Sửa đổi luật giáo dục

03:51 CH @ Chủ Nhật - 30 Tháng Mười Một, 2003

Chuyển bậc CĐ: chuyện chưa ngã ngũ

Trong phiếu lấy ý kiến đóng góp của ban soạn thảo luật sửa đổi đã đặt ra vấn đề có nên chuyển bậc đào tạo CĐ từ giáo dục ĐH về giáo dục nghề nghiệp (GDNN)? Nếu chuyển như vậy, giáo dục ĐH sẽ còn ba trình độ đào tạo là ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ. GDNN sẽ có một cuộc cách mạng về cơ cấu với ba trình độ: dạy nghề, trung học chuyên nghiệp và CĐ. Và chỉ cần thực hiện một “bước chuyển” đó, LGD sẽ phải sửa đổi đến... 19 điều có liên quan nằm ở nhiều chương khác nhau.

Tại một cuộc hội thảo được tổ chức ở Hà Nội mới đây, PGS.TS Ngô Hiệu, hiệu phó Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo T.Ư 1, cho rằng: “Không thể chuyển các trường CĐ sang GDNN vì CĐ thực chất là một dạng ĐH ngắn hạn, phần chênh giữa ĐH và CĐ trong chương trình đào tạo chủ yếu là phần mang tính nghiên cứu, còn những kiến thức khác đều tương đương. Thêm nữa, đầu vào của các trường CĐ cũng ngang bằng với ĐH: yêu cầu thí sinh phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Nếu phân biệt theo tính chất “giáo dục nghề” thì thực chất CĐ, ĐH cũng là dạy nghề nhưng phải ở nhóm trình độ cao của giáo dục ĐH”.

Là thành viên của ban soạn thảo, ông Nguyễn Quang Kính cho biết tổ thư ký của ban soạn thảo cũng không đồng tình đưa CĐ về GDNN vì cho rằng CĐ là một dạng đào tạo ĐH. Nhưng ông Kính cũng cho hay qua những ý kiến đóng góp về ban soạn thảo, không ít nhà nghiên cứu giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục lại cho rằng CĐ thuộc về GDNN sẽ phù hợp hơn vì tính chất thực hành, ứng dụng trong đào tạo CĐ nổi trội hơn tính lý thuyết, nghiên cứu.

Lại có một luồng ý kiến cho rằng thuộc về GDNN hay giáo dục ĐH là tùy thuộc tính chất, mục tiêu, sứ mạng đào tạo của từng trường CĐ. Trên thực tế, các trường CĐ sư phạm kỹ thuật hiện vẫn đang thuộc về GDNN. Đây vẫn là một vấn đề chưa ngã ngũ...  

Sách giáo khoa: Chỉ nên coi là "phần cứng"

10 vấn đề được đề nghị sửa đổi bao gồm: bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, dùng đồng thời nhiều bộ SGK cho giáo dục phổ thông, loại hình trường THPT kỹ thuật, thời gian đào tạo THCN, thẩm quyền tổ chức biên soạn và thẩm định giáo trình THCN và dạy nghề dài hạn, chuyển đào tạo CĐ về giáo dục nghề nghiệp, chuẩn chương trình và chương trình khung của giáo dục ĐH, thẩm quyền cấp bằng thạc sĩ của các viện nghiên cứu, bậc lương của nhà giáo, học phí của SV các trường sư phạm. Còn một vấn đề được đề nghị bổ sung vào LGD là có nên qui định quyền hạn, nhiệm vụ của hội phụ huynh trong nhà trường hay không.

Ngay khi trình bày về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Kính đã giới thiệu luôn  xu thế chung của các nước trên thế giới và trong khu vực là có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK). Ngay như Trung Quốc, từ nhiều năm nay đã theo phương thức “nhất cương đa bản” (một chương trình thống nhất, nhiều bộ SGK khác nhau). Khi lấy ý kiến, ban soạn thảo cũng đã đưa ra nhiều tình huống: có nên sử dụng SGK khác nhau cho các vùng miền khác nhau, trong một vùng miền và thậm chí trong cùng một trường học không? Nếu theo xu thế này, theo ông Kính, sẽ xảy ra tình huống Bộ GD-ĐT không còn là đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm biên soạn toàn bộ SGK mà chỉ là cơ quan có trách nhiệm thẩm định, duyệt các bộ SGK và các trường phổ thông được phép sử dụng SGK không do bộ biên soạn.

Ông Phạm Văn Thuần  (ĐHQG Hà Nội) cho rằng đối với giáo dục phổ thông, SGK không nên thống nhất. Nếu có thống nhất thì cũng chỉ nên ở bậc THPT vì HS sẽ thi tốt nghiệp bằng đề chung trong cả nước, còn đối với tiểu học và THCS cần có nhiều bộ SGK khác nhau phù hợp với điều kiện cụ thể từng nơi.

Tất nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng chỉ nên có một bộ SGK. Nhưng ngay cả những đại biểu theo quan điểm này cũng vẫn kiến nghị phải có cách nhìn mới về SGK và biên soạn SGK. PGS Ngô Hiệu nêu ý kiến: Chỉ nên coi SGK là phần “cứng”, người dạy được phép “mềm hóa” trong quá trình sử dụng, được vận dụng, liên hệ thêm kiến thức chứ không nên bắt buộc nhất nhất phải theo sách như hiện nay. Có thể biên soạn nhiều bộ để chọn lựa lấy một bộ tốt nhất thay vì bộ chỉ định một nhóm biên soạn duy nhất ngay từ đầu. Ông Phạm Gia Lâm (ĐH KHXH&NV Hà Nội) đề nghị SGK phải thống nhất nhưng hình thức, nội dung có sự tinh giản ở những mức độ khác nhau để phù hợp với điều kiện từng vùng miền.

Không nên có mô hình THPT kỹ thuật!

Đây là một trong số ít các vấn đề mà các đại biểu tham dự hội thảo mới đây tìm được tiếng nói thống nhất. Mô hình THPT kỹ thuật bị phản ứng khá gay gắt. Câu hỏi có nên coi THPT kỹ thuật là một loại hình trường THPT đã nhận được câu trả lời “không” từ các đại biểu.

PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương khẳng định mô hình này không phù hợp với hoàn cảnh VN, nếu thực hiện mục đích liên thông, phân luồng ở phổ thông thì cần phải tìm giải pháp khác. Ông Ngô Hiệu phân tích: “kỹ thuật” chưa phải là một khái niệm đủ để mô hình trường THPT kỹ thuật tồn tại song song bên cạnh trường THPT.

Nếu xét theo tính chất này, đã có THPT kỹ thuật phải chăng sẽ phải có cả THPT du lịch hay THPT thương mại?! Nhiều đại biểu khẳng định “không thể đưa THPT kỹ thuật thành một mô hình trường THPT trong LGD sửa đổi”. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ bên lề cuộc hội thảo, nhiều đại biểu cũng tỏ ra rất băn khoăn về khả năng thực tế để xây dựng và phát triển  mô hình này cũng như mục tiêu giáo dục của nó. Có ý kiến khẳng định không những không thể coi THPT kỹ thuật là một loại hình THPT, thậm chí còn không thể xếp đây là một ban trong chương trình THPT phân ban mới, vì mô hình này thiếu tính khả thi.

THANH HÀ

LinkedInPinterestCập nhật lúc: