Phản biện xã hội
Quan sát cuộc sống chúng ta có thể thấy phản biện là một hoạt động diễn ra hàng ngày. Phản biện là một nhu cầu của cuộc sống bởi nhờ có nó con người có thể loại bỏ những yếu tố sai để tiệm cận tới sự hợp lý trong các quyết định, các hành vi của mình. Trong khoa học, phản biện cũng là một trong những cách thức chủ yếu để các nhà nghiên cứu tiệm cận tới các chân lý khoa học. Còn trong đời sống xã hội phản biện là một công cụ không thể thiếu để tổ chức ra một xã hội dân chủ. Phản biện xã hội là một vấn đề hoàn toàn không mới, loài người đã làm quen với khái niệm này từ rất sớm và biến nó trở thành công cụ hữu hiệu để tạo ra nền dân chủ, tạo sự phát triển về chính trị của nhiều quốc gia tiên tiến.
Trong thời đại ngày nay, phản biện xã hội vẫn là một trong những vấn đề hệ trọng, là đối tượng cần nghiên cứu, nhất là đối với các quốc gia đi sau, các quốc gia đang phấn đấu cho nền dân chủ.
I. Phản biện xã hội là một hoạt động khoa học
Phản biện là một hành vi xác định tính khoa học của hành động của con người, xuất hiện khi con người chuẩn bị hành động. Phản biện làm cho mỗi một hành vi được tiến hành trên cơ sở có một sự xác nhận có chất lượng khoa học đối với nó. Nếu không có phản biện có nghĩa là con người mặc nhiên hành động mà không thèm đếm xỉa đến sự xác nhận của xã hội về tính phù hợp, tính đúng đắn của hành động đó. Phản biện xã hội là một khái niệm chính trị, là biểu hiện đặc trưng chuyên nghiệp nhất của cái gọi là đời sống dân chủ. Phản biện trong một xã hội dân chủ là môt loại "phản hành động"("phản hành động" chứ không phải là "phản động"). Nó xuất hiện song song cùng với các hành động, nó xuất hiện đối lập với tất cả các hành động.
Trong mỗi một xã hội bao giờ cũng có nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Các nhóm lợi ích bao giờ cũng có nhu cầu tiến hành hành động vì một mục tiêu nào đó. Nhưng trên mỗi khía cạnh hay mỗi lĩnh vực của đời sống con người bao giờ cũng có những cách lý giải khác nhau và do đó có những cách hành động khác nhau để đạt được mục tiêu như vậy. Phản biện tạo ra một giai đoạn đệm cho quá trình hành động tự nhiên của các nhóm lợi ích, đó là giai đoạn thảo luận và thỏa thuận. Phản biện làm cho các hành vi chính trị, kinh tế và xã hội trở nên ít chủ quan hơn, tức là sự xung đột của các nhóm lợi ích đã được điều chỉnh thông qua thảo luận và thoả thuận. Nói cách khác, phản biện làm cho những cuộc xung đột trên thực tế trở thành cuộc xung đột của thảo luận, tức là biến sự xung đột lợi ích trong hành động thành các xung đột lợi ích trong thảo luận.
Nếu một xã hội không có phản biện và mỗi hành động đều được đương nhiên tiến hành thì đấy là cách thể hiện rõ rệt nhất tính chất phi dân chủ của xã hội. Bởi vì mỗi một hành động chính trị bao giờ cũng là kết quả thỏa thuận của các khuynh hướng chính trị, một hành động chính trị chỉ có thể được tiến hành khi nó là sự thúc bách của nhu cầu đời sống và để cân đối các nguyện vọng khác nhau của đời sống. Ví dụ trong đời sống hằng ngày của tôi chẳng hạn, nếu tôi luôn cố gắng tạo ra các không gian chính trị trong khuôn khổ tổ chức mình để các phản biện được thực hiện một cách tự nhiên thì chính các phản biện này sẽ làm cho các hành động của tôi trở nên có chất lượng khoa học và do đó kéo theo cả chất lượng chính trị của chúng, làm cho các hành động ấy trở nên đúng đắn. Chính vì vậy, để có một xã hội có chất lượng hành vi đúng đắn cần phải khẳng định tầm quan trọng của các hoạt động phản biện. Phản biện là một đòi hỏi khách quan của đời sống. Nói một cách khái quát, phản biện là một thể hiện của các phản hành động xuất hiện một cách tự nhiên trong một xã hội mà ở đó mỗi con người đều tự do bày tỏ các nguyện vọng của mình. Phản biện góp phần điều chỉnh các khuynh hướng kinh tế, văn hoá, chính trị, làm cho các khuynh hướng đó trở nên khoa học hơn, đúng đắn hơn và gần với đời sống con người hơn.
Cho đến lúc này, ở nhiều nơi, trong một số hệ thống chính trị dường như vẫn chưa có một khái niệm hoàn chỉnh về cái gọi là phản biện. Tất nhiên, trong bất cứ một hệ thống chính trị nào người ta cũng không thể bỏ qua nhân dân được, cho nên tất cả mọi chính sách trong khi xây dựng đều được hỏi ý kiến nhân dân. Nhưng hỏi ý kiến nhân dân là việc trưng cầu dân ý một cách không chuyên nghiệp và hoàn toàn không phải là phản biện. Phản biện là một hoạt động khoa học, phản biện là tranh luận một cách khoa học chứ không phải là hỏi xem anh có đồng ý với tôi hay không. So với trưng cầu dân ý, phản biện hoàn toàn khác về chất. Trưng cầu dân ý là hỏi dân. Phản biện không phải là hỏi dân. Phản biện không phải là nhân dân trả lời mà là nhân dân nói tiếng nói của mình.Và tiếng nói ấy được chuẩn bị một cách chuyên nghiệp bằng trí tuệ, bằng sự thông hiểu lẫn cả dự đoán về sự xung đột lợi ích khi tiến hành một hành động xã hội. Về bản chất chính trị, phản biện là một quyền tự do được xây dựng trên cơ sở quyền tự do ngôn luận. Nếu không xác lập quyền phản biện tức là quyền tự do ngôn luận mà trưng cầu dân ý thì chỉ có hai khả năng: gật và lắc. Nhưng cả gật và lắc đều diễn ra trong im lặng. Im lặng không phải là ngôn luận. Ngôn luận là bày tỏ ý kiến một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học. Đấy là một hoạt động của xã hội dân sự, nhưng không phải là hoạt động nhân dân đơn giản mà là hoạt động thông qua một hệ thống tranh luận chuyên nghiệp.
Nếu trưng cầu dân ý là đi tìm sự đồng thuận đơn giản thì phản biện là đi tìm sự đồng thuận có chất lượng khoa học.Đấy là sự khác nhau về chất lượng giữa phản biện và hỏi ý kiến nhân nhân. Để có được sự đúng đắn thì trong mọi quyết sách nhà nước phải đo sự đồng thuận của xã hội thông qua phản ứng của nhân dân. Để đo được tính đồng thuận xã hội cần phải xây dựng thiết chế cho nó trước. Không thể ngẫu hứng được. Nếu nhân dân chưa biết gì về dân chủ thì không thể trưng cầu ý kiến nhân dân về dân chủ. Trong một xã hội không dân chủ thì nhân dân không có trách nhiệm, mỗi một người không có trách nhiệm mà chúng ta lấy ý kiến của những người không có trách nhiệm thì ý kiến ấy cuối cùng phản ánh cái gì? Đấy chính là căn cứ để các nhà chính trị bỏ qua ý kiến của nhân dân. Sở dĩ không có sự đồng thuận trong các xã hội không phát triển là do người ta vẫn nhầm lẫn giữa phản biện và hỏi ý kiến nhân dân. Muốn có sự đồng thuận có chất lượng, chúng ta buộc phải xây dựng thiết chế phản biện. Các chính sách trước khi thực hiện không những cần phải được đo đạc rất cẩn thận, mà còn phải được xử lý về mặt số liệu một cách cẩn thận, từ đó chúng ta mới có được những chính sách phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống. Sẽ rất mất thì giờ nếu chúng ta chỉ biểu diễn sự đồng thuận bằng các phương pháp trưng cầu dân ý một cách không chuyên nghiệp.
II. Từ phản biện đến phản đối
Như đã nói ở trên, phản biện là trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận, cho nên, nếu không xây dựng nền văn hoá thảo luận thì không thể có nền văn hoá phản biện mà chỉ có nền văn hoá chống đối. Cần phải hiểu rằng phản biện không phải là chống đối. Khất lần phản biện tức là khuyến khích chống đối. Chống đối phát triển thêm một chút là thành phá phách, phát triển thêm chút nữa thành cách mạng. Tự do ngôn luận chính là năng lực đau và kêu đau. Đau và kêu đau là năng lực của cuộc sống để thể hiện tất cả các khuyết tật, các vấn đề bên trong của nó. Nếu không có những quyền như biểu tình và ngôn luận thì con người không có năng lực kêu đau. Biểu tình và ngôn luận là hai cấp độ khác nhau của năng lực kêu đau của đời sống xã hội đối với các chính sách. Biểu tình là phản ứng trực tiếp của người dân, ngôn luận không phải là phản ứng trực tiếp từ người dân mà chủ yếu là phản ứng của bộ phận chuyên nghiệp của xã hội, tức là có những bộ phận điều tra chuyên nghiệp về các cơn đau của xã hội đối với các tác động khác nhau của chính sách. Trong một xã hội phi dân chủ, con người không có các quyền như vậy, không có quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình, quyền lập hội... tức là quyền đề kháng những trạng thái thái quá hay những biểu hiện của trạng thái lộng hành của nhà nước đối với xã hội. Nhưng ngay cả khi nhà nước không ủng hộ, không khuyến khích, thậm chí chống lại, thì những phản ứng như vậy vẫn luôn tồn tại mà không hề biến mất. Trong trường hợp đó, bản năng kêu đau của cuộc sống vẫn tồn tại, nó tích tụ lại ở bên trong và đến một mức nào đó tạo thành những cơn bùng nổ được gọi là cách mạng xã hội. Cách mạng xã hội không phải là cuộc cách mạng chính trị. Cách mạng chính trị là bề mặt của các cuộc cách mạng xã hội, là khía cạnh chuyên nghiệp, khía cạnh bị kích động và khía cạnh được tổ chức của cách mạng xã hội. Còn cách mạng xã hội là nỗi uất ức tồn tại bên trong lòng xã hội, sau khi được các nhà chính trị khai thác và tổ chức mới trở thành các cuộc cách mạng chính trị. Khi đã xuất hiện các cuộc cách mạng xã hội tức là xã hội đã đi quá giới hạn chịu đựng của nó.
Xã hội có thể trở thành sản phẩm của hệ thống chính trị nếu hệ thống chính trị nào không ý thức được rằng chính sách nào thì sinh ra xã hội ấy. Xã hội có thể không vĩnh viễn trở thành sản phẩm của hệ thống chính trị nhưng những trạng thái của nó là hệ quả của hệ thống chính trị ấy. Ví dụ, có những xã hội mà trong suốt một thời kỳ rất dài im phăng phắc, không ai dám nói to tên các nhà lãnh đạo cả. Nếu cứ tiếp tục duy trì như thế thì có thể nói rằng tất cả các trạng thái sợ hãi ấy tạo ra một xã hội sợ hãi. Một xã hội sợ hãi là một xã hội sợ phát triển, sợ thay đổi, một xã hội yên phận thủ thường. Vấn đề đặt ra là chúng ta muốn gì? Với tư cách là các lực lượng xã hội, chúng ta muốn gì thì phải nói rõ, và nhà nước cũng phải tỏ rõ quan điểm là nhà nước muốn gì, tức là phải tạo ra quá trình đối thoại. Không có một xã hội đối thoại giữa các nhóm lợi ích khác nhau thì không thể có phản biện xã hội bởi vì xã hội không có thói quen thảo luận. Khi đó, năng lực phản biện đáng ra xã hội cần có để làm cho đúng đắn hơn các quyết định chính trị của nhà cầm quyền được thay thế bằng sự phản đối xã hội. Sự phản đối xã hội và sự phản biện xã hội là hai cách thể hiện những trạng thái chính trị khác nhau của xã hội đối với nhà nước. Phản biện là hoạt động thân thiện, là hoạt động có trách nhiệm, là sự kết hợp giữa trí tuệ xã hội với trí tuệ của hệ thống chính trị để tạo ra tính chính xác, tính đúng đắn của các quyết định chính trị. Còn phản đối là các phản ứng cực đoan ở những cấp độ khác nhau, cùng phát triển với sự sai lầm của các quyết định chính trị. Nếu không tổ chức phản biện xã hội một cách chuyên nghiệp, một cách đúng đắn và một cách thân thiện thì chắc chắn chúng ta sẽ hướng dẫn xã hội biến hoạt động phản biện trở thành hoạt động phản đối. Khi sự phản đối ấy được chuẩn bị một cách âm thầm cùng với tốc độ tăng trưởng của các sai lầm chính trị thì nó có thể trở thành sự chuẩn bị cho một cuộc cách mạng. Đó là tất yếu.
Phản biện xã hội chính là biện pháp thay thế sự chống đối xã hội, hay nói cách khác, cần phải thay thế tự do cãi cọ bằng tự do ngôn luận. Ở nước Anh, trong công viên Hyde Park người ta dành riêng một khu cho những người muốn nói xấu Nữ hoàng và Thủ tuớng. Ở đấy người ta có thể nói thoải mái để xả hết cơn tức. Do sự bức xúc của đời sống nên con người có những nhu cầu như vậy. Sự va chạm tự nhiên của các nhóm lợi ích hay của các lợi ích tạo ra sự cãi cọ. Cần phải hướng dẫn những sự cãi cọ bản năng trở thành những cuộc thảo luận chuyên nghiệp mà biểu hiện cao nhất của nó là phản biện thì mới có thể có một xã hội ổn định và phát triển.
III. Điều kiện để phản biện xã hội trở thành một hoạt động có chất lượng khoa học
Muốn có phản biện xã hội thì trước hết xã hội phải có thói quen thảo luận, mà muốn tạo thói quen thảo luận cho xã hội thì nhất thiết phải trả lại cho xã hội cảm hứng nói,tức là trả lại cho xã hội quyền tự do ngôn luận để khích lệ xã hội tham gia vào những cuộc thảo luận hoặc tranh luận trên quy mô xã hội về tất cả các vấn đề. Khi xã hội được huấn luyện thông qua những cuộc thảo luận như vậy thì xã hội mới có đủ năng lực để phản biện những vấn đề hệ trọng khác, vì khi nói đến phản biện xã hội tức là phản biện những vấn đề hệ trọng của đời sống chính trị. Cho nên, điều kiện thứ nhất là cần phải thực thi tự do ngôn luận. Phản biện là biểu hiện chuyên nghiệp của việc người ta thực thi quyền tự do ngôn luận nên phải khẳng định quyền tự do nói trước. Tự do ngôn luận là quyền đầu ra của mọi ý kiến phản biện. Nếu không có tự do ngôn luận thì không có cách gì để phản biện. Không có quyền nói thì anh cứ nghĩ mãi và anh có nghĩ kiểu gì, nghĩ hay đến mấy mà không nói được thì cũng vô ích vì anh không có cách gì để thể hiện được ý nghĩ ấy. Nếu hạn chế quyền tự do phổ biến các quan điểm thì có nghĩa là dành toàn bộ các quyền tự do cho một loại quan điểm và nếu xã hội chỉ được hướng dẫn bằng một loại quan điểm thì vô cùng nguy hiểm vì nó tất yếu sẽ dẫn đến sự đơn điệu và lệch lạc của đời sống. Cho nên, tự do ngôn luận chính là một trong những chìa khoá cực kỳ quan trọng để làm cân bằng tất cả các khuynh hướng, để mỗi một điểm trong đời sống xã hội nhận được nhiều thông tin khác nhau giúp cho các thành viên trong xã hội có năng lực lựa chọn. Bản chất của tự do là quyền được lựa chọn và sự phong phú để lựa chọn. Muốn có sự phong phú để lựa chọn thì con người phải có quyền phổ biến quan điểm, tức là quyền tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận là tiền đề, là điều kiện cơ bản để con người thực thi các quyền tự do lựa chọn.
Thứ hai, phản biện xã hội là trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận cho nên nó cần có sự tham gia của hai lực lượng, lực lượng thứ nhất là để nói một cách chuyên nghiệp và lực lượng thứ hai là để nghĩ một cách chuyên nghiệp.Trước khi nói phải nghĩ, nghĩ chuyên nghiệp là giới trí thức và nói chuyên nghiệp là giới báo chí. Phản biện xã hội là sự tranh luận một cách chuyên nghiệp giữa các lực lượng xã hội với nhau hoặc là với nhà cầm quyền để tạo sự chính xác chính trị của mỗi một hành động có chất lượng chính sách hoặc định hướng, cho nên, nếu không có sự tham gia của hai lực lượng này thì quá trình còn lại là quá trình phản ứng xã hội chứ không phải là phản biện xã hội.
Vấn đề của những nước chậm phát triển là cần phải xây dựng một đội ngũ trí thức. Tại sao lại đặt ra vấn đề này? Bởi vì với chất lượng con người ở những nước này thì chưa thể có đội ngũ trí thức tiên tiến được. Đội ngũ trí thức ở đó mới đạt đến trạng thái hơn nhân dân và họ tự hào là mình hơn nhân dân. Đó là nỗi đau khổ lớn nhất và là chỉ tiêu tập trung nhất để mô tả tình trạng chậm phát triển của xã hội. Khi nào giới trí thức nhận thức được rằng trí thức là tội đồ của nhân dân, có sứ mệnh nghĩ hộ nhân dân, nghĩ trước nhân dân và biết biến nhân dân trở thành đồng minh của sự suy nghĩ của mình thì đấy là dấu hiệu bắt đầu của sự phát triển. Vở kịch "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" của Nguyễn Đình Thi cách đây gần ba chục năm đã nói điều này, đó là người trí thức phải nói hộ nhân dân. Tuy nhiên, người trí thức nói hộ nhân dân thì vẫn chưa đủ để tạo ra sự đồng thuận xã hội. Người trí thức không chỉ nói hộ nhân dân mà quan trọng hơn là phải hướng dẫn nhân dân để tạo cho nhân dân thói quen nói lên tiếng nói của chính mình.
Khi người trí thức yêu nhân dân của mình thì thành đạt bao nhiêu cũng không đủ, cũng không làm cho người ta thoả mãn bởi lý tưởng của tri thức nằm trong nỗi khổ, trong sự suy nghĩ của nhân dân chứ không phải nằm trong sự thành đạt của cá nhân. Những trí thức Pháp ở thời kỳ Khai sáng chính là những ví dụ về tầng lớp trí thức coi mình là tội đồ của nhân dân. Nhà nước Pháp truy bắt Diderot, truy bắt Montesquieu, truy bắt Voltaire. Voltaire phải trốn lên biên giới trong các nhà thờ lớn của nước Pháp, ở đấy ông ta viết những tác phẩm về tự do. Montesquieu và Diderot cũng thế. Cho nên, xã hội muốn phát triển thì việc đầu tiên là phải phát triển đội ngũ trung lưu của xã hội mà ở những nước chậm phát triển thì tầng lớp trung lưu của xã hội là những người trí thức, chứ không phải là những kẻ buôn bán lắm tiền.
Bộ phận nói chuyên nghiệp là giới báo chí ở những quốc gia chậm phát triển cũng có những vấn đề của nó. Do sự bức xúc của đời sống nên giới báo chí thường có xu hướng cứ đòi hỏi, cứ làm to tất cả những thứ thực ra rất khiêm tốn, rất gần gũi với đời sống con người. Đấy chính là một trong những nhược điểm của giới báo chí. Tôi cho rằng chúng ta không nên đao to búa lớn, không nên gạch chân dưới những đòi hỏi của mình. Chẳng hạn, trong một chế độ chính trị chịu sự chi phối của quá khứ mà đòi hỏi các nhà chính trị phải thay đổi hay phải cắt bỏ ngay những bộ phận đã được mã hoá bởi quá khứ ra khỏi cơ thể chính trị thì đó là đòi hỏi khó chấp nhận. Nhưng nếu chúng ta đưa ra những đòi hỏi về xã hội dân sự thì đấy lại là quyền rất chính đáng. Chúng ta hãy đòi hỏi một cách từ tốn tất cả những gì cần cho đời sống con người. Hãy chia nhỏ tất cả những đòi hỏi lớn.Chúng ta xây dựng nền dân chủ bằng việc xây dựng các quyền nhỏ nhoi liên quan đến thân phận con người trước. Và chúng ta thấy rằng tất cả những thứ nhỏ nhoi khiêm nhường ấy không chỉ chúng ta cần, mà con cái những nhà chính trị cầm quyền cũng cần. Họ thấy sự gần gũi của những đòi hỏi của chúng ta so với những đòi hỏi của con cái họ và họ không thấy nguy cơ chính trị nào trong những đòi hỏi ấy cả, hay nói cách khác, chúng ta sẽ có được sự cảm thông chính trị rất con người giữa chúng ta và họ, đấy chính là mục tiêu và là phương thức tối ưu của hoạt động báo chí.
Có nhiều người cho rằng chức năng thức tỉnh cảm hứng xã hội cũng như thức tỉnh nhận thức xã hội là của báo chí, nhưng báo chí lại không có đủ quyền tự do thì làm thế nào để xã hội có thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn ấy được. Xét về mặt định tính thì có vẻ như ý kiến ấy là đúng, nhưng trên thực tế thì không đúng. Anh có tự do đến đâu thì anh hãy tận dụng cho hết cái không gian ấy đi. Nói to quá trong một căn phòng bé thì chỉ làm váng tai người nghe, cho nên, hãy nói những điều vừa phải trong một không gian thích hợp, hãy khích lệ mọi người và dần dần họ sẽ đòi một không gian lớn hơn. Các không gian tự nó nở ra cùng với thời gian, cùng với trí tuệ của con người chứ không phải nở ra bằng sự nói to của bất kỳ ai. Chúng ta có nói to mấy cũng không làm thủng được bức tường chính trị, nhưng nếu người dân đòi hỏi thì bức tường ấy sẽ tự giãn. Cho nên phải kiên nhẫn. Nếu chúng ta xem chính trị là một cuộc đấu tranh thì chúng ta hiểu sai toàn bộ giá trị của đời sống chính trị. Chính trị không phải là đối lập, không phải là đối kháng, không phải là đấu tranh, chính trị là quá trình xã hội thuyết phục lẫn nhau về sự hợp lý cho sự phát triển. Và phản biện xã hội chính là một trong những cách thức để thực hiện quá trình ấy.
Trong thời đại ngày nay, chúng ta không thể tiếp tục xem động lực phát triển của xã hội là đấu tranh giai cấp mà phải xem sự phát triển dân trí là động lực của sự phát triển. Trước khi làm cho dân chúng trở thành những người có chất lượng chính trị tốt thì phải giúp họ trở thành người tốt đã. Bởi vì những người muốn làm người tốt có số lượng lớn hơn rất nhiều so với những người muốn tham gia tốt vào đời sống chính trị. Chúng ta hãy góp phần làm cho con người trở thành người hơn đã. Trên nền tảng ấy, con người mới có điều kiện để nhận thức về sự phải chăng của đời sống chính trị. Chính trị phải được phán xét bởi chất lượng con người, chứ không chỉ bởi chất lượng của nhà chính trị. Chúng ta có một nghìn nhà chính trị tốt nhưng chúng ta có một triệu người dân tồi thì xã hội cũng không thể tốt lên được. Nhưng chúng ta có một triệu người dân tốt mà chúng ta chỉ có 10 nhà chính trị tốt và có 90 nhà chính trị tồi, thì xã hội vẫn tốt lên. Cách mạng tháng Tám là một ví dụ về một xã hội như thế. Các nhà chính trị dựa vào chất lượng tử tế của xã hội Việt Nam thời đó đã tạo ra được cuộc cách mạng tháng Tám. Cho nên, để hướng dẫn người dân làm chính trị tốt, trước hết cần phải hướng dẫn họ làm người tốt. Đấy là lời khuyên của tôi với tư cách là một phản biện xã hội đối với báo chí. Báo chí cần phải góp những tiếng nói có hệ thống để xã hội thức tỉnh về câu chuyện tổ chức và rèn luyện nền dân chủ một cách từ tốn, một cách yên tĩnh để khi con người già rồi, ngẩng đầu lên, thấy trên đầu mình có nền dân chủ.
IV. Thiết chế phản biện xã hội
Xã hội dân sự với vai trò phản biện và vai trò trọng tài
Xã hội dân sự là một xã hội tự cân bằng. Chính sự tự cân bằng của xã hội đã tạo ra nhà nước và đặc biệt là tạo ra chức năng và nội dung của hoạt động nhà nước. Ở mỗi một thời đại, mỗi một thể chế chính trị hoặc mỗi một trình độ phát triển, nội dung của xã hội dân sự khác nhau. Gần đây, khi nói đến xã hội dân sự người ta vẫn nói đến các tổ chức độc lập với nhà nước, tức là các tổ chức phi chính phủ. Tôi có phát biểu tại Singapore trong một cuộc hội thảo rằng tôi không đồng ý với cách định nghĩa này, vì các tổ chức phi chính phủ chỉ là một biểu hiện của xã hội dân sự chứ không phải là toàn bộ xã hội dân sự. Nó là biểu hiện ở một trạng thái phát triển nào đó, ở một số quốc gia nào đó của xã hội dân sự chứ không phải là xã hội dân sự.
Xã hội dân sự là xã hội phi nhà nước. Xã hội dân sự tồn tại song song với nhà nước. Nó có các quy tắc văn hóa để hạn chế tất cả sự cực đoan, tất cả những hành vi không phù hợp với lợi ích công cộng. Trong đời sống dân sự hàng ngày con người ít cần đến nhà nước, con người có những tổ chức phi chính phủ để thể hiện những loại hình ý chí khác nhau của cộng đồng, họ thương thảo với nhau và tạo ra sự đồng thuận xã hội. Người Á Đông chúng ta không quen với xã hội dân sự cho nên định nghĩa về xã hội dân sự của chúng ta hiện nay vẫn không đúng. Xã hội dân sự mà chúng ta định nghĩa vẫn là cái gì đó có tính chất tôn trọng nhân dân nhưng lại không tôn trọng quyền tự cân bằng của xã hội. Ở một số quốc gia, nhà nước là tất cả, luôn luôn tồn tại nhà nước để giải quyết một loạt các vấn đề mà nhà nước cho rằng xã hội dân sự không làm được. Việc pháp luật không thừa nhận tình trạng không có nhà nước trong một loạt các khu vực khác nhau của đời sống làm cho nó mất đi những điều kiện tồn tại của xã hội dân sự.
Cần phải nhấn mạnh rằng, bản chất của xã hội dân sự là tính tự lập của xã hội, tức là xã hội phải giải quyết các vấn đề của nó. Nhà nước là một bộ phận của xã hội nhằm giải quyết những vấn đề có chất lượng chiến lược của đời sống chứ không phải là người giải quyết tất cả các vấn đề của đời sống. Xã hội dân sự là một xã hội tự quản lấy mình và đến một mức độ mà nó không có khả năng để tự quản nữa thì phần còn lại đó rơi vào nhà nước chuyên nghiệp. Hay nói cách khác, nhà nước chuyên nghiệp là bộ phận nối dài của xã hội dân sự để giải quyết những công việc mà bản thân xã hội không tự giải quyết được.
Sẽ không thể có hoạt động phản biện xã hội nếu xã hội dân sự không được tôn trọng hoặc không có được địa vị hợp pháp của nó. Bởi thứ nhất, phản biện là một quyền tự nhiên, là tiếng nói của xã hội dân sự, xã hội không có địa vị hợp pháp thì có nghĩa là quyền ấy cũng không hợp pháp. Vậy làm thế nào để xã hội thực hiện quyền phản biện? Thứ hai, xã hội cũng chính là trọng tài của các cuộc phản biện, hay nói đúng hơn là trọng tài giữa các khuynh hướng khác nhau tranh luận với nhau thông qua phản biện, Sự đánh giá đúng sai được thể hiện bằng sự hoan hô của xã hội đối với từng loại ý kiến, đối với từng mức độ chất lượng của ý kiến. Nếu xã hội không được tôn trọng, xã hội không có địa vị hợp pháp thì liệu xã hội có thể tự do thể hiện sự hoan hô của mình đối với những ý kiến có chất lượng không? Và khi đó phản biện xã hội liệu có còn tác dụng? Cho nên, vấn đề ở đây là chúng ta cần phải xác định rõ vai trò và địa vị của xã hội dân sự để có được quan niệm đúng đắn về xã hội dân sự, dựa vào đó mà thức tỉnh xã hội về những quyền hợp pháp của mình, đồng thời thức tỉnh nhà nước về việc tôn trọng địa vị hợp pháp của xã hội dân sự.
Nhà nước với chức năng quản lý hoạt động phản biện
Như đã nói ở trên, phản biện là một đặc trưng của nền dân chủ. Chỉ có những nhà nước mạnh mẽ thì mới thừa nhận một cách công khai và rõ ràng các quyền tham gia vào đời sống chính trị của người dân. Nếu quyền tham gia vào đời sống chính trị của người dân không được khẳng định một cách tự nhiên thì đó là biểu hiện của sự bất lực hoặc sự ép của nhà nước. Tuy nhiên, khi nhà nước thừa nhận cái quyền ấy mà xã hội vẫn không tham gia thì nó thể hiện tính chậm phát triển về chính trị của xã hội. Trong tình trạng như vậy nếu nói là nhà nước không cho thì không đúng vì nó không khoa học. Trong mọi trường hợp, chúng ta đều phải phân tích một cách khoa học. Quyền tham gia một cách tự nhiên vào đời sống chính trị phải được kiểm soát một cách an toàn bởi nhà nước, bởi vì nhà nước mà không kiểm soát sự an toàn chính trị trong quá trình các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình ấy thì nhà nước không hoàn thành chức năng của nó là bảo vệ sự yên ổn của xã hội. Nhưng nếu nhà nước làm quá lên thì nhà nước tiêu diệt năng lực sống của xã hội hay hạn chế các quyền sống tự nhiên của xã hội. Cái sai ở đây là nhà nước nhận thức sai về vùng ảnh hưởng của mình đối với sự phát triển. Anh tưởng là người dân tham gia vào các tiến trình chính trị thì đất nước sẽ không ổn định thì đó là nghĩ sai. Bắt đầu từ nghĩ sai cho nên dẫn đến làm sai. Nên hiểu rằng nếu nhân dân tham gia một cách tích cực trong khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật vào các tiến trình chính trị thì đấy chính là mở rộng động lực phát triển của xã hội. Khi chúng ta đi khám bệnh mà không định hướng được căn bệnh thì chúng ta sẽ phạm sai lầm. Để hoàn tất các chức năng chính trị đảm bảo yên ổn xã hội, một số nhà nước đã làm quá nên làm cản trở tiến trình phát triển, cho nên, nhiệm vụ của nhà nước là phải xác định được ranh giới hợp lý của quản lý. Đo đếm cái ranh giới hợp lý giữa tự do và quản lý là toàn bộ trí tuệ của nhà cầm quyền.
Gần đây, trong xã hội chúng ta cũng xuất hiện nhiều tranh luận về vấn đề phản biện xã hội. Về phía nhà nước cũng có những chính sách vĩ mô khuyến khích phản biện xã hội, cụ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được giao thực hiện phản biện xã hội. Đấy là những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên có một vấn đề nên xem xét đó là liệu có nên giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện một hoạt động vốn dĩ là quyền tự nhiên của xã hội? Như đã phân tích, phản biện xã hội là hoạt động tự nhiên của xã hội, nó thể hiện quyền tự nhiên của xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đủ cơ sở pháp lý cũng như khoa học để có thể thực hiện chức năng phản biện. Nó có thể lãnh đạo hoạt động phản biện nhưng nó không phải là tổ chức phản biện. Phản biện là xã hội nói tiếng nói của mình để những người đưa ra các chính sách buộc phải uốn nắn lại chính sách của mình, buộc phải cân bằng lại khuynh hướng của mình cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không phải là một tổ chức làm được việc ấy và cũng không nên làm việc ấy. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức tập hợp các lực lượng quần chúng của xã hội Việt Nam, có nghĩa là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức nối dài của nhà nước trong đời sống quần chúng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bắt sâu rễ trong đời sống xã hội, do đó, nó có điều kiện để nắm bắt nguyện vọng và tổ chức cho các nguyện vọng khác nhau có tiếng nói. Cho nên, nếu nói rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ nhà nước trong việc tổ chức và lãnh đạo hoạt động phản biện thì mới nhất quán với hệ thống chính trị hiện nay chúng ta đang thừa nhận.
V. Đi tìm giải pháp cho giải pháp
Tìm kiếm sự phát triển trong thời đại ngày nay đã trở thành động cơ của tất cả các nghiên cứu khoa học. Chúng ta đi tìm các giải pháp khoa học để góp ý với giới cầm quyền trong việc tìm kiếm sự phát triển, nhưng để cho giải pháp mà chúng ta nghiên cứu trở thành giải pháp trong thực tế thì phải có giải pháp của giải pháp. Giải pháp của giải pháp là các quyền tự do. Nghiên cứu phản biện xã hội chính là nghiên cứu về quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền tự do cơ bản. Không có quyền này thì các quyền tự do khác khó có thể trở thành hiện thực. Bởi vì như đã phân tích, ngôn luận chính là quyền tự do lựa chọn và bày tỏ về sự lựa chọn của xã hội, nếu xã hội không có quyền lựa chọn thì xã hội sẽ không có tự do. Do đó, trong quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ phản biện xã hội cần phải được biến thành một quyền phổ biến. Như đã phân tích ở những phần trên, xã hội phải có khả năng nói tiếng nói của mình nhưng nhà nước với chức năng chủ yếu của nó là đảm bảo an ninh xã hội vẫn cần có những hoạt động quản lý. Cho nên, vấn đề cần nghiên cứu là làm thế nào để hoạt động quản lý của nhà nước không lấn át xã hội đến mức tạo ra nguy cơ đẩy xã hội vào tình trạng bất hợp pháp hoặc mất năng lực phản biện. Tôi cho rằng để giải quyết được vấn đề này, chúng ta phải nhận thức một cách rõ ràng về vai trò của xã hội dân sự và mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của xã hội dân sự và qui mô của nhà nước.
Đã từ lâu, tất cả chúng ta quá quen thuộc với quan điểm nhà nước là một hiện tượng lịch sử có đầu và có cuối, có nghĩa là nhà nước sẽ biến mất khi không còn giai cấp, đến mức chúng ta tin chắc rằng đó là quy luật bất di bất dịch. Đấy chính là một trong những bế tắc trong lý luận về nhà nước. Theo quan điểm của tôi, nhà nước tồn tại vĩnh viễn bởi vì xã hội tồn tại vĩnh viễn. Xã hội dân sự tồn tại vĩnh viễn, sự nối dài, sự chuyên nghiệp hoá trong việc điều hành xã hội là vai trò của nhà nước, do nhà nước thực hiện và nó tồn tại vĩnh viễn. Nhà nước không biến mất cùng bất kỳ cái gì cả trừ khi biến mất loài người. Tôi cũng không nghĩ rằng có một quy luật là xã hội càng phát triển thì vai trò của nhà nước càng thu hẹp lại. Bởi vì cuộc sống có nhiều pha, trong đó có thể sắp xếp thành hai pha cơ bản là bình thường và khủng hoảng. Trong sự phát triển bình thường, nhà nước quả thật có thể thu hẹp chức năng lại. Nhưng trong những giai đoạn khủng hoảng của đời sống phát triển, nhà nước sẽ có những chức năng mở rộng ra. Ví dụ, ở Mỹ chúng ta thấy rằng nhà nước dưới thời của Tổng thống Bill Clinton là một nhà nước thông thường. Các quyền tự do thông thường của người dân được đảm bảo và được tôn trọng một cách đầy đủ. Nhưng khi đến thời Tổng thổng Bush, sau sự kiện 11/9 thì xã hội khủng hoảng, do đó, chính phủ Mỹ buộc phải thay đổi và nó lấn át một số quyền đương nhiên của xã hội dân sự. Vì thế, tổng thống có quyền nghe lén điện thoại không phải để phục vụ những mục tiêu riêng của tổng thống mà phục vụ chức năng quản lý xã hội trong thời chiến. Cho nên, không phải là càng ngày nhà nước càng thu hẹp mà các yêu cầu của xã hội dân sự đối với vai trò của nhà nước trong mỗi một pha khác nhau của đời sống phát triển là rất khác nhau. Vì thế, không có quy luật xã hội càng phát triển thì nhà nước càng thu hẹp vai trò. Xã hội càng phát triển thì càng dễ có những sự bùng nổ, những sự bùng nổ của đời sống phát triển tạo ra những đòi hỏi mới, những đòi hỏi có thể là thu hẹp, có thể là mở rộng nhà nước. Nói cách khác, quy mô của nhà nước cũng như những chức năng của nó phát triển nhịp nhàng với sự đòi hỏi về vai trò của nhà nước của đời sống. Ở đây không có sự mâu thuẫn, vai trò của nhà nước đến đâu là do đòi hỏi điều hành của xã hội chứ không phải là nhà nước đòi hỏi xã hội phải mở rộng hoặc thu hẹp vai trò của mình. Nhà nước là một hệ thống chính trị mang chất lượng bị động đối với sự phát triển.
Theo một kết quả khảo sát thì hiện nay ở các nước phát triển, mỗi năm chính phủ giải quyết khoảng từ 350 - 450 đầu việc. Một số nước đang phát triển như Trung Quốc thì một năm chính phủ giải quyết khoảng 1200 đầu việc, ở Việt nam là khoảng 6000 - 6500 đầu việc. Nhìn nhận một cách đơn giản thì có vẻ như những kết quả nghiên cứu như vậy phản ánh rằng trình độ của xã hội càng cao thì nhà nước càng ít việc đi, nhưng nhà nước chỉ ít những việc thông thường chứ không hề ít việc trong việc tìm kiếm con đường phát triển của xã hội. Nghiên cứu vai trò của nhà nước thông qua đầu việc chỉ là một loại nghiên cứu về trạng thái phát triển của xã hội chứ không thể là nghiên cứu về trạng thái phát triển của nhà nước. Trạng thái phát triển của nhà nước là nó đảm bảo khả năng hướng dẫn sự phát triển xã hội của nó chứ không phải là nó làm thay xã hội những công việc hằng ngày. Kết luận rằng xã hội càng phát triển, nhà nước càng ít việc thì tôi không đồng ý. Tôi cho rằng xã hội càng phát triển thì vai trò của nhà nước càng lớn bởi vì nhà nước không còn là một bộ máy để làm những việc thông thường mà nhà nước trở thành bộ não chỉ đạo sự phát triển xã hội. Đấy chính là mục tiêu mà các nhà nước cần hướng tới.
Để đi đến mục tiêu ấy, trước hết cần phải tạo ra một tiền đề cho nó, đó chính là đưa xã hội ra khỏi tình trạng lạc hậu phổ biến của nó. Chúng ta không thể khăng khăng đổ hoàn toàn lỗi cho nhà nước rằng xã hội lạc hậu vì nhà nước tồi được, bởi vì nhà nước sản sinh ra từ chính xã hội. Ở những xã hội lạc hậu, con người không có khả năng phản biện, thậm chí cũng không có năng lực phản đối và họ thay thế sự phản đối bằng sự bất mãn yếm thế. Sự bất mãn yếm thế tạo ra trạng thái lãn công chính trị, sự lãn công chính trị dần dần tạo ra sự lười biếng chính trị, sự lười biếng chính trị là nguồn gốc của tất cả mọi sự chậm phát triển. Khi xã hội không tham gia vào các quá trình chính trị thì có hai nguyên nhân: thứ nhất là nó không đủ năng lực và trí tuệ để tham gia vào các khuynh hướng chính trị và thứ hai là nó không có quyền tham gia. Nhưng như đã nói ở trên, trong trường hợp nguyên nhân thứ hai đã được loại trừ mà xã hội vẫn không tham gia thì nó thể hiện tính chậm phát triển về chính trị của xã hội. Chính vì vậy chúng ta cần phải thức tỉnh về một thực tế là tư duy cần cho một xã hội chậm phát triển bây giờ là tư duy vượt lên trên trạng thái lạc hậu.
Trong khi nghiên cứu về Tự do, tôi thấy rằng các xã hội phương Đông không phát triển bằng phương Tây vì phương Đông thiếu tự do. Người Trung Quốc chẳng kém gì người Tây, nền văn minh Trung Hoa có trước nền văn minh châu Âu, nhưng vì không có tự do cho nên họ không ra khỏi trạng thái lạc hậu của chính mình được. Anh nghĩ về những điều cá nhân anh tâm đắc mà không biết rằng sự nghĩ của riêng anh không tạo ra sự phát triển được vì nó không tạo ra cảm hứng xã hội. Đến bây giờ, người viết về trăng hay nhất của nước Trung Hoa chỉ có hai nhà thơ là Lý Bạch và Đỗ Phủ. Một tỉ ba người dân Trung Hoa không làm thơ về trăng hay được như họ, vì con người không thể có cảm hứng trong khi người ta đang nghĩ về miếng bánh. Trong bộ phim "Phải sống" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, ông bác sĩ, nạn nhân của cách mạng văn hoá, mà gia đình ông Phú Quý đón về để cứu con gái mình đã chết vì ăn liền một lúc bảy cái bánh bao. Trong khi người ta mải nghĩ về cái bánh bao thì trăng chẳng có nghĩa gì cả. Cho nên, cần phải trả lại cho đời sống Tự do và làm cho con người thức tỉnh một cách tập thể về giá trị của Tự do. Và những nhà lãnh đạo mọi nước trên thế giới cần phải hiểu rằng Tự do là nguồn gốc của sự sống, nguồn gốc của việc hình thành các giá trị con người, nguồn gốc của phát triển. Không có tự do thì không có giải pháp nào, không có trí khôn nào có thể đưa một đất nước ra khỏi tình trạng chậm phát triển được.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn