Quốc Hoa và Giá trị cốt lõi của Quốc Gia

09:24 SA @ Thứ Tư - 26 Tháng Giêng, 2011

Định nghĩa Quốc Hoa: là Loài Hoa mang ý nghĩa biểu tượng về Giá trị cốt lõi của một Quốc Gia. Ý nghĩa đó vừa hòa quyện những ngụ ý gửi gắm của Nhân dân về đặc điểm văn hóa phổ biến nhất của Đất Nước từ Quá khứ tới Tương lai, nhưng vốn đã từng ngự trị trong Tâm thức của mọi người về giá trị điển hình của Hoa đó để khi nói đến là liên tưởng mặc định ý niệm về Gen của Quốc Gia

Trước hết nên định nghĩa được Giá trị cốt lõi của Quốc Gia Việt đã. Tôi trích bài thơ dưới đây ( trong sách giáo khoa lớp Bốn ) như là Giá trị cốt lõi đó vậy! ( Giá trị cốt lõi thường biểu tượng hóa được dưới dạng Logo, đặc biệt nếu dùng Một Loài Sinh vật của Thiên Nhiên mà gán thành biểu tượng đó được thì thật Tuyệt- Như bài tôi từng viết mỗi Dân Tộc / Quốc Gia dường như có tính tương đồng với một Loài Sinh Vật nhất định nào đấy : nên gọi là Gen Quốc Gia là thế ). Lấy cây Tre biểu tượng cho Giá trị cốt lõi của Nước Việt – đúng quá !

Biểu tượng nào cũng logo hóa được nhưng chưa chắc gán được vào một loài hoa
Ngoài sự hay ho như trong bài thơ, thì…. Cây Tre gắn liền với Văn hóa Làng Xã. Tre mọc, sinh sôi thành từng khóm nhưng biệt lập. Khó tìm thấy được sự hòa sinh của khóm Tre ấy với các loài sinh vật khác trên cái mảnh đất trồng nó. Cây măng Tre khi ương nhỏ thì được bẹ Tre mẹ ôm ấp, lớn dần thì cong. Sản vật của Tre cũng đơn giản như chiếc mành, đôi đũa, cái tăm….

Từ khởi nguồn suy tư trên, tôi tiếp về Tìm Biểu Tượng Quốc Hoa

Tiền đề để lựa chọn biểu tượng Hoa :

  • Đại diện cho thứ Văn hóa hướng được tới văn minh và giúp tinh thần con người hướng Thượng, chứ không phải là thứ văn hóa thuần túy là phong tục tập quán
  • Cái hay cái đẹp luôn có giá trị bởi chính nó, đồng thời người khác thừa nhận được rằng giá trị đó là đích xác, đáng ngợi ca, loài khác không thể phủ định được nó
  • Biểu tượng Hoa là hội tụ của Ba thuộc Tính ( Thẩm mỹ , Nhân văn,Thiên nhiên ) thấm trải Quốc Sử, Quốc Hồn, Quốc Túy như Hoa đó vẫn từng có từ xưa và sau này

Tiêu chí ( cần dựa vào Ba Tiền đề trên ) :

  • Là loài Hoa hội đủ : Hương + Sắc + Sảnđể chứa đựng được đầy đủ các ý nghĩa, nếu không hoặc sẽ rất phù phiếm hay dung tục ( tiêu chí này thì Hoa Sen dường như được )
  • Loài Hoa mà không có biến thể nhiều hình dạng màu sắc ( Ví như Hoa Lan hay Xương Rồng ) vì cần là chính nó để ổn định xác cố được những nội hàm thuần phác của biểu tượng
  • Bông Hoa mà bản thân một Đơn nguyên của Hoa đómà tính thẩm mỹ đứng riêng được, hòa chung được ( tiêu chí này thì Hoa Lúa chưa đạt yêu cầu )
  • Tính phổ biến của Hoa đó trong Không gian, Thời gian, Nhân gian Việt ( tiêu chí này thì thậm chí Hoa Pơ Lang – là Hoa Gạo có vẻ được hơn Hoa Mai )
  • Liên tưởng được đến Giá trị cốt lõi Việt trong Tam Nguyên: Lao động / Phát triển / Hội nhập ( tiêu chí này khó đấy, có vẻ quay trở về Hoa Lúa thấy có lý hơn )

Quay trở lại ý trên của bài viết này : vì Giá trị cốt lõi có ý nghĩa Gen của Nước Việt trong Ba Tam Nguyên đó chính là Cây Tre – nhưng Tre lại không có Hoa! Ôh, dường như chúng ta thấy có vấn đề nảy sinh rồi: Giá trị cốt lõi của cả một Quốc Gia ( như Cây Tre ) mà không có Hoa – Nên rất khó hình dung mà phải cẩn trọng để định dạng cho được ! Kẻ nào muốn vội tìm Quốc Hoa miễn sao cho đúng thời hạn thì thật quá hồ đồ ! )

Hoa sen đang được đề cử cho Quốc Hoa của Quốc gia

Tham khảo một số bài về cây tre Việt Nam

Tre Việt Nam
(Nguyễn Duy)

Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa…đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu?

Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.

Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc, có gì lạ đâu
Mai sau
Mai sau
Mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh

Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín...

Có một chốn bình yên để chúng ta tìm về khi tóc đã ngả hai màu sương khói, khi bên kia bia đá thời gian đã gõ nhịp không đều. Đó là quê hương với lũy tre làng từng vươn những cánh tay dài vẫy chào người ra đi và đón chào người trở lại. Đằng sau đó có bao nhiêu nước mắt những mẹ già tiễn con ra trận. Có ánh mắt người vợ trẻ đăm đắm đợi bình minh khi biết chồng mình đã hy sinh vì Tổ quốc. Và trên những ngã đường quê, người dân vẫn thảnh thơi đi cày bừa-cấy-gặt. Những vụ mùa bội thu được tính bằng mồ hôi, nước mắt, trong những bát cơm gạo tám thơm lừng có cả giá rét mùa đông hối thức. Chuyện với làng quê vừa thân thương vừa gần gũi. Ai xa quê mà chẳng nhớ rằng quê hương là nơi bình yên và lắng đọng tìm về.

Cây Tre mới thực sự mang giá trị cốt lõi và đặc trưng cho tinh thần người Việt,
dân tộc Việt Nam?

Cây tre
(
Thép mới)

Cây tre là người bạn thân của nông thôn Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam.

Nước Việt Nam xanh muôn vàn cây lá khác nhau
Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là cây tre nứa
Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi… đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn
Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non mọc thẳng

Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt
Dáng tre vươn mộc mạc, mầu tre tươi nhũn nhặn
Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc
Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người

Nhà thơ có lần ca ngợi: Bóng tre trùm mát rượi
Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn
Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái chùa cổ kính
Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời
Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang

Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp
Tre, nứa, mai, vầu giúp người trăm công nghìn việc khác nhau
Tre là cánh tay của người nông dân
Cánh đồng ta năm đôi ba vụ Tre với người vất vả quanh năm
Tre với người như thế đã mấy nghìn năm
Một thế kỷ “văn minh” “khai hóa” của thực dân cũng không làm được một tấc sắt

Tre vẫn còn phải vất vả mãi với người
Cối xay tre, nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc

Trong mỗi gia đình Việt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày
Dang chẻ lạt, buộc mềm, khít chặt như những mối tình quê cái thuở ban đầu thường nỉ non dưới bóng tre, bóng nứa:
Lạt này gói bánh chưng xanh Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng…

Tre còn là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ
Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền đánh chắt bằng tre
Tuổi già hút thuốc làm vui
Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái
Nhớ lại vụ mùa trước, nghĩ đến những mùa sau, hay nghĩ đến một ngày mai sẽ khác…

Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy
Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất
Người xưa có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”
Tre là thẳng thắn, bất khuất!

Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta
Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc
Buổi đầu, không một tấc sắt trong tay, tre là tất cả, tre là vũ khí
Muôn ngàn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng lên Thành đồng Tổ quốc!

Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre
Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù
Tre xung phong vào xe tăng, đại bác
Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín

Tre hy sinh để bảo vệ con người
Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu
Tám, chín năm trường kỳ kháng chiến giải phóng, ta đã trải những ngày cơm thiếu gạo khan
Có anh bộ đội nào quên được vị măng đắng, măng nứa
Trong rừng sâu, còn đốt nứa lấy than ăn muối
Tre nứa thương anh bộ đội, tre nứa lại nuôi anh

Tre yêu anh bộ đội, vì anh bộ đội chính là người nông dân mặc áo lính
Khói lửa xông pha, tình ta càng thêm keo sơn gắn bó

Ngày xưa, về đời vua Hùng Vương, có người anh hùng cứu nước làng Gióng
Người anh hùng làng Gióng đuổi giặc Ân, nhổ tung bụi tre, vung lên thay gậy sắt
Tre của người anh hùng đời xưa đã dẹp tan quân giặc nước
Tre thời nay lại có những anh hùng của thời nay

Tre anh hùng của một dân tộc anh hùng
Tre đi vào cuộc trường chinh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Tre phá đồn giặc, tre đi xung kích
Những đòn tre, những thang tre, những liếp nứa đã bắc qua cầu, đã mở đường cho anh bộ đội tiến lên… nước Việt Nam tiến lên

Không một trở lực nào ngăn được bước chân anh bộ đội, vì anh bộ đội có nhân dân
Những người dân công, những người cha, những người mẹ, những người chị, những người vợ, những người thân yêu nhất của anh bộ đội, đi dân công phục vụ tiền tuyến
Đường xa, gánh nặng, bước chân đi thoăn thoắt
Dốc núi, đèo cao, đòn gánh kĩu kịt…
Bộ đội qua sông, thì có ngay bè nứa vạn chài và những thuyền nan tre, sẵn sàng phục vụ chuyển quân
Từ thuở ấy mới có câu: Bộ đội với dân như cá với nước…
Có ai quên được những chuyến đò ngang qua vị trí quân thù…

Tình quân dân còn sâu nặng hơn tình cá với nước
Điệu “hò kéo pháo” vang lên là giai đoạn mới của cuộc trường chinh bắt đầu

Trong ta không phải chỉ có tre nứa:
Ta đã cướp được súng của giặc bắn vào đầu giặc
Những khẩu đại bác, chiến lợi phẩm Biên giới, Nghĩa Lộ, Hòa Bình, đi lên mặt trận Điện Biên Phủ
Tre nứa lại bạn cùng sắt, thép
Chạc nứa, đòn tre cõng pháo đi lên.
Tre đã dự trận Điện Biên Phủ
Chiến thắng đi lên!

Và đây là những bước chân đi vang tiếng nhạc của cuộc hành quân chiến thắng, với quang vinh trên những lá cờ còn in khói lửa và dấu bụi trường chinh
Giờ đây ta không phải chỉ có tre, có nứa
Những người anh hùng của thời nay đã đến lúc có sắt, có thép trong tay
Tre với anh bộ đội
Tre hòa tiếng hát khải hoàn

Giữa đoàn quân nhạc, rộn vang lên mười cây sáo trúc
Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc của đồng quê
Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê
Diều bay, diều lá tre bay lưng trời… Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời… Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều
Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre…

“Tre già măng mọc”
Măng mọc trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi Việt Nam
Lứa măng non của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi-măng cốt sắt

Nhưng, nứa, tre còn mãi mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc hòa bình

Ngay mai, trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa
Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát
Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình
Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi
Những chiếc đu tre vẫn dướn bay bổng
Tiếng sáo diều tre cao vút mãi…

Cây tre Việt Nam!
Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm
Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.


Cây tre trong tâm thức người Việt

Cây tre (với nhiều loại khác nhau: Trúc, mai, vầu, nứa...) có ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng có lẻ khu vực Đông Nam Á nhiệt đới gió mùa mới chính là quê hương, xứ xở của tre và các sản phẩm văn hóa từ tre. Được biết, từ chỉ tre trong tiếng Anh, Pháp (bamboo) có gốc từ mamboo trong tiếng Malay. Nhà địa lý học người Pháp Errington dela Croix cho rằng, ở khu vực này, trước các thời kì Đồ Đá (cách đây hơn 1 triệu năm) đã có một "Thời đồ tre". Nhà ngôn ngữ học người Mỹ P. K. Benedict nhận thấy, trong các ngôn ngữ ở Đông Nam Á, các từ chỉ cây tre, lúa, mía, cơm là các từ họ hàng. Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng của tre trong nền văn minh cây cỏ ở khu vực này.

Tại Việt Nam, có nhiều tộc người sống gần gũi cùng cây tre, bảo lưu nhiều giá trị văn hóa từ cây tre. Tuy nhiên, trong văn hóa của người Việt (tộc đa số của Việt Nam), cây tre chiếm một vị trí sâu sắc và lâu bền hơn tất cả.

Đặc biệt, trong tâm thức Việt Nam, cây tre được coi là một biểu tượng của người Việt, đất Việt. Không ngẫu nhiên, sự tích của loại tre thân vàng đã được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng, một trong bốn vị thánh bất tử của họ.

Truyền thuyết kể rằng: Vào thời vua Hùng thứ 6, ở làng Gióng (Phù Đổng) có một người đàn bà vì ướm chân vào một vệt chân lớn trên đường làng, về nhà mang bầu, đẻ ra một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Nhưng đứa trẻ 3 tuổi vẫn không biết đi, biết nói, biết cười, chỉ nằm trong nôi.

Thủa đó, đất nước bị giặc dữ xâm lược. Nhà vua sai sứ giả đi khắp các làng quê tìm người tài ra đánh giặc cứu nước. Khi nghe tiếng loa sứ giả, đột nhiên, chú bé cất tiếng nói với mẹ mời sứ giả vào. Khi sứ đến, chú bé nhổm dậy nói chú cần áo giáp sắt, roi sắt, ngựa sắt để đuổi giặc. Khi nhà vua cho mang các thứ yêu cầu đến, chú bé vươn vai lớn hóa thành một người khổng lồ mặc giáp sắt, cầm roi sắt, lên ngựa sắt lao ra trận. Trước kẻ thù, ngựa sắt phun lửa, chàng vung roi sắt đánh giặc. Roi sắt gãy, chàng nhổ các cây tre bên đường làm vũ khí giặc tan chàng lên núi, cởi áo, cởi ngựa sắt về trời. Và các bụi tre thân xanh bị lửa đốt xém vàng ngày ấy là tổ tiên của loại tre thân vàng mọc ở nhiều vùng Bắc Bộ Việt Nam...

Các nhà nghiên cứu cho rằng: Thánh Gióng chính là hóa thân của Thần Thợ Rèn - Thần Trống - Thần Chiến Tranh của người Việt cổ. Mặc khác, Thánh Gióng cùng với vũ khí cây tre là biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ, đột biến của nước Việt Nam đối với những kẻ thù xâm lược lớn, mạnh, phát triển hơn mình gấp bội. Rất có thể, hình tượng vươn vai lớn dậy hóa thành người khổng lồ của cậu bé Thánh Gióng có liên quan đến khả năng sinh trưởng rất nhanh của cây tre (theo các nhà thực vật học, trong điều kiện lý tưởng, cây tre có thể cao thêm 15 - 20cm mỗi ngày).

Cùng với mái đình, cây đa, bến nước, một hình ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền (nhất là ở miền Bắc) là lũy tre xanh quanh làng. Với các lũy tre xanh ấy, trong nhiều thời kì lịch sử, làng Việt đã trở thành những "pháo đài xanh" chống xâm lược, chống thiên tai, chống đồng hóa. Lũy tre đã trở thành chiến lũy và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công và hầm trú ẩn cho các cuộc chiến tranh nhân dân và du kích lâu dài cũng như cho công cuộc trị thuỷ của người Việt.

Đã nhiều năm, trong nhà trường, nhiều thế hệ người Việt được học các tác phẩm nổi tiếng nhất viết về cây tre. Đó là bài hát "Làng tôi" với câu mở đầu "Làng tôi xanh bóng tre" của Văn Cao (tác giả của quốc ca Việt Nam), bài tùy bút "Cây tre Việt Nam) của nhà báo Thép Mới và bài thơ cùng tên của thi sĩ Nguyễn Duy.

Các tác phẩm đó là sự kết tinh và thăng hoa tình yêu và lòng biết ơn của người Việt đối với cây tre, loài cây từ hàng ngàn năm đã có sự cộng sinh, cộng cảm với họ. Từ đó, người ta cảm nhận rằng, trong tâm hồn, tính cách của người Việt, dường như có hồn và cốt cách của tre. Nói một cách khác, bản lĩnh, bản sắc của người và văn hóa Việt dường như tương ứng, tương đồng với sức sống, vẻ đẹp của cây tre đất Việt.

Trên thế giới ngày nay, có lẽ chỉ giữa phố phường Hà Nội, người ta mới thấy nhiều đến thế những người nông dân kiêm tiểu thương Việt với chiếc đòn gánh tre hay chiếc xe đạp thồ mang đôi sảo hay sọt tre đi bán hàng rong ngay bên những ngôi nhà cao tầng hiện đại, giữa dòng xe máy, ô tô ồ ạt.

Người ta chợt hiểu vì sao Hà Nội xưa được gọi là "Kẻ Chợ" (tức một cái làng-chợ lớn). Hình ảnh đó đã trở thành một mô típ đặc trưng cho Việt Nam đang đổi mới và phát triển từ những truyền thống của riêng mình.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hóa. Nhiều làng Việt giờ đây đã không còn những lũy tre xanh bao quanh. Nhiều người Việt đã quen dùng đũa nhựa, đũa gỗ thay đũa tre, rổ rá nhựa thay rổ rá tre. Nhưng, cùng lúc đó, một số người nước ngoài sống ở Việt Nam lại thích dùng những chiếc chụp đèn bằng tre, những chiếc chiếu tạo từ tre. Nội thất của nhiều khách sạn, quán ăn đắt tiền được làm hay tô điểm bằng đồ tre, trúc. Sản xuất đồ (mây) tre đan vẫn là một mặt hàng xuất khẩu, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Một lần nữa, cây tre lại cùng với người Việt Nam vươn lên, vượt qua những thử thách của thời đại.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chí Phèo - Thị Nở là biểu tượng văn hóa?

    15/09/2016Võ Thị HàXung quanh vấn đề chọn một biểu tượng duy nhất đại diện cho nền văn hoá Việt Nam, lâu nay vẫn được coi là đậm đà bản sắc dân tộc, có không ít những ý kiến đưa ra. Đó có thể là Quốc Tử Giám, mặt trống đồng, là chim hạc, là bông sen nở, bông sen búp, hoa đào, là chiếc áo dài, nón lá, là cái cổng làng, là con trâu, thậm chí là phở. Xét về bản chất, đó chỉ là những khía cạnh của văn hoá.
  • Nhìn, ngắm và nhận thức lại sự vật

    13/01/2016Phạm Tiến DuậtTrường phái hiện thực trong thơ bao giờ cũng muốn người đời nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, sờ thấy, cảm thấy bằng da, bằng thịt những gì nhà thơ muốn đem lại cho họ. Dường như các nhà lãng mạn thì chỉ muốn người đọc thấy linh hồn của sự vật là đủ và chuỗi hình ảnh mà nhà thơ mang đến...
  • Người nghệ sĩ với biểu tượng Việt Nam

    06/05/2010Vũ Quang ViệtĐã đến lúc ta cần kêu gọi sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ như nhà tạo dáng Cát Tường trong thời hiện đại, làm sao lấy lại được cái vẻ đẹp đơn sơ, thanh thoát, duyên dáng của ngày xưa, không chỉ phản ánh ở cái thích của cá nhân người nghệ sĩ, mà cần tạo sự yêu thích giữa đông đảo quần chúng, đóng góp vào việc nâng tầm thẩm mỹ của người Việt nói chung.
  • “Hoa Anh Đào Nhật bản và cô hàng bánh rán bán rong” hay một triết lý giáo dục mới

    21/04/2009PhD. Nguyễn Thế HùngHình như có một sự liên lạc mơ hồ giữa điệu múa “Hoa Anh Đào khô” của Nhật Bản với các gánh hàng quà rong nhan nhản trên khắp các phố phường Hà Nội. Điệu múa “Hoa Anh Đào khô” cho phép chúng ta nhìn sâu sắc hơn những đặc điểm tâm lý cơ bản dân tộc của Việt nam. Những đặc điểm ấy chi phối mỗi người dân Việt nam chúng ta hàng ngày, hàng giờ, trong mọi hoạt động. Những đặc điểm này làm nên lịch sử và văn hóa của đất nước chúng ta. Nhưng vì những đặc điểm này là máu thịt của ta, nên ta quá quen biết chúng, đến độ xem các đặc điểm tâm lý ấy là tầm thường.