Quan hệ Việt Nam - ASEAN

Chủ tịch, Tổng giám đốc InvestConsult Group
09:10 SA @ Thứ Ba - 20 Tháng Bảy, 2010
Hỏi: Trong buổi làm việc hôm nay chúng tôi muốn phỏng vấn ông về quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN. Xin ông cho biết, người Việt Nam quan niệm về mối quan hệ này như thế nào?

Trả lời: Các bạn biết rằng để trở thành thành viên của ASEAN, Việt Nam phải đi qua một con đường rất dài. Chiều dài thời gian để Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN là chiều dài của cuộc Chiến tranh Lạnh. Và bây giờ, Việt Nam đã là một thành viên chính thức, một thành viên chủ động, một thành viên tích cực, một thành viên rất thực lòng đối với ASEAN. Gần đây, có nhiều dư luận cho rằng Việt Nam chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của các quan hệ với ASEAN. Đấy là một hiểu lầm khá phổ biến. Phải nói rằng, hiện nay, Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều quan hệ quốc tế bên ngoài ASEAN là hệ quả tất yếu của hậu Chiến tranh Lạnh. Và vì thế, trong khi chính phủ chúng tôi cố gắng để giải quyết một loạt mối quan hệ do hệ quả của lịch sử, nhiều người nghĩ rằng chúng tôi bớt chú ý đến các quan hệ với ASEAN. Do vậy, tôi xin nói để các bạn biết rằng, xét trên tất cả các phương diện, cả phương diện chính trị lẫn phương diện khoa học, cả hiện tại và tương lai, quan hệ của Việt Nam với ASEAN luôn là quan hệ quốc tế quan trọng nhất và cơ bản nhất. Không có bất kỳ lý do gì để chính phủ chúng tôi xao nhãng, không xem trọng hoặc không chú ý đầu tư vào mối quan hệ với các quốc gia ASEAN. Các bạn biết rằng hầu hết những địa vị quốc tế quan trọng gần đây của Việt Nam như: Việt Nam trở thành thành viên của WTO, Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, phần lớn dựa trên sự ủng hộ của các quốc gia ASEAN. Và phải nói một cách rõ hơn nữa là hầu hết những chính sách phát triển kinh tế hoặc phát triển quốc gia của chúng tôi đều có yếu tố học tập kinh nghiệm của các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, như tôi đã nói lúc đầu, các quan hệ quốc tế của Việt Nam bao gồm cả yếu tố hiện đại lẫn yếu tố của quá khứ, của Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi vừa phải xây dựng các quan hệ quốc tế cận đại, đặc biệt là với ASEAN, vừa phải giải quyết các quan hệ đã có trong lịch sử của chiến tranh Lạnh. Do đó, phải quan sát một cách toàn diện mới thấy được và mới đánh giá được một cách công bằng thái độ của chính phủ chúng tôi đối với các quốc gia ASEAN.

Hỏi: Xin ông nói rõ hơn về các quan hệ quá khứ của Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh?

Trả lời: Các bạn biết rằng Việt Nam có một cuộc chiến tranh rất dài với người Pháp vào những năm 50 và với người Mỹ từ những năm 60 đến năm 1975. Những cuộc chiến tranh ấy buộc chúng tôi phải có đồng minh. Trong giai đoạn cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, chúng tôi có sự trợ giúp của các đồng minh như nước CHND Trung Hoa, Liên bang Xô Viết... Chúng tôi cũng vay nợ họ để có thể có đủ tiềm lực tiến hành những cuộc chiến tranh đó. Vì thế, sau Chiến tranh Lạnh, chúng tôi phải thực thi một loạt chương trình trả nợ. Nhưng là một nước nghèo, phải nói rằng chúng tôi không chỉ trả nợ bằng tiền mà bằng cả những ứng xử khôn khéo của chúng tôi trong các chính sách đối ngoại hậu chiến tranh.

Cũng may là câu chuyện ấy đã qua rồi. Và tiếp đó, chúng tôi cần phải giải quyết một số nội dung để có thể thật thoải mái trong việc xây dựng các quan hệ đối ngoại khác. Các bạn biết rằng ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một số quốc gia Đông Nam Á cũng là đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Do vậy, để có được sự thông hiểu rõ ràng và có niềm tin chắc chắn đối với các nước Đông Nam Á, chúng tôi phải vượt qua một số khó khăn về mặt tâm lý. Chính các nước ASEAN đã hỗ trợ chúng tôi rất tốt để vượt qua một cách nhanh chóng những khó khăn như vậy. Chính phủ Thái Lan cũng có hoạt động rất tích cực trong chuyện này. Chính phủ Singapore, chính phủ Philippines, chính phủ Malaysia đều bày tỏ thái độ rất thiện chí giúp chúng tôi vượt qua những mặc cảm có tính chất tâm lý của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Bây giờ, có thể nói rằng về mặt tình cảm, người Việt Nam xem các nước ASEAN là đồng minh của mình. Trong cuộc gặp gỡ tại hội nghị APEC ở Hà Nội, chủ tịch nước chúng tôi cũng đã phác thảo sáng kiến để xây dựng cộng đồng khu vực và tôi cho rằng nó rất đáng bàn.



Hỏi: Vậy xin ông dẫn ra những sáng kiến cụ thể mà chính phủ Việt Nam đã làm thời gian gần đây để củng cố quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN?

Trả lời: Phải nói rằng chính phủ chúng tôi không tiến hành bất cứ việc gì làm giảm tình hữu nghị của Việt Nam với ASEAN. Chúng tôi đồng thuận với ASEAN trong tất cả các vấn đề quan trọng của chiến lược khu vực cũng như chiến lược ngoài khu vực. Sự tham gia của chính phủ chúng tôi về khu vực ASEAN phi vũ khí hạt nhân là một ví dụ. Chưa có bằng chứng nào thể hiện chính phủ chúng tôi không tôn trọng một trong những nguyên tắc căn bản của ASEAN là nguyên tắc đồng thuận. Các bạn biết rằng trong một chừng mực nào đó, chúng tôi có những va chạm quyền lợi nhất định với người láng giềng là nước CHND Trung Hoa. Nhưng chính phủ chúng tôi đã rất thận trọng trong việc gìn giữ mối quan hệ với họ. Chính phủ chúng tôi cũng cực kỳ thận trọng để giữ cho được sự yên ổn của khu vực biển Đông, khu vực liên quan đến toàn bộ ASEAN. Chúng tôi cũng có va chạm với Philippines về vấn đề lãnh thổ ở các hòn đảo, nhưng chúng tôi xử lý những chuyện ấy một cách yên ổn đến mức chưa có sự to tiếng nào giữa chúng tôi với người Philippines. Phải nói rằng chính phủ chúng tôi có sự kiềm chế tự giác rất đáng trân trọng trong những va chạm có thể có đối với các nước trong khu vực. Các bạn biết rằng những nhà đầu tư đến từ các quốc gia trong khu vực này như Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan là những nhà đầu tư có địa vị rất cao ở Việt Nam. Đặc biệt, Singapore đã có rất nhiều dự án đầu tư quan trọng tại Việt Nam, thậm chí có cả những khu vực đầu tư quan trọng. Đấy là những bằng chứng rất đáng kể cho thấy sự chân thật của người Việt Nam đối với các quốc gia trong khu vực. Tất cả những hiệp định liên quan đến vấn đề địa lý có tính chất khu vực như vấn đề về sông Mekong, vấn đề về đường sắt liên Á, chính phủ chúng tôi đều tham gia tích cực trong khuôn khổ khả năng của mình.

Hỏi: Về vấn đề đường sắt, theo ông, hệ thống đường sắt liên Á mang lại triển vọng nào cho Việt Nam?

Trả lời: Theo tôi, nếu nhìn ngắn hạn thì triển vọng ấy không nhiều. Tại sao? Bởi vì nền sản xuất, nền kinh tế của Việt Nam hiện nay vẫn còn kém so với các quốc gia tiên tiến trong khu vực, cho nên hệ thống đường sắt ấy chuyên chở từ các bạn đến chúng tôi là chính, tức là nó có giá trị hỗ trợ nhập khẩu. Thế nhưng khi nền sản xuất Việt Nam phát triển hơn, tức là sau một thời gian dài nữa, chúng tôi sẽ xuất khẩu sang các bạn. Lúc bấy giờ, hệ thống đường sắt liên Á mới thể hiện được giá trị bình đẳng trong các quan hệ hợp tác thương mại. Các bạn biết rằng hệ thống đường sắt ấy cũng không phải là hệ thống đường sắt tiên tiến, do khổ đường sắt hẹp. Trong chừng mực nào đó, nó cũng có ích cho Việt Nam trong việc chuyên chở khách du lịch. Tuy nhiên, trong tương quan giữa lượng người đi và đến, cán cân du lịch hiện nay vẫn ở mức cân bằng, tức là người Việt Nam đi và người đến Việt Nam gần như bằng nhau. Vì thế, đối với Việt Nam, nó chưa thể hiện giá trị ưu thế. Nhưng vượt lên trên các lợi ích thương mại cụ thể, nó đem lại lợi ích giao lưu làm cho các dân tộc, các quốc gia trong khu vực trở nên thân thiện và hiểu biết nhau hơn. Do vậy, nó rất có giá trị và đấy là một dự án tốt.

Hỏi: Ông cho rằng phải một thời gian dài nữa hệ thống đường sắt liên Á mới đem lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam. Vậy khoảng thời gian ấy là bao lâu?

Trả lời: Khoảng 10 năm, nếu tất cả mọi điều kiện phát triển tốt. Những sự kiện như suy thoái kinh tế năm 1997 ở khu vực này đã kéo dài thời gian để có những thành quả và đấy là những thứ chúng tôi không chờ đón.

Hỏi: Liệu lạm phát ở Việt Nam có ảnh hưởng đến giai đoạn phát triển trong khoảng 10 năm như ông nói không?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng rất có thể có. Tất cả các lực lượng xã hội của chúng tôi bây giờ đang rất vất vả để khắc phục những hậu quả của lạm phát. Hy vọng sự suy giảm hiện nay của kinh tế Việt Nam là một bài học ngắn hạn để chúng tôi rút ra được kinh nghiệm khắc phục các hậu quả của khủng hoảng. Nó không trở thành một cuộc khủng hoảng thật mà nó là cuộc khủng hoảng mang chất lượng bài học, mang chất lượng thí nghiệm.

Hỏi: Nói về vấn đề phát triển, xin ông cho biết có những nhóm xã hội nào của Việt Nam bị gạt ra khỏi lề của sự phát triển không?

Trả lời: Về mặt lý thuyết, trong mọi nền kinh tế luôn luôn có những nhóm bị gạt ra khỏi lề của sự phát triển. Chúng tôi cũng có hiện tượng như vậy. Tuy nhiên, như tôi đã nói với các bạn, chúng tôi chưa có kinh nghiệm của những cuộc khủng hoảng của các nền kinh tế chuyên nghiệp. Vì thế, chúng tôi cũng chưa hình dung hết tai họa của một cuộc suy thoái thấm sâu vào đời sống của các nhóm xã hội như thế nào. Chúng tôi đang phát triển ở mức mới chỉ đo được một trong những khía cạnh phổ biến của sự suy thoái, đó là khoảng cách giàu nghèo. Đấy là một tiêu chí rất đơn giản để đo đạc tác động của một cuộc khủng hoảng kinh tế đến cộng đồng dân cư. Dần dần, chúng tôi sẽ có kinh nghiệm đo đạc tác động ấy lên các nhóm, các cộng đồng khác nhau trong cấu trúc dân cư của chúng tôi một cách cụ thể hơn.

Hiện nay, những nhóm xã hội bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển có lẽ là những nhóm người chưa được chuẩn bị để hội nhập, trong đó, nhóm rộng lớn nhất và phổ biến nhất là nông dân. Phải nói rằng nông dân chúng tôi canh tác trong những điều kiện hết sức thủ công với sự ứng dụng một cách nghèo nàn những giá trị của khoa học và công nghệ. Vì thế, đời sống sản xuất của họ vẫn chịu tác động của những yếu tố tự nhiên nhiều hơn là sự tác động tích cực của các yếu tố công nghệ. Có hai tai họa lớn mà người nông dân phải chịu khi bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển. Thứ nhất là, các sản phẩm của họ chưa có tên tuổi và chưa đủ trình độ chuyên nghiệp để thâm nhập vào thị trường rộng lớn trên thế giới, giá cả nông sản hoàn toàn chưa cân đối với biến động giá cả của các sản phẩm và phụ trợ như phân bón, hoá chất... Vì thế, thu lợi của người nông dân không nhiều, và họ lép vế trong quá trình phát triển, dường như họ là người đứng nhìn lợi ích của người khác hơn là lợi ích của chính mình. Các bạn biết là các sản phẩm công nghiệp hiện đại xâm nhập vào đời sống xã hội với một tốc độ rất nhanh. Do đó, đời sống người nông dân càng ngày càng lệ thuộc hơn vào sự xâm nhập của các sản phẩm công nghiệp. Như vậy, mặc dù chưa được hiện đại hoá với tư cách một người làm ra tiền bằng con đường nông nghiệp nhưng họ sớm lệ thuộc vào sản phẩm công nghiệp. Đó là tai họa của người nông dân ở các nước đang phát triển. Tôi gọi họ là những người thất thiệt trong quá trình phát triển. Đấy là tai họa thứ nhất của những người bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển. Thứ hai là, công nghiệp hoá bao giờ cũng lấn át đất đai canh tác nông nghiệp nên một loạt nông dân bị đẩy ra khỏi canh tác nông nghiệp và trở thành những người công nhân công nghiệp không chuyên nghiệp. Do đó, cuộc sống của họ không ổn định và càng bấp bênh hơn. Họ trở thành một loại cư dân vãng lai trong các đô thị không chuẩn bị để đón tiếp họ và họ cũng không chuẩn bị đủ điều kiện để sống ở đó. Đấy là một hiện tượng đáng quan tâm nhất cũng như là khó chịu nhất của tất cả các quốc gia đang phát triển từ một nước nông nghiệp.

Hỏi: Xin ông cho biết người nông dân quan trọng như thế nào với Việt Nam?

Trả lời: Việt Nam là nước nông nghiệp, có một nền văn hoá của các nước nông nghiệp cho nên nông dân quan trọng ở chỗ họ sản xuất ra lương thực, và cũng quan trọng ở chỗ họ đồng thời là người duy trì những đặc trưng văn hoá của người Việt. Vì thế, đời sống của họ phản ánh đời sống chủ yếu của các quốc gia nông nghiệp. Do vậy, đời sống của cư dân các nước đang phát triển cũng có những mức độ khác nhau giữa nước đang phát triển về công nghiệp với nước đang phát triển từ một quốc gia nông nghiệp.

Hỏi: Nếu sau này Việt Nam trở thành một nước công nghiệp thì nông dân có còn quan trọng không?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng nông dân Việt Nam vẫn tiếp tục quan trọng. Bởi vì phải mất thời gian rất lâu nữa, chúng tôi mới có thể làm cho thu nhập công nghiệp trở thành thu nhập khống chế đối với nền kinh tế. Và các bạn biết rằng việc xây dựng nền giáo dục để chuyển đổi năng lực lao động từ người nông dân thành người công nhân công nghiệp hiện đại là một quá trình đầu tư vô cùng lớn. Tôi cho rằng đấy là lượng đầu tư quan trọng nhất và lớn nhất đối với việc phát triển một quốc gia có nguồn gốc nông nghiệp. Và bản chất của hoạt động xoá đói giảm nghèo trong một quốc gia phát triển từ một nước nông nghiệp chính là giáo dục và đào tạo.

Hỏi: Tôi đã đi dọc biên giới từ biên giới Việt Nam - Cambodia lên, sau đó tôi sẽ sang cả biên giới Việt - Trung. Xin ông cho biết cửa khẩu Mộc Bài quan trọng như thế nào đối với Việt Nam? Và những loại kinh doanh gì được tiến hành ở đó?

Trả lời: Tôi nghĩ các cửa khẩu bao giờ cũng quan trọng với hai quốc gia có chung nó. Bởi vì nó giúp chính phủ cả hai quốc gia kiểm soát sinh hoạt thương mại của quốc gia mình. Hoạt động thương mại ở cửa khẩu là một loại hình thương mại rất thú vị và cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Chúng ta đều biết dù có cửa khẩu hay không có cửa khẩu thì hàng hoá cũng đi qua các biên giới. Nếu không có các cửa khẩu để chính thức hoá, để hợp pháp hoá các giao dịch thương mại thì vận chuyển hàng hoá qua đấy là buôn lậu. Cho nên những cửa khẩu có giá trị khuyến khích khuynh hướng phát triển thương mại lành mạnh. Nó là một trong những biện pháp khắc phục dần dần tính chất không chuyên nghiệp, tính không hợp pháp của những giao dịch thương mại dọc biên giới các quốc gia chưa phát triển. Tất cả những sản phẩm vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ ở khu vực này, những hàng hoá vi phạm đều giao dịch thông qua các đường biên giới và bất hợp pháp là chính. Các bạn biết rằng tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của nền thương mại hiện đại. Và đấy là một trong những nội dung quan trọng nhất của hầu hết các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Việc mở các cửa khẩu chính thức làm lành mạnh sinh hoạt vùng biên giới.

Hỏi: Vậy những loại hàng hoá nào thường đi qua các cửa khẩu ấy?

Trả lời: Nhiều lắm. Quần áo, mỹ phẩm, các sản phẩm công nghiệp mà thị trường hai bên khan hiếm. Có hai hình thức xâm nhập hàng hoá. Một là hình thức hàng hoá xuất nhập khẩu để phục vụ các thị trường gần của hai vùng biên giới, đối với những cửa khẩu gần khu dân cư thì hình thức này chiếm tỉ trọng rất cao. Hai là hình thức phục vụ các thị trường xa hơn, hàng hoá thường được chọn lọc hơn.

Hỏi: Xin ông cho biết Việt Nam nhập khẩu hay xuất khẩu nhiều hơn qua những cửa khẩu biên giới đó?

Trả lời: Việt Nam hiện nay đang là nước nhập siêu. Qua các cửa khẩu, Việt Nam nhập khẩu hay xuất khẩu nhiều hơn phụ thuộc vào các cửa khẩu ấy nối một nền công nghiệp nào với nền công nghiệp Việt Nam. Các cửa khẩu dọc dãy Trường Sơn, tức là về phía Tây Việt Nam, tiếp giáp Lào và Cambodia nối Việt Nam với những nền sản xuất chưa thật tốt. Như vậy người Thái Lan được hưởng lợi nhiều hơn người Cambodia. Với hai cửa khẩu Mộc Bài và Lao Bảo thì người Thái Lan, người Malaysia cũng được hưởng lợi nhiều hơn chúng tôi. Với các cửa khẩu dọc biên giới Việt Nam - Trung Hoa thì người Trung Quốc có lợi nhiều hơn, vì họ sản xuất hàng hoá với giá rẻ và nó thâm nhập rất nhanh chóng vào các thị trường tiêu dùng rẻ tiền của xã hội Việt Nam. Việt Nam càng chậm phát triển bao nhiêu thì ưu thế của các cửa khẩu như vậy vẫn thiên về nền kinh tế Trung Quốc.

Hỏi: Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng nào qua các cửa khẩu như vậy?

Trả lời: Đấy là một vấn đề đau đầu của Việt Nam. Chúng tôi chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu qua Trung Quốc. Ngoài dầu thô, than đá còn có các mặt hàng lương thực như gạo, cà phê, chè...

Hỏi: Tôi nghe nói có kế hoạch mở cửa khẩu Lộc Ninh, theo ông, cửa khẩu này có quan trọng không?

Trả lời: Nó rất quan trọng cho các hoạt động thương mại thông thường, cho vùng cư dân ở hai biên giới và cho du lịch.

Hỏi: Theo ông, biên giới đất liền và biên giới biển, cái nào có vai trò quan trọng hơn hay đem lại lợi ích nhiều hơn?

Trả lời: Đối với Việt Nam, tất cả những gì Việt Nam xuất khẩu với tư cách là hàng hoá chính thống và có khối lượng lớn đều thông qua đường biển. Đó là dầu thô, than, các sản phẩm được nhà sản xuất nước ngoài tổ chức sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Như vậy, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua đường biển và nhập khẩu nhiều hơn qua cửa khẩu, và hàng nhập khẩu đó cũng chỉ phục vụ cho các thị trường gần. Các bạn biết rằng những đường biên giới của Việt Nam đều gắn với những vùng nghèo và những nước nghèo. Lào và Cambodia chưa phải là những nền kinh tế thực sự phát triển, không phải là những thị trường có sức mua thật lớn để có thể nhập khẩu với quy mô lớn. Đường biên giới đất liền của chúng tôi với Trung Quốc cũng gắn liền với những vùng chậm phát triển của Trung Quốc. Vì thế, phải nói rằng lợi ích trước mắt của cửa khẩu đất liền là chưa có.

Hỏi: Thưa ông, có những nguồn lao động từ nước láng giềng đến Việt Nam không?

Trả lời: Có nhưng rất ít. Lực lượng lao động đến Việt Nam hầu hết là những chuyên gia cao cấp từ các nước phát triển. Rất nhiều người lao động cao cấp của Singapore đến Việt Nam. Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ từ Thái Lan đến Việt Nam. Các chuyên gia từ Mỹ, từ châu Âu đến Việt Nam để điều hành công ty của họ. Các nhà điều hành lớn từ Nhật Bản, từ Hàn Quốc, từ Úc cũng đến Việt Nam.

Hỏi: Như ông nói, những cửa khẩu với các nước láng giềng hiện nay không có ích lắm đối với Việt Nam. Phải chăng đấy là trở ngại làm cho Việt Nam không khuyến khích hoặc không tăng cường phát triển với các nước láng giềng? Chính phủ Việt Nam có chủ ý để cải thiện hoạt động thương mại qua biên giới không?

Trả lời: Không phải nó không có ích mà là không có những lợi ích khuyến khích phát triển thương mại dọc biên giới. Chính phủ chúng tôi rất chú ý đến vấn đề này, không phải chỉ vì lý do thương mại mà còn vì nhiều lý do khác, ví dụ như các quan hệ chính trị. Chúng tôi rất muốn giữ quan hệ chính trị tốt đẹp với người Lào. Chúng tôi không muốn có quan hệ xấu đi hoặc quan hệ ngẫu nhiên với người Cambodia. Chúng tôi hoàn toàn không muốn có quan hệ xấu với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Và do đó, hoạt động thương mại biên giới của chúng tôi là nhằm hỗ trợ sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia có chung biên giới.

Hỏi: Rất cảm ơn ông đã có những nhận định sâu sắc về mối quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực. Tôi được biết công ty InvestConsult của ông là một tổ chức rất nổi tiếng ở Việt Nam.

Trả lời: Có lẽ như thế. Công ty của tôi cũng là một cái tên quen biết với người Singapore. Chúng tôi hợp tác với rất nhiều hãng luật của Singapore. Nhiều công ty, tập đoàn lớn của chính phủ hay của Singapore là khách hàng của tôi, như Kappel Group, Straight Steamship, Fraser & Neave, Temasek... Phải nói rằng, chính sự thành đạt của các nước ASEAN như quốc gia của bạn làm cho chúng tôi, những người dân Việt Nam, những nhà kinh doanh Việt Nam tự tin hơn trong việc phấn đấu để trở thành thương nhân quốc tế, bắt đầu bằng việc trở thành thương nhân có chất lượng khu vực.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Muốn hội nhập, phải thoát khỏi văn hoá làng xã

    29/09/2015M. T. ghiViệt Nam là một dân tộc ngàn đời nay sống bằng nghề nông trồng lúa nước, cho nên toàn bộ văn hoá VN, xã hội VN, cái hay cái dở của VN đều từ văn hoá làng xã mà ra...
  • Sự thay đổi về bản chất ngoại giao nhà nước và vấn đề hai chính sách đối ngoại

    03/02/2015Nguyễn Trần BạtNhững thay đổi cơ bản nói trên ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ ngoại giao của các quốc gia và phá vỡ hình thức quan hệ quốc tế truyền thống. Kể từ khi xuất hiện nhà nước, giao lưu kinh tế, văn hoá, tư tưởng, giữa các quốc gia ngày càng mở rộng, đồng thời với mặt tích cực của quá trình phát triển trên, những mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia cũng ngày càng trở nên căng thẳng và gay gắt hơn...
  • Toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa

    21/01/2015Đinh Quang TổnToàn cầu hóa là một xu thế không thể cưỡng lại đối với tất cả các quốc gia. Chủ động để hội nhập là một thái độ tích cực, khôn ngoan. Chủ động hội nhập là khẳng định đường hướng có chiến lược, có chiến thuật, có kế hoạch cho tùng bước đi. Chủ động hội nhập sẽ khai thác được nhiều nhất những thuận lợi, những cơ hội để dân tộc có nhiều lợi ích nhất...
  • Hai chính sách đối ngoại

    24/04/2014Nguyễn Trần BạtTrong lịch sử phát triển của mình các quốc gia luôn nhận thức ngoại giao là một hoạt động vô cùng quan trọng để các quốc gia đối thoại với nhau, bảo vệ hoặc chia sẻ các quyền lợi của mỗi nước hoặc nhóm nước tuỳ theo tình hình cụ thể của lịch sử...
  • Dòng chảy Việt trong “làn sóng" hội nhập

    17/01/2009Ths. Hà Huy TuấnDòng chảy Việt từ trước và cho đến hôm nay vẫn là những đương đầu và thách thức. Năm mới Kỷ Sửu – năm con trâu – trước những thách thức về kinh tế và hội nhập, thương hiệu Việt Nam hy vọng sẽ ngày càng tỏa sáng trên bản đồ kinh tế và văn hóa nhân loại.
  • Minh bạch để hội nhập

    13/12/2008Đỗ Quang ĐánCả nước dốc sức chăm lo xây dựng cho thương hiệu dân tộc, kéo bạn bè về với mình. Đất nước luôn nhìn thẳng, dám nhìn thẳng, quyết không để "con sâu làm rầu nồi canh". Vẫn hay việc xem xét một con người là hệ trọng, là không thể nóng vội nhưng cũng không thể chậm trễ hơn. Bởi càng chậm thì càng ảnh hưởng đến lợi ích và hình ảnh quốc gia...
  • Hội nhập không chấp nhận quản lý tồi

    05/07/2008Hoàng DzựDù muốn hay không, để phát triển kinh tế xã hội vững mạnh thì cần thiết phải hội nhập với kinh tế thế giới, việc đó giống như một dòng sông cần kết nối với nhiều dòng khác để tránh tình trạng khi thì bị lũ dâng cao, khi thì bị cạn dòng trơ đáy...
  • Việt Nam hội nhập quốc tế

    19/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupTrả lời phỏng vấn của các phóng viên Hãng Strategic Media (SM) do bà Toni De Chang và ông Nikitas Papadopoulos thực hiện tại Hà Nội ngày 15/6/2005 cho chuyên đề “ Vietnam Going Global" của tạp chí Foreign Affairs (Hoa Kỳ)...
  • Làm gì để hội nhập?

    12/03/2007TS Lý Quý TrungToàn cầu hóa đã phát sinh nhiều vấn đề mà chúngta cần nhận diện và giải quyết.
    “Chúng ta có dám suy nghĩ và làm như các doanh nhân thành công trên thế giới từng nghĩ”
    Trước khi bàn về chuyện doanh nhân Việt Nam là ai, cần làm gì để tồntại và phát triển trong môi trường toàn cầu hóa, chúng ta hãy nhận diện một số vấn đề mới phát sinh do toàn cầu hóa mang lại.
  • Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa

    19/07/2005Nguyễn Trọng ChuẩnQuá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay là hệ quả của sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang tính chất đột biến của khoa học và công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Các phương tiện hiện đại của công nghệ thông tin, trước hết là mạng Internet, mạng viễn thông toàn cầu, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin, … đã tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật của toàn cầu hóa.
  • xem toàn bộ