu. Không thu phí thì không phát triển sự nghiệp giáo dục được vì không có tiền, nhưng mà tiền thu rồi có còn hay không, được dùng vào việc gì không ai biết được.” – Chuyên gia tư vấn Nguyễn Trần Bạt.
  • Suy nghĩ về chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam

    17/03/2009Phan Chánh DưỡngNội dung dự thảo chiến lược giáo dục từ 2009 đến năm 2020 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu giáo dục, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà quản lý của ngành giáo dục. Qua phản ánh của các phương tiện truyền thông, phần lớn ý kiến đóng góp đều không đánh giá cao bản dự thảo.
  • Chuẩn trẻ 5 tuổi "cứu nguy" cho Chiến lược giáo dục?

    16/02/2009Đoàn TrầnChiến lược giáo dục 2009 - 2020 đang trong quá trình “sinh tử” nóng bỏng, dư luận "bỗng nhiên” được thư giãn bởi bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Có vẻ như câu chuyện “bé tí” đã át câu chuyện “to đùng” dù quanh 2 câu chuyện này, đều có nhiều đáng suy nghĩ.
  • Giáo dục trong sự song hành giữa Nhà nước và thị trường

    05/07/2007Nhật VũToàn cầu hoáđặt quyền lực kinhtế đáng kể vào các tậpđoàn lớn, song lại nảy sinhđòi hỏi Nhà nước phải chi phối mạnh mẽ hơn về chínhtrị giáo dục và công nghệ. Giáo dục cho phép tăng cường liên kết xã hội nhằmgiữ gìn bản sắc dân tộc trước áp lựctoàn cầu hóa...
  • "Thu lượm" ý kiến đóng góp của nhân dân cho giáo dục

    13/01/2004Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đã cho biết như vậy tại cuộc giao ban báo chí sáng nay (13/1) khi thông báo về nội dung hoạt động của ngành trong năm 2004. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thừa nhận 3 bất cập của công tác giáo dục đào tạo...
  • Xin đừng làm rối rắm thêm Luật giáo dục

    11/01/2004Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 7-1-2004 đưa tin về dự thảo sửa đổi bổ sung Luật giáo dục, trong đó có đề cập việc ban soạn thảo luật của Bộ GD-ĐT bổ sung thêm vào hệ thống giáo dục quốc dân cái gọi là “giáo dục kỹ thuật thực hành” (GDKTTH) song song với giáo dục nghề nghiệp. Chẳng hiểu sao Bộ GD-ĐT lại vội vã đến nỗi chẳng kịp suy xét để đưa GDKTTH vào hệ thống giáo dục quốc dân và chuẩn bị “trình làng” để thông qua?
  • Sửa đổi luật giáo dục

    30/11/2003So với lần tập hợp ý kiến cách đây hai tháng, số lượng vấn đề được đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Luật giáo dục (LGD) đã tăng từ tám lên 11, chưa kể còn một số kiến nghị liên quan đến một số điều cụ thể trong luật. Dường như càng đối chiếu với thực tế, càng mở rộng phạm vi lấy ý kiến, LGD càng có nhiều điểm phải bổ sung, sửa đổi...
  • Quốc hội đã tranh luận gay gắt khi biểu quyết

    25/04/2003Một kỳ thi mới sắp bắt đầu. Nhưng đến nay, việc nên hay không nên tiếp tục kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (TNTH) đang còn nhiều ý kiến tranh cãi. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vẫn kiên quyết bảo lưu ý kiến nên tiếp tục kỳ thi này với lý do "không thi là không học!". Còn phụ huynh, học sinh, các nhà giáo dục và ngay cả nhiều đại biểu Quốc hội tâm huyết với ngành vẫn cho đó là một kỳ thi không cần thiết. Chuyên trang này sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin liên quan đến vấn đề này, cũng là để các cơ quan chức năng có thêm thông tin nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn...
  • xem toàn bộ