Sự thay đổi về bản chất ngoại giao nhà nước và vấn đề hai chính sách đối ngoại

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
01:41 CH @ Thứ Ba - 03 Tháng Hai, 2015

Những thay đổi cơ bản nói trên ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ ngoại giao của các quốc gia và phá vỡ hình thức quan hệ quốc tế truyền thống. Kể từ khi xuất hiện nhà nước, giao lưu kinh tế, văn hoá, tư tưởng, giữa các quốc gia ngày càng mở rộng, đồng thời với mặt tích cực của quá trình phát triển trên, những mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia cũng ngày càng trở nên căng thẳng và gay gắt hơn.

Điều này giải thích tại sao trong lịch sử phát triển của mình các quốc gia luôn nhận thức ngoại giao là một hoạt động vô cùng quan trọng để các quốc gia đối thoại với nhau, bảo vệ hoặc chia sẻ các quyền lợi của mỗi nước hoặc nhóm nước tuỳ từng tình hình cụ thể của lịch sử. Sự kết thúc chiến tranh lạnh, theo chúng tôi, không đơn thuần là sự gục ngã của một trong hai đối cực, mà là sự phá sản của quan niệm lỗi thời về các quan hệ quốc tế. Thế giới hiện đại là một thế giới liên hệ với nhau chặt chẽ, trong đó vai trò của các lực lượng đa quốc gia hoặc xuyên quốc gia ngày càng lớn, sự hôn phối giữa các nền văn hoá, các dân tộc, các nền kinh tế ngày càng tăng lên và đặc biệt 'là tầm quan trọng của kinh tế đối ngoại đã trở thành một trong những nhân tố quyết định.

Theo chúng tôi có bốn tác nhân quan trọng nhất quyết định những thay đổi về nhiệm vụ ngoại giao của các quốc gia.

Tác nhân thứ nhất: Sự cáo chung của quan niệm đối lập Nhà nước- Quốc tế, trong đó nhà nước được coi như những đơn vị chính trị ích kỷ và do đó bản chất của các quan hệ quốc tế là những tương tác giữa các lợi ích ích kỷ của các nhà nước, tức là các đơn vị chính trị. Quan niệm này có xu hướng tuyệt đối hoá các quan hệ trong lòng nhà nước và coi nhẹ các liên hệ quốc tế Những người theo quan điểm này cho đến nay vẫn tiếp tục coi nhà nước như những đơn vị chính trị ích kỷ và do đó bản chất của các quan hệ quốc tế là những tương tác giữa các các lợi ích ích kỷ của các nhà nước, tức là các đơn vị chính trị. Họ ca rằng mục đích tối thượng của các chính sách đối ngoại là tìm kiếm lợi ích riêng của nhà nước - dân tộc và cái quyết định cho mọi giải pháp quốc tế là so sánh lực lượng trên thế giới, trong đó chủ yếu là sức mạnh quân sự. Chính quan điểm này đã chi phối thế giới trong chiến tranh lạnh. Trong bối cảnh đó, ngoại giao cũng mang nặng những định kiến dân tộc và ý thức hệ. Các hoạt động ngoại giao về cơ bản là đi theo những hành lang vạch sẵn. Các cuộc đối thoại giữa các quốc gia có xung đột về quyền lợi thường như những cuộc nói chuyện giữa những người điếc. Mỗi quốc gia cố gắng đòi hỏi quyền lợi nhiều nhất và thường không hiểu hoặc không muốn hiểu đối tác của họ muốn gì. Cuộc đụng đầu lịch sử giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một minh chứng cho nhận định trên. Nếu xét trên quan điểm đối tác thì hai bên hầu như không hiểu nhau. Năm 1945, bất chấp những cố gắng liên minh của Việt Minh, người Mỹ phớt lờ nguyện vọng tự do độc lập dân tộc của Việt Nam. Về phía mình, sau chiến tranh người Việt cũng hầu như không hiểu và nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của nước Mỹ trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Người Việt hoàn toàn chưa thấy được nước Mỹ như một thị trường lớn nhất thế giới mà mọi quốc gia không thể không xâm nhập, nếu muốn thành công trên con đường phát triển. Nghĩa là cả Việt Nam và Mỹ cũng như nhiều nước khác bị những định kiến về dân tộc và ý thức hệ chi phối.

Tác nhân thứ hai: Vai trò quyết định của kinh tế. Ngày nay, thế giới đã thay đổi về cơ bản. Nhiệm vụ chính trị lớn nhất, quan trọng nhất của mọi quốc gia là hoạt động kinh tế. Sự xuất hiện của những lượng nằm bên ngoài nhà nước buộc nhà nước phải có những thay đổi tương ứng trong hoạt động đối ngoại của mình. Chính phủ nước nào cũng sẽ phải đương đầu với điều này, vấn đề là phải ý thức sớm được chúng để có những bước đi thích hợp và nhanh chóng. Cần phải có đủ nhạy cảm và trí thông minh để đón trước được xu thế đó của thời đại, có những phương sách chính trị đặc biệt nhằm biến các lực lương đa quốc gia thành các đồng minh, tạo ra các tiềm lực phát triển của mình. Cần lưu ý rằng xu hướng co cụm vào các khu vực chỉ là để đối phó với bên ngoài, còn trong nội bộ các khu vục, sự cạnh tranh vẫn diễn ra gay gắt. Bởi thế chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chúng ta khi chúng ta ra nhập các khối kinh tế khu vực. Năng lực ấy lớn hay bé là tuỳ thuộc vào khả năng quyến rũ của chúng ta đối với sự đầu tư của các tập đoàn công nghiệp và tài chính đa quốc gia. Hoạt động này chính là bản chất của việc hình thành một chính sách đối ngoại thứ hai - đối ngoại với các lực lượng đa quốc gia mà chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn dưới đây Nhiều quốc gia đã thực hiện điều đó một cách không tự giác, nhưng trong một tương lai không xa nữa họ sẽ làm một cách hoàn toàn tự giác. Đó là vì họ phải cạnh tranh, họ phải tìm kiếm đồng minh. Trong quá khứ, người ta đã từng làm nhiều cách khác nhau đê lôi kéo những quốc gia cụ thể trở thành đồng minh. Những việc đó ngày nay vẫn tồn tại. Nhưng với nhạy cảm bản năng, những quốc gia có xã hội thương mại sẽ phát hiện ra rằng họ còn phải lôi kéo những lực lương bên ngoài các quốc gia nữa. Và chúng ta không được quyền chậm trễ.

Tác nhân thứ ba: Dân chủ hoá quốc tế về ngoại giao. Sau chiến tranh lạnh, các quốc gia bỗng nhiên tự mình phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị của mình. Thế kỷ 20 đã chứng kiến phong trào giải phóng dân tộc trên quy mô toàn thế giới. Hệ thống thuộc địa và chủ nghĩa thực dân bị xoá bỏ nhưng đồng thời người ta cũng chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự kết thúc của chiến tranh lạnh đã được hình thành từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, phần lớn các nhà nước không thực sự có quyền tự quyết trong lĩnh vực đối ngoại. Trong thời kỳ này sự phân chia về ý thức hệ chiếm ưu thế, trong đó nhiều nhà nước không có năng lực chính trị độc lập và đầy đủ Tuy nhiên, vấn đề dân tộc hoàn toàn không bị lãng quên mà khi có điều kiện, và nhất là khi chiến tranh lạnh kết thúc nó lại bùng phát trở lại không kém phần dữ dội.

Những thay đổi của thế giới trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX đã tạo nên một trật tự thế giới mới, các quốc gia thoát khỏi những ràng buộc chặt chẽ vào các siêu cường. Họ có thể tự do hơn để nói tiếng nói thật của mình. Nhân loại bước vào thời kỳ phát triển nhanh chưa từng thấy, nhưng tình hình không phải là hoàn toàn thuận lợi, thế giới ngày nay vẫn đầy biến động và bất trắc. Nền chính trị thời hậu chiến tranh lạnh giải thoát cho nhiều quốc gia khỏi "quỹ đạo" làm vệ tinh cho các siêu cường nhưng nó lại là cơ hội mới để những mâu thuẫn thâm căn cố để giữa các dân tộc có dịp nổi lên, dẫn đến sự chia cắt thế giới thành những mảnh vụn mang màu sắc dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ hoặc thậm chí là trình độ phát triển. Thế giới ngày nay mang lại cho các dân tộc nhiều cơ hội mới để phát triển nhưng nó cũng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Thực tế cuộc sống đòi hỏi ngoại giao trong thời kỳ hiện nay phải thay đổi về chất để đáp ứng với yêu cầu của thời đại. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là tính độc tuyến của hoạt động đối ngoại thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là thế giới chưa xây dựng được những tiêu chuẩn chính trị lành mạnh để các dân tộc cùng chung sống và phát triển, chưa có nền văn hoá chung để có thể hiểu và chia sẻ quyền lợi cũng như những nghĩa vụ cùng nhau. Các quốc gia mạnh luôn theo xu hướng áp đặt còn các quốc gia yếu hơn thường rơi vào trạng thái cực đoan của những định kiến. Tuy nhiên lịch sử là quá khứ, các dân tộc hoàn toàn và có thể hành động theo những cách khác tốt đẹp hơn so với những gì đã xảy ra trong quá khứ, để cùng nhau kiến tạo tương lai.

Tác nhân thứ tư: Vai trò to lớn của các lực lượng đa quốc gia. Có tài liệu thống kê đã đưa ra tỉ lệ tài sản mà các chính phủ không quản lý nổi, tức là nằm trong các công ty đa quốc gia, chiếm khoảng 48% tài sản của nhân loại. Có thể khẳng định rằng, một quốc gia có nhận được sự hỗ trợ của các lực lượng đa quốc gia hay không còn tuỳ thuộc vào thái độ và những nhận thức của quốc gia đó về các lực lượng đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia đương nhiên bao giờ cũng có mặt ở chỗ mà chính phủ tỏ ra tự do và tôn trọng thương nhân nhất, thuế suất thấp nhất. Họ đến đó để tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn nhưng đồng thời góp phần tạo thêm việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt cho quốc gia nơi họ có mặt. Các lực lượng đa quốc gia là một lực lượng vô định hình, họ có mặt ở chỗ nào có lợi. Do đó, một chính phủ thông minh cần có các chính sách để lôi kéo họ, biến họ không chỉ thành đồng minh kinh tế, đồng minh phát triển, mà thậm chí có thể trở thành đồng minh chính trị. Người ta đã bắt đầu đặt các công ty đa quốc gia bên cạnh các quốc gia, đặt các nhà tài phiệt như Bill Gates bên cạnh những người đứng đầu nhà nước. Đối với các định chế quốc tế cũng có tình trạng tương tự. Thời đại ngày nay mỗi quốc gia chỉ có thể phát triển tốt nếu họ xây dựng một nền kinh tế Thị Trường Mở. Chính sách đối ngoại thể hiện sự tham gia hoặc hợp tác tích cực với các định chế quốc tế không chỉ là thước đo của quá trình hội nhập mà thực chất là điều kiện tiên quyết cho phát triển; lợi dụng được tối đa sức mạnh khổng lồ của các công ty đa quốc gia để phát triển kinh tế đất nước không những là yêu cầu cấp bách của thực tế mà còn thể hiện sự thông minh, sáng suất của mỗi chính phủ. Có thể kết luận rằng, ngày nay một chính phủ cần có hai chính sách đối ngoại: Chính sách thứ nhất để giao dịch, đối phó và chung sống với các quốc gia, tức là ngoại giao giữa quốc gia và quốc gia, giữa quốc gia và các định chế quốc tế, chính sách thứ hai hướng tới các công ty đa quốc gia.

Căn cứ vào những phân tích xu thế phát triển của thế giới, quan điểm mới về đối ngoại của các nước đang phát triển có thể tóm tắt bằng những điểm chính sau đây:

1. Đối với các quốc gia, nhất là các quốc gia nhỏ, chính sách đối ngoại phải phù hợp với vị thế của mình. Chính sách này phải dựa trên một nguyên tắc ổn định nhưng cần phải có cơ cấu cho phép ứng phó linh hoạt với tình hình thế giới luôn luôn biến động nhanh chóng. Nguyên tắc này không biến quốc gia mình thành một nước cơ hội, nhưng đồng thời phải cho phép quốc gia tận đụng mọi cơ hội thuận lợi để phát triển.

2. Nguyên tắc ngoại giao được thể hiện và đảm bảo. Trước hết bởi việc xử lý quan hệ với các cường quốc Chính sách làm bạn với tất cả các nước không thể thay thế tầm quan trọng sống còn của chính sách ngoại giao với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật và EU. Chính sách đúng đắn sẽ giúp chúng ta tiếp cận những cơ hội và tranh thủ được những yếu tố tích cực từ các lực lượng quốc tế và quốc gia có thể tác động tích cực đến sự phát triển của mình.

3. Đối ngoại với các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia đã và ngày càng có tầm quan trọng hơn. Nếu trong quá khứ, mỗi nhà nước chỉ có một chính sách đối ngoại, thực chất là hoạt động của nhà nước nhằm đối thoại với các nhà nước khác cùng phe hoặc khác phe với mình, thì ngày nay mỗi quốc gia cần có hai chính sách đối ngoại: một với quốc gia và một với các công ty đa quốc gia.

4. Toàn cầu hoá là quá trình không thể đảo ngược, do đó, các biện pháp đối nội cần được quan niệm như là quá trình chuẩn bị cho công cuộc hội nhập. Mặt khác việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước.

5. Ngoại giao khu vực cần dựa trên cơ sở những phân tích đầy đủ, khách quan và có tính dự báo, trong đó phải lưu ý rằng các nước láng giềng vừa là đối tác vừa là những đối thủ cạnh tranh trước mắt và lâu dài.

6. Cùng với các nhiệm vụ đối ngoại, cơ cấu và cơ chế hoạt động của chính phủ cũng cần được thay đổi dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trong những điểm này, chính sách ngoại giao với các công ty đa quốc gia là hết sức mới mẻ. Nó sẽ giúp các quốc gia đang phát triểnđạt được hai mục đích chính:

(i) Tận dụng vốn, công nghệ, trình độ quản lý và thị trường để phát triển kinh tế,

(ii) Hỗ trợ giải quyết vấn đề chính trị. Qua đó, các quốc gia đang phát triển có thể phát triển hoặc mở rộng quan hệ với những quốc gia hay những lực lượng mà trong những điều kiện cụ thể không thể giải quyết trực tiếp giữa các quốc gia.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: