Sự thật về Champa: Vương quốc không dành riêng cho người Chăm
Champa không phải là một quốc gia của riêng người Chăm. Tiếc thay, những nhầm lẫn đó lại được một số các học giả, khi nghiên cứu về vương quốc Champa, tiếp thu và từ đó trình bày trong những công trình nghiên cứu của mình...
Thánh địa Mỹ Sơn
.
Champa là quốc gia đã từng tồn tại trong lịch sử từ 192 đến năm 1832, có lãnh thổ chạy dài từ Quảng Bình (ở phía Bắc) cho đến Biên Hòa (ở phía Nam) thuộc khu vựciền Trung Việt Nam ngày nay. Cho đến cuối thế kỷ thứ XX, sự hiện diện của vương quốc này ở khu vực Tây Nguyên (Cao Nguyên Trung phần) vẫn là một vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà khoa học. Điều này cũng dẫn đến sự ngộ nhận của nhiều nhà nghiên cứu về thành phần các sắc dân cùng cấu tạo nên vương quốc Champa. Bởi vì, một khi phủ nhận Tây Nguyên như một phần của vương quốc này, thì họ cũng đã phủ nhận các dân tộc ở Tây Nguyên là một thực thể của vương quốc đó.
Những nhận định ở trên xuất phát từ các nhà nghiên cứu đầu tiên về vương quốc Champa và người Chăm. Trong những năm 1885-1890, trong các tác phẩm của mình, E. Aymonier liên tục sử dụng các thuật ngữ như “Les Cham” hoặc “Cham” để chỉ cho người Chăm và chỉ luôn cho thần dân của vương quốc Champa, dùng danh từ “Nagar Cham” (xứ sở của người Chăm) để chỉ cho vương quốc Champa.... Cụ thể, khi nghiên cứu về biên niên sử Panduranga-Champa, E. Aymonier cho rằng đây chỉ là một cảu chuyện hoang đường và mang tính thần thoại, trong biên niên sử này có các thuật ngữ như "Nagar Cham", mà E. Aymonier cho là vương quốc Chăm, và các ông vua trong biên niên sử (tiếng Chăm ghi là Patao Chăm) cũng là vua của vương quốc Champa trong nghĩa rộng của nó[1]. Vì thế mà sau này có những hiểu nhầm cho rằng, Po Klaong Girai (vua của tiểu quốc Panduranga) trong biên niên sử trên là Chế Mân (vua của vương quốc Champa) hay Po Binnasuar (trong biên niên sử) với Chê Bồng Nga…
Bản đồ Champa cổ
.
Sử dụng những thuật ngữ như trên và không giải thích kèm theo, E. Aymonier đã đánh đồng xứ sở của người Chăm với vương quốc Champa, đánh đồng người Chăm với thần dân của vương quốc Champa xưa, đánh đồng vua Chăm với vua Champa. Đây là một sai lầm về thuật ngữ và nhận định. Điều này vô hình chung sẽ tạo một ấn tượng sai lệch về vương quốc Champa và để lại tiền lệ cho các nhà nghiên cứu sau này, từ đó họ tiếp tục có những nhận định đó và sẽ tạo thành một thói quen cho những người không chuyên khi muốn tìm hiểu và nghiên cứu về vương quốc Champa. Đây là một điều rất nguy hiểm.
Người đầu tiên phê bình quan điểm của E. Aymonier là E. Durand. Vào năm 1905, trong một bài viết mang tựa đề Notes sur les Chams, ngay tại phần III mang tên La Chronique Royale, E.Durand khi phản đối quan điểm của E. Aymonier về biên niên sử hoàng gia Panduranga - Champa[2]. Đồng thời, ông cũng phê bình và phản đối quan điểm của E. Aymonier về việc sử dụng thuật ngữ “Nagar Cham” để chỉ “vương quốc Champa”. Bởi vì, E.Durand và sau đó là Po Dharma (1979)[3] cho rằng, biên niên sử Panduranga - Champa là biên niên sử ghi tên những vị vua có thật, chứ không phải là thần thoại, chỉ có điều, đó không phải là biên niên của vương quốc Champa, mà là biên niên của tiểu quốc Panduranga. Các thuật ngữ “Nagar Cham” là do người đương thời khi sử dụng chữ Chăm hiện đại (Akhar thrah) viết vào biên niên sử, người Chăm bấy giờ, xem vương quốc Champa và vương quốc Chăm (tức là vương quốc của người Chăm) là một và thuật ngữ “Patao Cham” (sử dụng trong biên niên sử) không phải để chỉ vua của vương quốc Champa mà để chỉ những ông vua của tiểu quốc Panduranga. Theo quan điểm này, các nhà nghiên cứu trên cho rằng vương quốc Champa cổ và tiểu quốc Panduranga là hai thực thể khác nhau, vương quốc Champa cổ không phải là vương quốc của riêng người Chăm vốn tập trung ở xứ Panduranga mà là vương quốc đa sắc tộc.
Năm 1910, trong tác phẩm Le Royaume Champa (tái bản 1928), G. Maspero cho rằng vương quốc Champa là đa chủng, nhưng lại xem dân tộc Chăm là dân tộc giữ quyền chính trị quan trọng hơn các dân tộc khác trong vương quốc và ông còn cho rằng tên tộc Chăm là bắt nguồn từ Champa mà ra[4].
L. Finot, nhà nghiên cứu đầu tiên lên tiếng phản đối quan điểm trên của G. Maspero vào năm 1928. Theo L.Finot, khi nghiên cứu các bia ký ở Đồng Dương, ông không thấy bia ký nào đề cập đến “dân tộc Chăm” hay “vương quốc Chăm” mà chỉ có “dân tộc Champa” (Urang Champa), “vua Champa” (Raja Champa) và “vương quốc Champa” (Nagara Champa). Như vậy, hoàn toàn không có căn cứ để cho rằng hai thuật ngữ “Chăm” và “Champa” là một. Champa là từ tiếng Phạn để chỉ vương quốc Champa, còn Chăm chỉ là từ địa phương để chỉ người Chăm ở khu vực Panduranga[5].
Những sai lầm trên của E.Aymonier và G.Maspero dù đã được các học giả như E. Durand, L.Finot phê bình…Nhưng những nhà nghiên cứu sau này, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trong nước, vẫn luôn vấp phải những sai lầm tương tự. Dorohiem và Dohamide, trong tác phẩm Dân tộc Chàm lược sử đã mắc phải những sai lầm đó. Trong cuốn sách này, Dorohiem và Dohamide đã nhập chung khái niệm “dân tộc Chàm” và “vương quốc Champa cổ”. Thay vào đó, hai tác giả lại đồng hóa các dân tộc ở Tây Nguyên - Trường Sơn với người Chăm: “Nhóm Chàm miền Đồng bằng và nhóm Chàm Cao Nguyên”[6]. Hai tác giả còn xem người Chăm là dân tộc xâm lược và thống trị các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên và Trung bộ: “ Nền văn minh Champa không tự hạn định phạm vị trong vương quốc Champa, mà còn vươn ra ngoài biên-cương, ảnh hưởng đối với một số Dân-tộc Cao-Nguyên Trung-phần”[7].
Gần đây nhất, Gs. Lương Ninh lại có quan điểm tương tự. Trong tác phẩm Lịch sử vương quốc Champa, Lương Ninh viết: “ Nếu coi đó [Champa] là nhà nước liên minh đa sắc tộc thì đã không phản ánh đúng thực tế lịch sử”[8]. Những quan điểm trên của Dorohiem và Dohamide, và sau đó là Lương Ninh đã gặp phải sự phản ứng từ nhiều học giả như Gs. P-B. Lafont, Pgs. Po Dharma, Ts. B. Gay[9], và gần đây là Dominique Nguyen, M.S. Bertrand[10].
Xuất phát từ những ngộ nhận của E. Aymonier và G. Maspero về danh xưng Champa và dân tộc Champa, các nhà khoa học sau này như Dohamide, Dorohiem, Lương Ninh tự suy đoán rằng vương quốc Champa là quốc gia của người Chăm. Những tác giả này xem người Chăm là chủ nhân của vương quốc Champa và kết tội người Chăm như là những kẻ xâm lược và đô hộ những dân tộc khác ở Tây Nguyên-Trường Sơn.
Dựa trên cơ sở tổng hợp các nguồn tư liệu và các nhận định của các nhà nghiên cứu như E. Durand, L. Finot, Po Dharma, P-B. Lafont B. Gay, Dominique Nguyen… chúng tôi đưa ra kết luận rằng Champa là vương quốc đa dân tộc, chứ không phải là vương quốc của riêng người Chăm. Các dân tộc của vương quốc Champa, dù là Chăm hay là người Tây Nguyên đều có quyền bình đẳng và vai trò quan trọng như nhau trong tổ chức chính trị của vương quốc này, chứ không có sự xâm lược hay bất bình đẳng giữa các tộc người như một số ý kiến đã nhận định.
Vũ điệu độc đáo người Chăm Pa
.
Nguồn tư liệu khảo cổ học và dân tộc học, ngôn ngữ học
Muốn bàn đến vấn đề đa dân tộc của vương quốc Champa, chúng ta cần chứng minh thế nào là vai trò của vương quốc Champa trên khu vực Tây Nguyên, tức là địa bàn cư trú của hai thành phần sắc dân thiểu số:
- Nhóm Môn-Khmer (austroasiatique) như Bana, Xơ-Đăng, Giẻ-triêng, Mnông, Mạ, Kaho
- Nhóm Mã Lai Đa đảo (austronesian) gồm các dân tộc Jarai, Ê-đê, Churu, Raglai, Hroi, v.v,
Trước hết, sự hiện diện của hàng loạt các công trình đền tháp của Champa như đền Yang Prong (gần Buôn Ma Thuột) và Yang Mum ở Cheo Reo do vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân) xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIII, cho thấy rằng, Tây Nguyên là một phần của lãnh thổ Champa. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện và bước đầu nghiên cứu về thánh địa Cát Tiên (Lâm Đồng) tức là phía Nam Tây Nguyên, dù có nhiều quan điểm khác nhau về chủ nhân của thánh địa này như là người Mạ (Trần Quốc Vượng), Phù Nam (Lê Đình Phụng), Thủy Chân Lạp (Ngô Văn Doanh)[11]. Nhưng, tác giả Sakaya đã đưa ra một số tư liệu thuyết phục để chúng tôi tin rằng chủ nhân của khu thánh địa này là vương quốc Champa[12]. Nếu thật vậy, cương vực của vương quốc Champa còn nối dài đến tận miền Nam Tây Nguyên và lan sang khu vực Đồng Nai Thượng, nơi vốn là địa bàn cứ trú của cộng đồng bản địa miền núi và cũng là chiến khu của vương quốc Champa chống lại cuộc xâm lăng của nhà Nguyễn mà Ts. Po Dharma đã trình bày trong tác phẩm “Vương quốc Champa và mối liên hệ với Việt Nam (1802-1835)[13].
Một minh chứng khác cho thấy mối liên hệ giữa các sắc dân Tây Nguyên chính là những kho tàng của vua, chúa Champa hoặc tiểu quốc Panduranga do các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên lưu giữ và bảo tồn như kho tàng tư liệu lịch sử Văn bản hoàng gia Champa được một người Pháp là P. Villaume tìm thấy vào năm 1902 tại làng Lavang của người Kaho Lâm Đồng và sau đó được E. M Durand giới thiệu vào năm 1907 trên tập san của Viện viễn Đông Bác cổ (BEFEO)[14]. Tư liệu này trở thành một đề tài nghiên cứu qua chương trình hợp tác quốc tế giữa Viện Viện Đông Pháp, Đại Học Malaya (Mã Lai) vả Đại Học Sun Yat Sen (Trung Quốc), đặt dưới sự điều hành của Ts. Po Dharma.
Về các tài liệu dân tộc học, trong quá trình điền dã ở các vùng đồng bào Tây Nguyên, thông qua các câu truyện dân gian, các truyền thuyết được các người già kể lại, các nhà dân tộc học đã tìm ra nhiều chi tiết thu vị để chứng minh mối liên hệ giữa Tây Nguyên và Champa, trong đó có mối quan hệ buôn bán, trao đổi học hỏi, kết hôn giữa các cộng đồng tộc người, cũng như quá trình đoàn kết chống giặc ngoại xâm...
Một gia đình người dân tộc ở GiaRay.
.
Người Chăm (thuật ngữ mà các sắc dân Tây Nguyên chỉ chung cho những cư dân miền đồng bằng và ven biển Champa xưa kia) đã sớm xuất hiện trong những truyền thuyết, sử thi của cộng động các dân tộc thiểu số ở đây. Đa phần trong các câu truyện đó, người Chăm được nhắc đến nhiều nhất và được xem như là anh em với họ, những câu truyện kể cho ta thấy về việc họ được người Chăm dạy cho cách làm nông, chăn nuôi và thủ công, thay vào đó các cư dân Tây Nguyên cung cấp và trao đổi các sản phẩm rừng như Ngà voi, sừng tê cho họ… Cụ thể, truyền thuyết về Du Droe, hai người con gái Tây Nguyên có chồng được người Chăm cử làm người đứng đầu vùng đất của họ và trở thành những nhân vật quan trọng, giàu có và sung sướng; truyền thuyết về Tu dam Tong được người Chăm ban cho nhiều ân huệ. Về sau, những cuộc hôn nhân giữa người Chàm và người Tây Nguyên thắt chặt các mối quan hệ giữa họ với nhau. Chúng ta đã nói rằng cuộc hôn nhân đầu tiên giữa Chöi Köho và Nai Tölui có phần không hay; nhưng việc đó được nhanh chóng chấp nhận. Câu chuyện rất đẹp về Gliu Glah mô tả mối tình giữa một thủ lĩnh Chàm và một cô gái Tây Nguyên…[15].
Ngoài ra, hiện nay tại địa phận Lâm Đồng còn có nhiều chi tiết về sự liên kết của quân đội Champa và các sắc dân bản địa để chống lại sự xâm lược của Khmer trong thế kỷ XII-XIII như mộ lính Khmer ở làng Kran Gok (Lâm Đồng) mà cư dân địa phương gọi là “Kút Kur”. Hay ngay trong sử thi Udaj – Ujac của người Raglai còn ghi nhận nhiều chi tiết về cuộc kháng chiến của người Chăm, Raglai, Kaho, Churu…chống lại người Khmer mà họ gọi là “Kur”, ngoài ra trong các truyền thuyết của các dân tộc khác ở Tây Nguyên cũng có những chủ đề tương tự…[16]. Một câu truyện khác cũng thể hiện sử gắn bó của người các dân tộc Tây Nguyên với người Chăm, trong các trận chiến chống ngoại xâm, liên quan đến một vị tên “Sankah” (hoặc là tên biệt hiệu) của một vị vua hoặc tướng Champa trong một trận chiến với người Việt. Câu truyện như sau: “…Sankah, thủ lĩnh Chàm, đi đánh những kẻ xâm lược; nhưng ông phải gọi người Tây Nguyên giúp, vì các đội quân Chàm của ông không đủ. Ông mời họ làm phụ tá trong quân đội của ông; ông mời những người Cau Srê, người Mạ, người Noang, người Raglay, tất cả các làng…”[17].
Đứng trên phương diện ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu đã chứng mình rằng chưa bao giờ xuất hiện các thuật ngữ “Chăm” trên bất kỳ nguồn nào tư liệu nào viết trên bia đá. Ngược lại, trên bia ký chỉ xuất hiện các thuật ngữ “Nagara Champa” để chỉ vương quốc Champa, “Urang Champa” để chỉ người Champa, hay “Raja Champa” để chỉ vua Champ. Các thương thuyền phương Tây cũng chỉ sử dụng các thuật ngữ như “Campa”, “Champa”, hay “Tchampa” để chỉ vương quốc Champa, và sử dụng “Champois” và “Champien” để chỉ thần dân vương quốc này chứ không bao giờ sử dụng từ “Chăm”[18]. Ngoài ra, các tài liệu tiếng Hán viết về Champa cũng chỉ sử dụng các thuật ngữ “Chiêm Thành Quốc”, “Chiêm Thành Vương” và “Chiêm Thành Minh” (dân Champa) chứ chưa hề sử dụng thuật ngữ “Chăm” hay “người Chăm”[19]…. Như vậy, không có lý do gì để đánh đồng thuật ngữ “Champa” và “Chăm”. Champa là thuật ngữ để chỉ chung cho vương quốc ở miền Trung Việt Nam, gồm nhiều dân tộc, còn “Chăm” chỉ là tên để gọi một dân tộc tập trung ở khu vực Phan Rang, Phan Rí…
Nguồn tư liệu lịch sử (thông qua các sử liệu như bia ký, thư tịch cổ, tài liệu ghi chép…).
Lịch sử vương quốc Champa cung cấp nhiều tư liệu cho thấy vương quốc này đã hiện diện ở khu vực Tây Nguyên từ rất sớm, nó càng thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa người Chăm và các dân tộc khác ở khu vực Tây Nguyên, sự gắn bó này cho phép chúng ta khẳng định người Chăm hay các dân tộc khác ở miền Trung và Tây Nguyên xưa kia đều là những thành phần không thể tách rời của vương quốc Champa.
Trước hết, ngay từ giai đoạn đầu ra đời của vương quốc Champa, trong giai đoạn chuyển tiếp từ Lâm Ấp sang Hoàn vương và Champa, các thư tịch cổ của Trung Hoa đã xuất hiện những ghi chép cho thấy mối quan hệ buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người miền núi (Tây Nguyên và Trường Sơn) với cư dân Champa đồng bằng. Theo những nguồn tư liệu này, trong danh sách các sản phẩm cống nạp cho triều đình Trung Quốc của Champa, ngoài các sản phẩm từ biển, còn có nhiều thứ quý hiến và là đặc trưng của rừng như voi, sừng tê và một số loại gỗ quý…Cụ thể, sử liệu ghi nhận vào năm 340, Champa lần đầu tiên cống voi cho Thiên triều, rồi rãi rác sau đó cũng vậy, đến năm 630, Champa lại dâng cho Trung Hoa đá quý, voi thuần dưỡng…, năm 642 là 11 sừng tê giác, rồi các năm 711, 731, 749…đến tận năm 992, họ dâng đến 300 ngà voi, 2000 cân hương liệu và 100 cân gỗ đàn hương, năm 1018, dâng 72 ngà voi, 86 sừng tê, 100 cân kỳ nam và 200 cân hương liệu…[20]. Những sản phẩm này chắc chắn không thể tìm thấy nhiều ở vùng đồng bằng, mà phải lấy từ Tây Nguyên, hầu như là hầu hết Tây Nguyên mới có thể cung cấp một số lượng lớn như thế này.
Tiếp đến, theo các bia ký Phạn ngữ được tìm thấy, thì từ khoảng thế kỷ thứ V, vương quốc Champa đã mở rộng biên giới của mình đến tận khu vực Champasak (Nam Lào) và bao gồm cả khu vực Tây Nguyên. Một bia ký Phật giáo khác có niên đại khoảng 914, được tìm thấy ở Kon Klor (Komtum) cũng xác nhận lãnh thổ Champa bao gồm vùng cao nguyên Komtum[21]. Một loạt các bia ký khác, nhiều nhất là ở Mỹ Sơn đã được nhiều học giả nghiên cứu, phiên dịch đã cho thấy sự hiện diện của thuật ngữ Kiratas (các dân tộc miền cao) để chỉ chung cho các tộc người Tây Nguyên hay các thuật ngữ Vrla, Radaiy (Rade), Mada (Bana)...để chỉ một số tộc người ở Tây Nguyên và ghi nhận vai trò của họ trong suốt tiến trình lịch sử của vương quốc này.
Theo đó, một bia ký ghi nhận sự kiện diễn ra vào giữa thế kỷ thứ XII, mà trong đó có sử dụng các thuật ngữ Kiratas, Vrla, Radaiy, Mada...cho thấy sự hiện diện và vai trò quan trọng của các dân tộc Tây Nguyên trong lịch sử vương quốc Champa. Xuất phát từ một cuộc tranh giành quyền lực giữa hai thế lực ở Champa, mà có sự can thiệp của vương quốc Khmer thời bấy giờ. Cụ thể, vào năm 1149, vương quốc Khmer, dưới thời Suyrayavarman II, đã thiết lập một chính quyền phụ thuộc của mình ở Bắc Champa, do Harideva (em rể quốc vương Khmer). Không chấp nhận điều này, quốc vương của tiểu quốc Panduranga – Champa, ở phía Nam, Jaya Harivarman I đã tiến đánh Vijaya, thắng lợi và thống nhất vương quốc Champa. Sau chiến thắng này, quốc vương Panduranga, thay vì phải rút về Panduranga để lại ngai vàng cho Vangsaraja (em rể ông), thì lại tuyên bố lên ngôi và thống trị cả vương quốc Champa. Không chấp nhận sự việc trên, hoàng tử Vangsaraja đã đứng lên lãnh đạo cư dân ở Vijaya, Amaravati chống lại quốc vương Jaya Harivarman I. Trong đó, có một nhóm quân Kiratas tham gia vào hàng ngũ của Vangsaraja, năm 1151, vua Jaya Harivarman I đã tấn công đoàn quân này và dẫn đến sự thất bại của hoàng tử Vangsaraja, khiến ông phải lưu vong sang Đại Việt[22].
Sự hiện diện của các dân tộc Bắc Tây Nguyên, mà đương thời là thần dân của vương quốc Vijaya - Champa, trong đoàn quân chống lại Jaya Harivarman I của hoàng tử Vangsaraja đã cho thấy họ là một thành phần quan trọng của vương quốc Champa. Đây không phải là một cuộc vùng dậy để chống lại sư thống trị của Champa, như một số nhà nghiên cứu thường hiểu nhầm, mà là vì họ không chấp nhận sự thống trị của một quốc vương cướp ngôi, vốn là quốc vương của Panduranga, trong khi ủng hộ người đáng ra phải thừa kế ngai vàng, hoàng tử Vangsaraja. Đương thời, không chỉ có người Kiratas, mà còn có đông đảo nhân dân ở khắp Vijaya, Amaravati...chống lại hành động cướp ngôi của Jaya Sinharvarman I, ủng hộ hoàng tử Vagsaraja. Do đó, Kiratas là những người tham gia vào đoàn quân nổi dậy với tư cách là một thần dân của vương quốc Vijaya - Champa, để chống lại một ông vua, mà theo họ là không chính danh, chứ không phải để chống lại Champa nói chung.
Cũng theo các bia ký ở Champa, nhật ký du hành của Marco Polo trong thế kỷ thứ XIII hay trong Nguyên sử (sử liệu của Trung Hoa), liên quan đến cuộc xâm lược Champa của Mông Cổ vào những năm 1282 – 1284, họ cũng xác nhận rằng: lãnh thổ Champa thời đó còn kéo dài đến cả khu vực cao nguyên Komtum và Pleiku[23]. Cũng theo những tài liệu này, khi tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược của Mông Cổ, vua Champa Indravarman I và hoàng tử Rarijit đã quyết định rút khỏi đồng bằng và chọn khu vực Tây Nguyên làm hậu cứ kháng chiến lâu dài[24]. Bản thân, các cư dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên cũng sát cánh bên cạnh triều đình Champa và tham gia vào đoàn quân kháng chiến chống lại Mông Cổ của vương quốc Champa. Việc chọn Tây Nguyên là hậu cứ kháng chiến chống Mông Cổ của triều đình Champa là một xác nhận rằng Tây Nguyên thuộc lãnh thổ Champa. Sự hiện diện của các dân tộc Tây Nguyên trong đoàn quân kháng chiến cũng minh chứng rằng họ là thần dân của vương quốc Champa và có trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc Champa.
Những cứ liệu trên cung cấp đầy đủ chi tiết để chứng minh Tây Nguyên là một phần lãnh thổ của vương quốc Champa, các dân tộc Tây Nguyên là thần dân của vương quốc Champa. Nhưng, những chi tiết trên chưa đủ để cho thấy vai trò của họ trong vai trò cấu thành vương quốc Champa, từ đó dẫn đến những ngộ nhận của các nhà nghiên cứu về vai trò của các dân tộc Tây Nguyên trong vương quốc, trong khi họ lại cho rằng người Chăm là dân tộc có vai trò quan trọng như là chủ nhân chính của vương quốc này. Nguy hại hơn, còn có người cho rằng người Chăm là thế lực thống trị và đô hộ các dân tộc ở Tây Nguyên, như những truyền thuyết của các dân tộc Môn – Khmer (Bana, Mạ, Kơho, sedang…) vẫn thường kể lại. Ngay cả nhiều người Chăm, đến cuối thế kỷ trước, vẫn hẳn tưởng rằng họ là chủ nhân chính yếu của vương quốc Champa và xem từ “Chăm” trong tên dân tộc mình như là một biến âm của “Champa” mà ra…Và đến lược mình, các nhà nghiên cứu người Pháp như E. Aymonier, G. Maspero…cũng có những cảm tưởng như vậy.
Những ngộ nhận trên đã phản ánh không đúng thực tế lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu sau này, như E. Durand, L. Finot, Po Dharma, Dominique Nguyen…đã dẫn ra nhiều chỉ dẫn quan trọng cho thấy một hướng người lại. Vì rằng không chỉ có người Chăm mà các dân tộc khác cũng giữ vai trò rất quan trọng trong vương quốc Champa, thậm chí họ còn làm vua của vương quốc, ví dụ vua Po Rome vốn là một người gốc Churu (Ngài sinh ra ở làng Byuh, Đồng Nai) lên làm vua Champa từ năm 1627 – 1651. Vợ Ngài, hoàng hậu Bia Than Can cũng là một người gốc Ê Đê, và Po Saot (nhận tấn phong năm 1655 nhưng đến năm 1660 mới chính thức lên ngôi) là cháu nội của vua Po Rome và bà vợ Êđê của Ngài, không những thế dòng họ của vua Po Rome còn trị vì lâu dài ở vương quốc này.
Vào năm 1834, trong cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa, nhà lãnh đạo này tiến hành xây dựng các mật khu kháng chiến của mình ở trong vùng của các sắc thiểu số ở miền cao và Tây Nguyên, đã chọn một người Raglai là Po War Palei lên làm vua xứ Panduranga, nhận phong hiệu Po Patrai và một người Churu lên làm hoàng tử kế vị tức Yang Aia Harei, nhờ đó đã tập hợp được đông đảo cư dân các dân tộc miền cao Tây Nguyên tham gia vào phong trào[25]. Hàng loạt các tư liệu hoàng gia Panduranga (1702 – 1810) còn cho biết là có nhiều người Raglai, Churu giữ một số các quyền hành quan trọng trong triều đình…[26]
Kết luận
Thông qua cách tiếp cận liên ngành và tổng hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau từ các tác giả đi trước, chúng tôi, một lần nữa muốn xác định thật tường tận, đem lại nhiều minh chứng, ngõ hầu làm rõ thêm về bản thể của vương quốc Champa trong lịch sử. Để từ đây, chúng ta có thể khẳng định một cách tiên quyết rằng: vương quốc Champa là một thực thể được cấu thành từ nhiều sắc dân, trong đó có các cộng đồng cư dân vùng Tây Nguyên và cao nguyên Trường Sơn. Rằng, Champa không phải là một quốc gia của riêng người Chăm. Chính các dân tộc này cũng thường hiểu nhầm như vậy, tiếc thay, những nhầm lẫn đó lại được một số các học giả, khi nghiên cứu về vương quốc Champa, tiếp thu và từ đó trình bày trong những công trình nghiên cứu của mình (như đã nêu ở phần đặt vấn đề).
Và rằng, trong quá trình này, người Champa không phải là nhưng kẻ đi xâm lược khu vực Tây Nguyên và thống trị các sắc dân Tây Nguyên như các thế lực ngoại bang. Bởi vì, trong thực tế, trong một số thời khắc lịch sử, những sắc dân Tây Nguyên đã giữ một phần rất quan trọng trong công việc chung của vương quốc này như tham gia vào công cuộc kháng chiến chống ngoại bang, lưu giữ kho tàng của vua chúa Champa. Thậm chí các sắc dân này, còn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu quyền lực của tiểu quốc Panduranga – Champa như làm đại thần, hoàng hậu, hay cao nhất là vua như Po Rome hay sau này là Po War Palei...
Bài viết của chúng tôi dựa trên nhiều nguồn tư liệu đã có trước đó. Vấn đề mà chúng tôi tiếp cận đã được nhiều nhà nghiên cứu như E. Durand, Po Dharma, B. Gay, Dominique Nguyen…trình bày và do đó, nó không thể tránh khỏi trùng lập. Thay vào đó, chúng tôi đã tìm thêm một số cứ liệu phong phú hơn về lịch sử, cũng như bổ sung thêm những cứ liệu mới về dân tộc học, khảo cổ, nhân chủng…để xem như đó là nỗ lực góp thêm những tư liệu cùng với các nhà nghiên cứu đi trước, làm rõ thêm về chủ đề này. Từ bài viết này, chúng tôi chỉ là người tổng hợp lại các tài liệu đã có, hệ thống hóa theo hướng tiếp cận liên ngành, hầu làm sáng tỏ thêm về bản thể của vương quốc Champa – một vương quốc đa sắc tộc. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều bài viết chuyên sâu hơn, đa dạng hơn, khoa học hơn liên quan đến chủ đề này.
Chú thích:
[1] E. Aymonier: Légendes historiques des chams. Excursions et Reconnaissances, XIV (32), 1890, trang 145-206. Dẫn theo Po Dharma: Vương quốc Champa: lịch sử 33 năm cuối cùng (1802 – 1835), Champaka 12, IOC, 2013, tr10 - 11.
[2] E. Durand: Notes sur le Chams : III la Chronique Royale , BEFEO V, 1905, tr 368 – 386.
[3] Po Dharma: Chroniques du Panduranga. Paris, thèse de l'EPHE IVe section,1979. Dẫn theo Po Dharma: Vương quốc Champa: lịch sử 33 năm cuối cùng (1802 – 1835), Champaka 12, IOC, 2013, tr 11.
[4] G. Maspero: Le Royaume Champa, Paris (Van Oest) 1928. Dẫn theo Dominique Nguyen: Từ vựng Hroi – Việt, Champaka 3 , IOC, 2003, tr 13.
[5] L. Finot : Compte –Rendu de G. Maspero : Le Royaume de Champa, BEFEO XXVIII, 1928, tr 285-292
[6] Dohamide – Dorohiem: Dân tộc Chàm lược sử, Saigon, 1965, tr17.
[7] Như trên, tr115.
[8] Lương Ninh: Lịch sử vương quốc Champa, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr155.
[9] Xem thêm : Dominique Nguyen: Từ vựng Hroi – Việt, Champaka 3 , IOC, 2003; B., Gay, Vue nouvelle sur la composition ethnique du Campa, trong Actes du Saùminaire sur le Campa organiseù) l'Universitùe de Copenhague le 23 mai 1987, CHCPI, Paris, 1988, tr49-58.
[10] M.S.Bertrand: Lương Ninh: lịch sử vương quốc Champa, Champaka 9, IOC 2008, tr 137-156.
[11] Nhiều tác giả: Kỷ yếu hội thảo khoa học di tích khảo cổ học Cát Tiên, Sở VH – TT Lâm Đồng, 2001.
[12] Sakaya: Góp thêm tư liệu Champa về thánh địa Cát Tiên – Lâm Đồng, trong Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, tr564-587.
[13] Po Dharma Le Panduranga (Campa). Ses rapports avec le Vietnam (1802-1835), Publication de l'EFEO, 1987 (2 volumes, 198 + 273 p.)
[14] E.Durand: Les archives des derniers rois chams, BEFEO VII, 1907, tr353-355.
[15] Jacques Dournes: Miền đất huyền ảo (các dân tộc miền núi Nam Đông Dương, Nguyên Ngọc dịch, bản điện tử Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2003, tr13-15.
[16] Sakaya: Góp thêm tư liệu Champa về thánh địa Cát Tiên – Lâm Đồng, trong Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, tr564-587.
[17] Jacques Dournes: Jacques Dournes: Miền đất huyền ảo (các dân tộc miền núi Nam Đông Dương, Nguyên Ngọc dịch, bản điện tử Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2003, tr15 -16.
[18] L. Finot : sđd, tr285-292.
[19]Dominique Nguyen: sđd, tr11-12.
[20] Henri Maitre: Rừng người Thượng, Lưu Đình Tuân dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính, Nxb Tri thức, 2008, tr 180 - 182. Nguyên bản tiếng Pháp Les Jungles Moi, Emile Larose, Paris, 1912, tr 434 -436.
[21] P-B Lafont: Vương quốc Champa: địa dư, dân cư, lịch sử, Champaka 11, IOC, 2012, tr27-28.
[22] G. Maspero, sđd, tr159.
[23] P-B Lafont, sđd, tr28.
[24] G.Maspero: sđd, tr175-176.
[25] Po Dharma: Vương quốc Champa: lịch sử 33 năm cuối cùng (1802 – 1835), Champaka 12, IOC, 2013, tr147-148.
[26]M.S.Bertrand: Lương Ninh: lịch sử vương quốc Champa, Champaka 9, IOC 2008, tr 137-156
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015