Xin đừng làm rối rắm thêm Luật giáo dục

03:51 CH @ Chủ Nhật - 11 Tháng Giêng, 2004

Xin thưa rằng trên thế giới chưa từng có cái gọi là GDKTTH mà chỉ có giáo dục kỹ thuật mà thôi, vì giáo dục kỹ thuật (technical education) đã phải dạy thực hành trên các phương tiện kỹ thuật rồi. Điều đáng bàn là tại sao lại đưa một khái niệm khá mù mờ với ba trình độ đào tạo (công nhân bán lành nghề, công nhân kỹ năng và cao đẳng kỹ thuật thực hành) để rồi liên thông với nhau. Trớ trêu thay, một anh lái taxi sau khi học xong nghề lái xe anh ta có thể lái taxi được nhưng chưa thể có kỹ năng kỹ xảo và lành nghề ngay.

Phải qua các trải nghiệm trong quá trình làm việc, quen với các tình huống ứng xử trên đường, quen xe, quen đường mà người lái xe sẽ trở nên lành nghề. Như vậy, liệu ta có công nhận một người lái xe để trở thành người có trình độ cao đẳng thực hành được không? Bên cạnh đó dạy nghề phải chăng chỉ có kỹ thuật, còn rất nhiều ngành nghề khác không liên quan đến kỹ thuật thì lại bị bỏ qua (?).

Thế nào là "lành nghề"?

Xưa nay không có một cơ sở đào tạo nghề nào có thể đào tạo ra thợ lành nghề được. Muốn lành nghề thì tay nghề phải được trải nghiệm trong thực tế lao động sản xuất. Điều này không thể thực hiện trong điều kiện của nhà trường do hạn chế về thời gian và nguồn lực tài chính. Hơn nữa, thực tế sản xuất sẽ khác rất nhiều so với những gì diễn ra trong nhà trường về con người, thiết bị máy móc (thường hiện đại hơn so với thiết bị máy móc của nhà trường) nên người tốt nghiệp ra trường thường phải mất một thời gian tập sự có sự kèm cặp của thợ tay nghề cao mới dần trở nên lành nghề về sau này.

Như vậy về phương diện kinh tế, đào tạo công nhân lành nghề bậc cao sẽ không khả thi nếu không có sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp theo kiểu đào tạo kép của Đức (dual system). Giả sử có đào tạo được “lành nghề” đi nữa thì khi đào tạo xong, công nghệ sản xuất bên ngoài đã tiến khác rồi và người tốt nghiệp lại trở nên thiếu “lành nghề” với công nghệ mới. Ngay cả những nền kinh tế mạnh nhất cũng không dám đào tạo người học để trở thành người lao động lành nghề, mà chỉ đào tạo kỹ năng ở mức vào thị trường lao động, sau đó doanh nghiệp sẽ đào tạo tiếp theo kiểu tại chỗ thường xuyên (on-the job- training).

Giáo dục kỹ thuật vốn dĩ chọn người học thường có năng lực học vấn về các môn khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa) để có thể nắm vững được nguyên lý khoa học, công nghệ trong vận hành, quản lý thiết bị kỹ thuật. Hay nói cách khác, những người đi theo con đường giáo dục kỹ thuật sẽ phải có năng lực tư duy tốt hơn những người đi theo con đường dạy nghề (học ít lý thuyết hơn, thực hành cơ bắp nhiều hơn). Do vậy, giáo dục kỹ thuật mà lại quá nhấn mạnh thực hành thì sẽ không phù hợp với đối tượng người học và sai khác với bản chất của giáo dục kỹ thuật.

Mặt khác, một hệ thống gồm hàng chục trường cao đẳng và hàng trăm trường trung cấp kỹ thuật đang chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT phải chăng không phải là những cơ sở giáo dục kỹ thuật? Thực tế không thể phủ nhận rằng kỹ năng thực hành của những người tốt nghiệp còn yếu, nhưng không phải là do các trường cao đẳng hay trung cấp kỹ thuật được xây dựng để dạy lý thuyết suông mà thực chất là thiếu nguồn lực đầu tư cho các cơ sở này, cũng như giữa nhà trường và các ngành kinh tế chưa hình thành được văn hóa hợp tác và chia sẻ trong đào tạo nguồn nhân lực.

Trường nào đầu tư trang thiết bị tốt, với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm, ở đó kỹ năng thực hành của người học được nâng cao. Như vậy, sự yếu kém về năng lực thực hành không phải do hệ thống thiếu vắng “hệ thống con” về GDKTTH mà nguyên nhân chủ yếu là nguồn lực. Vậy thì có cần thiết phải “chế tác” thêm GDKTTH nữa hay không, hay là cần có giải pháp đầu tư hợp lý và các chính sách quản lý khác để nâng cao năng lực các trường cao đẳng kỹ thuật và trung cấp kỹ thuật đang hoạt động?

Có cần mở thêm "hệ thống con"?

Việc mở thêm “hệ thống con” về GDKTTH với ba trình độ đào tạo sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong thị trường lao động do không thể qui đổi các thang bậc thợ bảy bậc đang hiện hành từ nhiều năm nay với ba bậc trình độ như đề cập trên. Đi kèm với việc công nhận qui đổi tương đương là việc trả lương sẽ tiến hành thế nào? Liệu các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động có chấp nhận một sự thay thế tương đương cho ba trình độ mới không?

Ngày nay trong điều kiện thay đổi nhanh chóng xảy ra tại nơi làm việc do doanh nghiệp sử dụng các công nghệ mới, phương pháp quản lý tổ chức mới, chính sách kinh tế - xã hội thay đổi kéo theo thị trường lao động sẽ có thay đổi nhanh chóng về nhu cầu kỹ năng lao động nên việc chia trình độ trong lĩnh vực dạy nghề (dưới tên gọi GDKTTH) thành ba bậc trở nên không thích hợp trong bối cảnh hiện nay và sau này. Dạy nghề trong bối cảnh hiện nay cần tạo nhiều điểm vào và điểm ra cho người lao động, để khi cần người ta có thể học và được công nhận trình độ dễ dàng với khoảng thời gian chia theo các module đào tạo.

Một hệ thống giáo dục quốc dân có thể ví như một chỉnh thể sống có tính thống nhất cao, vì vậy bất cứ sự thêm thắt cấy ghép hoặc cắt khúc ra cũng đều làm cho “cơ thể” phát triển què quặt thiếu lành mạnh. Đất nước còn nghèo mà nguồn lực cho GD-ĐT lại phải chia năm xẻ bảy sẽ gây hậu quả khôn lường cho nền kinh tế nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.      

NGUYỆT ÁNH

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: